TTCT - Lẫn trong rác thải đô thị là một nguồn tài nguyên ẩn khổng lồ cần được khai phá thông qua "khai mỏ đô thị" (urban mining), một phần quan trọng của việc xây dựng kinh tế tuần hoàn. Ảnh: iStockTrong một bài viết chung cho trang The Conversation hôm 2-10, ba chuyên gia về quản lý đô thị và phát triển bền vững cho rằng khai mỏ đô thị có thể phục hồi những nguồn tài nguyên "ẩn" - gồm vàng, thép, đồng, kẽm, nhôm, coban và lithium, cũng như thủy tinh và nhựa - tại các thành phố trên khắp thế giới.Trong khi khai khoáng (mining) thông thường là khoan hoặc đào sâu vào lòng đất để lấy các tài nguyên quý giá, khai mỏ đô thị hướng tới thu gom các vật liệu này từ rác thải của các tòa nhà, cơ sở hạ tầng và các sản phẩm điện tử gia dụng đã lỗi thời."Khai mỏ đô thị cung cấp giải pháp bền vững cho các vấn đề khan hiếm tài nguyên và quản lý rác thải. Và điều này đang diễn ra ngay tại các thành phố - trung tâm của tình trạng tiêu thụ quá mức và điểm nóng về phát thải khí nhà kính, nguyên nhân thúc đẩy biến đổi khí hậu" - nhóm tác giả viết trên The Conversation.Trong thông cáo phát tháng 2-2024, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc Inger Andersen cũng kêu gọi định nghĩa lại rác thải, xem chúng như một tài nguyên có giá trị thay vì một gánh nặng."Kho báu" trong ngăn bànĐại học Liên Hiệp Quốc ước tính đến năm 2030, lượng rác điện tử các loại, từ máy giặt đến máy tính để bàn và các thiết bị điện tử, có thể lên đến 74 triệu tấn mỗi năm. Hiện tại, chỉ hơn 17% rác điện tử trên thế giới được tái chế, nghĩa là những tài nguyên có thể phục hồi trị giá tới 62 tỉ USD, đang bị vứt bỏ.Các đô thị đích thị là những mỏ tài nguyên bị bỏ quên, không lẩn khuất đâu xa mà ngay trong ngăn tủ của mỗi chúng ta. Theo Diễn đàn về rác điện tử và thiết bị điện, khoảng 5,3 tỉ điện thoại di động hư, cũ hoặc lỗi mốt nằm lăn lóc tại các gia đình trên thế giới riêng trong năm 2022. Ước tính khoảng 16 tỉ chiếc điện thoại di động trên toàn cầu hiện không được sử dụng.Chúng ta giữ điện thoại cũ vì bán chúng đi không được bao nhiêu mà vứt bỏ thì không nỡ. Một nghiên cứu ước tính chỉ riêng ở Thụy Sĩ có khoảng 7 triệu chiếc điện thoại không được sử dụng, lượng vàng trong đó trị giá khoảng 10 triệu USD. Mặc dù từng món đồ riêng lẻ gần như không còn giá trị, chúng lại có giá trị đáng kể khi tạo thành một tập hợp. GSMA ước tính nếu được tái chế có thể thu hồi được lượng vàng, palladium, bạc, đồng, các nguyên tố đất hiếm và các khoáng chất quan trọng trị giá 8 tỉ USD và đủ coban cho 10 triệu pin ô tô điện từ hơn 5 tỉ điện thoại di động cũ.Ảnh: FCC EnvironmentGiữ đồ điện tử cũ không dùng nữa trong ngăn bàn không có lợi ích về môi trường và xã hội. Chôn lấp càng không phải là giải pháp do chi phí chôn lấp đang tăng cao và các thành phố ngày càng chật chội hơn, không còn đủ chỗ chôn lấp rác. Khai mỏ đô thị, thu gom và tái chế, đưa tài nguyên trở lại chuỗi cung ứng sẽ giúp chúng ta kiếm tiền đồng thời giảm tải cho các bãi xử lý rác.Theo The Wall Street Journal, một số công ty đã tiên phong trong lĩnh vực này vì tin rằng nhu cầu về kim loại tái chế của các nhà sản xuất ô tô và hàng điện tử tiêu dùng sẽ ngày càng tăng.Năm 2023, Rio Tinto, công ty khai mỏ lớn thứ hai thế giới tính theo giá trị thị trường, đã mua 50% cổ phần của Matalco, một công ty nhôm tái chế thuộc sở hữu của Tập đoàn Giampaolo, Canada, với giá 700 triệu USD để bước chân vào mảng khai mỏ đô thị. Đầu năm nay, công ty khai mỏ Glencore của Thụy Sĩ công bố quan hệ đối tác chiến lược với Li-Cycle Holdings Corp, nhà tái chế pin lithium-ion hàng đầu ở Bắc Mỹ. Theo đó, Li-Cycle sẽ trở thành đối tác ưu tiên của Glencore trong mảng tái chế pin lithium-ion cho xe điện.Ngành khai khoáng đang nỗ lực để tái chế nhiều hơn và giúp các nhà đầu tư hiểu rằng khai thác tài nguyên thô đang đe dọa môi trường và góp phần tạo biến đổi khí hậu.Thế giới đang làm gì?Không chỉ đồ điện tử, một ví dụ về khai thác và tái sử dụng tài nguyên đô thị hiệu quả khác là tái chế vật liệu từ phá dỡ nhà cũ hoặc xây dựng mới. Tại châu Âu, theo báo cáo hướng tới kinh tế tuần hoàn trong xây dựng năm 2023, việc phá dỡ và cải tạo nhà cửa, tạo ra khoảng 124 tấn chất thải mỗi năm, bằng trọng lượng của khoảng 12.277 tháp Eiffel. Khi một tòa nhà bị phá bỏ, ước tính khoảng 71% vật liệu cũ của nó ở châu Âu được tái chế hoặc chôn lấp.Với chiến lược khai mỏ đô thị, Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu tăng tỉ lệ thu hồi chất thải từ xây dựng và phá dỡ nhà cửa không nguy hại lên ít nhất 70% ở các quốc gia thành viên năm 2030. Tỉ lệ này được Rotterdam cán đích dễ dàng. Thành phố Hà Lan này có lộ trình phá dỡ các tòa nhà cũ đến năm 2030. Ước tính, các tòa nhà sẽ bị phá dỡ này chứa khoảng 817.000 tấn vật liệu (ống nước, gạch, cốt thép, gỗ, kính, ống đồng, nhôm, mái ngói, gạch, lan can sắt) có thể được thu hồi và tái sử dụng với tỉ lệ tái chế tới 85%.Trong xà bần có sắt, thép, gạch, gỗ… sẵn sàng thu hồi và tái sử dụng. Ảnh: gocodes.comTrong khi đó ở châu Á, khai thác tài nguyên đô thị chủ yếu vẫn tập trung vào rác điện tử. Dù vậy, mức độ thu hồi rác điện tử ở châu Á chỉ ở mức 12%. Tỉ lệ này cũng rất khác nhau giữa các tiểu vùng: 20% ở Đông Á, 1% ở Nam Á và gần như bằng 0 ở Đông Nam Á. Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc đang dẫn đầu ở châu Á về tỉ lệ khai mỏ đô thị nói chung. Tỉ lệ thu hồi của Úc với vật liệu xây dựng mới và sau phá dỡ đạt 80% năm 2022 nhưng nước này chỉ thu hồi được khoảng 1/3 giá trị vật liệu trong rác điện tử.Châu Phi cũng đã nhận ra giá trị ngày càng tăng của tài nguyên rác đô thị. Châu lục này đã thông qua các sáng kiến khu vực gồm Tuyên bố Nairobi về rác điện tử, Tuyên bố Durban về quản lý rác điện tử ở châu Phi và Nền tảng Abuja về rác điện tử.Vì sao chưa khai thác hết tiềm năng?Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự đoán nhu cầu nguyên liệu toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi, từ 89 tỉ tấn năm 2019 lên 167 tỉ tấn năm 2060. Chương trình Quản lý rác toàn cầu năm 2024 của Liên Hiệp Quốc cho thấy lượng rác và chi phí quản lý rác cũng tăng. Ước tính thế giới sẽ có 82 triệu tấn rác thải điện tử cần xử lý vào năm 2030, khiến việc xử lý chúng trở nên cấp bách.Theo Tập đoàn BHP Group - đơn vị khai mỏ số 1 thế giới tính theo giá trị thị trường, thách thức với bất cứ công ty nào khi bước chân vào lĩnh vực tái chế kim loại từ rác đô thị là thu gom. Làm sao để thu thập từng chiếc điện thoại cũ là một bài toán khó vẫn chưa có lời giải hiệu quả. Quy mô tài nguyên không đủ lớn, độ phân tán cao, quá trình thu gom kim loại trong đồ điện tử đòi hỏi những chuyên môn rất khác biệt với khai thác quặng thô là trở ngại lớn nhất.Ảnh: The Economic TimesTrong khi đó, theo Nick Pickens - giám đốc nghiên cứu khai thác toàn cầu của Wood Mackenzie, các nhà sản xuất quặng sắt và đồng lớn vẫn có lợi nhuận tốt từ mô hình kinh doanh hiện tại nên không có động lực để tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận thấp, như tái chế rác đô thị, nơi họ có ít kinh nghiệm quản lý.Chỉ một số ít công ty, do đã có một thị phần tương đối và đã tái chế kim loại trong nhiều thập niên dám tiên phong. Theo Glencore, hoạt động kinh doanh tái chế chỉ góp từ 200-250 triệu USD, chưa tới 1% tổng doanh thu (chưa trừ lãi vay, thuế và khấu hao). Công ty hy vọng con số này có thể tăng trong năm năm tới.Cũng phải thừa nhận thị trường cho kim loại tái chế hiện vẫn còn ít. Nhiều nhà sản xuất không thích nhôm tái chế do e ngại kim loại tái chế còn lẫn tạp chất, không đáp ứng tiêu chuẩn với sản phẩm cho ngành hàng không vũ trụ, điện tử và quốc phòng.Khó khăn không có nghĩa là những nỗ lực khai thác tài nguyên đô thị phải dừng lại. "Khai thác truyền thống không phải là phương pháp duy nhất để khai thác nguyên liệu thô cho quá trình chuyển đổi xanh. Rác thải sẽ ngày càng được tái chế nhiều hơn, từ đó giảm nhu cầu về nguyên liệu mới. Một nền kinh tế thực sự tuần hoàn có thể trở thành hiện thực nếu chính phủ phát triển và thực hiện các chương trình nghị sự về khai mỏ đô thị" - các tác giả viết trên The Conversation. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các thiết bị điện tử đã qua sử dụng vẫn chưa được coi là một nguồn cung cấp vật liệu thứ cấp (vàng, bạc, đồng, lithium hoặc coban) có giá trị kinh tế. Vấn đề là ở góc nhìn. WEF cho biết nếu tính cả chi phí môi trường liên quan đến việc khai thác các vật liệu này, việc tận thu từ thiết bị cũ sẽ có lợi ích kinh tế lớn. Chẳng hạn, nhiều người tham gia vào nghiên cứu về điện thoại ở Thụy Sĩ nói trên cho biết họ sẵn sàng bán điện thoại cũ của mình với giá dưới 5 đô la. Giá trị thị trường của số kim loại bên trong những chiếc điện thoại này chưa tới 2 đô la, nhưng khi tính hết các chi phí khai thác kim loại ngoài tự nhiên, giá thực của các vật liệu này lên đến khoảng 18 đô la. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Rác thải đô thịRác thảiTài nguyênKhai mỏ đô thịTái chế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".