Đàn chó hoang ăn chay

HỒ ANH THÁI 01/06/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Gọi là chó hoang thì tất nhiên là không có chủ. Nhưng bạn thì có. Ai thân thiện thì sẽ thành bạn của nó. Ravi bạn tôi là một người như vậy. Anh đánh bạn với hầu như chó hoang khắp thành phố Bangalore.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 Trong túi quần anh lúc nào cũng có mấy cái bánh bích quy cho chó. Vừa đỗ xe lại, bước lên vỉa hè, gặp một con chó tình cờ nào đó đi ngang qua, anh tặng ngay nó một cái bánh.

Không chỉ là chó hoang rải rác khắp thành phố. Trong khu phố anh ở, thường xuyên có một đàn chó hoang kéo đến trước cổng nhà anh để ăn trưa và ăn tối. Đếm cho chính xác thì có hai mươi mốt con.

Lũ chó ấy được anh đặt tên hẳn hoi. Nhưng trước khi kể tiếp, tôi xin nói cho tuần tự. Lần đầu tôi đến thăm nhà Ravi là cuối năm 1993. Trước đấy một năm, gia đình Ravi đã cưu mang một cô sinh viên Việt Nam đang bơ vơ, nuôi cô một tháng trong nhà và giúp cô làm thủ tục nhập học. Cô Diệp ấy nhận được học bổng của Ấn Độ, nhận được chiếc vé máy bay để bay sang, lần đầu tiên cô đi nước ngoài, lần đầu tiên đi máy bay.

Nhưng sang đến sân bay Bangalore thì không có ai ra đón cô, trường đã khai giảng được nửa tháng. Đang lơ ngơ khóc lóc ở sân bay thì gặp Ravi ra đón đồng nghiệp. Mẹ của Ravi là một bà giáo. Thế là cả nhà đón Diệp vào, suốt một tháng trời dẫn cô đi đập cửa các cơ quan, đấu tranh cho cô được nhập học.

Diệp hay kể lại chuyện ấy, kể những chuyện hài hước về sự bơ vơ lớ ngớ của mình, kể những chuyện cảm động về người miền Nam Ấn tốt bụng. Thế là tháng 7 năm 1993, nhân chuyến đi công tác về miền Nam Ấn, tôi đã đến thăm nhà Ravi. Cả nhà chuyện trò với tôi thật là thân thiện và chân tình. Bà mẹ dẫn tôi vào một căn phòng, mở cửa sổ rồi khoát tay nói: Đấy, phòng vẫn nguyên như khi nó còn ở đây. Trên mặt bàn viết vẫn đặt bộ tứ bình xuân hạ thu đông mà Diệp đã đặt lên đó.

Lần này chúng tôi gặp lại sau hai mươi tư năm. Chuyến bay từ Jakarta sang thủ đô Colombo của Sri Lanka hết bốn giờ rưỡi, từ Colombo sang Bangalore hết một giờ mười lăm phút. Thành phố bây giờ đã đổi tên thành Bangaluru, ngày xưa thưa thoáng nhưng giờ đã trở nên chen chúc xe cộ, đất chật người đông. Chỉ có cái khí hậu ôn hòa mát mẻ như Đà Lạt là vẫn còn nguyên. Gia đình thì không còn nguyên, bà mẹ và người cha đã mất. Chỉ còn vợ chồng Ravi và cậu con trai hai mươi bảy tuổi.

Ở trước cửa nhà, vợ Ravi đã vẽ lên trên mặt đất những họa tiết hoa lá bằng phấn màu. Sangeeth là họa sĩ. Tôi phải đặt chân lên đấy để tiếp nhận sự chào đón. Đấy là tập tục đón khách quý của người Ấn. Tay Sangeeth cầm một cái bát đựng bơ tinh khiết vốn dùng để đốt đèn thiêng, chị huơ huơ cái bát dầu thiêng ấy trước mặt tôi mấy vòng. Đấy là tập tục xua đuổi tà ma cầu phúc lành. Cậu con trai Rishab thì quàng lên cổ tôi một tràng hoa, rồi quàng tiếp lên một tấm khăn choàng bằng lụa, cũng là tập tục chúc phúc.

Xong thủ tục thân tình và giản đơn đối với người Ấn, tôi đang định bước vào nhà thì cảm thấy ngay có con chó đang cọ má vào bắp chân mình. Nhìn xuống. Con chó mực to như con bê cũng đang nhắc nhở chào mừng. Về sau mới biết con béc giê này là chó nhà, duy nhất. Vừa lúc ấy có thêm một con nâu và một con vàng đẩy nhẹ cánh cổng vẫy đuôi chạy vào. Về sau mới biết hai con này là chó hoang. Ngay lập tức con mực sủa gắt, xua đuổi. Ravi bảo nó, ngoan nào, đừng có ghen tị, cho chúng nó vào chào khách một tí cũng được.

Ravi đưa tôi đến học viện. Đây là trung tâm giáo dục do người mẹ là bà Vimala Shankar sáng lập năm 1957. Ban đầu chỉ có bốn nữ sinh. Thế mà bây giờ đã phát triển thành 1.600 học sinh, từ mẫu giáo đến đại học. Riêng hệ đại học có 350 sinh viên, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Bà mẹ mất rồi, bây giờ học viện do Sangeeth làm chủ tịch, Ravi và cậu con trai Rishab là thành viên hội đồng quản trị.

Thảm đỏ trải trước cổng tòa nhà, vào tận bên trong. Tôi bước đến cúi chào pho tượng đồng bà Vimala, nhớ cái ngày bà mở cửa căn phòng dành riêng cho cô gái Việt Nam và bảo: Đấy, phòng vẫn nguyên như khi nó còn ở đây.

Trở về nhà Ravi. Giờ ăn tối, trước cổng cả một đàn chó hoang đã tụ tập. Một nồi cơm to trộn sữa được bê ra. Ravi xúc từng môi cơm đổ vào những cái hộp nhựa đặt ngay ngắn trước cổng. Mỗi hộp nhựa là dành cho một con. Có tên hẳn hoi đấy. Tony, một anh chàng vạm vỡ. Daisy, một cô nàng óng ả. Mr. Brown, chắc chắn là một ông có bộ lông màu nâu. Chikki, một cô bé lanh chanh. Rồi những Doey, Stanislaus, Joe, Sam, Cheenu, Tito, Robin, Durwas, Princy, Rani, Cutie, Spotty, Sarge, Cop, Anu, John, Nick.

Ban đầu con mực chó nhà không chịu đâu. Nó cậy thế chó nhà được chiều chuộng, tỏ ý công thần xua đuổi đám chó hoang. Ravi phải mắng mỏ, phải tỏ thái độ, phải nhắc nhở điều hơn lẽ thiệt. Dần dần con mực ấm ức chịu nhịn. Ravi cũng phải mắng mỏ lũ chó kia để khép chúng vào kỷ luật.

Chẳng hạn con Robin đang ăn bên hộp cơm của mình thì lại chạy sang sục mõm vào hộp cơm của con Cutie, bằng cách ấy để đánh đuổi con Cutie. Ravi phải mắng. Mắng một thôi một hồi, thậm chí thu lại hộp cơm của Robin. Robin chỉ nghe mắng mà cũng chảy nước mắt. Lúc ấy Ravi mới đưa lại hộp cơm cho nó. Thấy ông chủ đã nguôi, Robin lại trở nên láu cá, nó đến cà chân Ravi nịnh nọt và độc chiếm ông chủ, tìm cách hẩy mấy con kia ra xa.

Ravi mua về hàng túi bích quy là đồ ăn dành riêng cho chó. Bà bếp nấu cơm trộn sữa. Toàn là đồ ăn chay. Chủ ăn chay thì chó cũng ăn chay. Chó nuôi ở Việt Nam mỗi ngày có khi ăn cả cân thịt bò. Chó ở đây thì cơm trộn sữa và bích quy chay. Ravi vốn là người ăn chay từ trong bụng mẹ. Tập quán ăn chay khởi nguồn từ thời Đức Phật, rồi cứ vậy mà ảnh hưởng sang đạo Hindu, để bây giờ có đến gần một tỉ người Ấn ăn chay. Gia súc của người Ấn cũng vì thế mà đều ăn chay cả.

Ăn chay không phải vì ghê thịt, như những người bị dị ứng với thức ăn, hễ nhìn thấy thịt cá là buồn nôn. Ăn chay là theo triết lý không sát sinh, không bạo lực với chúng sinh.

Vài chục con chó chạy rông trong khắp phường phố, đến giờ ăn lại về tụ tập trước cổng như thế có làm hàng xóm láng giềng khó chịu không? Có. Đôi lúc. Người ta không khó chịu vì láng giềng nuôi chó hoang. Người ta khó chịu vì có lúc chúng hục hặc tranh giành nhau rồi sủa nhắng lên. Ravi xin lỗi. Xin lỗi vài câu là xong. Có khi vợ Ravi cũng sốt ruột.

Trên sân thượng Ravi còn làm tổ cho lũ sóc đất. Trên sân thượng, anh rải cả thức ăn cho lũ công lũ khỉ, thế là công và khỉ quen mui bén mùi liền kéo đến thường xuyên. Sangeeth sốt ruột quá, bảo, cứ thế này chắc anh biến nhà mình thành vườn thú mất thôi.

Cứ như thế mà sáu năm rồi, Ravi không thể đi công tác xa. Anh vốn là kỹ sư cơ khí, làm việc cho công ty Thụy Sĩ, công ty Hàn Quốc một thời gian rồi thôi, lập công ty công nghệ thông tin riêng. Sau khi bà mẹ mất trên bục giảng ở tuổi tám mươi, anh trở về quản lý trung tâm giáo dục của gia đình. Trở về với giáo dục là nghề của gia đình, vợ con anh cũng đều tham gia.

Ravi mà đi công tác xa thì lũ chó kia bơ vơ. Ấy là cứ lẩn thẩn mà lo như thế. Một lần hai ngày trời không thấy con Rani đâu. Chắc là có chuyện rồi. Rani có nghĩa là nữ hoàng. Anh ra lệnh cho lũ kia đi tìm nữ hoàng. Thì ra nó ốm và đang nằm dúi dụi trong một góc Vườn Hồng, công viên Lal Bagh. Anh đưa nó đến bác sĩ thú y.

Ông thú y bảo ông chỉ chữa cho chó nhà chứ chưa bao giờ chữa cho chó hoang. Ravi bảo thì bây giờ ông đang có cơ hội để làm việc ấy. Một vị bác sĩ không thể từ chối chữa bệnh cho một thằng bé bán báo với lý do nó không cửa không nhà.

Rốt cuộc, Ravi thành bạn bè với ông thú y. Hàng năm anh mua của ông vài chục liều thuốc phòng bệnh dại để tiêm cho lũ chó. Đứng yên nhé, anh vỗ về và nói với từng con. Chỉ một tí thôi, không đau đâu. Cứ thế anh cắm mũi kim tiêm vào. Con nào cũng ẳng lên một tiếng, giật mình một cái, nhưng vẫn để cho anh tiêm. Chỉ có con Robin láu cá bỏ chạy, chạy rồi thì quay đầu lại vẫy đuôi để trêu Ravi. Anh phạt nó. Bữa ấy không cho ăn. Thấy nó mon men lại gần thì anh mắng. Sáng hôm sau nó đành chịu để cho anh tiêm.

Có người láng giềng bảo quyến luyến thế, sao anh không làm chuồng nuôi chúng nó trong nhà luôn một thể. Ô không, những đứa bé bán dạo ngoài đường kia kìa, đưa chúng vào trại giáo dưỡng vài ngày, đến bữa có cơm ăn nước uống đầy đủ, chỉ vài ngày là chúng lại bỏ ra đường. Chúng là những đứa con tự do của đường phố. Chúng cần tự do hơn hết thảy.

***

Lũ chó có một lần phải hoang mang hoảng hốt.

Hai ngày liền chúng không thấy Ravi ra khỏi nhà. Đến bữa chỉ có bà bếp mang cơm trộn sữa ra, múc cơm vào hộp cho chúng. Việc này hàng ngày bà bếp vẫn giúp Ravi làm, lũ chó cũng coi là bình thường. Nhưng không bình thường là việc Ravi không ra khỏi nhà.

Lũ chó đến cọ mình vào cánh cửa sắt. Chúng ngó qua những chấn song sắt dọc ngang để xem có thể nhìn thấy điều gì trong nhà. Con mực chạy ra đuổi, chúng mày đi đi, ông chủ không ra đâu. Hỏi han vì sao ông chủ không ra thì con mực dứt khoát không chịu thông tin. Đi đi, nó chỉ ăng ẳng đuổi.

Cứ thế đến ngày thứ tư thì lũ chó không chịu nổi. Chúng hoang mang. Chúng thắc mắc. Chúng lo sợ. Ông chủ làm sao rồi. Chúng hỏi han ồn ào nhốn nháo. Chúng gầm gừ rồi sủa nhặng xị lên. Mất trật tự đường phố. Con mực chạy ra quát tháo. Vâng, chúng tôi xin lỗi, nhưng mà ông chủ làm sao rồi, ông chủ có mệnh hệ gì không. Chúng không biết rằng Ravi bị cúm, bệnh lây. Bác sĩ buộc Ravi phải nằm yên trên giường và không được ra gió. Bốn ngày rồi. Lũ chó kia đang tụ tập biểu tình trước cửa.

Cuối cùng Ravi đành chấp nhận cho chúng vào thăm.

Từng con một được bà bếp dẫn vào. Con mực giữ vai trò chó nhà đi kè kè giám sát, nhắc nhở lũ chó hoang cư xử cho đúng gia phong. Lần đầu tiên từ địa vị chó hoang, chúng được đưa vào trong một gia đình tử tế và phải có ý thức xử sự cho tử tế.

Lần lượt từng con vào. Đến bên giường Ravi. Đang mệt nhưng anh vẫn phải xoa đầu từng con, bảo chúng phải ngoan và đừng lo lắng, vài ba hôm nữa anh sẽ dậy được thôi.

Robin láu cá vẫn chứng nào tật ấy. Nó là con thứ bảy được đưa vào thăm Ravi. Nhưng rồi khi trở ra ngoài đường, nó lại tìm cách lập lờ thế nào đấy để trở thành con thứ mười sáu trà trộn vào thăm Ravi một lần nữa. Nó lợi dụng bà bếp mắt kém và sự lơ là thiếu cảnh giác của con mực chó nhà. Chỉ có Ravi phát hiện ra. Anh gõ lên đầu nó một cái và mắng, đồ quỷ. Nó sung sướng vẫy đuôi rồi cúp đuôi chạy ra.

***

Ravi không chỉ có một đàn chó hoang hai mươi mốt con. Buổi chiều ấy, trước cửa nhà anh ở thành phố Bangalore, tôi còn thấy anh có bốn con bò hoang nữa. Bò cái là thần của đạo Hindu. Sữa bò được chế biến thành bơ tinh khiết để đốt đèn thiêng trong các lễ cúng tế của ông thầy Bà La Môn. Đất nước không sát sinh, bò thiêng được thả rông, không thuộc sở hữu của ai cả.

Có bốn con bò thả rông thường mò đến trước cổng nhà Ravi để được cho ăn. Tên chúng là Gange, Gowri, Lakshmi, Sarasvati. Gange là nữ thần Sông Hằng. Gowri là tên khác của Parvati, vợ thần Shiva. Lakshmi là nữ thần Tài Lộc. Sarasvati là nữ thần Học vấn và nghệ thuật.

Tất cả đều là tên của các nữ thần.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận