TTCT - Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy triển vọng dân số Việt Nam không đến mức bi quan. Và có lẽ việc cần làm là nâng cao chất lượng nguồn lao động để bước vào những thách thức trong thời đại mới. Các nhân viên kỹ thuật, kỹ sư phần mềm làm việc tại Công ty FPT tại Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM. Ảnh: T.T.D. Trong vòng 10 năm qua (2010 - 2020), dân số Việt Nam đã tăng 9.370.928 người. Mức tăng này là đáng kể nếu so sánh với Nhật Bản (dân số liên tục giảm), những nơi như Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore tăng ít (dưới 2 triệu người trong vòng 10 năm qua). Ngoài ra, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của phụ nữ Việt Nam khá thấp, chỉ ở mức 23,1, trong khi tuổi kết hôn trung bình lần đầu của phụ nữ trong khu vực Đông Á khá cao, đặc biệt là phụ nữ Hong Kong có tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,3. Xu hướng kết hôn vẫn là chủ đạo trong thanh niên. Chất lượng hay số lượng? Bước vào thời kỳ phát triển mới với những chuyển đổi công nghệ dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ và quy mô, câu hỏi trên đáng đặt ra. Để trả lời, cần nhìn vào một thực tế: thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay chỉ mới là 3.151 USD, kinh tế hộ gia đình của Việt Nam còn rất thấp. Nhìn ở góc độ nền kinh tế: lĩnh vực công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, chế biến; nông nghiệp thường xuyên rơi vào tình trạng “được giá mất mùa, được mùa rớt giá”; lĩnh vực dịch vụ chủ yếu là các hoạt động giao dịch bậc thấp. Điều đó dẫn đến tình trạng không thể sử dụng hết lao động có đào tạo, kể cả trình độ đại học, dẫn đến việc “thừa thầy thiếu thợ”, “bất cập trong cung cầu lao động”. Và để cải thiện, Thủ tướng phải ra quyết định 522/QĐ-TTg về “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” nhằm tăng lực lượng lao động nghề đáp ứng nhu cầu lao động thực tế. Việt Nam đang vào thời đại công nghệ số, được cảnh báo sẽ giảm đáng kể việc làm của nguồn lao động chất lượng thấp do việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, bài toán giải quyết việc làm sẽ vô cùng nan giải. Tại sao ngại sinh con? Tôi cho rằng có hai nguyên nhân dẫn tới xu hướng kết hôn muộn và sinh ít con tại những nơi như TP.HCM: tình trạng kinh tế (thu nhập, mức sống ở thành phố, chi phí thời gian và vật chất để nuôi con, áp lực công việc...); và sự tiếp nhận phổ biến của chủ nghĩa tự do cá nhân, xu hướng dịch chuyển, xu hướng tự do của phụ nữ, cùng sự thay đổi quan điểm về các giá trị của quan hệ vợ chồng - con cái. Như vậy, các chính sách cần được nhìn trên tổng thể các vấn đề kinh tế - xã hội, giải quyết hợp lý giữa những rào cản vật chất và rào cản thăng tiến, tự do cá nhân, ví dụ miễn giảm toàn bộ học phí các cấp học từ mẫu giáo đến phổ thông cũng đã là giảm bớt những khó khăn về điều kiện nuôi con... Phần lớn các nhà quản lý dân số lo lắng già hóa dân số sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí... Trên thực tế, hầu hết người già ở thành phố đều dựa vào an sinh gia đình, vốn là sự đảm bảo của gia đình cho từng thành viên, nhất là trong những phân đoạn dễ tổn thương như lão, bệnh, tử và trạng huống khác như tai nạn, thất nghiệp, khuyết tật, mất tài sản..., cùng những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nhà ở, quần áo, giáo dục, tài chính, sự hỗ trợ tinh thần để giúp các thành viên phát triển và hội nhập xã hội. Sự đáp ứng các nhu cầu cơ bản và lợi ích của các thành viên dựa trên sự phân chia về vai trò và trách nhiệm được thực hiện một cách tuần tự giữa các thế hệ trong gia đình. Và hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam hiện tại chưa bao khắp cho toàn bộ dân số như các nước phương Tây và các nước Đông Á phát triển nên chưa thể so sánh hệ lụy như họ được. Nhìn vào những chỉ báo không đến nỗi bi quan về triển vọng dân số và việc Việt Nam đang có dân số vàng trong bối cảnh kinh tế, lao động, việc làm, thu nhập đều nằm bậc thấp, ta sẽ thấy vấn đề chính là chất lượng hóa nguồn lao động. Chúng ta muốn phát triển về chất lượng của dân số (việc làm, chỉ số phát triển con người, trình độ học vấn, sức khỏe dân số, phát triển các kỹ năng học tập, sáng tạo, phát triển tư duy) hay phát triển về lượng của dân số (trong đó các vấn đề giải quyết việc làm, bẫy thu nhập trung bình, thiếu an sinh xã hội, chạy theo các vấn đề xây dựng trường học, bệnh viện để đáp ứng cho dân số tăng)? Nói đến sách lược và chiến lược là nói đến việc tạo ra những bước đột phá, sức bật cho dân số, bởi nếu thế hệ hiện tại không có chất lượng cuộc sống tốt, không có thu nhập và việc làm tốt, không thể tạo ra một thế hệ tương lai có chất lượng về năng lực, trí tuệ, chuyên môn và phẩm chất tốt được.■ Tags: Việt NamLao độngDân sốChất lượng dân số
Hôm nay Quốc vương Campuchia đến Việt Nam DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đến Việt Nam hôm nay 28-11 trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. Chuyến thăm Việt Nam lần này diễn ra đúng vào dịp tròn 20 năm ông lên ngôi vua.
Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 1: Quyết kiện, bảo hiểm mới chịu thua ĐAN THUẦN 28/11/2024 Mua bảo hiểm được đối xử như 'thượng đế' nhưng khi đòi quyền lợi, khách hàng mới thấm và hiểu thế nào là 'lên bờ xuống ruộng'.
Mbappe sút hỏng phạt đền, Real Madrid bại trận trước Liverpool HUY ĐĂNG 28/11/2024 Sáng 28-11 (giờ Việt Nam), Liverpool đã đánh bại Real Madrid với tỉ số 2-0 trên sân nhà, trong khuôn khổ lượt trận thứ 5 giai đoạn vòng bảng Champions League. Siêu sao Mbappe cũng trở thành tội đồ của nhà đương kim vô địch.
Tin tức thế giới 28-11: Tình báo Đức dự báo Nga tấn công NATO; Trung Quốc thả 3 người Mỹ MINH KHÔI 28/11/2024 Tuyết rơi dày bất thường ở Hàn Quốc, chính quyền phải phát cảnh báo; Ê kíp ông Trump xem xét lại trợ cấp cho doanh nghiệp chip bán dẫn.