TTCT - Dù Mỹ có thực sự đang nhắm tới Việt Nam trong câu chuyện thương mại hay không, mọi sự chuẩn bị lúc này không thừa. Biếm họa "Công ăn việc làm mới đây, công ăn việc làm nóng hổi đây". Ảnh: The Mercury News Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố ba phán quyết sơ bộ về sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam. Trong đó, bộ này xác định một số sản phẩm thép có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan, được chuyển tới Việt Nam để “chế biến sơ bộ”, và sau đó xuất sang Mỹ. Vì vậy, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt mức tiền thế chân phải đóng (cash deposit rate) với mặt hàng này là 456,23%. Động thái “bình thường” Bản tin đầu tiên về sự kiện này xuất hiện trên Bloomberg với tiêu đề “Mỹ áp thuế nhập khẩu hơn 400% lên thép Việt Nam”. Mức tiền thế chân với hàng nhập khẩu vào Mỹ (cash deposit rate) nêu trên xuất hiện trên khắp các kênh truyền thông khác với ý nghĩa tương tự thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu là chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Đây được xem là công cụ để ngành thương mại Mỹ “đòi lại công bằng” với không chỉ Trung Quốc, mà cả các nước - nền kinh tế đồng minh của Washington ở châu Âu và châu Á. Câu chuyện ngành thép Việt Nam được quan tâm đặc biệt khi Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bloomberg giật tiếp một bài với tựa đề: “Ngay cả những kẻ đang thắng trong thương mại vẫn có thể thua. Cứ hỏi Việt Nam”. Trên thực tế, mức tiền thế chân với hàng nhập khẩu chưa phải là mức thuế cuối cùng, mà chỉ là khoản tiền “tạm thu” vào thời điểm nhập khẩu, như một dạng dự phòng cho tới khi cuộc điều tra về nguồn gốc sản phẩm có kết luận cuối cùng. Mỗi năm, các công ty đều có cơ hội yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại mức thu khoản tiền này, và chênh lệch thừa - thiếu sau đó sẽ được các bên quyết toán lại. Tờ báo tiếng Anh của Đài Loan Taiwan News trong bài viết về vấn đề này cũng đã có điều chỉnh. Trong phần đính chính, Taiwan News lưu ý đã có nhầm lẫn về “đối tượng” phải đóng khoản tiền cọc này, theo đó chỉnh thành “sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam bị cáo buộc có nguồn gốc từ Đài Loan và Hàn Quốc”. Dù sao đi nữa, có thể thấy việc thu tiền trước tới 456,23% cho thấy Mỹ thực sự rất chú ý vào các sản phẩm thép bị cáo buộc. Tuy nhiên, vấn đề là liệu câu chuyện có thể hiểu là Mỹ đang nhắm trực tiếp vào Việt Nam hay không, và liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa Việt Nam vào danh sách đối tượng cho các loạt thuế nhập khẩu mới. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giáo sư Julien Chaisse tại Trường Luật thuộc Đại học Hong Kong cho rằng đây là một động thái bình thường của Mỹ. Chuyên gia về quy định và phát triển kinh tế toàn cầu này lý giải: “Bộ Thương mại Mỹ cho rằng một số công ty Hàn Quốc và Đài Loan muốn điều hướng sản phẩm của họ sang Việt Nam để né thuế quan cao hơn từ Mỹ. Không có gì ngạc nhiên cả. Đây là hoạt động thông thường của Mỹ, vì vậy tôi cho rằng phản ứng của Mỹ không lạ lắm. Trong một trường hợp khác, hải quan Mỹ cũng đang điều tra 6 công ty Mỹ nghi né thuế chống bán phá giá khi nhập khẩu và phân loại sai ống thép do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu vào Mỹ qua Campuchia”. Cẩn tắc vô ưu Ngoài Campuchia như giáo sư Chaisse điểm ra, thực tế website của Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố một loạt tỉ lệ tiền cọc mới lên sản phẩm thép dùng trong xây dựng của Trung Quốc và Mexico hôm 8-7. Trước đó nữa, biện pháp tương tự cũng được sử dụng với magie xuất khẩu của Israel. Chính vì vậy, theo bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp), Mỹ đang gây áp lực lên khắp nơi chứ không riêng Việt Nam. Tuy vậy, nguy cơ Việt Nam thực sự là đối tượng áp thuế nhập khẩu rộng khắp của Mỹ không phải là không có. “Việt Nam càng đóng vai trò “tái xử lý” trong thương mại và giúp các nước khác né thuế, thì sẽ càng chịu áp lực từ Mỹ nhiều hơn. Bản thân Việt Nam cũng có thể đối diện nguy cơ bị Mỹ áp thuế, nên phải cẩn trọng” - bà Herrero nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Trên thực tế, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách thặng dư thương mại với Mỹ và cũng là cái tên được Tổng thống Mỹ Trump nhắc tới không ít lần. Cách đây vài tháng, cũng Bloomberg đưa tin về nguy cơ Việt Nam bị dán mác thao túng tiền tệ và có khả năng bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, dù Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định nguy cơ này khó có thể thành hiện thực, xét việc Việt Nam không vi phạm các tiêu chí của Mỹ. Nhưng sự cẩn trọng là cần thiết, và các động thái đảm bảo an toàn cho thương mại vẫn được triển khai. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần trước, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định đã trao đổi với Bộ Công thương sau sự kiện Mỹ thu tiền cọc với thép. Theo bà Thu Hằng, Bộ Công thương đã khuyến cáo doanh nghiệp trong nước về những thay đổi trong luật lệ, quy định, “những yêu cầu khắt khe hơn” của các đối tác thương mại nước ngoài, bao gồm Mỹ. Vì vậy, có thể các doanh nghiệp cần điều chỉnh nguồn cung nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu trong nước và nguồn khác để tránh nguy cơ bị áp thuế. Thêm vào đó, các nỗ lực kiểm tra và rà soát nguồn gốc sản phẩm tại Việt Nam cũng được triển khai mạnh mẽ trong bối cảnh thương mại toàn cầu căng thẳng. Đây là việc trước sau gì cũng phải làm, và nó chỉ là một bước chuẩn bị để đảm bảo lợi ích và tránh những va chạm trong giao thương quốc tế.■ Để tận dụng cơ hội Việt Nam là một trong những nền kinh tế được nhắc tới nhiều nhất trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Dù luôn xuất hiện trên mặt báo như một quốc gia đang “hưởng lợi”, bản thân Việt Nam vẫn chủ động tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu từ cọ xát Mỹ - Trung. Bà Herrero cảnh báo Mỹ và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh chiến lược, hiện nay sẽ khó tìm thấy giải pháp trong ngắn hạn. Và vào lúc này, Việt Nam đang tìm thấy những giải pháp mở rộng thị trường để giảm tác động, đơn cử là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). “Thỏa thuận thương mại với EU đã bị trì hoãn đôi lúc. Nhưng giờ áp lực thoát khỏi Trung Quốc đang thúc đẩy EU tìm các đối tác mới, và Việt Nam là địa điểm như vậy” - bà Herrero nói. “Việt Nam sẽ gặt hái lợi ích trong trung hạn, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang. Không ai có thể chỉ sản xuất trong nước thôi đâu, chắc chắn với EU và Mỹ cũng vậy”. Tôi cho rằng ông Trump đang gây áp lực lên mọi quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam không thể né tránh áp lực ấy, thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU) cũng không. Bà Alicia Garcia Herrero (kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Natixis) Tags: Phá giáThuế nhập khẩuThép Việt NamĐộng thái Mỹ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).