TTCT - Là những mối bất đồng ngày càng được bộc lộ một cách không ngần ngại. “Trật tự thế giới” mới mà Henry Kissinger mô tả cách đây hai năm có vẻ đang hối hả hình thành. Bắt đầu là những thôi thúc chuyển đổi kinh tế, xã hội cho đến địa chính trị... Tất cả chúng tôi đã đồng thuận -davegranlund.com Ngoài bề mặt, Thượng đỉnh G20 Hàng Châu diễn ra và kết thúc “đúng quy trình”, với sự tham dự của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, một tuyên bố chung với nhiều lời lẽ ngoại giao và tái khẳng định những mong muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đồng thuận tới đâu? Tuy nhiên, ưu tiên của mỗi nước mỗi khác. Ngay trong từng vấn đề, các quốc gia đều có thứ bậc mục tiêu. Một ví dụ là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ: có những nước muốn triệt để chấp hành thỏa thuận TRIPS hiện hành (Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights, thỏa thuận “Những khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ”), nhưng cũng có nước muốn du di hơn. Nhưng dẫu sao, sở hữu trí tuệ còn là vấn đề dễ đạt đồng thuận, mong muốn du di hay không quá ngặt nghèo vẫn phải dựa trên một nền tảng pháp lý chung đã được các bên đồng ý, và như thế đã là rất tích cực so với thái độ bất chấp đằng sau lớp vỏ đồng thuận. Trên thực tế, đã và đang có những nền kinh tế mới nổi phát triển với tốc độ vũ bão, song vẫn còn thái độ bất chấp những nền tảng pháp lý chung như thế. Vì thế, khoảng cách phát triển giữa các nước G20 còn lớn, điều đã được nhắc tới rất nhiều, không chỉ là vấn đề GDP hay thu nhập đầu người, mà còn cả về những nền tảng, định chế, hạ tầng kinh tế, xã hội, pháp lý... Chính vì thế mà thông cáo chung của các nguyên thủ tham dự G20 đã nhấn mạnh ngay ở đề mục “Tầm nhìn” ở đầu thông cáo một biện pháp nghe qua thì “dễ ợt”, song nếu thực tâm áp dụng sẽ là khó vô biên cho không ít nước ngay trong G20: “... tiến hành một sự chuyển đổi các nền kinh tế bền vững hơn và sáng tạo hơn, phản ánh tốt hơn các lợi ích chung của các thế hệ hiện tại và tương lai”. Trong số các nước G20, có thể đếm được ngay số các nước chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi đó. Vấn đề ở chỗ: liệu ở các nước đó đã có thể dung hòa được các lợi ích của ngay chính trong thế hệ hiện tại rồi hay chưa, trước khi có thể nói tới chuyện lợi ích của các thế hệ tương lai? Những khẩu hiệu như “xã hội hài hòa” cùng các tầm nhìn tương tự vẫn còn là mục tiêu “phấn đấu”. Còn trong khi chờ đợi, đành tạm “đả hổ, diệt ruồi” đến đâu hay đến đó vậy. Đó cũng là vấn đề khoảng cách thể chế. Ở các nước phát triển dù là hổ, là ruồi, không bao giờ có chỗ cho những hành vi khuất tất. Vấn đề rốt cuộc không phải ở con người, mà ở hệ thống mà con người vận hành trong đó. Một ví dụ, cựu bộ trưởng ngân sách Pháp Jerome Cahuzac đang phải ra tòa đại hình vì tội mở một tài khoản trên đảo Man, một thiên đường rửa tiền, trong đó có 2,5 triệu euro, chỉ là tiền lẻ so với những “hổ” hay kể cả là những “ruồi” châu Á đang vô tư “đầu tư địa ốc” ở EU hay Mỹ, Úc. Cho dù có khác nhau trong thực tế mỗi nước, song tất cả các lãnh đạo G20 cũng đã đồng thuận đưa ra đề mục (18) liên quan đến “việc xây dựng một hệ thống tài chính mở song kiên quyết”, theo đó, “chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và xử lý, như là một yêu cầu, các nguy cơ nổi lên cùng các điểm sơ hở của hệ thống tài chính, chủ yếu là các nguy cơ liên quan đến hệ thống ngân hàng “song song” (tức các ngân hàng giúp gian lận tài chính, tránh thuế, rửa tiền)”. Thông cáo chung G20 nêu rõ quy mô của nỗ lực chống tẩu tán tiền của phi pháp này: “Chúng tôi kêu gọi các thành viên G20, IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) và WB (Ngân hàng Thế giới) gia tăng hậu thuẫn việc củng cố các lực lượng chấp pháp các nước nhằm giúp các nước cải tiến việc chấp hành những quy định quốc tế về chống rửa tiền..., cũng như các quy định thận trọng tài chính”. Đến đề mục (20), thông cáo chung “sờ” đến hai chữ “tham nhũng” cùng cơ chế vận hành của nó: “Minh bạch về tài chính và thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn về minh bạch tài chính bởi tất cả các nước... là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sự liêm chính của hệ thống tài chính quốc tế, và để ngăn cản việc sử dụng sai các pháp nhân và dàn xếp pháp lý để tham nhũng, trốn thuế, tài trợ cho khủng bố và rửa tiền”. Nôm na mà nói, từ nay các “chủ tài khoản” bỗng dưng nhận chuyển khoản từ các công ty X, Y, Z... nào đó, qua các “quy trình” chi trả có vẻ đúng đắn vẫn có thể bị nhà chức trách “sờ” đến. Bằng cách nào? Thông cáo chung không giấu giếm: “... những phương tiện cải thiện việc thực thi các quy định quốc tế về sự minh bạch, kể cả việc công khai thông tin về những người thụ hưởng từ các đơn vị pháp nhân cùng những dàn xếp pháp lý và việc trao đổi các thông tin này với nhau”. Tất nhiên, các biện pháp này còn trong thì tương lai, song chắc chắn các thiên đường thuế sẽ sớm không còn “vườn không nhà trống” như hiện nay nữa. Đề mục “Mọi người tham gia” có lẽ cũng khó không kém, hoặc ít nhất cũng là còn khá sớm cho nhiều nền kinh tế đông dân hàng đầu trong G20: “Chúng tôi sẽ cố gắng bảo đảm rằng sự tăng trưởng kinh tế của chúng tôi đáp ứng các nhu cầu của mọi người và đem lại lợi ích cho mọi đất nước và mỗi người, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên cùng những tầng lớp kém may mắn, bằng cách tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn nữa, bằng cách tác động vào các mối bất công, và bằng cách loại bỏ nạn nghèo sao cho không ai bị bỏ mặc”. Đối với những nền kinh tế đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Indonesia, đây chính là những mục tiêu phấn đấu lâu dài đầy cam go. Không còn ai sợ Mỹ? Một tin tức lớn được loan báo từ Thượng đỉnh G20 là cả Trung Quốc và Mỹ đã thông qua Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải, điều mà hai nước xả khí thải nhiều nhất và nhì thế giới này bấy lâu nay vẫn còn lần lữa. Nhưng tiếc thay, đó có lẽ cũng là điểm đồng thuận duy nhất của hai siêu cường một mới, một cũ của thế giới ở Hàng Châu. Mọi việc khác vẫn tranh cãi kịch liệt, ngay từ khi chiếc Không lực Một của ông Barack Obama hạ cánh xuống sây bay Hàng Châu để ông phó hội. Trong khi nguyên thủ các quốc gia khác đều được trải thảm đỏ tận chân cầu thang thì ông Obama lại rời máy bay bằng chiếc thang nhỏ khổ hơn và không thảm đỏ. Phía Trung Quốc giải thích rằng việc đón tiếp ông Obama bằng thang bình thường không có thảm đỏ là theo yêu cầu của mật vụ Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice thì bị an ninh Trung Quốc ngăn cản khi bà tìm cách đi gần lại với Tổng thống Obama lúc ông bước xuống sân bay từ chuyên cơ, cứ như thể không hề biết bà này là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Trong một phỏng vấn trên truyền hình sau đó, ông Obama đã cố không làm to chuyện (“Chúng tôi cũng từng trải nghiệm những chuyện này, rất nhiều xe cộ và máy bay, đôi khi là quá nhiều” - ông nói). Cảnh đón ông Obama cũng như cảnh an ninh Trung Quốc hét vào mặt bà Rice hôm 3-9 hoàn toàn trái ngược với cảnh tổng thống Nixon và cố vấn Kissinger được long trọng tiếp đón 44 năm trước. Hồi tháng 2-1972 đó, Mỹ và Trung Quốc ở trong hai trình độ phát triển hoàn toàn khác nhau. 44 năm sau, Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách đó. Một trong hai nhân vật chính của cuộc đón tiếp trọng thị năm 1972 là Kissinger vẫn còn đấy. Hơn ai hết, ông hiểu các nghi thức không chỉ là nghi thức. Cách đây hai năm, ông giải thích trong quyển Trật tự thế giới: Suy ngẫm về tính chất các dân tộc và dòng lịch sử. Người có số lần sang thăm Trung Quốc nhiều bằng số tuổi và được Trung Quốc tổ chức tiệc mừng thượng thọ, như viết sẵn để báo trước những dịp thế này: “Ngoại giao không phải là một quá trình thương thảo giữa vô số lợi ích chủ quyền mà là một chuỗi nghi lễ đã được thiết kế cẩn trọng, qua đó các xã hội nước ngoài thể hiện vị trí đã được chỉ định của họ trong thứ bậc toàn cầu (với nước chủ nhà). Ở nước Trung Hoa thời xưa, điều mà ngày nay chúng ta gọi là “lễ tân” là công việc của Bộ Lễ, nơi ấn định các sắc thái của quan hệ triều cống” (trang 214). Quan hệ đối tác, bởi thế, đâu chỉ cứ tuyên cáo mà thành. Và một ý khác: “Nếu Hoa Kỳ được cảm nhận như là một cường quốc đang suy - mà thật ra là do chính họ tự lựa chọn như thế chứ không phải do thiên mệnh - Trung Quốc và các nước khác sẽ kế vị vai trò lãnh đạo thế giới mà nước Mỹ đã đóng từ sau Thế chiến thứ hai với một thoáng rối ren vật đổi sao dời” (trang 232). Cảnh ông Obama trả lời phỏng vấn vụ thang máy bay cho thấy sự mệt mỏi trên khuôn mặt vị tổng thống sắp mãn nhiệm. Tình hình có vẻ không sáng sủa lên với ông: cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin về Syria không đi đến kết quả. Bình Nhưỡng thì thử tên lửa ngay trước mũi các “ông lớn” G20, mà chủ nhà Bắc Kinh cũng chỉ còn biết “làm lơ”. Đúng như liên hệ duy nhất của G20 đến tình hình an ninh thế giới trong thông cáo chung, đề mục (2): “Những thách thức mới, xuất phát sự tái phân bố địa chính trị, sự gia tăng làn sóng người tị nạn, chủ nghĩa khủng bố và các cuộc xung đột, tất thảy đã khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên phức tạp”. Câu hỏi đặt ra là sự “tái phân bố địa chính trị” đó và cả các làn sóng người tị nạn đã diễn ra từ khi nào? Có phải sau khi ông Obama bị “bắt bài” vụ ngoại trưởng của ông là John Kerry đe sẽ ném bom Syria cuối tháng 8-2013, nhưng mấy ngày sau tổng thống lại bảo thôi? Rồi mấy tháng sau là vụ Crimea mà Mỹ cũng chỉ có một động thái là “cực lực phản đối”? Và giờ đây, ông Obama lại tiếp tục khuyên nhủ “một Trung Quốc đang nổi lên cần tự kiềm chế”. Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lớn tiếng chửi bới ông Obama (điều sau đó ông Duterte nói ông rất hối tiếc). Đáp lại, ông Obama tuyên bố hủy một cuộc gặp với ông Duterte, nhưng xem ra giờ ai cũng có thể “vuốt râu hùm”. Vậy thì Trung Quốc có gì phải ngán ngại? Cùng lúc với những chuyển đổi nội bộ trong từng nước, thông cáo chung G20 còn nêu ra những yêu cầu chuyển đổi chung “bên ngoài”: “Chúng tôi sẽ đeo đuổi các nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu...”. Từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ là một đòi hỏi chuyển đổi kinh tế đến mức tận cùng sau khi những ràng buộc thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà nước nào cũng là thành viên, tưởng đã là thường quy, song vẫn cứ bị “đắp mô” ngăn chặn ở nước này nước kia. Sự bảo hộ đó bao giờ cũng có hai mặt, trong khi nó cản trở tự do thương mại, nhiều nước đang phát triển coi đó là “động cơ” thúc đẩy tăng trưởng trong nước, một phần để giữ vững cán cân “xuất siêu”. Tags: Hội nghị G20Trung MỹĐồng thuận Hàng ChâuTrật tự thế giới
Hôm nay Quốc vương Campuchia đến Việt Nam DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đến Việt Nam hôm nay 28-11 trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. Chuyến thăm Việt Nam lần này diễn ra đúng vào dịp tròn 20 năm ông lên ngôi vua.
Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 1: Quyết kiện, bảo hiểm mới chịu thua ĐAN THUẦN 28/11/2024 Mua bảo hiểm được đối xử như 'thượng đế' nhưng khi đòi quyền lợi, khách hàng mới thấm và hiểu thế nào là 'lên bờ xuống ruộng'.
Mbappe sút hỏng phạt đền, Real Madrid bại trận trước Liverpool HUY ĐĂNG 28/11/2024 Sáng 28-11 (giờ Việt Nam), Liverpool đã đánh bại Real Madrid với tỉ số 2-0 trên sân nhà, trong khuôn khổ lượt trận thứ 5 giai đoạn vòng bảng Champions League. Siêu sao Mbappe cũng trở thành tội đồ của nhà đương kim vô địch.
Tin tức thế giới 28-11: Tình báo Đức dự báo Nga tấn công NATO; Trung Quốc thả 3 người Mỹ MINH KHÔI 28/11/2024 Tuyết rơi dày bất thường ở Hàn Quốc, chính quyền phải phát cảnh báo; Ê kíp ông Trump xem xét lại trợ cấp cho doanh nghiệp chip bán dẫn.