​Đánh giá học sinh ở Nhật khác gì ở Việt Nam?

Kết thúc năm học đầu tiên áp dụng thông tư quy định đánh giá học sinh tiểu học (số 30/2014/TT-BGDĐT), chuyện khen thưởng học sinh trở thành một cuộc tranh cãi về sự công bằng và nỗi buồn về thế bế tắc của chuyện đánh giá học sinh.

 

Nếu theo dõi tình hình giáo dục Việt Nam đủ lâu, ta sẽ nhận thấy một đặc điểm đáng chú ý: khi bàn về cải cách giáo dục, người Việt thường chú trọng đến chuyện sửa đổi chương trình - sách giáo khoa, còn khi bàn về chuyện học hành của con, người Việt hướng mối quan tâm tới thi cử, điểm số và khen thưởng.

TỪ NHỮNG CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở VIỆT NAM

Có lẽ trong trường học Việt Nam hiện nay, chuyện kiểm tra - đánh giá học sinh về cơ bản không khác nhiều so với thập niên trước. Năm học nào cũng cơ bản trôi đi giữa các kỳ kiểm tra dưới nhiều hình thức, điểm 10 trở thành mục tiêu và là niềm thấp thỏm của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Cuối mỗi học kỳ sẽ có đánh giá học sinh về hạnh kiểm và học lực. Những học sinh có học lực xếp loại tiên tiến trở lên sẽ được thưởng giấy khen.

Có những gia đình dán giấy khen và phiếu bé ngoan của con kín tường, nay thì trưng lên Facebook. Điểm số trung bình và từng môn của học sinh thường được công khai trước cả lớp. Bởi thế mỗi lần họp phụ huynh, chuyện con được bao nhiêu “phẩy” hay “xếp thứ bao nhiêu” là mối quan tâm lớn và cũng trở thành chủ đề trong các bữa cơm gia đình. Những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay quốc gia sẽ được khen trang trọng hơn nữa.

ĐẾN NHỮNG CHUYỆN "BẤT THƯỜNG" Ở NHẬT

Nếu nhìn vào giáo dục phổ thông ở Nhật Bản bằng con mắt của người Việt sẽ thấy rất nhiều chuyện “bất thường”. Tạm kể ra đây những điều “bất thường” liên quan đến kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thứ nhất, giáo viên ở Nhật không tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm (đạo đức) học sinh. Đối với người Nhật, chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm và trong trường học, nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ, chuyện giáo viên - người nắm quyền lực trong tay - đánh giá đạo đức học sinh là điều... khủng khiếp khó có thể tưởng tượng. Đơn giản vì họ quan niệm đạo đức hay nhân cách con người khó có thể được đoán định, đánh giá chỉ thông qua học lực và các hành vi tuân thủ hay không tuân thủ nội quy của trường học.

Thay vào đó, giáo viên sẽ thường xuyên có những nhận xét và trao đổi với gia đình học sinh về sự trưởng thành tâm sinh lý và các hoạt động của học sinh trong trường học. Nếu học sinh có những điểm bất thường cần chú ý, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc phụ huynh để đưa ra chỉ đạo và lời khuyên. Đương nhiên những nhận xét của giáo viên dành cho học sinh ở đây sẽ không phải là “hạnh kiểm tốt/khá/trung bình/yếu/kém”, mà sẽ là “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy”, “lạc quan vui vẻ”, “cô đơn, không có bạn”, “hướng nội” hay “hướng ngoại”...

Thứ hai, ở Nhật Bản không có thi học sinh giỏi và thông thường cũng không công bố công khai thành tích học tập của học sinh trước toàn bộ lớp và xếp thứ tự học sinh theo điểm số trung bình. Thành tích học tập được coi là một dạng thông tin cá nhân và được tôn trọng. Các kỳ thi có tính chất cạnh tranh ở Nhật Bản thường là thi đấu thể thao, sáng tạo nghệ thuật hay nghiên cứu khoa học thay vì thi kiểm tra kiến thức các môn giáo khoa như thường thấy ở Việt Nam.

Thứ ba, giáo viên đánh giá sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số thu được từ các bài kiểm tra, bài tập. Lý do nằm ở chỗ mục tiêu mà giáo dục phổ thông Nhật Bản theo đuổi là giáo dục nên công dân có phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội “hòa bình”, “dân chủ” và “tôn trọng con người”. Vì vậy khi đánh giá giáo viên phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm hứng thú và các kỹ năng của học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên có xu hướng chú trọng đánh giá học sinh thông qua những sản phẩm mà các em tự tạo ra trong quá trình học tập: tranh vẽ, tập san, các sản phẩm thủ công... Trong khi đánh giá học sinh, giáo viên Nhật cũng có xu hướng tránh tạo ra sự so sánh hay cạnh tranh quyết liệt giữa các học sinh trong cùng một tập thể. Thay vào đó, giáo viên luôn khuyến khích sự trao đổi, hợp tác lẫn nhau.

RÚT RA ĐIỀU GÌ TỪ SỰ TƯƠNG PHẢN NHẬT - VIỆT?

Ba điểm khác biệt trên chưa phải là tất cả những gì có tính chất tương phản trong đánh giá học sinh giữa hai nền giáo dục, nhưng cũng đủ gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Kiểm tra, đánh giá học sinh có mối quan hệ rất mật thiết với mục tiêu giáo dục. Vì vậy mỗi lần cầm bút đánh giá học sinh, giáo viên cần nhìn lại mục tiêu giáo dục.

Mục tiêu giáo dục đó không đơn giản chỉ là qua bài học này, tiết học này học sinh nắm được những kiến thức gì, mà xa hơn phải là sự tham chiếu tới tiến bộ toàn diện của học sinh ở thời điểm đó với hình ảnh con người mà nền giáo dục, cũng như người giáo viên mong muốn tạo ra.

Xem xét ở ý nghĩa này, việc giáo viên và phụ huynh quá chú trọng đánh giá dựa vào điểm số cùng sự khen thưởng dựa trên điểm số có nguy cơ tạo ra những học sinh có thói quen nỗ lực làm mọi cách để người lớn vui lòng và để được khen, thay vì nỗ lực vì động cơ truy tìm chân lý hay khẳng định bản thân. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận