Đánh thức người xem

TRẦN GIA LINH 28/05/2014 22:05 GMT+7

TTCT - Từ trước đến nay, khán giả vẫn nhìn vào hai thị trường phim Âu, Mỹ với cảm nhận đối nghịch. Nền điện ảnh Mỹ, với kinh đô Hollywood huyên náo và giải thưởng Oscar rầm rộ, luôn dẫn đầu trong dòng phim thương mại, hằng năm cho ra đều đặn những bộ phim bom tấn với kinh phí hàng trăm triệu đôla Mỹ, gây nên những cơn bão phòng vé.

Ảnh: Olivier Vigerie

Trong khi đó, điện ảnh châu Âu lục địa nhiều năm nay vẫn loay hoay với bài toán gọi vốn để làm phim và những cách thức mới để “khuếch tán” dòng phim nghệ thuật, có kinh phí thấp.

Đó chính là lý do khiến Liên hoan phim Cannes ­- kinh đô của “điện ảnh tác giả” (cinéma d’auteur), nơi những bộ phim chịu ảnh hưởng nặng phong cách của đạo diễn - vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về việc giữ tính độc đáo hay chấp nhận hài hòa với tính thương mại.

Năm ngoái, Cannes khai mạc với bữa tiệc màu sắc của The great Gatsby (về sau nhận hai giải Oscar về trang phục và thiết kế sản xuất), rồi mở màn hạng mục Một góc nhìn khác với The bling ring về thế giới của các thần tượng. Nhưng rốt cuộc giới mộ điệu điện ảnh vẫn vững tâm khi Cành cọ vàng được trao cho bộ phim mang nhiều tính thể nghiệm Blue is the warmest colour (Màu xanh là màu ấm nhất) về đề tài đồng tính nữ.

Giải Cannes năm nay, diễn ra từ ngày 14 đến 25-5, một lần nữa khẳng định dòng phim nghệ thuật vẫn chiếm thế chủ đạo, đồng thời là bệ phóng cho một lớp tài năng trẻ và những diễn viên bước sang làm đạo diễn.

Tiền và xúc cảm

Ở phim nghệ thuật, ám ảnh đầu tiên luôn là kinh phí. Những nhà làm phim không ra rả nói về nghệ thuật hay sự độc đáo của người nghệ sĩ (nếu có, hẳn họ đã không bước chân vào ngạch này!). Họ nhắc đến kinh phí như một yếu tố cốt tử và hão huyền, vì một lý do nguyên thủy: tiền và làm phim thật ra là cùng một thứ.

Theo nhật báo Liberation, trong quý đầu năm 2014, tỉ lệ các hãng truyền hình đặt mua trước những phim đầu tay hay phim tác giả có kinh phí thấp (dưới 2 triệu euro) sụt giảm đáng kinh ngạc, đến 30%.

Mặc cho đám mây u ám của vấn đề kinh phí trong thời buổi khó huy động vốn, Cannes vẫn luôn được đón đợi bởi lớp khán giả trung thành ái mộ dòng phim nghệ thuật. Mục đích của điện ảnh tác giả - chỉ chung những phim nghệ thuật (art-house), phim thể nghiệm (experimental) hay độc lập (indie) - không phải là thu hút công chúng bằng mọi giá mà là nâng cao tính chân thực của điện ảnh.

Trái với dòng phim thương mại thường đậm kỹ xảo hoành tráng và mang tính giải trí, dòng phim tác giả có kinh phí thấp nhưng kích thích trí tưởng tượng, suy nghiệm, khai thác kiệt cùng cảm xúc. Gọi là “tác giả” bởi lẽ đạo diễn có quyền áp đặt dấu ấn lên hầu hết công đoạn, từ kịch bản đến khâu dựng cuối.

Ở trường hợp anh em nhà Dardenne, những phim của họ đã thật sự được công chúng đón nhận. Rosetta sau khi đoạt giải Cành cọ vàng năm 1999 đã đạt đến 200.000 lượt người xem. Những cụm rạp phức hợp vốn chuộng phim thương mại khi chiếu Rosetta đã làm công chúng bất ngờ. Bởi lẽ khi đã quen với kiểu phim bom tấn Hollywood với tiết tấu nhanh, gấp, tiếng đấm đá bình bịch và súng nổ đì đoàng thì đối diện một bộ phim chưa bao giờ chậm rãi và từ tốn như thế, khán giả có thể cảm thấy nặng nề và khó hiểu.

Nhưng điều này mới thật sự quan trọng: một phòng chiếu phim, khi chiếu một bộ phim nghệ thuật và thật sự chạm vào cảm xúc của khán giả sẽ tạo ra một hiệu ứng tập thể. Điều này khó có thể mô tả theo lý tính, nhưng khi đó điện ảnh trở thành một địa hạt của giấc mơ, len lỏi vào những góc khó đánh thức nhất của người xem.

Xavier Dolan, đạo diễn người Quebec sinh năm 1988 với phim đầu tiên tranh giải Cành cọ vàng năm nay, quả thật là một “phản đề” nếu so với sự chỉn chu của anh em nhà Dardenne.

Trong Tom at the farm hay I killed my mother, Xavier Dolan phá bỏ những quy tắc của phim tác giả để áp đặt phong cách của riêng mình, coi việc làm một bộ phim như trò chơi, mang tính động và luôn sáng tạo. Cách tiếp cận đó vừa nhấn mạnh tính thất thường của nghệ thuật, vừa nhắc lại cho ta thấy sự ranh mãnh, nếu muốn có, của điện ảnh.

Những thử nghiệm

Giải Cannes năm nay cũng là bước thử nghiệm cho nhiều diễn viên lấn sân sang mảng đạo diễn. Chuyển thể từ một tiểu thuyết trinh thám của Georges Simenon, The blue room (Căn phòng xanh) là phim được chờ đợi của Mathieu Amalric trong hạng mục Một góc nhìn khác. Ryan Gosling cũng ra mắt phim đạo diễn đầu tay Lost river (Dòng sông thất lạc) trong cùng hạng mục, kể về hành trình ảm đạm tìm đến thiên đường bị nhận chìm dưới nước.

Mélanie Laurent, nữ diễn viên triển vọng từng dẫn chương trình cho lễ mở màn Cannes 2011, mang đến làn gió mới trong hạng mục Tuần phê bình với Breath (Hơi thở): câu chuyện về tình thân của hai nữ sinh, chông chênh giữa sự mê hoặc và phụ thuộc.

Trong trào lưu phim thương mại, khán giả bước từ màn ảnh nhỏ ra màn ảnh lớn vì họ muốn dõi theo những minh tinh màn bạc. Nhưng ở thời của sự bấp bênh và khủng hoảng, khi con người gặp phải những thử thách về tinh thần, họ tìm đến rạp phim để trốn thoát, để mơ màng, để phiêu du trong một phòng tối với những hiệu ứng âm thanh và thị giác.

Tác giả không nhất thiết phải ở thái cực bi quan, u ám (như Lars von Trier chẳng hạn), chỉ cần họ biết cách đánh động cảm xúc ở những góc cạnh đơn giản nhất, trong những biểu hiện bình thường nhất của cuộc sống. Như với anh em nhà Dardenne, họ đã vượt qua được thách thức lớn nhất và dai dẳng đối với dòng phim tác giả: chạm đến được công chúng, một cách vững vàng và bền bỉ.

- Bài 2: Anh em Dardenne và cam kết thẩm mỹ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận