​Đạo đức thời khát tiền

TS LÊ THANH HẢI 02/07/2015 03:07 GMT+7

LTS: Sau bảy tuần báo “mổ xẻ” chuyện “làm việc tốt mà phải giấu” và bị “ném đá” vì“lố bịch”, TTCT đã nhận nhiều ý kiến: Từ các độc giả trẻ, những người đang tự hỏi vì sao mình phải “đi nhẹ nói khẽ cho lành”, cho đến những thầy giáo về hưu tự hỏi “phải chăng chính thái độ thỏa hiệp bất đắc dĩ để sống đã dẫn đến lãnh cảm, vô cảm, và rồi một ngày nào đó đến lượt ta nhận chịu?”. Trong số tạm khép lại câu chuyện có thể vẫn còn đang khiến bạn suy gẫm, TTCT giới thiệu một góc nhìn vấn đề từ khía cạnh xã hội học.

Minh họa: BÍCH KHOA

Khi nhiều người bắt đầu hành xử không còn giống như các phép tắc luân lý truyền thống thì đó là biểu hiện xã hội đã thay đổi đáng kể về cấu trúc. Lúc dư luận bắt đầu bàn đến điều đúng cái sai trong cuộc sống hằng ngày chính là quá trình hình thành của một định chế mới về đạo đức.

Điều này không chỉ là trường hợp riêng biệt ở Việt Nam mà ngay tại Đại học Harvard, nơi có đủ sinh viên từ nhiều nước tới học, các giờ giảng về triết học đạo đức của GS Michael Sandel luôn đầy ắp hội trường lớn. Khi video bài giảng được đưa lên mạng YouTube thì tiếp tục lôi cuốn gần 6 triệu khán giả trên thế giới, chưa kể các bản dịch được đài truyền hình các nước phát lại.

Những cá nhân ngơ ngác lạc lối

Luân lý đạo đức không phải là cái áp đặt vĩnh viễn mà liên tục thay đổi theo thời gian cho phù hợp với cả hoàn cảnh sống lẫn nhận thức của con người. Trước kia một người phụ nữ đảm đang trong xã hội nông nghiệp phải biết cắt cổ gà, còn ngày nay một người phụ nữ nhân đạo phải biết lên tiếng khi người ta chém con lợn đứt đôi máu văng tung tóe trên màn ảnh truyền hình.

Mỗi mô hình sản xuất, mỗi loại hình xã hội, mỗi cộng đồng dân tộc và địa phương theo bề dày lịch sử đã hình thành nên những hệ chuẩn đạo đức khác nhau mà nay khi toàn cầu hóa kéo sát họ lại với nhau khiến mỗi cá nhân ngơ ngác lạc lối. Sự hiểu biết về sự hình thành và thay đổi của tư duy xã hội sẽ giúp mỗi chúng ta biết cách đọc biển chỉ đường và bản đồ địa hình để tự tin đi trên con đường luân lý - tức là đạo đức - của mình và xã hội.

Lúc dư luận bắt đầu bàn đến điều đúng cái sai trong cuộc sống hằng ngày chính là quá trình hình thành của một định chế mới về đạo đức

Điều gì là đúng, chuyện gì là sai? Bố mẹ ông bà bảo đúng là đúng, cô giáo dạy sai là sai - đó là hệ giá trị đạo đức cơ bản nhất mà chúng ta được học từ nhỏ ở nhà và ở trường. Khi lớn lên thì làm điều tốt sẽ được những người xung quanh khen ngợi, và hành vi sai trái thì bị xã hội cho vào tù để trừng phạt - đó chính là cơ chế cơ bản để duy trì luân lý trong xã hội.

Ở nơi đó phép vua có thể thua lệ làng, và nếu ta sống trong một khu phố chuyên nghề buôn lậu thì làm điều tốt như phép nước quy định sẽ trở thành tội đồ bị tẩy chay và loại trừ. Thanh tra Katani trong bộ phim nổi tiếng của Ý một thời là nhân vật đem đạo đức theo quy định của luật pháp vào xã hội vốn đang hoạt động theo các quy tắc của mafia.

Một tay anh chị buôn ma túy hay trùm anh chị tổ chức sòng bài là nhân tố đem luân lý sống xã hội đen vào một khu phố trước đó vẫn sống theo hiến pháp và pháp luật. Mỗi thay đổi trong xã hội luôn kéo theo một cuộc chiến đạo đức, lớn nhỏ tùy mức độ, và kết quả thắng thua sẽ trở thành chuẩn mực đạo đức mới tiếp tục tham chiến trong một địa bàn rộng hơn.

Mâu thuẫn về quan điểm đạo đức có thể bắt đầu trong phạm vi một gia đình, ví dụ như tranh cãi chuyện tình dục trước hôn nhân. Căng thẳng về đạo đức có thể lan rộng ra ngoài xã hội, đơn giản như chuyện có dừng đèn đỏ hay không, cho đến phức tạp như giết người trộm chó, ném bom xăng phản đối nhà máy gây ô nhiễm.

Xung đột giữa các nền văn minh càng nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến chiến tranh, khi mà trong một nền văn minh phụ nữ thoải mái mặc bikini ôm bạn trai chụp hình khoe trên mạng, còn trong một nền văn minh khác phụ nữ bị cấm đi xem đá bóng và phạm luật phải ngồi tù.

Đúng sai tùy theo không gian và thời gian chỉ mang tính tương đối và mỗi con người phải chấp nhận để thích nghi hay chọn con đường cải tạo để xây dựng môi trường sống phù hợp cho bản thân, con cái sau này.

Đạo đức trong kinh doanh là một trong số những môn tự chọn trong giáo trình đào tạo ngành quản trị, với nội dung tương tự như vừa trình bày.

Các công ty đa quốc gia luôn nằm giữa các mâu thuẫn về đạo đức giữa các cộng đồng và nền văn minh mà họ hoạt động. Rửa tiền hay hối lộ là chuyện bình thường hay thậm chí bắt buộc phải làm ở một số nơi thì lại là hành động bị trừng phạt bằng rất nhiều tiền ở một số nơi khác. Đạo đức thời nay không còn đơn thuần là giá trị xã hội, mà được đo bằng rất nhiều tiền - hàng trăm triệu USD như một án phạt gần đây đối với một tập đoàn tài chính đa quốc gia có chi nhánh ở Việt Nam.

Hành vi trái đạo đức trong một cộng đồng có thể bị đưa ra tòa án quốc tế theo những hình thức tương tự. Tệ hơn, một tập đoàn hay một quốc gia có thể bị tẩy chay kéo theo là phá sản. Nhưng khi đã thành tiền thì đạo đức có thể trở thành món hàng để mua bán, đổi chác.

Từ ngày đổi mới đến nay, kiếm tiền trở thành động lực phát triển trong xã hội, và hầu như mọi thứ đều được quy thành tiền - ngay cả tình cảm trong gia đình cũng được biến thành phong bì lì xì hay tấm lòng tận tụy chăm sóc cha mẹ già ở bệnh viện được tính bằng khoản tiền thuê điều dưỡng chia theo tỉ lệ cho anh em trong nhà.

Mỗi khi làm điều gì vô đạo đức, người ta dễ dàng tự thanh minh rằng đó là để kiếm cơm. Điều này không có gì lạ vì như thời Trung cổ, dân châu Âu có thể dễ dàng đến nhà thờ bỏ một đồng xu vào hộp để mua một tờ giấy xóa tội, cũng như bây giờ người Việt ta bỏ chút tiền lễ đến chùa cúng sao giải hạn.

Thời công nghiệp, tư bản Anh còn không ngại bắt nô lệ nước ngoài làm việc ngoài đồng ruộng và bóc lột chính trẻ con nước mình lao lực trong các xưởng máy, còn tư bản Hà Lan thì không ngại lừa đảo đồng hương đầu cơ giống hoa tulip và tấn công chiếm đảo của đối thủ cạnh tranh. Đạo đức của ngày hôm nay được trả giá bằng xương máu của rất nhiều thế hệ.

Chuẩn mực đạo đức ở nước thuộc địa do chế độ cai trị từ bên ngoài áp đặt, còn giá trị đạo đức trong một thể chế cộng hòa là do hiến pháp quy định và duy trì qua hoạt động của chính phủ và bộ máy nhà nước.

Trào lưu đạo đức trong một xã hội thông tin thường chịu ảnh hưởng mạnh từ các nhân vật nổi tiếng hay tùy thuộc vào hệ thống khoa giáo. Tiêu chuẩn đạo đức có thể phát xuất từ một người, rồi thông qua gia đình và tổ dân phố, hay thông qua sinh viên và những người xin chữ ông đồ, hay nhờ thuyết giảng như một con đường tín ngưỡng, hoặc là từ một nhóm dân sự qua các kênh thông tin và mạng lưới liên lạc sẽ lan truyền dần vào xã hội.

Sự thay đổi cũng có thể là kết hợp của tất cả yếu tố đã nêu, như từ vận động đến luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, hay từ hiệp ước quốc tế về quyền trẻ em đến việc thức tỉnh xã hội về vấn nạn bạo lực trong trường học, hoặc là thái độ của xã hội đối với người đồng tính luyến ái.

Như Karl Marx từng trình bày trong quy luật về đấu tranh, xã hội là tập hợp của nhiều mâu thuẫn, triệt tiêu nhau khi đối kháng hoặc cùng tồn tại nếu không đối kháng. Xã hội luôn biến đổi mỗi khi xuất hiện một lực đẩy làm dịch chuyển điểm cân bằng của đạo đức, do thêm bớt một thành phần nào đó làm thay đổi kết cấu cơ bản, và bản thân cũng liên tục chuyển động theo một quán tính sẵn có.

Mỗi cá nhân trong xã hội tùy thuộc vào trọng lượng và vị trí cũng như mối quan hệ của mình mà sẽ có ảnh hưởng nhiều hay ít đối với sự thay đổi đó.

Chỉ số trách nhiệm xã hội

Một trong số những trách nhiệm xã hội của người trí thức chính là duy trì và phát triển luân lý đạo đức cộng đồng. Một trong số những trách nhiệm xã hội của người kinh doanh là giúp người trí thức có thể tập trung vào công tác cộng đồng, và một trong số những trách nhiệm xã hội của người làm chính trị là xây dựng cơ cấu để thực hiện các tư tưởng dân sinh đó.

Một trong số những trách nhiệm xã hội của công dân là thực hiện các cam kết mà số đông trong xã hội đã thông qua, và một trong số những trách nhiệm xã hội của phụ huynh và thầy cô giáo là dạy dỗ, đào tạo một thế hệ trẻ biết ý thức về luân lý đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Một giai đoạn dài sống trong nền kinh tế bao cấp tạo ra thói quen dựa dẫm vào hệ thống, còn những năm tháng đổi mới đề cao chuyện vượt rào, cho nên bây giờ là lúc xã hội Việt Nam phải xây dựng ý thức về trách nhiệm cộng đồng.

Một trong số các tiêu chí để đánh giá sự phát triển và văn minh của một cộng đồng chính là chỉ số về trách nhiệm xã hội của các thành viên, thông qua khảo sát về lòng tin - trust. Lòng tin là cái khiến người Anh có thể xây dựng được hệ thống hợp tác xã co-operative, khiến người Mỹ có thể tạo ra được những tập đoàn kinh doanh khổng lồ cũng có tên gọi chính là Trust, và giúp người Đức giảm thiểu tối đa chi phí giám sát trong xã hội như hệ thống soát vé và ý thức vệ sinh nơi công cộng.

Lòng tin cũng chính là uy tín, là “credit”, tức là khả năng vay tiền và lời hứa sẽ trả đủ để ngày xưa người Trung Quốc và người Do Thái có thể in tiền và làm ngân hàng, tạo ra mối liên kết toàn cầu. Đạo đức chính là sự thể hiện lòng tin giữa con người với con người, rằng đã ra đường thì những người khác đều biết lái xe và mỗi chúng ta sẽ điều khiển phương tiện của mình trên cơ sở như vậy.

Việc xây dựng đạo đức phải bắt đầu từ chính những người làm nhiệm vụ giám sát hành vi trong hệ thống, mà trong ví dụ này là cảnh sát giao thông, phải bị đuổi việc và trừng phạt bằng cách ngồi tù ngay lập tức khi ăn hối lộ, vì chính họ là yếu tố làm băng hoại đạo đức nặng nề nhất, như đã phân tích ở trên.

Phát triển lối tư duy này vào cộng đồng thì những kẻ lợi dụng chức vụ trong bộ máy nhà nước để tham nhũng chính là thế lực phá hoại đạo đức xã hội kinh khủng nhất và cần bị trừng phạt nặng để chấn chỉnh lại.

Đó chính là trách nhiệm làm người của lãnh đạo chính quyền, khi người dân đã thể hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách tố cáo tham nhũng. Qua những vụ như Vinashin và PMU18, băng hoại đạo đức do khát tiền của một nhóm nhỏ đã làm tổn hại vô cùng nhiều tiền của cộng đồng và tấm gương xấu về đạo đức trong nhiều mặt của cuộc sống. Việc xây dựng lại hệ giá trị đạo đức cho xã hội Việt Nam phải bắt đầu từ việc nặng nhọc và khó khăn nhất là sửa chữa những chỗ hư hỏng đó trước để có thể đi tiếp trên con đường luân lý.           

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận