TTCT - Có lẽ chưa bao giờ việc dạy văn ở đại học đứng trước một tình thế đặc biệt như hiện nay: nguồn tài liệu và các phương tiện giảng dạy ngày càng phong phú, những mối giao lưu quốc tế đa dạng, thông tin văn học tiếp cận nhanh chóng, quan niệm văn học tương đối cởi mở; trong khi đó vị thế của môn học này lại suy giảm dưới mắt nhìn xã hội và niềm say mê cũng như sự chuyên tâm của thầy và trò, xét tổng quát, đều có chiều hướng sa sút. Phóng to Ảnh: Thanh ĐạmTTCT - Có lẽ chưa bao giờ việc dạy văn ở đại học đứng trước một tình thế đặc biệt như hiện nay: nguồn tài liệu và các phương tiện giảng dạy ngày càng phong phú, những mối giao lưu quốc tế đa dạng, thông tin văn học tiếp cận nhanh chóng, quan niệm văn học tương đối cởi mở; trong khi đó vị thế của môn học này lại suy giảm dưới mắt nhìn xã hội và niềm say mê cũng như sự chuyên tâm của thầy và trò, xét tổng quát, đều có chiều hướng sa sút. Có thể nêu nhiều nguyên nhân của tình trạng đó, nhưng phải chăng nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi bảng giá trị trong xã hội hiện nay, đã kéo theo sự truất ngôi của những sản phẩm tinh thần không đủ sức chống đỡ trước cơn xâm thực của chủ nghĩa duy lợi. Nói cho công bằng, trách nhiệm về mặt này chia đều cho cả văn học và hoàn cảnh bao quanh nó. Trước tình thế đó, môn văn trong trường đại học muốn còn có sức thu hút và có ích đối với xã hội thì không thể giữ nguyên nội dung và phương pháp cũ, mà phải tìm cách thay đổi, không phải để thỏa hiệp hay thích nghi với thời đại mà để vực dậy sức sống của chính nó. Nhưng thay đổi như thế nào? Sự thay đổi trong việc dạy văn ở đại học hiện nay cần tính đến những yếu tố sau đây: Một là thực trạng dạy văn ở trường phổ thông. Sự thật là với chương trình, sách giáo khoa và cách thi cử như hiện nay, dù sau nhiều lần “cải cách”, môn văn ở trường phổ thông vẫn không làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhiều vấn đề lẽ ra giáo dục phổ thông phải giải quyết thì lại đẩy cho trường đại học. Gần 30 năm chấm thi tuyển sinh đại học và theo dõi các thế hệ học sinh từ phổ thông lên, tôi nghĩ giá như việc tuyển sinh chỉ bằng một bài văn nghị luận xã hội thôi mà qua đó lọc bớt những thí sinh có tư duy lủng củng, viết sai ngữ pháp và chính tả, để khuyến cáo họ đi theo ngành khác, thì việc dạy văn sẽ đỡ vất vả và hiệu quả hơn nhiều. Thử nghĩ xem với điểm sàn 14-15 điểm cho ba môn, trừ điểm ưu tiên, không hiếm thí sinh 3-4 điểm môn văn cũng có thể vào học khoa văn! Hai là thực trạng đội ngũ dạy văn hiện nay ở bậc đại học và sau đại học. Như ở nhiều ngành nghề khác, ngành văn cũng đang diễn ra mâu thuẫn giữa cái “cần” và cái “có”. Cái sinh viên cần thì thầy giáo chưa/không có. Cái thầy giáo có thì sinh viên không cần. Đề ra một chương trình rất hay tuy khó nhưng không phải là việc bất khả, có điều đề ra rồi thì ai sẽ dạy? Một trong những tai họa của đại học VN hiện nay là mở ra quá nhiều ngành, nhiều môn học mà không chuẩn bị đầy đủ giảng viên. Đặt tên một môn học rồi giao cho thầy giáo vài tuần làm đề cương, vài tháng sau lên lớp thì chẳng khác nào phân công bác sĩ tai mũi họng khám và chữa bệnh tim mạch. Để dạy được một môn học, lẽ ra người thầy giáo cần phải được cử đi tu nghiệp, phải dành cả năm trời đọc sách. Tình trạng “bác sĩ đa khoa” như vậy ở đại học hiện nay, công lập cũng như dân lập, nhiều lắm! Ba là khả năng đồng thuận của bộ máy giáo dục, cụ thể là của cơ quan quản lý. Muốn thay đổi thì phải lay chuyển toàn bộ hệ thống, nhưng những người quản lý chương trình ở bộ chắc chưa sẵn lòng cho sự thay đổi như vậy. Đề nghị của một khoa, một trường chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, chứ khoa đó, trường đó không thể nào làm theo cách riêng của mình được. Bộ không bao giờ mặn mà với một kiểu “tự trị đại học” như vậy, bởi một lẽ dễ hiểu: tháo khoán cho sự chủ động của các cơ sở, trong điều kiện giáo dục bị trục lợi như hiện nay thì sự xuất hiện của những đơn vị tâm huyết chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn số áp đảo sẽ là những cơ sở làm ăn tùy tiện. Trên thực tế, hiện nay bộ chỉ dành cho các trường khoảng 20% thời lượng chương trình để thiết kế các môn học do trường đề xuất. Mọi sự thay đổi về chương trình có lẽ chỉ “cựa quậy” được trong khoảng 20% thời lượng này. Vì vậy, theo thiển ý của chúng tôi, đối với các khoa văn học, việc cần thiết và nên làm lúc này chưa phải là thay đổi chương trình đào tạo một lần nữa. Việc này sẽ gây tốn sức lực và rất ít khả thi. Điều quan trọng nên làm lúc này là tập trung thay đổi, bổ sung, cải tiến nội dung các môn học có tính chất truyền thống trong chương trình. Cả lý luận văn học lẫn lịch sử văn học, cả văn học Việt Nam lẫn văn học nước ngoài, trong từng tín chỉ, đều cần có sự cập nhật về kiến thức và cách tiếp cận. Chẳng hạn, về lịch sử văn học, cũng là trong khuôn khổ chương trình đó, nhưng thay vì trình bày tràng giang đại hải các giai đoạn văn học, cần đào sâu vào những tác phẩm tiêu biểu mà sinh viên phải đọc để qua đó hiểu lịch sử văn học. Dạy lý luận văn học cũng vậy, không phải là dạy một thứ lý luận do ông thầy hay các giáo trình “tái chế” mà là dạy những lý thuyết văn học từng cọ xát, tranh biện, chuyển hóa lẫn nhau và sinh viên cần được tiếp cận với thông điệp của chính các “giáo chủ” chứ không phải chỉ thông qua lăng kính của “kẻ truyền giáo”. Để đáp ứng nhu cầu về tính ứng dụng và tính thực tiễn của khoa văn học, một số nhà giáo hiện nay có xu hướng mở rộng bài giảng đề cập các hiện tượng thời sự của văn học. Quả là đại học không thể thu hẹp trong bốn bức tường và lãnh đạm với những biến đổi trong đời sống văn học bên ngoài xã hội. Nhưng đại học cũng có niềm kiêu hãnh của mình. Trong khi công chúng đổ xô chạy theo những hiện tượng văn học thời thượng, thì đại học cần phải khích lệ sinh viên của mình sẵn sàng kháng cự với đám đông. Tôi đọc thấy câu này trong diễn văn của bà Drew G. Faust, hiệu trưởng Trường đại học Harvard: “Bản chất của một trường đại học là trách nhiệm độc nhất vô nhị của nó với quá khứ và tương lai, chứ không chỉ đơn giản với hiện tại (...). Một trường đại học vừa nhìn về phía trước, vừa nhìn lại quá khứ theo những cách bắt buộc phải mâu thuẫn với mối bận tâm hoặc đòi hỏi nhất thời của công chúng. Trường đại học cam kết với sự vô thời hạn, và những sự đầu tư này sẽ tạo ra mùa gặt mà chúng ta không thể dự đoán và thông thường không thể đo lường được” (Giáo dục đại học - trách nhiệm đối với quá khứ và tương lai, Tuổi Trẻ ngày 16-10-2007). Khoa văn học ở các trường đại học có trách nhiệm với tương lai của đất nước trong việc trao truyền những tinh hoa của nghệ thuật ngôn từ làm thành tâm hồn của thế hệ trẻ. Sự chọn lựa không phù hợp một bài văn, một tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường có thể sẽ để lại những hậu quả rất lâu dài và khó sửa chữa. Môn văn trong trường đại học không thể vô can với sự vô cảm, thô lậu và hung hãn trong lối viết và lối sống của một nhóm người hiện nay, nếu nó chỉ chăm chăm đề cao những khuynh hướng hư văn hoặc khuynh hướng bạo động trong văn học.
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Phương án hợp nhất để giảm 5 bộ, 4 cơ quan của Chính phủ NGỌC THÀNH 04/12/2024 Theo định hướng của Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 sau khi sắp xếp, hợp nhất, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cận cảnh hỗn loạn trong nhà Quốc hội Hàn Quốc sau thiết quân luật HÀ ĐÀO 04/12/2024 Dù chỉ tồn tại sáu tiếng, lệnh thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành khuya 3-12 cũng đủ khiến Seoul có một đêm không ngủ.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền HOÀI PHƯƠNG 04/12/2024 Ca sĩ Bích Tuyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn kiện chồng mình là ông Gerard Williams.
Sốc: Nữ văn sĩ Quỳnh Dao từ bỏ cuộc đời ở tuổi 86 LAN HƯƠNG 04/12/2024 Cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao khiến truyền thông Trung Quốc rúng động, nhiều khán giả bật khóc trước sự ra đi của bà.