Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020: khi "mạnh ai nấy bơi"

DU LONG 08/07/2013 19:07 GMT+7

TTCT - Để giúp học sinh nói được tiếng Anh và tiến tới học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh, từ nay đến năm 2020, Long An chi 437 tỉ đồng. Kon Tum cách đây hơn một năm cũng tuyên bố chi 135 tỉ đồng. Còn Đà Nẵng thì dành 140 tỉ đồng.

Trong tình hình thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 trên cả nước vẫn còn đang chập chững, phía sau những con số này là gì?

Phóng to

Đề án có tên đầy đủ là “Dạy và học ngoại ngữ trong các trường công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020” (1) mà UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt hoàn toàn trong khuôn khổ của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. Tức một đề án không chỉ hợp pháp mà còn trong khuôn khổ của một đề án nhà nước.

Sở dĩ tin về đề án này gây sốc là do số kinh phí lên đến 437 tỉ đồng từ nay đến năm 2020, quá “hớp” so với một số đề án tương tự trước đó của một số tỉnh đi trước. Đề án gây băn khoăn về tính hiệu quả do lẽ đây là một tỉnh với cấu trúc dân số còn khá “nông thôn” và năng lực dạy tiếng Anh ở tỉnh này còn chưa cao.

Giật mình so sánh!

Thật vậy, băn khoăn đầu tiên là làm sao “trải thảm đỏ” dạy và học tiếng Anh cho tạm đều khắp trong một tỉnh có tổng dân số 1.449.600 người (năm 2011), trong đó dân số sống tại thành thị khoảng 258.000 người, dân số sống tại nông thôn những 1.191.600 người, sống trên một diện tích 4.492,4km² bị chia cắt bởi sông nước và kênh rạch?

Chỗ dựa cơ hữu cho đề án này của Long An mới là một trường cao đẳng (sư phạm) còn non trẻ, mà nội việc dạy và học tiếng Anh trong trường này cũng đã là một vấn đề nan giải như ở mọi khoa (không chuyên Anh) khác trên toàn quốc.

Tháng 1-2012, tỉnh Kon Tum cũng đã gây sốc khi phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ” trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 135 tỉ đồng, cho tổng dân số gần 453.200 người, trong đó sống tại thành thị khoảng 156.400 người, sống tại nông thôn khoảng 296.800 người (năm 2011), trên một địa bàn mà đồi núi chiếm đến 2/5 diện tích toàn tỉnh, địa hình đa dạng với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp, tức có khó khăn trong việc san sẻ những phúc lợi từ đề án “dạy và học ngoại ngữ” mang danh nghĩa “toàn tỉnh” này.

Và tháng 2 năm ngoái, UBND Đà Nẵng cũng thông qua “Ðề án dạy và học ngoại ngữ…” với tổng kinh phí chỉ gần 140 tỉ đồng. Tức là chỉ trong vòng không đầy một năm rưỡi, Long An lại đưa ra kinh phí lên gấp hơn ba lần kinh phí của Đà Nẵng, trong khi Đà Nẵng là một trong năm thành phố thuộc trung ương với tổng dân số là 951.700 người, cách biệt nội thành/ngoại thành không phải là quá lớn, có tiềm lực kinh tế - xã hội vào hạng cao?

Đà Nẵng thậm chí đã từng có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu cả nước trong ba năm liền từ 2008-2010, và có một Đại học Đà Nẵng khá mạnh làm chỗ dựa cho đề án. Dường như Long An, khi tính toán, đã noi theo mức kinh phí của tỉnh Kon Tum: chi phí bình quân đầu người theo đề án của Long An là 301.462 đồng, trong khi ở Kon Tum là 297.881 đồng, chứ không noi theo Đà Nẵng với kinh phí đầu người chỉ 147.105 đồng.

Đó chỉ là những ví dụ sơ bộ, chỉ riêng từ góc độ kinh phí đã thấy dường như khi thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, qua ba mẫu tính toán của ba tỉnh, thành Long An, Kon Tum, Đà Nẵng đã thấy dường như mạnh ai nấy bơi! Làm thế nào hiểu được rằng dạy và học ngoại ngữ ở Long An và Kon Tum lại tốn ngân sách/đầu người gấp ba lần ở Đà Nẵng? Chưa thấy có một giải thích nào về cơ sở đầu tư hay có ý kiến gì về những khác biệt trong tính toán này.

Ai đứng lớp?

Chìa khóa quyết định thành bại của đề án quốc gia này tất nhiên là đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Những chi tiết từ một bài báo sau có thể tóm tắt hiện trạng cùng những trăn trở từ một tỉnh Tây nguyên: “Nhiều địa phương vừa khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên. Kết quả cho thấy số giáo viên đạt chuẩn rất thấp: hầu như tỉnh nào cũng trên 90% giáo viên không đạt chuẩn, thậm chí có tỉnh mức không đạt chuẩn là 100%, kể cả thạc sĩ cũng… rớt.

Vậy liệu có bảo đảm cho việc giảng dạy bằng tiếng Anh? Theo đề án, đội ngũ giáo viên đạt năng lực tiếng Anh bậc 5 (tương đương C1 theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu) và học sinh tuyển vào lớp 10 đạt năng lực tiếng Anh bậc 2 (tương đương A2 theo khung tham chiếu châu Âu). Tuy nhiên, để “kiếm” được chuẩn đó thì cực khó với các tỉnh lẻ.

Nếu lực lượng giáo viên dạy ngoại ngữ muốn có bằng tiếng Anh bậc 5 thì phải bỏ thời gian đi tu nghiệp lại tiếng Anh, mà đây là một nhiệm vụ khó bởi không phải chỗ nào cũng đào tạo bậc 5… Tìm đâu ra để có cái bằng đó khi cả thầy lẫn trò đều không có chỗ đào tạo, nên điều này rất khó thực hiện…” (2).

Tất nhiên, bộ cũng đã có kế hoạch bồi dưỡng, như có thể thấy qua văn thư (triệu tập bồi dưỡng) số 3837/BGDĐT-VP ngày 19-6-2012: “Đợt bồi dưỡng hướng tới nâng cao một bậc năng lực tiếng Anh, cập nhật phương pháp giảng dạy và sử dụng sách giáo khoa mới hiệu quả cho giáo viên tiếng Anh cấp THCS từ các sở GD-ĐT đã có trình độ tương đương bậc B1-CEFR hoặc bậc A2-CEFR đối với các địa bàn khó khăn.

Thời lượng đợt bồi dưỡng gồm 450 tiết, trong đó năng lực ngôn ngữ 400 tiết (300 tiết học trên lớp + 100 tiết học với máy tính có hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin), phương pháp giảng dạy 50 tiết”.

Để tiện nhìn thấy thực lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh (tạm tính cấp THCS), căn cứ theo định nghĩa của CEFR (The Common European Framework of Reference for Languages), trình độ bậc A2-CEFR (đang thấy ở các địa bàn khó khăn) mới là sơ cấp (Waystage or elementary) sau khi đã qua trình độ A1 vỡ lòng (Breakthrough or beginner); còn trình độ bậc B1-CEFR cũng mới chỉ là bắt đầu bậc trung cấp (Threshold or intermediate) (3).

Từ đó dò lại văn thư trên có thể thấy đội ngũ giáo viên tiếng Anh cấp THCS tạm gồm ba nhóm (theo chuẩn CEFR): (1) hiện có trình độ tương đương bậc B1 tức trung cấp; (2) có trình độ chỉ tương đương bậc A2 tức sơ cấp (3) không đạt các trình độ trên. Nếu bồi dưỡng thành công, các giáo viên “xịn” nhất cũng mới chỉ lên bậc B2 (Vantage or upper intermediate) tức trung cao; còn các giáo viên “vùng sâu vùng xa được đặc cách” sẽ ở trình độ A2 sơ cấp.

Từ ưu đãi chỉ cần nâng lên bậc trình độ A2 sơ cấp cho các “địa bàn khó khăn”, theo như văn thư trên của bộ, càng thấy nhức nhối trước phân bố dân số - địa lý ở các tỉnh tạm nêu làm thí dụ ở trên là Long An và Kon Tum! Với một đội ngũ giáo viên tiếng Anh cấp THCS mà một số (khoan nói số nhiều hay số ít) mới chỉ ở trình độ A2 sơ cấp, học sinh sẽ học và hành như thế nào?

Băn khoăn này hơn ai hết, những người trong cuộc đã thấy như chính giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An: “Cái khó của tỉnh hiện nay là thiếu giáo viên tiếng Anh và ngay cả số giáo viên hiện có cũng phần lớn chưa đạt chuẩn. Ngoài ra, địa bàn tỉnh Long An rất rộng, nhiều vùng sâu, vùng xa còn khó khăn cũng là trở ngại trong việc thực hiện đề án (4)”.

Từ đó, không thể không bức xúc vì số tiền 437 tỉ cho Long An và 135 tỉ cho Kon Tum sẽ “đương nhiên” tập trung cho các trường ở các “địa bàn không khó khăn” và chủ yếu là vào một vài trường điểm ở trung tâm tỉnh, như thấy giới thiệu trong đề án các tỉnh này, nhất là cho những trường có dạy các môn toán, lý, hóa, sinh, văn, lịch sử... bằng tiếng Anh (như đề án của Đà Nẵng). Đây cũng là tình hình chung cho các tỉnh khác.

Dẫu đề án xác định việc “chấp nhận sự khác biệt trong dạy và học ngoại ngữ về chương trình, trình độ, số lượng và ngoại ngữ cụ thể cần dạy đối với các vùng miền, địa phương và cơ sở giáo dục khác nhau” nhưng cũng đã khẳng định đây chỉ là sự chấp nhận “trong giai đoạn trước mắt”. Không rõ “giai đoạn trước mắt” này kéo dài trong bao lâu, nhưng đề án thì đã được ban hành từ năm 2008.

Ai bồi dưỡng ai?

Cũng theo văn thư “triệu tập bồi dưỡng” trên, ở phía Bắc số giáo viên được đi bồi dưỡng hè năm ngoái tổng cộng là 302 người (của 15 tỉnh). Liệu có đủ giáo viên “đúng chuẩn châu Âu” (cho dù là trung cao) để đứng lớp?

Cũng có những địa phương “tự bơi” như ở Long An, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này chia sẻ: “Chúng tôi đang tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho đạt chuẩn... Sẽ đầu tư tối đa để đưa giáo viên ra nước ngoài học, thuê giáo viên nước ngoài đến dạy, tăng cường cơ sở vật chất... Cụ thể, chi phí đưa một giáo viên ra nước ngoài để đào tạo theo chuẩn châu Âu dự tính là 180 triệu đồng/người. Còn mời giáo viên nước ngoài về đào tạo ở địa phương thì chi phí khoảng 40 triệu đồng/người.

Trong giai đoạn đầu, sở đã lên kế hoạch mời 500 giáo viên nước ngoài về đào tạo tại địa phương và đưa 100 giáo viên đủ điều kiện đi học tập nước ngoài để có thể đạt chuẩn”. Dễ hiểu tại sao Long An lại “tự bơi” theo kiểu “mời 500 giáo viên nước ngoài về đào tạo…”, “đưa 100 giáo viên đi học nước ngoài”… khi mà Trường cao đẳng Sư phạm Long An cơ hữu không đủ nhân lực cáng đáng công việc này.

Có sẵn một trường cao đẳng sư phạm mà còn thấy thiếu, thế còn những tỉnh không có bất kỳ trường cao đẳng sư phạm cơ hữu nào thì sao?

Từ sự “tự bơi” đó mới có những hợp tác tùy hỉ với “Cambridge”, với EMG Education, với ELC (Úc) trong khuôn khổ các đề án do các chính quyền địa phương tự phê duyệt kinh phí tùy nghi. Từ một đề án quốc gia, với các khoản chi khá chi tiết cho từng mục (biên soạn sách - tài liệu học, đào tạo giáo viên, cung cấp trang thiết bị, xây dựng phòng học tiếng nước ngoài, tuyển dụng giáo viên bản ngữ…), vẫn có một biên độ khá rộng rãi để mỗi tỉnh tự bơi, bắt đầu là kinh phí.

Vì thế mới thấy Long An “nhấn ga” lên 437 tỉ đồng, nhưng lại bắt đầu nghe những phàn nàn như từ Đắk Lắk (269 tỉ đồng) rằng “để đề án được triển khai đúng tiến độ, mỗi năm Đắk Lắk cần được cấp khoảng 30 tỉ đồng thay vì cấp bình quân 12-15 tỉ đồng như hiện nay”. Cần nhắc lại là tổng kinh phí của đề án trên cả nước là trên 9.000 tỉ đồng.

___________

(1): Tuổi Trẻ 21-6-2013
(2): Báo Đắk Lắk 20-4-2013
(3): Common european framework of reference for languages, wikipedia.
(4): Tuổi Trẻ 21-6-2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận