TTCT - LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống “Có một Thế hệ Tôi”, nhiều độc giả đã nêu ra những băn khoăn, kể cả những câu hỏi về lựa chọn cách sống trong thời buổi công nghệ và chủ nghĩa vật chất đang được coi trọng. TTCT đã chuyển những câu hỏi này đến tiến sĩ truyền thông Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) và thạc sĩ tâm lý Trần Thị Ngọc Dung để nghe ý kiến của họ. Phóng to Tiến sĩ Thanh Huyền - Ảnh nhân vật cung cấp Những giá trị “mì ăn liền” * TTCT: Do tính chất công việc, các cô từng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Nếu tóm gọn những tính cách, đặc điểm của họ, các cô sẽ nói về họ thế nào? Có giống như “Thế hệ Tôi” mà TTCT từng đề cập không? - TS Thanh Huyền: Tôi thấy bài viết trên báo các bạn có nhiều điểm giống với các sinh viên mà tôi dạo này thường gặp. Họ có khá nhiều điểm khác với sinh viên của tôi cách đây khoảng một thập niên. Họ thực dụng hơn. Ví dụ, khi tôi hỏi sinh viên làm sao để họ hào hứng tham gia những sự kiện mà khoa tổ chức thì câu trả lời là: Cô hãy đưa ra nhiều lợi ích về vật chất như quà tặng, tài liệu, suất ăn miễn phí..., chứ nếu chỉ có lợi ích tinh thần thì may ra chỉ thu hút được một lần thôi! Nhiều người không chăm chỉ và trong sáng bằng các thế hệ trước. Ví dụ, để giải bài tập được giao, nhiều sinh viên thường tìm kiếm phương án trả lời sẵn có trên mạng rồi copy và paste, thay vì đọc sách và suy nghĩ. Một số đáng kể cũng thích tô vẽ cho bản thân, nhưng bắt chước nhiều hơn là xây dựng cá tính để gây ấn tượng... - ThS Ngọc Dung: Tôi chọn cách nhìn các bạn tôi gặp theo lăng kính nhiều chiều. Ở khía cạnh động cơ hành động, nhu cầu được xã hội tôn trọng là nhu cầu cao nhất. Trong bối cảnh xã hội cạnh tranh, nếu mọi người đều có khả năng học tập và kỹ năng như nhau, bạn sẽ phải làm mình nổi bật bằng cách nào? Sự độc lập và thành tựu của cá nhân trở thành thước đo thành công. Khát khao tạo ra sự khác biệt ngay lập tức có thể dẫn đến hành động tạo ra những giá trị hư danh ngắn hạn và một vài bạn có thể bằng mọi cách thực hiện nó, bất chấp nó có phù hợp với chuẩn mực xã hội - văn hóa hay không. Có thể gọi đây là những giá trị “mì ăn liền”, xuất hiện khắp nơi và được các bạn đề cập. Tôi thật sự lo ngại cho những bạn trẻ quên mất tầm quan trọng việc xây dựng mối quan hệ của họ với cộng đồng. Những đóng góp vào cộng đồng (như gia đình, tình bạn và nỗ lực xây dựng sự tin cậy) mới thật sự là giá trị nền tảng và lâu dài bạn nên đeo đuổi. Thống kê có đến 75% các bạn sinh từ năm 1980 tham gia cộng đồng mạng xã hội, và trong số đó rất nhiều người được cho là “ngây thơ” tin tưởng hoàn toàn vào cộng đồng ảo đó. Chính vì lẽ đó, để xây dựng một hình ảnh TÔI độc đáo, một số bạn trẻ có thể vô tư đưa những hình ảnh riêng tư hoặc những câu nói gây tức giận lên mạng, từ đó thu được sự nổi tiếng trong tức thời. Họ không biết rằng những gì được đưa lên thế giới mạng sẽ không thể nào xóa hết hoàn toàn. Và điều đó có thể gây rắc rối cho bạn trong thời gian dài. * Đúng vậy. Các bạn trẻ thừa nhận họ bị ám ảnh bởi công nghệ, nghiện truyền thông xã hội. Tác giả Ngọc Minh biện hộ rằng họ không có lỗi khi “sinh nhầm” thời đại? - TS Thanh Huyền: Ngọc Minh nói đúng. Trước đây, khi công nghệ truyền hình bùng nổ, nhiều người đã lo lắng con người sẽ ít quan tâm chia sẻ, lắng nghe nhau hơn. Nhưng rồi bạn thấy đấy, xã hội vẫn phát triển, các giá trị nhân bản nhất vẫn còn đó, và dường như ai cũng hào hứng hơn khi có các công nghệ truyền thông mới. Tôi thấy không cần quá lo lắng. Bạn trẻ hoàn toàn có quyền trải nghiệm các công nghệ đang có trong thời đại của họ. Tự họ sẽ điều chỉnh để đạt được sự cân bằng cho chính mình. - ThS Ngọc Dung: Hãy lấy ví dụ về Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố sẽ không cho phép con của mình tiếp cận Facebook mà không có sự giám sát. Lý do thứ nhất, bất cứ những gì được đưa lên mạng sẽ không bao giờ bị xóa, dù bạn có nhấn nút delete nó. Thứ hai, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Bạn có khả năng cân đối được những rủi ro và tác động lâu dài đến sự nghiệp tương lai khi bạn đưa những quan điểm hay hình ảnh tiêu cực lên mạng xã hội hay không? Công nghệ dường như đang thay đổi cả thế giới. Trong xã hội thực, tùy thuộc vào bối cảnh xã hội, mỗi người sẽ đóng những vai trò khác nhau (là người con trong gia đình, là sinh viên trên giảng đường...) và dĩ nhiên ai cũng phải có trách nhiệm làm tròn vai trò đó. Khi Internet và mạng xã hội xuất hiện, bạn có thể tự xây dựng hình ảnh mới của mình với thế giới, làm cho mình trở nên riêng biệt, cá tính, khác hẳn con người thật và những vai trò mà mình đang được giao trong xã hội thật. Rõ ràng công nghệ không có lỗi, lỗi ở đây là bạn không học cách tự kiểm soát được hành vi của mình. * Mới đây nhất đã có những cảnh tỉnh về tình trạng nghiện điện thoại thông minh, Internet. Họ phải làm gì đây? - TS Thanh Huyền: Có lẽ không có giải pháp chung cho mọi trường hợp. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc, nơi gần 100% dân số dùng Internet, ngay từ khi trẻ mới học mẫu giáo, cha mẹ, ông bà đã được chính quyền/nhà trẻ/cộng đồng... mời tham dự các lớp học chống độc trong Internet, game cho con em mình. Theo đó, các hoạt động chung của gia đình, cộng đồng... tạo ra không gian chia sẻ thực, và họ cũng tận dụng không gian ảo để làm không gian thực đó đạt hiệu quả cao hơn. Với giảng viên chúng tôi, việc sinh viên mang laptop được kết nối WiFi vào giảng đường cũng là một câu chuyện cần có cách xử lý. Sinh viên có phương tiện công nghệ mà giảng viên biết cách khai thác cũng rất tốt, chẳng hạn giao cho họ tìm kiếm, xử lý thông tin về bài học ở mỗi tiết và yêu cầu họ báo cáo. Nếu không thì họ sẽ chat chit, lướt web, thậm chí mua sắm trên mạng suốt giờ học và nhìn chúng ta với đôi mắt hoàn toàn trống rỗng. - ThSNgọc Dung: Các nghiên cứu gần đây giả định xu hướng sử dụng Facebook của giới trẻ xuất phát từ hai nhu cầu: (1) gắn kết mọi lúc với cộng đồng nhóm và (2) thể hiện bản thân. Có thể nói một trong những lý do bạn không thể xa rời Facebook hay chiếc điện thoại là vì bạn không muốn tụt hậu so với nhóm bạn của mình. Tâm lý giới trẻ còn có khái niệm hòa nhập giữa các nhóm bạn bè. Bạn có thể bị xem là lạc hậu nếu không biết được điều mà người khác biết. Điều bạn trẻ cần làm là cân bằng giữa đâu là cuộc sống thực và đâu là giá trị ảo, hư danh. Bên cạnh đó, nếu xu hướng dùng Facebook của bạn xuất phát từ ý muốn thể hiện bản thân, bạn có thể dễ dàng bị cuốn theo những thông tin cá nhân, hoặc các vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng lên mạng. Bạn cần tự hỏi liệu có cần thiết phải gây ấn tượng bằng những vấn đề như vậy hay không? Phóng to Thạc sĩ Ngọc Dung - Ảnh nhân vật cung cấp Ứng xử với sự chân thành và trách nhiệm * Nói về cái tôi, bạn Vỹ Anh nói cũng có nhiều kiểu “tôi”. Cái “tôi” độc lập thật sự của giới trẻ phương Tây, hay cái “tôi” của bạn trẻ Việt, những người phải dung hòa truyền thống phương Đông với những giá trị mới họ nhận được trong thế giới phẳng. - ThS Ngọc Dung: Nền giáo dục của phương Tây dạy người trẻ trưởng thành thông qua việc đặt câu hỏi, tạo ra những tranh luận, thể hiện ý kiến cá nhân và tự đi tìm đáp án. Văn hóa Việt Nam, văn hóa Á Đông vốn coi trọng tính tập thể và khuyến khích cá nhân phải kiên nhẫn, vượt qua những chướng ngại, hoàn thiện bản thân, phấn đấu theo một tấm gương điển hình. Dù kinh tế và công nghệ phát triển có làm thay đổi cách nhìn của giới trẻ về năng lực bản thân, thế giới tinh thần vẫn không thật sự phẳng như vậy, bởi sự phát triển của cái tôi vẫn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố truyền thống văn hóa nơi bạn đang sống. Cuộc sống hiện đại có thể làm gia tăng sự bận rộn, thời gian dành cho bản thân được ưu tiên hơn cho gia đình và bạn bè. Song các giá trị về sức mạnh gia đình, tình yêu thương và tin tưởng là những thứ có thể không thay đổi. Bạn không thể cưỡng lại những giá trị văn hóa mà bạn đã được sinh ra và lớn lên, vì thế tại sao không học cách làm bạn với chúng? Mặt khác, văn hóa Á Đông cũng có một chút điều chỉnh so với trước kia. Các quan hệ ngày nay được mở rộng ở góc độ tự nguyện thay vì bắt buộc tuân theo. * Trong những cuộc tư vấn ở các trường, kiểu “tôi” nào các cô hay gặp nhất? Có kiểu “tôi” nào như bạn Hồng Hưng, là thủ lĩnh một diễn đàn mạng nhưng “sẩy chân” ra đời mới thấy mình chẳng là gì, thua cả một cô bé Nhật 18 tuổi (trong bài “Bản lĩnh là trong đời thực” của TTCT số ra ngày 14-7). Gặp những trường hợp đó, các cô sẽ nói gì? - TS Thanh Huyền: Tôi rất thích sự “ngộ ra” của Hồng Hưng, và đó là cái kết rất đẹp trong câu chuyện của bạn ấy bởi có sự thức tỉnh. Kiểu “tôi” mà chúng tôi hay gặp hoặc là những sinh viên mới vào trường, hoặc sinh viên vừa ra trường. Thay đổi hoàn cảnh khiến họ bối rối nhiều hơn những trường hợp khác. Với những tân sinh viên, họ thường băn khoăn về con đường phía trước, về cách đạt được mục đích, cách thích ứng trong môi trường học tập mới mà không bị thua bạn kém bè, về ý nghĩa cuộc sống và sự lựa chọn con đường học vấn của họ (nhiều em vào khoa tôi học nhưng lại không do ý mình mà do ý cha mẹ hay người khác)... Tôi thường gợi ý họ gần gũi những sinh viên lớn hơn và thật sự giỏi theo đánh giá của tôi để học hỏi và chia sẻ được nhiều hơn với tinh thần “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Với những sinh viên mới ra trường, khi họ gặp các khó khăn trong công việc ở nơi làm, họ thường liên hệ với tôi để hỏi cách giải một đầu bài của sếp, cách hòa hợp với những người khác trong cơ quan, cũng có em không thích làm ở nơi cha mẹ sắp đặt nhưng không biết quyết định thế nào... Tôi cũng đã ở trong những hoàn cảnh đó nên dễ dàng đồng cảm. Tôi thường động viên họ sẵn sàng trải nghiệm những thử thách, dù khó khăn vấp ngã. Nếu họ vấp ngã rồi thì biết trân trọng bài học từ sự vấp váp đó để đứng dậy. Trong ứng xử, không có gì quý hơn hai từ “chân thành” và “trách nhiệm”. * Cảm ơn các cô đã dành thời gian cho TTCT. Tags: Bạn trẻGiới trẻCâu chuyện cuộc sốngThế hệ tôiTRẦN THỊ NGỌC DUNGNguyễn Thị Thanh Huyền
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị chỉ đạo khắc phục bão số 3 THÀNH CHUNG 09/09/2024 Chiều 9-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến và chỉ đạo những việc cấp bách cần làm ngay để khắc phục hậu quả của bão số 3.
Nước lũ kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp chính cầu Phong Châu TUẤN PHÙNG 09/09/2024 Theo Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp chính của cầu.
Truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho đại úy Nguyễn Đình Khiêm HÀ THANH 09/09/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho đại úy Nguyễn Đình Khiêm.
Quảng Ninh lại mưa trắng trời, nhiều tuyến đường bị ngập CHÍ TUỆ 09/09/2024 Từ sáng đến chiều 9-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhiều nơi xuất hiện mưa vừa mưa to. Tại Hạ Long, mưa lớn gây ngập úng cục bộ.