Để có một WTO công bằng hơn

GEORGE MONBIO (The Guardian) 14/09/2003 23:09 GMT+7

TTCN - Hiện nay, thương mại là một phương cách phân phối tài nguyên giữa các nước với nhau đáng ngờ vực. Tuy nhiên đó lại là phương cách duy nhất. Tiền bạc mà các nước nghèo cần có phải đến từ một nơi nào đó trên thế giới. Thế nhưng, để có được đồng ngoại tệ từ các nước giàu có, các nước nghèo phải xuất khẩu nguyên liệu. Và đấy chính là cảnh cơ khổ mà các nước nghèo muốn thoát ra khỏi. Lẽ tất nhiên, nguyên liệu bao giờ cũng rẻ hơn sản phẩm đã chế biến...


Hàng hóa và người trên biên giới Niger (châu Phi)

Do thiếu trình độ chuyên môn, người lao động tại các nước này phải chấp nhận tiền công rẻ. Trong hệ thống đó, các nước nghèo chỉ còn biết khai thác khoáng mỏ, do đó đành chịu thiệt so với các nước giàu.

Để có đủ ngoại tệ nhằm nhập khẩu hàng hóa không tự sản xuất được, các nước nghèo lại phải xuất khẩu các tài nguyên thiên nhiên của mình nhiều hơn nữa, do đó càng phải trả giá cho sự thay đổi khí hậu, sự cằn cỗi của đất đai và sự biến mất của tính đa dạng sinh học trong đất nước mình. 

Có những cách thức khác nhằm bảo vệ môi trường mà vẫn cho phép các nước nghèo phát triển được. Phải tiến đến một nền thương mại quốc tế với những luật lệ công bằng theo hai cách. 

Cách thứ nhất: cho phép các nước nghèo, nếu muốn, đi qua những con đường phát triển y như của các nước giàu. Thật thế, hầu như mọi nước trở nên giàu có một cách độc lập đã làm như thế - trừ phi (đem quân) đi cướp bóc: hoặc bằng cách bảo vệ các ngành công nghiệp mới mẻ của mình khỏi sự cạnh tranh cho đến khi chúng đủ mạnh để tự bảo vệ, hoặc bằng cách “chôm chỉa” sở hữu trí tuệ của nước khác. 

Các nước này đã chỉ rao giảng các “đức tính” của nền tự do thương mại và của việc cấp bằng sáng chế trên qui mô quốc tế sau khi đã có đủ thực lực kinh tế. Một nền thương mại công bằng buộc các nước giàu phải mở biên giới của mình, và miễn cho các nước nghèo nghĩa vụ (mở cửa) ấy, cho đến khi các nước nghèo đạt đến mức phát triển kinh tế nào đó.

Cách thứ hai là mở rộng các luật lệ hiện hành trên cơ sở tự nguyện cho mọi công ty thương mại quốc tế. Để có giấy phép thương mại quốc tế, một công ty phải chứng minh rằng các xí nghiệp gia công của mình không bóc lột người lao động như là những nô lệ, không dùng thuốc trừ sâu bị cấm, không để cho nhân viên của mình phơi mình trước chất độc hại như amiăng... 

Nếu công ty đó sử dụng chất đốt dầu mỏ, công ty đó phải tham gia bảo vệ môi trường. Điều này sẽ bảo đảm rằng các hàng hóa, ngay cả hàng hóa do có giá trị thặng dư thấp nên phải đành tăng sản lượng (bất chấp nguy cơ sinh thái) như trái cây và rau quả, không còn phải bị xuất khẩu (bằng mọi giá) đến bốn phương trời (để thu ngoại tệ), mà còn bảo đảm rằng các nước nghèo hiện đang xuất khẩu nguyên liệu sẽ trở thành những nơi sản xuất hàng chế biến. 

Vận chuyển những cái xoong nhôm (tại ngay chính nước có quặng mỏ) sẽ ít tốn nhiên liệu hơn là vận chuyển quặng bôxit dùng để sản xuất ra những cái xoong đó (đến nước có công nghiệp chế biến).

Vấn đề không phải là xóa bỏ WTO mà là biến WTO thành một “Tổ chức Thương mại quốc tế công bằng, làm sao để cho các nước giàu tiết chế hơn, giải phóng các nước nghèo hơn.

(N.T.ĐA dịch theo CI) 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận