Để Đà Lạt là "thành phố ở trong rừng"

TTCT - Ông chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã gọi đô thị Đà Lạt mới là “thành phố ở trong rừng”. Một tên gọi thật thiên nhiên và thơ mộng. Nhưng cho đến nay chưa có quy định thế nào là một “thành phố ở trong rừng”.

LTS: Ứng xử thế nào với đô - thị - phi - đô - thị Đà Lạt để vừa bảo đảm mục đích phát triển, vừa giữ được hồn phách của thành phố trong rừng là băn khoăn chung của những nhà quy hoạch và kiến trúc. TTCT giới thiệu một số ý kiến từ bài “Nhân hội thảo khoa học mở rộng Đà Lạt: Không chỉ là một nơi sống, mà là một cách sống” (đăng trên TTCT số 32).

Rừng đã giúp Đà Lạt trở thành một “cái máy điều hòa nhiệt độ” khổng lồ, nhờ đó nơi này được mệnh danh là “thiên đường” nghỉ dưỡng - Ảnh: Hoài Trang

Thành phố Đà Lạt dự kiến mở rộng đến 3.308km2 sẽ ôm trọn toàn bộ vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà và các khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Rừng chiếm đến 69% tổng diện tích của thành phố. Rừng có giá trị rất cao về sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, tạo môi trường trong lành cho du lịch nghỉ dưỡng... Rừng sẽ là văn hóa của kiến trúc đô thị mới.

Một đô thị hiện đại, văn minh, đẳng cấp trước hết thể hiện ở cách ứng xử của con người với rừng và thiên nhiên. Vì vậy rừng và kiến trúc không thể tách rời nhau, không phải là hai vòng tròn cạnh nhau, mà một vòng tròn có hai màu hòa hợp với nhau. 

Có 47% diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nằm trong thành phố mới, nhưng nếu muốn chuyển sang mục đích khác thì phải xin Quốc hội cho phép theo nghị quyết số 49/QH-12. 

Cái hồn của đô thị

Kiến trúc là hình thức của đô thị, con người là hồn của đô thị. Thành phố Đà Lạt mới có khoảng 70% dân số là đồng bào dân tộc. Kiến trúc những biệt thự kiểu Pháp trong thành phố hiện nay xen lẫn với rừng thông liệu có phù hợp với vùng thành phố mở rộng, khi những đô thị mới cho người Việt, đặc biệt là đồng bào dân tộc, ra đời?

Chúng ta có thể xây một đô thị trong 4-5 năm, nhưng để chuyển hóa nếp sống của đồng bào vốn ở rừng núi thành người đô thị thì tốn nhiều thời gian. Vì vậy, các nhà quy hoạch thành phố Đà Lạt mới cần quan tâm đến ý nghĩa nhân văn của đô thị. 

Trong tâm thức của mọi người, Đà Lạt là một thành phố cao nguyên, mang bản sắc văn hóa của đồng bào K’Ho, vốn là người bản địa của Đà Lạt. Tên gọi “Đà Lạt” cũng vốn là tên của ngôn ngữ K’Ho được gọi chệch đi. Đà Lạt mới sẽ có kiểu kiến trúc gì để chứa đựng và lưu giữ được cái hồn của rừng, đất, nước và con người bản địa?

Điểm nhấn của Đà Lạt mới

Vùng xã Lát ở huyện Lạc Dương, nơi cư trú của đồng bào Lạch và Chil bản địa, nên là điểm nhấn của thành phố mới. Nên xây dựng vùng này thành một đô thị hiện đại của phần lớn người dân tộc bản địa, mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà với khu rừng nguyên sinh ngàn năm sẽ trở thành một công viên khổng lồ của thành phố.

Một khu vườn thực vật sẽ được thành lập với kiểu kiến trúc đặc thù để bảo tồn các loài thực vật vốn có của vùng Đà Lạt. Một khu vườn động vật để bảo tồn các loài động vật vốn có của vùng Đà Lạt sẽ được xây dựng ở khu Hồ Tiên, có suối, có hồ, đa dạng các loại rừng, các sinh cảnh tự nhiên... Một “đô thị đại học” sẽ được xây dựng có tầm cỡ quốc tế để đào tạo các kỹ sư và nhà khoa học về rừng, nông nghiệp, công nghệ sinh học, hạt nhân và kiến trúc.

Hãy tưởng tượng xem như thế có phải là một “thành phố ở trong rừng” mà ông chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã đặt hàng cho các chuyên gia quy hoạch đô thị?

___________

Quy hoạch Đà Lạt phải bắt đầu từ việc khẳng định không gian xanh và các giải pháp quy hoạch kiến trúc. Không gian xanh nên được phát triển song song với phát triển đô thị mới, theo giải pháp cài răng lược. Đô thị Đà Lạt cần đặt ra tiêu chuẩn diện tích xanh tối thiểu cao hơn gấp đôi các đô thị khác của Việt Nam.

Đà Lạt đang nóng lên. Một trong những nguyên nhân được nhắc tới là do nhà kính trồng rau - Ảnh: Hoài Trang

Thử thách lớn nhất trước mắt là có nên phát triển Đà Lạt theo tiêu chí hiện nay của đô thị loại 1 trực thuộc trung ương hay không. Theo đó, cái lợi trước mắt sẽ là được ưu tiên nhận nguồn ngân sách của trung ương và tài trợ hoặc vay vốn ưu đãi, được áp dụng các chính sách ưu tiên giúp phát triển thành phố về mọi mặt.

Tuy nhiên, cái hại có thể lớn hơn nhiều do Đà Lạt phải được quy hoạch với mức dân số, mật độ xây dựng và nhà cao tầng cao gấp nhiều lần hiện nay thì quy hoạch mới có thể được duyệt.

Theo hướng đó, Đà Lạt chắc chắn sẽ không còn là thành phố trong rừng nữa, mà sẽ nóng lên và ô nhiễm, mất dần các giá trị vốn có như cảnh quan thơ mộng, khí hậu mát mẻ và vai trò của một trung tâm nghỉ dưỡng quốc tế. Nói cách khác, càng phát triển theo hướng này Đà Lạt càng “đập bể nồi cơm” của mình.

Các lãnh đạo của Bộ Xây dựng cũng đã nhìn ra bất cập của cách phân loại đô thị hiện nay, qua việc thiếu vắng một loại hình đô thị đặc biệt trực thuộc trung ương dành cho đô thị như Đà Lạt và Huế, với yêu cầu cao về bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn di sản kiến trúc thay cho yêu cầu về quy mô thành phố và mật độ dân số.

Nếu như tiêu chuẩn phân loại đô thị này không thể được điều chỉnh trước khi bắt tay vào làm quy hoạch cho Đà Lạt đến năm 2030, hi vọng các nhà lãnh đạo sẽ xem xét hoãn lại mục đích đưa Đà Lạt trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương vào giai đoạn sau năm 2030, vì trong vài thập niên tới Đà Lạt vẫn có tiềm năng phát triển nhanh và bền vững, qua đó bảo vệ được tài nguyên của mình.

___________

Ban đầu chỉ là khu nghỉ dưỡng của người Pháp trốn chạy xứ sở thuộc địa nóng bức và ẩm thấp, Đà Lạt dần trở thành nơi sinh sống, nghỉ dưỡng của người Việt. Theo thời gian Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch độc đáo, một thành phố trên cao với bản sắc rất riêng, một thành phố mà có những lúc du khách đông hơn dân bản xứ.

Và bây giờ Đà Lạt trở nên chật chội, những cảnh quan nổi tiếng đang dần bị xây chen, xuống cấp, những hàng thông đang nhường chỗ cho các dự án. Mở rộng Đà Lạt để đạt mục đích gì chưa rõ, bởi Đà Lạt được mệnh danh là thành phố trong rừng, một thành phố phi đô thị. Đà Lạt có cần đô thị hóa, hiện đại hóa không? Có cần tăng diện tích gấp chín lần hay không? Có cần nhà cao tầng, đường cao tốc, phá bỏ rừng thông che phủ để tạo ra các khu dân cư, chung cư và các dịch vụ đi kèm?

Đà Lạt có phải là một thành phố đang phát triển, hay chỉ là một thành phố dành cho nghiên cứu khoa học, giáo dục và nông nghiệp, một nơi nghỉ dưỡng và hoài niệm? Đà Lạt đem đến cho người dân sở tại điều gì, và đem đến cho người dân cả nước điều gì cần thiết và quý giá nhất? Công ăn việc làm, đi lại, giáo dục, nghỉ dưỡng đối với thành phố này phải được ứng xử ra sao khi có quá nhiều mục đích đối lập?

Ứng xử với Đà Lạt không thể áp dụng những lý thuyết quy hoạch đô thị cứng nhắc của thế giới để biến Đà Lạt phi đô thị trở thành một siêu đô thị lớn nhất nước. Tạo ra một siêu đô thị như vậy trên nền của một thành phố đã tạo dựng được cái hồn đô thị, thực chất là đang trùm phủ lên Đà Lạt một cái lưới quy hoạch áp đặt các lối mòn đô thị bình thường của thế giới... 

Bởi thế, công tác quy hoạch đối với Đà Lạt cần diễn đạt được quyền lợi của người dân với những nhu cầu, ý nguyện của họ, liên quan các vấn đề tác động đến đời sống hằng ngày, chất lượng của môi trường, bản sắc hiếm có của một đô thị phi đô thị.

Trong ứng xử và quy hoạch Đà Lạt, nếu tiếp nhận, lắng nghe nhiều tiếng nói, sẽ góp phần tạo sự gắn bó về mặt xã hội của đông đảo dân cư sở tại và người dân cả nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận