TTCT - Khi quyết định bỏ hơn 500 giấy phép con - vốn được gọi là quyết định lịch sử của ngành, vừa được ký chưa ráo mực, Bộ Công thương lại khiến dư luận ngạc nhiên khi đưa ra một đề xuất mới: “dán tem” cho bia rượu. May là sau đó đề xuất được rút lại kịp thời, nhưng rõ ràng tư duy “quản” vẫn tồn tại. Minh họa: DAD Lập luận của Bộ Công thương là: dán tem giúp “tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thị trường bia rượu”, giúp chống hàng giả, doanh nghiệp (DN) “đỡ” phải đổi mẫu bao bì. Và với bộ này, khi Habeco, Sabeco - những DN nhà nước lớn nhất được tư nhân hóa xong - cơ quan này sẽ khó quản lý thị trường hơn và cần có tem cho dễ quản. Câu chuyện đơn giản này phản ánh một thực tế đã lặp lại nhiều năm nay trong cuộc chiến chống “giấy phép con”: bỏ được giấy phép này, một giấy phép con bất hợp lý khác sẽ lại mọc ra. Và khi một bộ ban hành một giấy phép con bất hợp lý trong một lĩnh vực, một bộ khác, sẽ thấy đó là tiền lệ thuận tiện để “đẻ” giấy phép như thế trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ mình. Nhận thức sai về vai trò Nhà nước, thị trường Trở lại chuyện tem bia, sự bất hợp lý là không khó để nhìn ra: nhu cầu khẳng định hàng chính chủ bằng tem là nhu cầu của DN, không phải của cơ quan quản lý. Chỉ DN muốn bảo vệ lợi ích bản thân mới tự làm ra tem của mình, với các dấu hiệu nhận biết riêng biệt, dán lên sản phẩm của mình. Người tiêu dùng, theo đó, sẽ nhận biết bằng đặc điểm riêng đó để phân biệt hàng chính hãng hay không. Từ mỹ phẩm đến thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng có thương hiệu... đều như vậy. Về bản chất, quy định tem là một sự can thiệp bằng công cụ hành chính (con tem của cơ quan quản lý) vào một quan hệ dân sự (quyền tự bảo vệ bằng “tem” là nhu cầu dân sự của DN). Và bản thân hệ thống pháp luật hiện hành đã có đầy đủ quy định cần thiết để xử lý vấn đề hàng nhái, hàng giả; cũng như có sẵn bộ máy để thực thi. Cần nhớ, làm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu, luật hình sự đã có quy định chi tiết lẫn biện pháp chế tài. Trên thị trường có cơ quan quản lý thị trường, có công an làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Nếu các cơ quan này làm tốt chức năng của mình, thì quyền lợi của DN, của người tiêu dùng đã được bảo vệ mà không cần thêm con tem nào nữa. Nhưng tem bia không phải là “sáng kiến” quản lý chỉ của riêng Bộ Công thương. Trước đó, rượu đã bị bắt buộc dán tem. Và Cục Quản lý xuất bản và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông) cũng từng có ý định nhân bản “sáng kiến” đó cho ngành sản xuất lịch, sản xuất sách. Không phải tự nhiên mà các bộ đều soạn thảo cho mình các loại văn bản mang dấu ấn “luật ngành” để trang bị cho ngành mình những đặc quyền. Yếu tố “có sự quản lý của nhà nước” trong khái niệm “nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước” được ghi trong “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” (văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII) đang được hiểu và thể hiện theo nghĩa: quản lý có nghĩa là Nhà nước phải nhúng tay vào và công cụ quản lý nhà nước lại chỉ là can thiệp bằng các công cụ hành chính. Nhận thức sai về vai trò Nhà nước - vai trò thị trường là căn nguyên trước nhất cho việc “sáng tạo” sai các công cụ quản lý. Vì nhận thức sai, cơ quan quản lý sẵn sàng can thiệp vào những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của DN: Bộ Tài chính yêu cầu người đứng đầu DN đòi nợ thuê phải tốt nghiệp ngành tài chính - kinh tế, Bộ Nông nghiệp yêu cầu người đứng đầu DN sản xuất phân bón phải là kỹ sư ngành hóa chất, Bộ Thông tin - truyền thông yêu cầu chủ cơ sở in phải có bằng cao đẳng ngành in... Rất nhiều quy định can thiệp vào nhân sự, vào tổ chức sản xuất của DN - những việc đáng ra nằm trong quyền tự chủ của DN, thuộc về các mối quan hệ dân sự - và hoàn toàn không cần quản lý nhà nước. Nhưng quản lý nhà nước vẫn được nêu ra, trở thành căn cứ cho lạm dụng can thiệp hành chính. Cho đến nay - triết lý quản lý nhà nước vẫn chưa được xác lập, ranh giới rõ ràng phân định đâu là chuyện của Nhà nước - đâu là chuyện của thị trường, vẫn chưa được “cắm mốc”. Và vì thế, nguy cơ “đẻ” quy định tràn lan vẫn hiện hữu. “Tham nhũng” và “lợi ích nhóm” chi phối? Trong nhiều loại giấy phép, bóng dáng lợi ích của cơ quan soạn thảo chính sách thể hiện rất rõ nơi các quy định. Điều kiện kinh doanh ngành in là một ví dụ. Cục Quản lý xuất bản và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông), gọi tắt là Cục Xuất bản, yêu cầu người đứng đầu phải có bằng cao đẳng ngành in hoặc phải tham gia lớp bồi dưỡng do cục này tổ chức, khi đó mới đủ điều kiện mở cơ sở in. Hiệp hội In cho biết có khoảng hơn 2.000 cơ sở in đang hoạt động. Trong khi mỗi năm số lượng tốt nghiệp ngành in chỉ khoảng 60 người. Điều đó đồng nghĩa, hầu hết các DN phải cử người tham gia các lớp bồi dưỡng do cục tổ chức, cán bộ của cục về hướng dẫn. Theo phản ảnh từ các DN, các khóa bồi dưỡng này nội dung chỉ tập trung vào giới thiệu kiến thức pháp luật, không có tác dụng nhiều cho DN. Họ phải tốn kém thời gian (thường là 4-5 ngày), chi phí (5 triệu đồng), cho một khóa học không giúp gì nhiều cho họ. Như vậy có thể thấy quy định dạng này mang lại lợi ích trực tiếp cho cơ quan soạn thảo ra nó - là Cục Xuất bản. Trong khi DN là người chịu thiệt và không thu được lợi ích gì. Không khó để chỉ ra những quy định tương tự trong những lĩnh vực khác. Ở một số lĩnh vực khác, việc nhận diện “lợi ích nhóm” từ việc tạo ra các loại giấy phép không dễ dàng như các quy định mang lại lợi ích trực tiếp như nêu trên. Nhưng dấu hiệu “cài cắm chính sách” để tạo lợi thế cho một nhóm DN nào đó vẫn có thể nhìn thấy rõ. Bằng cách đặt điều kiện trong giai đoạn gia nhập thị trường, các quy định mang tính phân biệt đối xử có thể loại các DN vừa và nhỏ khỏi cuộc chơi và nhường đất lại cho một số “ông lớn”. Ví dụ, ngay sau khi các quy phạm này có hiệu lực, trên nhiều lĩnh vực thị trường như kinh doanh gas, nhập khẩu ôtô, xuất khẩu gạo... chỉ còn lại các “ông lớn”. Ở thời điểm Bộ Công thương ban hành thông tư số 20/2011/TT-BCT, năm 2011 lượng ôtô do các DN nhỏ và vừa nhập về và bán ra trên thị trường là rất lớn và chiếm thị phần cao hơn so với các hãng lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, với hai điều kiện bắt buộc được ban hành trong thông tư mà chỉ có những DN lớn có thể đáp ứng, số lượng DN nhập khẩu xe đã nhanh chóng giảm từ 200 xuống chỉ còn 30. Tương tự, các rào cản về quy mô nhà kho, nhà máy xay xát (nghị định 109) đã làm cho số lượng DN được quyền xuất khẩu gạo giảm từ 200 xuống còn 100 DN. Số DN thực sự có thị trường xuất khẩu gạo sau đó không thay đổi, nhưng các DN nhỏ đã phải xuất ủy thác qua các “ông lớn” và chi phí của họ đã tăng thêm khoảng 2 USD/tấn. Cải cách như thế nào? Như đã nhắc đến ở kỳ trước, cần tới một cuộc cải cách toàn diện về giấy phép. Thứ nhất, cởi trói, giảm gánh nặng cho khu vực DN để thúc đẩy lực lượng này đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo và gia tăng năng suất. Thứ hai, giải quy và đơn giản hóa, minh bạch hóa quy định là phương cách hiệu quả nhất để chống tham nhũng. Thứ ba, tinh giản bộ máy hành chính thông qua định nghĩa lại chức năng hệ thống nhà nước và cải cách hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công. Cải cách thành công, theo chúng tôi cần đạt được bốn mục tiêu chính yếu: ● Thứ nhất, cắt giảm được đáng kể các giấy phép và quy định hành chính bất hợp lý đang gây ra sự nhũng lạm và tạo gánh nặng cho DN. ● Thứ hai, xây dựng được và vận hành hiệu quả các thiết chế giám sát ban hành giấy phép và quy chế hành chính. Trong đó, giám sát từ trong hệ thống nhà nước thuộc về Quốc hội; giám sát từ ngoài hệ thống thuộc về các hiệp hội DN. ● Thứ ba, xây dựng được các thiết chế giúp DN tự bảo vệ được quyền tự do kinh doanh của mình trong trường hợp bị xâm phạm bởi các cơ quan hành chính. Các thiết chế bảo vệ quyền, với trọng tâm là tòa án, được quyền xem xét và bãi bỏ văn bản pháp quy vi hiến hoặc trái luật. Tòa hành chính bảo vệ quyền lợi của DN trong từng trường hợp cụ thể khi bị lạm quyền hành chính. ● Thứ tư, xây dựng được các thiết chế điều tiết thị trường hiện đại, tiệm cận tiêu chuẩn thế giới. Trong hệ thống điều tiết mới, triết lý can thiệp được xác lập trên nguyên tắc: Nhà nước phục vụ thị trường chứ không quản lý thị trường. Theo đó, Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường cần, cụ thể là khi xảy ra các thất bại thị trường. Hệ thống bộ máy hành chính thực thi chức năng điều tiết thị trường được tổ chức lại theo hướng tăng cường tính kỹ trị và có sự phân tách chức năng: chức năng xây dựng chính sách - thiết kế quy định, tách khỏi chức năng thực thi (cấp phép; giám sát thực thi; giải quyết tranh chấp). Để đạt được các mục tiêu đó, chúng tôi khuyến nghị năm giải pháp có thể thực thi: Thứ nhất: Thành lập một ủy ban lâm thời về bãi bỏ và cải cách quy định hành chính về kinh doanh. Ủy ban này trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các chuyên gia từ các bộ, cơ quan và chuyên gia độc lập không có lợi ích trực tiếp liên quan. Ủy ban này sẽ là đầu mối giúp rà soát giấy phép trong ngắn hạn; giúp xây dựng các chiến lược và kế hoạch cải cách quy định hành chính trong dài hạn. Thứ hai: Ban hành một bộ nguyên tắc mới về xây dựng và ban hành quy định hành chính về kinh doanh. Quy tắc này giúp xác lập ranh giới vai trò Nhà nước - vai trò thị trường, làm căn cứ cho việc ban hành các quy định hành chính can thiệp vào thị trường và hoạt động của DN trên từng lĩnh vực thị trường cụ thể. Thứ ba: Tổ chức lại bộ máy các cơ quan nhà nước điều tiết thị trường theo nguyên tắc tăng cường tính kỹ trị; tách biệt chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ; tách biệt chức năng xây dựng chính sách (thiết kế giấy phép) và thực thi (cấp phép và thanh tra kiểm tra). Thứ tư: cải cách hệ thống tư pháp để bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, DN; đồng thời giải quyết các vấn đề xung đột trong các thị trường bằng các thiết chế tư pháp. Thứ năm: Đặt DN vào trung tâm của tiến trình cải cách bằng cách trao quyền cho các hiệp hội, cho phép tự do hiệp hội.■ Tags: Giấy phépGiấy phép conĐiều kiện kinh doanhBỏ giấy phép con
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.