TTCT - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố một báo cáo về tình trạng đề kháng kháng sinh toàn cầu [1]. Những dữ liệu trong báo cáo thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý y tế và công chúng, vì nguy cơ dịch bệnh trong thế kỷ 21 là một mối đe dọa đến sự tồn vong của con người. Điều trị bệnh sốt rét tại Bệnh viện tỉnh Gia Lai - Ảnh: T.B.D. Nói một cách ngắn gọn, đề kháng kháng sinh là một hiện tượng sinh học kháng thuốc, theo đó một số vi sinh (hiểu theo nghĩa vi khuẩn, vi trùng nói chung) có khả năng sống sót sau khi bị phơi nhiễm và tiếp xúc với thuốc kháng sinh. Một hiện tượng khác gọi là kháng đa thuốc, một vi sinh vật có thể đề kháng nhiều thuốc, và những vi sinh này có khi gọi theo cách nói bình dân là superbug (siêu bọ). Đối với các bác sĩ ở Việt Nam, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có lẽ chẳng có gì mới. Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định từng cho tác giả biết tình trạng vi khuẩn đa kháng sinh khá phổ biến. Chẳng hạn như tỉ lệ Acinetobacter baumannii kháng với carbapenem lên đến 80-90%, kháng với thuốc kháng sinh colistin có thể lên tới 47%, tỉ lệ cao anh chưa từng thấy trước đây. Trong một khảo sát tình trạng kháng thuốc tại 19 bệnh viện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng cho thấy hầu hết các thuốc kháng sinh như penicilline, tetracycline, streptomycine..., thậm chí thuốc thuộc thế hệ 3 như cephalosporin đều có vi khuẩn kháng thuốc. WHO liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới. Trong báo cáo về tình trạng đề kháng kháng sinh toàn cầu WHO vừa công bố cho thấy “bức tranh” kháng thuốc toàn cầu rất đáng ngại. Báo cáo của WHO tập trung đề cập bảy loại vi khuẩn/vi trùng quen thuộc như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy và bệnh lậu. Chẳng hạn như vi khuẩn E. coli, hoàn toàn không mới, nhưng mới chăng là vi khuẩn này ngày nay kháng thuốc. Vào thập niên 1980, khi thuốc kháng sinh đưa vào sử dụng, tỉ lệ E. coli kháng thuốc gần như bằng 0, nhưng nay thì trên 50% bệnh nhân, thuốc kháng sinh không còn hiệu quả! Một ví dụ khác được đề cập trong báo cáo của WHO là K pneumoniae và Straphylococcus aureus, mà theo WHO là tỉ lệ kháng thuốc lên đến 90% ở một số nơi trên thế giới. Tại sao kháng thuốc? Bằng cách nào các vi trùng và vi khuẩn có thể kháng thuốc mà trước đây chúng “đầu hàng”? Câu trả lời ngắn và đơn giản là các vi sinh vật có khả năng tự biến hóa để bảo vệ mình khi bị thuốc kháng sinh tấn công. Vi trùng và vi khuẩn trở nên kháng thuốc bằng cách đột biến gen sau khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh. Nhưng chúng cũng có thể kháng thuốc khi tiếp xúc với các vi trùng hay vi khuẩn khác, và khi gen được biến hóa, nó tạo thành một thế hệ vi trùng hay vi khuẩn mới mạnh mẽ hơn. Con người nói chung đã chinh phục nhiều tác nhân gây bệnh bằng thuốc kháng sinh và văcxin. Nhưng chọn lọc tự nhiên không thể cung cấp cho chúng ta một cơ chế phòng vệ toàn năng chống lại tất cả những độc tố và tác nhân gây bệnh, bởi vì những độc tố và tác nhân gây bệnh này thường tiến hóa nhanh hơn cơ thể con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E. coli, với tỉ lệ tái sản sinh cực nhanh, một ngày tiến hóa của chúng bằng thời gian tiến hóa của con người khoảng 1.000 năm. Do đó, chúng có thừa thời gian để tồn tại và tấn công con người, trong khi đó hệ thống phòng vệ của cơ thể, dù là tự nhiên (nội lực) hay do sử dụng thuốc, không có đủ thời gian để đối phó với những kẻ thù mới. Kháng thuốc là một vấn đề khó giải quyết nhanh chóng. Cho đến ngày nay, giới khoa học còn vẫn đang lúng túng với tình trạng kháng thuốc rất nhanh của vi khuẩn đối với bất kỳ một thế hệ thuốc mới nào ra đời. Chẳng hạn như các loại thuốc chống sổ mũi hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ làm giảm tiết dịch của tế bào mà thôi, trong khi đó lợi bất cập hại. Sổ mũi chính là cơ chế phòng vệ của cơ thể, nước mũi tiết ra là để tẩy rửa vi trùng, rồi chúng ta phải hắt xì hơi để tống xuất mầm bệnh ra ngoài. Trong khi đó dùng thuốc chống sổ mũi, chống hắt xì hơi là chúng ta giam hãm mầm bệnh lại trong cơ thể mình, tiến trình bệnh lý còn có nguy cơ kéo dài hơn nhiều! Sức mạnh của chọn lọc tự nhiên Hiện tượng đề kháng thuốc kháng sinh là một minh chứng cổ điển cho sức mạnh của chọn lọc tự nhiên. Vi khuẩn có những gen giúp chúng sinh sôi nảy nở, tái sản sinh rất nhanh mặc cho sự hiện diện của thuốc kháng sinh, do đó các gen có chức năng đề kháng thuốc kháng sinh có cơ hội bành trướng hoạt động khắp nơi. Ký sinh trùng có thể chuyền từ ký sinh chủ này sang ký sinh chủ khác, thậm chí còn phát sinh một vài mảng ADN nhiễm trùng! Ngày nay, một số vi khuẩn gây bệnh lao ở New York có khả năng đề kháng chống lại tất cả ba nhóm điều trị bằng thuốc kháng sinh, thời gian sống sót của các bệnh nhân mang những vi khuẩn này không lâu hơn so với thời gian mà bệnh nhân lao sống sót vào một thế kỷ trước. Bởi vì các tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn) truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, và nếu mức độ độc hại thấp thì chúng có thể đem lại lợi ích bởi chúng “cho phép” ký chủ (bệnh nhân) mạnh khỏe để tiếp xúc với nhiều ký sinh vật khác, do đó chúng sẽ có thời gian và cơ hội tồn tại lâu hơn. Nhưng đối với vài bệnh, như sốt rét chẳng hạn, vi khuẩn cũng có thể truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, nhưng chỉ trong những bệnh nhân suy kiệt, mất gần hết năng lực. Đối với các tác nhân gây bệnh như thế, chúng thường dựa vào những “sinh vật trung gian” (như muỗi chẳng hạn) và một mức độ độc hại cao có thể đem lại lợi ích trong một tình huống nào đó. Nguyên lý này có liên quan đến việc kiểm soát và khống chế bệnh truyền nhiễm trong các bệnh viện, nơi mà bàn tay nhân viên y tế có thể là những trung gian dẫn đến việc sản sinh ra các loại vi khuẩn nguy hiểm. Sống chung với vi khuẩn Nếu nhìn tình trạng kháng thuốc hay đề kháng kháng sinh như trên, chúng ta sẽ thấy việc xóa sổ các bệnh nhiễm trùng là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Báo cáo của WHO là một nhắc nhở rằng bệnh truyền nhiễm, và quan trọng hơn là kháng thuốc vẫn còn tồn tại với chúng ta. Riêng ở Việt Nam và các nước trong vùng Đông Nam Á, do điều kiện khí hậu và quá trình đô thị hóa, những đe dọa về dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng kháng thuốc đã xảy ra khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khống chế. Một trong những biện pháp để giảm tình trạng kháng thuốc mà WHO đề nghị là nghiên cứu khoa học: chúng ta cần phải biết nhiều hơn nữa về cấu trúc di truyền của vi khuẩn để có thể phát triển văcxin nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Công nghệ di truyền học ngày nay cho phép chúng ta có khả năng phân tích và trình tự hóa toàn bộ nhiễm sắc thể cho vi khuẩn trong vòng vài ngày, và với tốc độ này, việc phát triển văcxin chống vi khuẩn sẽ được phát triển nhanh hơn. Nhưng chúng ta cần phải làm chủ công nghệ đó chứ không thể lệ thuộc vào nước ngoài quá nhiều như hiện nay. Tây nguyên: tỉ lệ kháng thuốc sốt rét từ 15-25% Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - phó viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - cho biết hiện nay tại khu vực miền Trung, Tây nguyên có ba tỉnh gồm Quảng Nam, Gia Lai và Đắk Nông nổi lên tình trạng kháng thuốc (tồn tại ký sinh trùng từ ngày thứ ba sau khi tiêm) là 15-25%. Theo bác sĩ Quang, nếu như trước đây chỉ cần tiêm thuốc khoảng 1-2 ngày là cắt đứt hoàn toàn ký sinh trùng sốt rét trong cơ thể, nhưng hiện nay nhiều ca sau khi tiêm 4-5 ngày vẫn còn tồn tại. Bác sĩ Quang cho rằng tình hình virút sốt rét kháng thuốc phần lớn xuất hiện ở các khu vực biên giới. Riêng ở Gia Lai, điểm kháng thuốc nổi lên tại Phú Thiện, huyện không tiếp giáp với quốc gia nào. Điều này trái với lệ thường. “Đây là điều đặc biệt mà chúng tôi cũng đang quan tâm và tạm gọi là điểm kháng thuốc nội tại. Bốn nguyên nhân kháng thuốc gồm quần thể di dân ở khu vực các biên giới đưa mầm vi trùng sốt rét từ nơi này qua nơi khác, thứ hai là chất lượng thuốc, thứ ba là đột biến kháng thuốc và thứ tư là tình trạng tiêm chủng sốt rét kháng thuốc do đột biến” - bác sĩ Quang cho hay. T.B.DŨNG ghi Làm gì để giảm tình trạng kháng thuốc? Báo cáo của WHO đề ra một số biện pháp để phòng ngừa tình trạng kháng kháng sinh. Những biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ kháng thuốc có thể chia thành ba bậc: bệnh nhân, bác sĩ và nhà quản lý. Đối với bệnh nhân, WHO khuyến cáo rằng: • Chỉ dùng thuốc kháng sinh do bác sĩ ra toa. Khuyến cáo này rất liên quan đến Việt Nam và các nước đang phát triển, vì tình trạng dùng thuốc kháng sinh ở Việt Nam chưa được kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể mua thuốc trụ sinh mà chẳng cần toa bác sĩ. Theo một nghiên cứu ở Việt Nam, gần 90% người dân mua thuốc kháng sinh không qua toa bác sĩ! • Nếu uống thuốc thì uống cho hết theo toa của bác sĩ cho dù bệnh nhân cảm thấy tốt hơn trước thời hạn. • Không bao giờ chia sẻ thuốc kháng sinh với người khác. Mỗi loại thuốc kháng sinh thích hợp cho một bệnh, và bác sĩ là người biết chỉ định chính xác. Do đó, khi bệnh nhân cho thuốc mình chưa dùng hết cho người khác mà không rõ bệnh trạng là một việc nguy hiểm. Đối với bác sĩ và nhân viên y tế, WHO khuyến cáo chỉ cho thuốc kháng sinh khi thật sự cần thiết, và phải cho đúng thuốc. Đối với nhà quản lý, WHO đề nghị phải kiểm soát tình trạng nhiễm trùng bệnh viện tốt hơn, cần nhiều nghiên cứu khoa học để hiểu thêm về cơ chế kháng thuốc, chia sẻ thông tin với các quốc gia khác. [1]: Toàn văn báo cáo của WHO có thể tải về từ website dưới đây: http://www.who.int/drugresistance/en/ Tags: Bệnh sốt rét
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.