TTCT - Lịch sử thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có lẽ chưa bao giờ thấy tỉ lệ giữa vốn giải ngân và vốn đăng ký “đẹp” như năm qua, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết ước tính đạt 10,46 tỉ/13 tỉ USD. Giải ngân mới là dòng vốn thực được tiêu hóa vào nền kinh tế nên đã có không ít nhận xét lạc quan về kết quả này. Phóng to Dự án Hồ Tràm Strip - quần thể năm khu nghỉ dưỡng phức hợp 164ha tại Bà Rịa Vũng Tàu - có tổng vốn đầu tư 4,2 tỉ USD đã giải ngân khoảng 500 triệu USD. Khách sạn 541 phòng đầu tiên dự kiến sẽ đón du khách vào dịp Tết Quý Tỵ 2013 - Ảnh: ACDL “Đăng ký 13 tỉ USD mà giải ngân trên 10 tỉ USD quả là điều những người làm trong ngành này mơ cũng không dám”, nguyên phó giám đốc một sở kế hoạch - đầu tư nhận xét. Hơn 20 năm trong ngành, ông chưa bao giờ thấy địa phương mình đạt tỉ lệ đó. Chỉ hấp thu 10 tỉ USD mỗi năm? Tính từ thời điểm thu hút nhiều vốn FDI đăng ký nhất là năm 2008 đến nay, việc giải ngân vốn FDI để triển khai thực hiện dự án chẳng mấy cải thiện. Năm 2008, vốn FDI đăng ký đạt 71 tỉ USD nhưng vốn giải ngân là 11,5 tỉ USD - một tỉ lệ như thể “một người ở đỉnh cao - một người về vực sâu”! Thời điểm đó khi dư luận “phàn nàn” tỉ lệ giải ngân quá thấp so với vốn đăng ký, có quan chức đã giải thích rằng cần có thời gian để chuyển hóa từ vốn đăng ký sang thực hiện. Giải thích này có vẻ hợp lý và đúng thực tế, bởi với một dự án đầu tư nước ngoài lớn, tính từ lúc được cấp giấy phép cho đến lúc triển khai thường phải mất ít nhất hai năm. Tuy nhiên, thực tế đáng suy nghĩ là từ sau năm 2008, giải ngân vốn FDI lại có khuynh hướng giảm dần. Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho tình trạng vì sao thu hút được trên 70 tỉ USD, trên 20 tỉ USD, rồi trên 10 tỉ USD, nhưng rồi mỗi năm cũng chỉ giải ngân được loanh quanh con số 10 tỉ USD. Phải chăng nền kinh tế VN chỉ có thể hấp thu mỗi năm 10 tỉ USD vốn FDI, hay đó chỉ là con số để làm đẹp sổ sách? Báo cáo thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài mà mỗi tháng Cục Đầu tư nước ngoài phát hành trên trang web của mình dựa vào báo cáo của các địa phương gửi về. Nhưng khi được phỏng vấn, sở kế hoạch - đầu tư của nhiều tỉnh đều xác nhận những con số về vốn giải ngân gửi về cục đều là ước tính. “Vốn đăng ký thì có thể chính xác vì dựa vào việc cập nhật tình hình cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng vốn triển khai thực hiện (giải ngân) phải dựa vào báo cáo của từng doanh nghiệp. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng giữ đúng tiến độ báo cáo và chế độ kế toán của họ không cho phép báo cáo theo tháng mà theo quý. Hơn nữa, thời điểm kết thúc năm tài chính của các doanh nghiệp FDI khác với thời điểm chúng ta báo cáo kết thúc năm. Vì thế, chắc chắn con số giải ngân hằng tháng và kết thúc năm chỉ là ước tính!” - trưởng phòng quản lý dự án đầu tư nước ngoài của một tỉnh giải thích. Thực tế cũng đã chứng minh con số thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thường chưa kịp cập nhật so với thực tế, khi kết thúc năm 2008 thống kê ban đầu đưa ra tổng vốn đăng ký trên 64 tỉ USD, sau đó điều chỉnh lại là 71,7 tỉ USD. 130 tỉ USD chờ giải ngân Nhiều chuyên gia cho rằng VN có thể thúc đẩy để giải ngân vốn FDI cao hơn 10 tỉ USD mỗi năm như hiện nay. Theo TS Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến nay tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 220 tỉ USD, trong khi đó giải ngân được khoảng 90 tỉ USD, nghĩa là còn 130 tỉ USD chờ giải ngân. “Cứ cho rằng khoảng 50% của con số 130 tỉ USD kia là không chất lượng, là có vấn đề gì đó... thì vẫn còn 60-65 tỉ USD. Một con số khá cao nên không lo về số lượng. Vấn đề là chúng ta phải hướng vào chất lượng” - TS Nguyễn Mại nói. Theo vị nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư này, lâu nay vốn FDI chiếm khoảng 25% trong tổng đầu tư xã hội, là một tỉ lệ cao, nhưng vấn đề là phải cơ cấu lại dòng vốn cho căn cơ hơn, hướng vào lĩnh vực công nghệ cao chứ không dàn trải như những năm qua. Ông tin rằng trong vòng mười năm tới, giải ngân vốn FDI mỗi năm từ 15-18 tỉ USD là phù hợp với nền kinh tế. Câu chuyện phải cải thiện năng lực hấp thụ vốn FDI đã đặt ra từ lâu nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Dự án Saigon Atlantics 4,1 tỉ USD ở Vũng Tàu là một ví dụ điển hình cho sự chậm chạp trong việc xử lý của cơ quan chức năng để giải ngân nhanh vốn triển khai dự án. Chủ đầu tư đã chấp nhận ứng trước cả trăm tỉ đồng vốn để hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, nhưng cho đến nay 87ha đất giao cho nhà đầu tư vẫn trong tình trạng “da beo” nên chưa thể khởi công dự án. Sự việc khiến nhà đầu tư “kêu” đến Chính phủ và hồi giữa năm, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải ra công văn chỉ đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải trình. Trong báo cáo đánh giá hiệu quả điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), cũng cho rằng: “Lượng vốn giải ngân và tỉ lệ thực hiện cao trong giai đoạn lượng vốn chảy vào suy giảm hoặc hồi phục chậm một phần nhờ vào kết quả của điều chỉnh chính sách, nhưng chủ yếu vẫn do lượng FDI mới vào giảm mạnh. Tỉ lệ giải ngân thấp trong những giai đoạn bùng nổ FDI đã bộc lộ rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn này còn rất hạn chế.” Theo TS Tuệ Anh, khả năng hấp thụ FDI bao gồm nhiều yếu tố như trình độ lao động, cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...), năng lực của bộ máy hành chính trong việc thực thi pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư như đất đai, thuế, thủ tục hải quan... Do vậy, muốn đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án đầu tư mà chỉ dựa vào sửa đổi, bổ sung chính sách là chưa đủ. Điều này đòi hỏi có cách tiếp cận đồng bộ hơn khi tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn trong giai đoạn tới đây. Còn TS Nguyễn Mại cho rằng việc thu hút vốn FDI cần phải chọn lọc thị trường và tập trung vào các công ty đa quốc gia uy tín để dòng vốn chất lượng hơn. Lấy ví dụ của Samsung, TS Nguyễn Mại cho biết tập đoàn điện tử Hàn Quốc này đã đề xuất một kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) ở Hà Nội với nhiều triển vọng giúp đào tạo nguồn kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao cho VN. Song song đó, Samsung cũng đề xuất một khoản đầu tư mới là 2 tỉ USD vào Thái Nguyên để sản xuất, gia công, lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao sau khi thành công với nhà máy có vốn đầu tư gần 700 triệu USD sau đó tăng lên 1,5 tỉ USD tại Bắc Ninh. Báo Đầu Tư ngày 28-12-2012 cho biết UBND tỉnh này đã gửi công văn cho Chính phủ đề nghị cho nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi cho dự án mới. Bình luận về chi tiết này, một luật sư chuyên tư vấn đầu tư nước ngoài cho rằng điều này là không bình thường trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam. “Tại sao một nhà đầu tư mới khi đăng ký đầu tư được hưởng một số ưu đãi, trong khi nhà đầu tư cũ mở rộng dự án, tăng thêm vốn, thêm lĩnh vực lại phải đi xin ưu đãi?” - luật sư này đặt câu hỏi. Theo ông, lẽ ra Việt Nam phải có chính sách đối với những nhà đầu tư như vậy, bởi chính những nhà đầu tư đó là câu chuyện tiếp thị tốt nhất cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam. “Các chuyên gia đã đánh giá rồi, sở dĩ chúng ta mỗi năm chỉ có thể giải ngân khoảng 10 tỉ USD vốn FDI là vì cơ sở hạ tầng còn quá yếu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhà đầu tư, muốn hơn cũng khó. Ngoài ra, theo tôi, năng lực và tâm huyết của nhiều cán bộ, viên chức ngành kế hoạch - đầu tư cũng là vấn đề cần rà soát lại dù tôi biết rất nhiều người đã được ngân sách chi tiền cho đi học tập để nâng cao năng lực. Đã có thông tin là 30% cán bộ, công chức không làm được việc, tôi nghĩ trong đó có phần của công chức ngành kế hoạch - đầu tư. Năng lực thực tế của VN có thể hấp thu cao hơn 10 tỉ USD vốn FDI nhưng cho đến nay chưa thấy đẩy nhanh tiến độ. Chiến lược dài hạn là cần thiết, nhưng cũng phải có những việc cần làm ngay để giải quyết tình hình thực tiễn”. Tags: Giải ngânĐầu tư nước ngoàiFDITiêu điểmLê Nguyên Minh
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường hội kiến ông Tập Cận Bình THANH HIỀN 11/10/2024 Ngày 11-10 tại Bắc Kinh, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Chuyện của những ‘bà đỡ’ doanh nhân đưa nông sản ra nước ngoài THẢO THƯƠNG 11/10/2024 Ngày Doanh nhân VN đang đến gần, đứng sau những thành tích xuất khẩu và sự khởi sắc của nhiều gia đình nông dân, nhiều doanh nhân vẫn đang nhiệt thành với “nghiệp” nâng danh tiếng và chất lượng nông sản VN khi ra thế giới.
Doanh nhân Việt có đang 'giàu' lên? BÌNH KHÁNH 11/10/2024 Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 3 này được một tờ báo nước ngoài ví như “tên lửa”. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt, người Việt đang "giàu" lên một cách tương xứng?
Ông Zelensky đến Đức trình bày kế hoạch buộc Nga kết thúc xung đột vào năm 2025 THANH HIỀN 11/10/2024 Gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết sẽ trình bày kế hoạch nhằm buộc Nga phải đi đến hòa bình, kết thúc xung đột chậm nhất là vào năm 2025.