TTCT - Nhật ký Đặng Thùy Trâm vừa được dịch ra tiếng Nga với tên sách (*) và ra mắt bạn đọc Nga nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7-2012 và 70 năm ngày sinh của anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

TTCT đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Anatoli Sokolov, một trong hai dịch giả, trước ngày được phát hành ở Liên bang Nga.

 

Phóng to

Anatoli Sokolov - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Anatoli Sokolov, ông đã "biết" Nhật ký Ðặng Thùy Trâm từ đâu, trước hay sau khi được đề nghị dịch nhật ký sang tiếng Nga?

Nhà sử học và Việt Nam học Anatoli Sokolov hiện đang làm việc ở Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga và giảng dạy tại Đại học Khoa học xã hội quốc gia Nga. Mới đây ông đã xuất bản quyển sách Nhật ký công tước Vyazemsky, người năm 1892 đã cưỡi ngựa đi xuyên Việt, được coi là mô tả chi tiết đất nước Việt Nam đầu tiên của một nhà du lịch Nga. Sắp tới ông sẽ tiếp tục với đề tài “Người Nga ở Việt Nam”.

- Tôi "biết" Nhật ký Đặng Thùy Trâm từ đồng nghiệp Việt Nam của mình - nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn mà tôi kết giao đã 30 năm. Sau khi được anh gửi tặng sách, tôi đã đọc liền một mạch, vô cùng xúc động.

Thành thật mà nói, tôi đã nghĩ ngay tới việc dịch quyển sách ra tiếng Nga, nhưng tiếc thay ngày nay làm chuyện này ở Nga không dễ. 

Sau đó tôi có sử dụng một vài trích đoạn của nhật ký vào giờ dạy tiếng Việt ở Đại học Khoa học xã hội quốc gia Nga, sinh viên của tôi đã xúc động và say sưa đọc, hiểu được người Việt Nam đã chiến đấu cho tự do và độc lập của mình như thế nào, những chàng trai và cô gái trẻ tuyệt vời đã hi sinh ra sao với niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước mình.

Tôi rất mừng khi đồng nghiệp của tôi, nhà văn - dịch giả Nguyễn Huy Hoàng đề nghị tôi tham gia dịch Nhật ký. Chúng tôi tin rằng quyển sách như thế này hiện rất cần cho nước Nga, mà trước hết là giới trẻ Nga. 

Ngoài ra, chúng tôi muốn làm ngắt quãng sự vắng bóng kéo dài của văn học Việt ở nước Nga, bởi suốt hai thập niên qua ở Nga hầu như không có một bản dịch sách Việt nào. 

Vì thế tất cả chúng tôi - từ các dịch giả tới những doanh nhân tài trợ dự án thuộc Câu lạc bộ may mặc Thăng Long ở Liên bang Nga - đều cho rằng vì trách nhiệm con người và nghề nghiệp của mình, nhất định phải dịch nhật ký ra tiếng Nga.

* Chính nhà phê bình Vương Trí Nhàn, trong bài viết về Nhật ký, đã nói so với lớp thanh niên ngày nay, lớp thanh niên của 40 năm trước có một cách sống khác, trong sáng thánh thiện đến kỳ lạ. Là người sống ở một đất nước rất gần gũi với Việt Nam những năm tháng ấy, ông nghĩ gì về số phận kỳ lạ của hai quyển nhật ký?

- Mỗi thế hệ mới khác hẳn thế hệ trước, đó là điều tự nhiên. Và mỗi thế hệ có những giá trị của mình, những ưu tiên của mình, có thể được giữ gìn hay đánh mất bởi những thế hệ sau.

 Điều quan trọng nhất là giữa các thế hệ giữ được mối liên hệ tinh thần trước nhất dựa vào lòng yêu nước. Có thể giới trẻ hiện nay thực tiễn hơn, cụ thể hơn trong chọn lựa và giành được những mục tiêu của mình so với những người đi trước, sống vào thập niên 1960-1970 ở Việt Nam và Liên Xô. 

Nhưng tôi tin rằng thanh niên Việt Nam và Nga hiện nay cũng yêu Tổ quốc nồng nàn và trong trường hợp cần thiết, họ sẵn sàng đi con đường như của chị Đặng Thùy Trâm.

Quả thật là hai tập nhật ký này có một số phận đáng ngạc nhiên. Chúng đã được cứu khỏi khói lửa và sự lãng quên. Có lẽ số phận của chúng là như vậy: cuối cùng chúng phải được in. 

Tôi nghĩ đó là sự công bằng cao nhất, khi nhật ký đã được chuyền qua tay những con người trung thực, trở thành một phần số phận của họ, để trở về Tổ quốc và kể lại toàn bộ sự thật về cuộc chiến của nhân dân Việt Nam, rằng nhân dân Việt Nam xứng đáng giành quyền là người chiến thắng.

* Trong Nhật ký, Arthur của Ruồi trâu, Pavel Korshagin của Thép đã tôi thế đấy, những câu thơ trong Ðợi anh về... đã được bác sĩ Ðặng Thùy Trâm nhắc tới không dưới một lần. Những chi tiết này nói với ông điều gì?

- Khi bắt gặp trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm hồi tưởng về những nhân vật văn học nước ngoài và Xô viết, tôi hiểu Đặng Thùy Trâm đã nhận được một nền học vấn tuyệt vời và cùng lúc cũng rất lãng mạn, khi phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt của cuộc chiến, mỗi ngày phải chạm trán với cái chết của những người thân yêu, gần gũi với mình. 

Có thể cả văn học lẫn những nhân vật ấy đã giúp chị sống sót trong màn khói những đám cháy, những làn đạn nổ, giúp chị giữ được niềm tin vào con người, vào tương lai.

Phóng to
Bìa Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga

* Dẫu sao thì chiến tranh đã qua khá lâu rồi. Nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay không biết nhiều về cuộc chiến, với người Nga càng khó hơn. Ông nghĩ gì về sự đón nhận của độc giả Nga với Nhật ký Ðặng Thùy Trâm bản tiếng Nga?

“Quyển nhật ký được viết bằng một ngôn ngữ hình tượng và thơ mộng, dễ đọc, tựa như dòng chảy rì rầm của con suối miền sơn cước, khởi đi từ ngọn nguồn trong trẻo của những cảm xúc tâm hồn Thùy sống động và khoáng đạt. Những nghĩ suy thầm kín về cuộc đời, danh dự, lẽ công bằng, những băn khoăn của chị, gửi gắm vào những trang nhật ký, có tính triết lý sâu sắc nhưng cùng lúc rất gần gũi và dễ cảm thông với tất cả mọi người”.

- Vâng, giới trẻ Nga hiện đại ít biết về cuộc chiến đẫm máu kéo dài ở Việt Nam, cuộc chiến mà hàng triệu người Việt Nam đã hi sinh.

Vì thế quyển sách này có ích và thú vị cho những cô gái chàng trai Nga, giúp họ không chỉ hiểu hơn về đất nước mà những mối quan hệ hợp tác hữu nghị đã gắn bó với chúng tôi, mà còn hiểu được giá trị chân chính của cuộc sống hòa bình chúng tôi đang sống.

Sau khi sinh viên đọc sách, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về chính cuộc chiến, về giới trẻ Việt Nam và về Việt Nam. Rồi khi diễn ra liên hoan phim Việt Nam ở Matxcơva, chúng tôi đã cùng nhau đi xem Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Tôi nghĩ là những giá trị vĩnh cửu như lòng yêu nước, tình hữu nghị, sự trung thực, lòng trung thành... mãi trường tồn theo thời gian vì chính chúng được gọi là vĩnh hằng. Đơn giản vì con người khác nhau, một số sống xứng đáng, không bị lệ thuộc hoàn cảnh, số khác thì không. 

Còn những người đã hi sinh, những người phải trả giá cho cuộc sống tự do, hòa bình ở các đất nước chúng ta sẽ luôn ở lại trong ký ức con người, trong lịch sử.

Chỉ cần phải luôn ghi nhớ về điều đó, phải kể lại cho những người trẻ từ những lớp học đầu tiên của bậc phổ thông, chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể trả được dẫu chỉ một phần món nợ con người cho những con người tuyệt vời ấy, như Đặng Thùy Trâm và các đồng chí của chị trong cuộc chiến.

 * Nhật ký Ðặng Thùy Trâm được ghi lại trong sáng, giản dị nhưng đầy khốc liệt và đau thương như chính cuộc chiến. Ông có khó khăn gì không khi dịch quyển sách? Về mặt cảm xúc hoặc về kỹ thuật?

- Dĩ nhiên, không dễ để dịch một quyển sách tưởng như chỉ ghi lại những sự kiện chiến tranh và cảm xúc của tác giả. Nhưng trong sách còn có một tầng tuyến thứ hai - thế giới của những liên tưởng nghệ thuật và những ước mơ giúp cho câu chuyện hấp dẫn và xúc động.

Với riêng tôi, khó khăn lớn nhất là ở chỗ truyền đạt được cảm xúc của cô gái trẻ - một bác sĩ, chọn lựa từ ngữ sao cho độc giả có thể hiểu được cả Đặng Thùy Trâm, cả bệnh viện dã chiến, cả những con người quanh nữ nhân vật này.

Dĩ nhiên, cũng có những khó khăn thuần túy về ngôn ngữ, thí dụ làm sao chuyển nghĩa được từ "em" mà ở mỗi hoàn cảnh được Đặng Thùy Trâm sử dụng với những ý nghĩa và sắc thái hoàn toàn khác nhau. Nhưng dĩ nhiên đó là những phần việc tự nhiên trong công việc của một dịch giả.

* Xin cảm ơn dịch giả và chúc bản dịch được độc giả Nga đón nhận tích cực.

Một tài sản của thế hệ chúng tôi

Quyển nhật ký này chị Đặng Thùy Trâm viết ra với mục đích riêng tư, gửi gắm những tâm sự kín đáo của mình, không phải để in ra cho bạn đọc. Nó được viết trong hầm dã chiến sau những cuộc phẫu thuật căng thẳng và mệt mỏi trong tiếng đạn bom của kẻ thù. 

Nó được viết trong bóng tối dưới ngọn đèn che kín dưới hầm trú ẩn. Nó được viết bên một gốc cây trong giờ nghỉ của cuộc hành quân. Nó được viết trong cơn đau ốm, trong những niềm xúc động, trong cảnh thương vong và máu lửa. Nó không hề được trau chuốt, sửa chữa, nó tinh nguyên và tươi rói như đất đai, sông nước và thiên nhiên của dân tộc Việt Nam.

Giờ đây nó đã trở thành tài sản của thế hệ chúng tôi, trở thành cuốn sách gối đầu giường của những người yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh trên trái đất này.

Chúng tôi đã cùng các dịch giả tiến sĩ A.Sokolov và tiến sĩ Lê Văn Nhân làm việc một cách khẩn trương và cụ thể. Dịch tác phẩm này là chuyển tải toàn bộ tâm hồn, tình cảm, nghĩ suy của một con người, đại diện cho một thế hệ tinh hoa của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đó là một công việc thiêng liêng và đòi hỏi trách nhiệm rất cao.

Chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm được điều đó...

________

 

(*) : A. Sokolov và Lê Văn Nhân dịch, Nguyễn Huy Hoàng tổ chức dịch và hiệu đính. NXB Thế Giới phát hành tháng 6-2012. Ðến nay tổng cộng Nhật ký Ðặng Thùy Trâm đã được dịch và giới thiệu ra 18 thứ tiếng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận