Đi bộ suốt cuộc đua Tokyo Marathon: Hiểu cách người Nhật chạy

TRANG HẠ 25/03/2019 20:03 GMT+7

Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ phải xuất phát giải chạy Tokyo Marathon năm nay cùng đôi nạng chống, bởi trong quá trình tập luyện cho Giải Ultra Marathon 100km tại Mỹ, tôi đã gãy chân và chấm dứt tất cả mọi ước mơ chinh phục các cự ly đường dài.

Chạy trong mưa -trên đường phố Tokyo. -Ảnh: Thủy Anh

Trang Hạ chạy trong mưa-trên đường phố Tokyo. (Ảnh: Thủy Anh)

 

Tuy nhiên, có những người đã chờ đợi nhiều năm để được chọn dự Giải Tokyo Marathon, có những người đã chờ đợi nửa đời để tới đây, hoàn tất ngôi sao sáu cánh vĩ đại của họ bằng kỷ niệm chương của giải! Vì đây là giải duy nhất tại châu Á trong số sáu giải Major của chạy bộ phong trào trên toàn thế giới! Vậy tại sao khi tôi đã may mắn hơn 300.000 người chạy trên toàn thế giới, tôi lại để mình bị chặn lại bởi đôi nạng?


1. Tháng 3, hoa anh đào đã nở rải rác dọc những con phố Tokyo, nở rộ quanh Bảo tàng Mỹ thuật ở thành phố Chiba, dưới chân tháp và quanh cảng biển. Tôi gặp bạn chạy Nguyễn Kiên Quốc - dịch giả của cuốn sách Sinh ra để chạy ở khu Expo của giải. Quốc cũng đã chờ đợi 6-7 năm để được chạy Tokyo Marathon năm nay.

Chúng tôi bàn về chiến thuật đi bộ nhanh trong một giải chạy bộ thế giới. Từ một người có thể chạy 42km bất cứ lúc nào, chẳng cần xài gel, không chuối không viên muối, thích thì chạy một lèo, giờ đây ngồi tính từng phút qua điểm mốc, từng chặng cho chiến thuật về đích, tôi thấy có hai thứ thú vị và cay đắng:

Một, chúng ta không chạy vì tấm huy chương. Nhưng tại Tokyo Marathon, tôi chắc chắn buộc phải có tấm huy chương, nếu không cả cuộc đời này có thể đây là lần duy nhất tôi có cơ hội! Tôi đã già, tôi có bao nhiêu cơ hội để chạy bộ?

Hai, nếu trước khi xuất phát, ta biết rõ ta sẽ về đích vào lúc mấy giờ mấy phút, ta chỉ là một người chạy bình thường biết làm toán. Nhưng biết rõ có thể sẽ DNF (DNF là viết tắt của Did Not Finish là thuật ngữ chủ yếu dùng trong các cuộc thi đường trường như chạy bộ hay ba môn phối hợp, chỉ những người không thể hoàn thành cự ly trong khoảng thời gian yêu cầu của cuộc thi), vẫn bước tới vạch xuất phát, dồn sức cho cuộc đua, ta mới giống một chiến binh ra trận, có thể thua nhưng không bao giờ lẩn trốn cuộc đối đầu.

Tokyo Marathon 2019 (Ảnh: Anadolu Agency)

2. Giải Tokyo Marathon năm nay có 38.000 vận động viên tham dự trong mưa và gió rét. Việt Nam có ít nhất 10 người dự giải, đông nhất từ xưa tới nay được ghi nhận. Tôi dự đoán nhà vô địch có thể là Suguru Osako, người chạy nhanh nhất châu Á.uguru Osako dừng ở km 29 vì mưa lạnh. Tôi bị chặn lại ở km 9,9 vì hết thời gian dù chỉ bị chậm 80 giây! Dẫu sao, đi lướt qua thành phố Tokyo trong mưa rét vĩnh viễn là một kỷ niệm sâu sắc và đầy xót xa, ở đâu đó, đáng lẽ những giấc mơ của một người phụ nữ trung niên là chạy bộ về đích chứ không phải đi bộ nhanh qua từng điểm mốc!

Có hàng trăm người bị chặn lại ở góc phố giữa khu Ginza. Hầu như đều là nhóm xuất phát sau cùng với tôi. Bạn có thể hình dung hàng trăm người bật khóc nức nở, uất ức tranh cãi với các tình nguyện viên, phân bua vì nỗi oan ức bị ăn bớt thời gian xuất phát... Thật kỳ lạ, gần như đa số người chạy bộ bị giữ lại quanh tôi đều đi chung một đôi giày Nike với nhà vô địch Tokyo Marathon năm nay.

Đôi giày đắt giá và huyền thoại, một đôi giày nghe đồn có thể nâng thành tích của bạn thêm vài phần trăm quý giá. Rõ ràng một đôi giày Nike không bao giờ đưa ta về đích, tôi biết rõ điều đó. Chính là chúng ta, những ngày luyện tập chăm chỉ của chúng ta mới đưa đôi giày về đích.


Có thể, tôi vĩnh viễn là một vận động viên DNF của Tokyo Marathon. Nhưng lần đầu tiên tôi hiểu ra dũng khí của người ở vạch xuất phát!3. Sau cuộc đua, tôi cùng người bạn đi tới một quán ăn nhỏ ở khu Maru No Uchi. Một bữa tiệc buffet nhỏ bày ra, của Công ty GMO (lĩnh vực công nghệ thông tin) dành cho những nhân viên của mình vừa tham dự giải Tokyo Marathon. Tôi là vận động viên nước ngoài duy nhất ở đó. Lại còn là một vận động viên DNF!

Chúng ta lao về phía trước không phải vì quán tính của đôi chân hay sức bật của mũi chân, hoặc lướt nhanh hơn nhờ bộ đệm hỗ trợ của đế giày thể thao cao cấp. Dáng chạy xấu xí hoặc tuổi tác cũng không phải là trở lực. Mà hình như vì trong lúc chuyển động, chúng ta hiểu ra sức mạnh của cuộc sống!

Một cuộc sống tràn đầy kế hoạch. Luôn có những cự ly mới chờ đợi ở phía trước, ở một chân trời nào đó. Nếu không phải là chạy bộ, chắc chắn không bao giờ tôi tới được nước Nhật. Cũng sẽ không bao giờ được chạy Boston Marathon, không có những giấc mơ, càng không có những khoảnh khắc hạnh phúc cùng người bạn đời chờ ở vạch đích. Vợ chồng tôi không hề có tuần trăng mật. Nhưng chúng tôi đã liên tục trải qua những tháng trăng mật ở Mỹ, ở Tokyo, sẽ còn có những ngọt ngào ở Berlin Marathon 2019. Vậy rõ ràng, chạy về phía ông xã là một trong những điều tuyệt vời nhất tôi đã lựa chọn trong đời!

Tôi rất kinh ngạc khi hỏi vài bạn viên chức Nhật của Công ty GMO ngồi gần tôi trong bữa tiệc. Các bạn ấy cho biết thành tích Full Marathon tốt nhất của các bạn ấy là 2h09’ và 2h11’. Thực sự không thể tin nổi vào tai mình, tại sao chạy bộ tốt như thế mà các bạn lại làm viên chức, thậm chí cũng có người DNF giải Tokyo hôm nay cùng tôi?

Tôi đã từng biết một người Nhật chạy bộ năm ngoái. Trong Giải Boston Marathon 2018, Yuki Kawauchi đã giành giải nhất, trong vai trò một viên chức Nhật Bản sang Mỹ chạy bộ, chạy xong lại quay về làm việc công sở.

Lên mạng kiểm tra thành tích, tôi mới biết hôm nay có hai nhân viên của GMO nằm trong danh sách Elite (thành tích cao) của Tokyo Marathon. Một bạn là Tadashi Isshiki từng chạy Tokyo Marathon năm ngoái với thời gian 2h09’43. Một bạn khác là Yuta Shimoda từng đạt 2h11’34 ba năm trước!

Ảnh: RYUSEI TAKAHASHI (Japan Times)

Trò chuyện với nhóm viên chức của GMO, tôi mới biết họ lựa chọn đầu quân về GMO không phải vì tiền lương, mà vì GMO có một huấn luyện viên rất tốt. Từ 2016, GMO đã thành lập riêng GMO Athletic chỉ để theo đuổi mục tiêu: thể thao là động lực của cuộc sống và củng cố giá trị tinh thần đoàn kết của doanh nghiệp.

Một bữa tiệc chúc mừng cả người thắng cuộc lẫn người DNF, tôi chưa từng thấy nơi đâu trong suốt những chặng chạy dọc châu Á, châu Mỹ, ở Việt Nam hay ở nước ngoài.

Tôi từng làm giám đốc doanh nghiệp, từng bị chỉ trích khi quyết định dành 750 triệu để mở một giải chạy bộ ở Hà Nội, nhưng người nhân viên chỉ trích tôi khi đó, năm ngoái đã bế con theo chồng tới tham gia giải marathon phong trào ở Hà Nội.

Tôi từng lập kế hoạch tiếp thị xây dựng những nhóm chạy bộ Elite trong một doanh nghiệp hàng nghìn người, để mang thương hiệu tới những giải chạy hàng đầu thế giới. Nhưng tại Việt Nam, không có nhiều doanh nghiệp nhận ra thể thao là một trong những chân dung tinh thần của doanh nghiệp!

Có phải đó là lý do chúng ta vẫn nghĩ chạy marathon chỉ là câu chuyện năng lực của mỗi người. Mà không nhận ra rằng nếu 38.000 người chạy bộ được ở Tokyo, vẫn có đủ không gian, nhưng Hà Nội không thể ngăn được đường phố trong bảy tiếng cho một giải chạy như Hà Nội International Marathon 2019 vừa phải hủy bỏ! Nếu chúng ta vẫn nghĩ người Nhật vốn chạy nhanh, nhưng không biết có những ngôi trường phổ thông, đại học và công ty trả lương cho huấn luyện viên chạy bộ, thì câu chuyện một lời chúc mừng cho người DNF có vẻ quá xa xỉ và vô lý.

Vì ta đã không nhận được bất cứ giá trị nhân văn nào từ thất bại! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận