Đi qua chiến tranh

LÊ ĐỨC DỤC 30/04/2014 22:04 GMT+7

TTCT - Gần 40 năm kể từ ngày hòa bình, về xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), tôi lại thấy trên cổng những ngôi nhà ở thôn quê tấm biển kẻ khẩu hiệu quen thuộc: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Những đứa trẻ Bình Dương đi học về trên con đường nhựa, mơ ước của xứ cát - Ảnh: Lê Đức Dục

Cổng nhà ông Huỳnh Tính - Ảnh: Lê Đức Dục

Có nhà làm tấm biển bằng đá granite đen, khắc chữ nhũ kim, có nhà chỉ giản dị dùng một tấm tôn vuông vức, kẻ lên đó câu khẩu hiệu bằng sơn đầy trân trọng.

Mỗi ngôi nhà một câu chuyện

Với người dân Bình Dương, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ là khẩu hiệu. Một xã nhỏ chỉ toàn cát và cát, dân số những năm chiến tranh chưa đến 5.000 người, nhưng đi qua hết cuộc chiến tranh, Bình Dương có tới 1.367 liệt sĩ và 272 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 80% dân số xã là nạn nhân chiến tranh. Máu, mồ hôi và nước mắt một thuở, đổi lấy một điều thật sự quý giá cho mấy chục năm nay: độc lập và tự do thật sự hiện diện trên mỗi cổng nhà.

Tôi về Bình Dương, gặp một cánh cổng với câu khẩu hiệu ấy bèn tiện chân rẽ vào. Một ngôi nhà ngói cũ kỹ nấp sau cánh cổng cũng cũ kỹ ở thôn 5, xã Bình Dương. Chủ nhà là một cụ ông đã 93 tuổi. Trên tường treo vô số chứng nhận huân huy chương, trong tủ kính huân huy chương cũng lấp lánh sáng. Trên chiếc tủ là tấm chân dung đen trắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ ông 93 tuổi tên là Huỳnh Tính, hóa ra từng là chiến sĩ của đoàn tàu không số.

Ngày ấy, khá nhiều con dân Thăng Bình là thủy thủ của đoàn tàu lịch sử này. Năm kia, đi viết về những anh hùng của đoàn tàu không số, tôi biết thêm một người con của đất Thăng Bình là anh hùng Nguyễn Văn Hiệu, thuyền trưởng tàu 645 đã hi sinh trên vùng biển Phú Quốc, người mà khi tàu bị lộ, thủy thủ đoàn rời tàu hết, đã ở lại điểm hỏa, xóa dấu vết con tàu và hàng chục tấn vũ khí trên tàu. Ông Huỳnh Tính cũng đã đi nhiều chuyến tàu sinh tử như thế, rồi bị địch bắt giam ở nhà lao Phú Quốc.

Ngày ông đang bị tù thì ở quê nhà, người con trai duy nhất của ông, anh Huỳnh Thương, xã đội trưởng Bình Dương, hi sinh khi mới 22 tuổi. Người lính già này nay một mình trong căn nhà nhỏ cùng tấm bằng liệt sĩ của con trai. Bình Dương có rất nhiều người như ông. Lần trước về đây, chị Mân - phó chủ tịch xã - dẫn tôi đi thăm mẹ Dương Thị Hòa ở thôn 2. Chồng mẹ là ông Võ Thành Danh, hai vợ chồng có người con gái duy nhất là Võ Thị Lực.

Năm 1968, chị Lực mới 14 tuổi đã tham gia du kích và hi sinh tại Hội An trong dịp Mậu Thân. Sau ngày hòa bình, ông Danh trở lại quân ngũ, năm 1988 mới về hưu sống với vợ nhưng chỉ hai năm sau ông qua đời. Cả một đời mẹ Hòa chỉ được hai năm sống gần chồng.

Con là liệt sĩ, chồng mất, mình mẹ còn lại trong căn nhà liêu xiêu trên cát, mâm cơm dọn ra chỉ một đôi đũa một cái bát, không thể với tới mơ ước giản dị nhất là có đứa cháu để ẵm bồng, ru nựng, có mâm cơm quần tụ cháu con. Những cuộc sống lặng lẽ một mình ấy vẫn nói lên rất nhiều về sự hi sinh, vốn không hề dừng lại vào ngày đất nước im tiếng súng mà thao thức rất nhiều năm sau.

Là “đất lửa” nên những năm chiến tranh Bình Dương là trọng điểm bị càn quét, đánh phá. Trong hội trường của Nhà văn hóa xã nay vẫn treo tấm hình chụp một phụ nữ đang ngồi giữa trảng cát trắng, trơ trọi vài gốc phi lao. Dòng chú thích bên dưới kể lại rằng đây là người phụ nữ duy nhất sống sót trong trận thảm sát 73 người dân vô tội của lữ đoàn “Mãnh hổ Đại Hàn” ở thôn 1, xã Bình Dương.

Từ năm 1954 đến năm 1975, Bình Dương mất gần 4.700 người, ngoài hơn 1.300 liệt sĩ, còn lại đều là thường dân.

Tấm ảnh tư liệu về nhân chứng duy nhất sống sót trong trận thảm sát 73 người dân vô tội của lữ đoàn “Mãnh hổ Đại Hàn” ở thôn 1, xã Bình Dương thời chiến tranh (1969) 

Hi vọng từ một cây cầu...

Gần 20 năm trước, khi tôi về Bình Dương lần đầu, con đường từ thị trấn Hà Lam, huyện lỵ Thăng Bình về đây chỉ chừng 15 cây số nhưng chiếc xe máy của tôi phải bò hơn hai tiếng đồng hồ, bánh xe lún sâu vào cát lục sục quay tít một chỗ. Nhưng như thế còn may, vì ít nhất vẫn có lối để đi.

Ngày mới giải phóng, không có đường đi, không một bóng cây, dân Bình Dương cứ góp nhau tầm một cây số lại dựng một cái chòi tranh để vừa trú nắng, vừa làm dấu biết lối mà đi. Cơ cực vậy nhưng bởi cái “khí chất anh hùng” nên sau ngày hòa bình, Bình Dương làm gì cũng “số một”.

Hôm đó, ngồi trong hội trường cũ kỹ mà bốn bức tường vây kín cờ thi đua và bằng khen, ngoài hàng trăm bằng khen, chứng nhận thành tích chiến đấu, tôi đếm thấy một loạt danh hiệu mới “đơn vị trồng màu giỏi nhất”, “mua công trái khá nhất”, “xóa mù chữ sớm nhất”, “làm thủy lợi tốt nhất”... Đến cả trồng cây gây rừng, gọi thanh niên nhập ngũ, gửi tiền tiết kiệm... cái gì Bình Dương cũng dẫn đầu.

Nhưng đã ở xứ miền Trung này, những nhọc nhằn không dễ tan. Phó chủ tịch xã Bình Dương, anh Đặng Văn Hùng, khi nghe tôi nhắc lại ký ức về Bình Dương gần 20 năm trước đã bảo: “Cuộc sống có khá hơn trước nhiều, nhưng cũng còn nhiều điều phải lo lắm anh ạ”.

Sự khá lên ấy có thể nhìn thấy ở một trạm y tế xã được xây rất khang trang với nguồn kinh phí 3,7 tỉ đồng do Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung vận động tài trợ xây dựng. Công trình y tế này còn là nơi trú ẩn an toàn cho vài trăm người dân những khi bão lũ. Sống ở vùng đất khắc nghiệt này luôn phải biết “kết hợp” như thế.

Từ tầng hai trụ sở xã, trước tầm mắt thấp thoáng nhô lên mái ngói son tươi của những căn nhà lầu dáng dấp phố thị. Anh Đặng Văn Hùng nói: Đó là “thì tương lai” của Bình Dương. Trưa, nắng rát bỏng, anh Hùng đưa chúng tôi ra “khu phố mới”. Bình Dương đã vào “tầm ngắm” của nhiều “đại gia” từ mấy năm trước.

Một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đã “đi tắt đón đầu” cầu Cửa Đại từ năm 2010, khoanh vùng một diện tích lên tới cả ngàn hecta trải rộng trên địa bàn hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, riêng xã Bình Dương, số diện tích quy hoạch cho dự án này lên tới 680ha, chiếm 1/3 diện tích cả xã (2.055ha).

Dự án thì to nhưng hi vọng thì rụt rè, bởi “khu phố mới” này chỉ là mười mấy hộ dân đầu tiên ra đây tái định cư theo nhiều dạng: một số hộ tái định cư theo dự án sắp xếp dân cư ven biển, một số hộ khác được quy hoạch vì đã nhường đất cho dự án cầu Cửa Đại, tới đây sẽ thêm nhiều hộ nữa ra để nhường đất cho dự án du lịch Nam Hội An.

Có tiền đền bù, ai cũng ráng gồng lên xây ngôi nhà cho tươm tất, nhưng lấy đất đâu để sản xuất thì vẫn rất cam go. Những hứa hẹn của nhà đầu tư về công ăn việc làm khi dự án này hoàn thiện vẫn còn đó, nhưng khi nào dự án hoàn thiện thì... chưa biết!

Bình Dương trước đây có sáu thôn, ba thôn trồng lúa, hai thôn trồng màu và một thôn làm nghề biển, với các hộ dân chuyên nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Hơn 80% hộ dân chỉ làm nông, nhưng rồi viễn cảnh về một dự án du lịch lớn đã xáo động tất cả.

Dân thấy ruộng đất đã nằm trong quy hoạch dự án, dù chưa nhận đền bù nhưng cũng không mấy thiết tha với ruộng vườn để đầu tư dài hơi, căn cơ, sống chết cùng đất ruộng như xưa. Những thanh niên sức vóc bỏ xứ đi làm thuê, người vào Nam, người ra Đà Nẵng, không ai mặn mà với nghề nông, với những thửa ruộng pha cát từng ngấm đỏ sắc máu một thời.

Có lẽ mong mỏi lớn nhất của người dân Bình Dương bây giờ là cây cầu Cửa Đại được hoàn thành. Cây cầu nối từ di sản Hội An - đô thị du lịch đang phát triển - vắt qua cửa biển rồi xuyên qua duyên hải của Duy Xuyên, Thăng Bình... Từ Bình Dương, chỉ hơn chục cây số là đã tới Hội An.

Khởi công hồi cuối tháng 8-2009 với thời gian thi công dự kiến là ba năm rưỡi (42 tháng), nay đã gần năm năm mà cầu vẫn chưa xong. Chỉ nghe nói dịp 2-9 này sẽ thông xe kỹ thuật.

Không biết ngày cây cầu Cửa Đại hoàn thành, những người dân Bình Dương chỉ chạy vèo hơn mươi phút là có thể qua tới Hội An, đi qua cây cầu này có ai nhớ về những người con Bình Dương đã nằm lại khi năm nào vượt sông qua đây của thuở “tổng tiến công nổi dậy”, có người đã trở thành liệt sĩ, hi sinh trên dòng sông này khi mới 14 tuổi như chị Võ Thị Lực hay không...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận