Đi ra thế giới để về... bờ ao

THU HÀ 05/10/2003 02:10 GMT+7

TTCN - Trong giải Sao Mai (cuộc thi Tiếng hát truyền hình VN) lấp lánh một Ngọc Khuê -Thị Mầu với một ca khúc mới mẻ có tên ngồ ngộ Bên bờ ao nhà mình của một tác giả la huơ lạ hoắc- Lê Minh Sơn. Trong đêm giao lưu trực tiếp “hậu Sao Mai”, Ngọc Khuê tiếp tục giới thiệu một bài hát nữa, cũng hấp dẫn không kém: Người ơi, người ở vẫn của Lê Minh Sơn. Và nhiều người đã phải hỏi nhau: Lê Minh Sơn là ai?


Lê Minh Sơn - người đã đi ra thế giới để rồi tìm về ... bờ ao

Trong chương trình âm nhạc trên kênh VCTC (truyền hình cáp của đài THVN- vốn không nhiều người xem vì tốn tiền và vì chưa thật sự thông dụng), ở phần Âm nhạc diễn giải, một nghệ sĩ để râu cằm tay cầm guitar đang say sưa nói về nhạc Flamenco, vừa nói anh vừa dạo đàn, giản dị, chính xác và tỉ mỉ. 

Và bất ngờ, để kết thúc, anh đứng dậy : “Tôi sẽ biểu diễn minh họa bằng một bản Flamenco của tôi: Cô gái digan …”. Đó là Lê Minh Sơn trong vai trò người dẫn chương trình của Âm nhạc diễn giải, làm từ năm 1999 nhưng nay mới có dịp trình làng. 

Trên tầng 4 khu giảng đường của trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội, trong một căn phòng nhỏ không đầy 10m2, bất chấp tiếng ồn ào của hàng chục loại nhạc cụ và tiếng luyện thanh vẳng ra từ tất cả mọi ngõ ngách, một người đàn ông râu tóc, áo quần gọn gàng, nghiêm chính và một cậu bé gầy go đang ngồi bình thản luyện đàn guitar. Đấy là giảng viên Lê Minh Sơn và một trong tám học trò năm học 2003 của anh.

Ban nhạc jazz ứng tấu một khúc ngẫu hứng Latin trong ánh đèn vàng và không khí rạo rực của Metpub (một quán bar toàn khách Tây thuộc khách sạn Metropole, Hà Nội). Cả trống, sax và guitar đều ngây ngất như người lên đồng. Ánh đèn quét qua người chơi guitar đang gập xuống trong một phút “phiêu”, đủ để nhận ra “ông giáo” đạo mạo ban chiều. Cũng là Lê Minh Sơn đấy.

Hóa ra, với dân trong nghe cái tên Lê Minh Sơn không he xa lạ chút nào. Tốt nghiệp bộ môn guitar Nhạc viện Hà Nội năm 1998, Sơn ve trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội làm giảng viên, được đi tu nghiệp ở nhạc viện thành phố Tour (Pháp) một thời gian ngắn và tiếp tục trở về với nghiệp làm thay. 

Trong khoảng thời gian “Tây du”, ngoài những lúc lên giảng đường và làm việc với dàn nhạc chính thống, có một quãng thời gian mà Sơn vô cùng tâm đắc và hào hứng mỗi khi nhớ lại: vét hết tiền túi, anh một mình sang Tây Ban Nha- miền đất thánh của guitar, lang thang khắp các nhạc hội dân gian và mua vé vào xem các live show của những cây guitar nổi tiếng. Đôi khi, anh vào sau sân khấu để tìm gặp cho bằng được những ngôi sao solist, và hỏi han chuyện đời, chuyện nghe.... 

Chuyến đi đã làm cho Sơn nhận ra một điều: “Tất cả những gì mình làm từ xưa đến nay với cây guitar là... đúng cả, từ cách học đàn, chơi đàn, dạy đàn đến sáng tác”.

 Trong cả cách học, cách dạy lẫn những sáng tác của Sơn, anh tự nhận thấy có cái gì như là “lên đồng”: “Đồng nghiệp Tây bảo nhạc của tôi chỉ thoáng nghe đã thấy chất da vàng mũi tẹt đặc sệt không lẫn đi đâu được, còn bạn bè ở nhà thì lại nhận xét: nhạc của mày có một cái gì đấy là lạ. Tôi thì biết cách “tự sướng” chỉ với một nhận xét “có một cái gì” ấy ”.

Phạm Ngọc Khuê với bài Bên bờ ao nhà mình

* Đã chơi guitar nhiều năm, đã dạy guitar cũng hàng chục năm, viết được không ít tác phẩm khí nhạc nhưng vẫn rất ít được biết đến; vậy mà chỉ cần vài bài hát tương đối ấn tượng, anh đang có nguy cơ thành người nổi tiếng. Theo anh, như vậy là hay hay dở?

- Không hay cũng không dở, chỉ sợ là sau khi tôi bắt đầu được biết đến thì tôi sẽ “hỏng” thôi. Tôi không bao giờ có bất cứ sự so sánh nào giữa các phần khác nhau của âm nhạc trong bản thân con người mình, và cũng không có bất cứ sự so sánh nào giữa các nhạc sĩ sáng tác các loại hình âm nhạc khác nhau. Nhưng theo tôi, để có thể tự nhận mình là một nhạc sĩ, cần phải chơi được một loại nhạc cụ ở trình độ solist, phải viết được khí nhạc còn ca khuc chỉ là một phần trong sáng tác

* Vậy tự anh thấy mình đã là một nhạc sĩ chưa?

- Tôi coi mình là một cây guitar solist có ngón đàn hay, tôi tự hào sống bằng nghề này, nhưng vẫn là một nhạc sĩ nghiệp dư.

* Anh học nhạc cổ điển phương Tây, chơi jazz để kiếm sống nhưng tại sao các ca khúc của anh lại đậm đặc hơi hướng dân ca Bắc bộ như vậy?

- Tôi còn thích đủ thứ khác ngoài guitar nữa kia : Beethoven và Vivaldi, Eric Clapton và Queen, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương và Ngọc Châu... nhưng lúc viết thì phải quên sạch đi chứ. Chỉ có một thứ không quên được: đó là những gì cha mẹ cho mình, từ trong máu. Mẹ tôi là con gái Bắc Ninh, lúc ru con hát quan họ đã đành, lúc nấu ăn cũng hát, lúc vui cũng hát mà lúc buồn cũng hát, thành ra tôi bị... ngấm. Tôi viết Người ơi, người ở là để tặng mẹ đấy.

* Nhiều người đang chờ đọi một cái gì đó mới của anh, sau Bên bờ ao...

- Tôi sắp ra một album cho Ngọc Khuê. Tám bài hát với đúng chất giọng và phong cách Thị Mầu của cô ấy. Chúng tôi thu ở phòng thu riêng của ban nhạc Làn sóng trẻ (chúng tôi thành lập từ 1994) và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11 này. 

Sau đó, sẽ là một album hoàn toàn khác: chỉ với một guitar (tất nhiên là của tôi) và một giọng hát trong vắt,cực kỳ ngây thơ- trái ngược hẳn với Ngọc Khuê- đó là Khánh Linh (người đoạt giải ba Sao Mai - em gái nhạc sĩ Ngọc Châu).

* Đã bao giờ anh viết theo đơn đặt hàng? Bài hát đắt giá nhất mà anh đã bán được?

- Nhạc của tôi chỉ tặng chứ không bán, nhưng những ai tôi cực kỳ thích tôi mới tặng. Và hiện tại thì đó là (theo thứ tự) : Trần Thu Hà, Minh Ánh, Ngọc Khuê, Khánh Linh. Người thứ nhất là Y Moan nhưng tiếc là anh ấy lại không hợp với bài hát của tôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận