Đi thăm nhà ông chú

TRUYỆN NGẮN CỦA HẢI MIÊN 16/05/2014 09:05 GMT+7

TTCT - Mặt trời tháng tư bổ những nhát rìu bực bội xuống mặt đường bốc khói. Chiếc xích lô gục gặc bò lên dốc cầu. Lồng ngực phồng lên xẹp xuống của người đạp xích lô kéo co cùng những guồng chân.

Vẫn còn hằng triệu mặt trời ta bỏ sót. (Whitman)

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Đấy là một thanh niên cao gầy, hơi tái, có gương mặt của chú chó con mồ côi mẹ và ánh nhìn thèm khát, tuyệt vọng. Ở mu bàn tay trái anh ta có một hình xăm rễ cây bò loằng ngoằng, mỗi khi bàn tay cử động, đoạn rễ cây lại rướn mình trông như một con rít.

Anh ta trạc tuổi cô, và nghiện. Khi Đan ngước nhìn để cho biết nơi mình đến, Đan thấy trong đáy mắt anh ta nỗi si mê mà cô vẫn bắt gặp nơi các con chiên sùng đạo lúc họ ngước nhìn tượng Chúa, chỉ có điều Chúa của anh mang gương mặt khác, huyền ảo và phù du hơn, thường ứng hiện cho anh thấy dưới hình ảnh một làn khói trắng dịu dàng bay...

Mở thêm một cúc áo cổ, Đan nhìn con chó bẩn đứng dưới mái hiên một căn nhà lụp xụp bên chân cầu, hết gân cổ sủa nắng lại thè dài lưỡi hừng hực thở. Tiếng sủa khô cành cạch, nghẽn bụi và bắn ra sắc nhọn như từng mảnh bát vỡ. Những căn nhà bêtông hầm hập, những hàng cây thưa thớt lên cơn sốt, tất cả đứng chết lặng dưới một biển nắng mênh mông không một gợn gió.

Trên con đường vắng ngắt, Đan và anh thanh niên trông chẳng khác gì hai con cá bị móc mang treo lửng lơ trong nắng, đang mất nước dần và khô đi, bắt đầu từ đôi nhãn cầu. Những ngày nắng đỉnh điểm của tháng nóng. Sao ông chú lại hẹn cô đến nhà vào ba giờ chiều, cái giờ giội lửa, mà không phải là sáng sớm hay buổi đêm?

Đan chưa bao giờ có tiền để gọi taxi, cũng chẳng còn đủ tiền để đi xe ôm. Chiếc xe máy xếp xó cả hai tháng nay vì cháy bình ăcquy. Dạ dày của cô cũng vậy, xếp xó, lâu lâu mới được một bữa ăn tử tế.

Không có tiếng còi hụ liên thanh làm tất cả giật bắn người, vội vã dạt nép sang hai bên, Đan bất ngờ khi ngẩng mặt lên, chạm phải ô cửa chỉ bằng cuốn vở để mở của chiếc xe chở tù. Xe bít bùng. Hai bàn tay bám, khuôn mặt gí sát vào vuông cửa sắt kẻ ô bằng thanh sắt; một khuôn mặt con trai trạc tuổi cô mà màu bút mực, sách vở đã nhẫn nại thếp lên đấy, gió bụi cuộc đời chưa kịp tẩy đi hết.

Trước khi khuôn mặt ấy bị chiếc xe lôi đi mất hút, Đan gặp mắt anh ta đang chăm chú nhìn cô - như một cái vẫy tay da diết. Đan bất giác đưa bàn tay trái lên, lòng bàn tay hướng về ánh mắt ấy, mấy ngón tay co duỗi ngập ngừng.

Cái nhìn của kẻ hấp hối là trang cuối, thì cái nhìn của chàng trai đi đến nơi tù tội kia là một cuốn tiểu thuyết chỉ vừa lật giở mấy trang đầu, tan nát ngay từ những trang đầu.

Chờ xe đổ hết dốc cầu, để anh chàng xích lô nhấn pêđan đạp thêm vài nhịp, Đan ngoái cổ nói:

- Cho tôi xuống đây, hẻm vào nhà ông chú tôi kia rồi.

Đan đưa tay chỉ. Anh ta kéo thắng, hỏi lại:

- Lúc nãy cô nói...

- Tôi quên. Bây giờ nhìn cái hẻm này tôi nhận ra rồi.

Phớt lờ ánh mắt phân vân của chàng trai, Đan kéo món tiền gấp gọn trong túi quần jean ra đưa. Anh ta ngập ngừng rồi hỏi nhanh:

- Món tiền cuối cùng đấy nhỉ?

Đan ngoác miệng cười, vẫy mấy ngón tay: “Tạm biệt chim én”.

Rồi cô quay ngoắt đi, băng qua đường, rảo bước về phía con hẻm. Cô không chịu nổi sự cảm thông hay thương xót người khác dành cho cô, cô cũng phẩy tay cười nhạo mình trước nỗi rưng rưng cứ dậy lên khi nhìn người khác buồn khổ.

Lần đầu Đan đến nhà ông chú cách đây sáu năm, khi cô vào Sài Gòn thi đại học. Cô và mẹ cô. Bốn năm sau, cô đến lần thứ hai, thay mặt mẹ cảm ơn chú thím đã gửi món tiền ấy về giúp làm ma chay cho bố cô. Đây là lần thứ ba. Đan đến bởi sức ép khuyên bảo, mệnh lệnh, van nài của mẹ. Cô bực dọc. Hai năm ra trường vẫn lông bông thì đã sao!

Cô có nụ cười sáng bừng và một đôi cánh trong tâm hồn để bay lượn như chim, thế được rồi. Nhưng mẹ cô khóc lóc và rền rĩ. Cô thấy mình may mắn là đàn bà để không phải cưới một người đàn bà làm vợ - những sinh vật mỗi khi yếu thế lại ném dây thòng lọng vào cổ những người họ yêu thương và yêu thương họ, sợi dây được đan bện bằng nước mắt và rền rĩ, cùng với thời gian chỉ có dày chắc thêm mà không mòn tã đi.

Ba giờ chiều, mặt trời từ bực bội đã trở nên tàn nhẫn. Vỉa hè bên này lẫn vỉa hè bên kia, chỉ có tàng cây mà không có bóng râm. Cô giẫm lên bóng mình, chăm chú vào trò chơi đó, rảo bước. Ngoặt bên phải rồi ngoặt bên trái mấy đoạn đường nữa, cô đến khu chung cư nhà ông chú.

- Này cô kia! Đi đâu đấy?

Một giọng Bắc dưa chua để quá ngày gọi giật. Cùng với giọng ấy hiện ra người đàn bà bé choắt ngồi trên cái ghế nhựa đỏ kê sát gầm cầu thang. Lúc nãy hoa mắt vì đi từ ngoài nắng vào, Đan đã để bà ta chìm trong phông cảnh nhờ nhờ tối.

- Cháu lên phòng năm lẻ hai, nhà ông chú ạ.

- Lên xuống bốn nghìn.

Đan thảng thốt (sao cô quên điều này nhỉ?):

- Cháu làm gì còn tiền nữa ạ?

- Ơ cái cô này! Chuyện cô tôi biết đâu! Bốn nghìn.

- Nhưng...

- Thế thì đừng đi.

- Vậy làm thế nào cháu lên được nhà ông chú ạ?

- Bay. Không bay được thì đi bộ. Leo thang bộ.

Giọng bà ta luôn ré lên ở âm cuối, hợp với chiếc mũi hình mỏ chim của bà. Lủi thủi đi về phía cầu thang, ngang qua bà ta cô nói nhỏ: “Nhưng cháu phải cho cô biết là đã hai ngày nay cháu không cho gì vào bụng đâu ạ”. Hòn sỏi đã ném xuống và mặt nước không hề xao động - đã thế còn mất toi hòn sỏi. Đòn đánh vào lương tâm của Đan thường cho kết quả như vậy, hóa ra là đấm vào không khí. Những con người mòn rữa đời mình trên chiếc ghế nhựa sứt sẹo nép trong xó tối để thu bốn nghìn lên xuống thang máy và hai nghìn một lần đi vệ sinh nặng, một nghìn một lần đi vệ sinh nhẹ, gắn toàn bộ cái vũ trụ đạo đức của mình vào việc giữ vững nguyên tắc, Đan biết họ lắm chứ.

Xem bao nhiêu bậc nào? Năm tầng... 105 bậc. Nếu đúng thế mình là thiên tài, sai thì mình vẫn là mình, cô nghĩ. “Chúc mừng mẹ, bà mẹ của thiên tài”, Đan giễu mình. Đúng là 21 bậc. Đứng nghỉ chân ở tầng một, nhìn trực diện vào hai buồng thang máy, có một buồng đang đứng chờ ở ngay đấy, lòng Đan hơi chao đảo. Mình có thể bấm thang máy từ đây và chạy thẳng lên tầng năm, tí nữa bấm từ tầng năm xuống tầng một thì dừng, bước ra và đi bộ xuống tầng trệt.

Lúc đi ngang người đàn bà mũi chim ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ thì làm bộ thở dồn lên một tí, nhìn bà với ánh mắt hơi ai oán một tí. Ở chung cư B chỗ bạn Đan ở, nơi thi thoảng cô vẫn đến mượn phim, nghe nhạc ké và được nó mời ăn, ông cụ thu tiền đi thang máy bắc chiếc ghế (cũng nhựa, cũng đỏ, cũng sứt sẹo) ngồi hẳn vào trong một góc buồng thang, góc trái. Ông ngồi đấy 12 tiếng mỗi ngày từ năm 1975 đến nay.

Nghĩa là 12 tiếng mỗi ngày, từ năm 1975 đến nay, không thoát một ai. Đó là tấm huy chương vô hình nặng trĩu mà ông tự gắn lên ngực mình, giữ cho ông không đổ bẹp xuống trong cái buồng thang máy chưa đến hai mét vuông lúc nào cũng lèn chặt người, cọ mông vào cả mũi ông, làm ông rơi cả kính, xì trung tiện vào giữa mặt ông mà không một chút ngượng ngùng.

Nào, bây giờ thì giữ lòng trung thực to to hay làm một vụ gian lận nho nhỏ, khi hoàn cảnh đã tạo điều kiện đến thế? Đan ngoẹo cổ nhìn cái thang máy như nhìn một bài kiểm tra đạo đức. Chợt hình ảnh bà thím như một cái bóng lướt ngang tâm trí cô, bứt cô ra khỏi cuộc chiến đạo đức size S của mình.

Lần đầu gặp bà, khi Đan là con bé 18 tuổi vào thành phố thi đại học, Đan đã không muốn mình trở thành người phụ nữ đó, dù đặc biệt khao khát có được khuôn miệng của bà, đôi môi mọng hơi dẩu ra hờn dỗi, khi cười trông lại rất lạnh lùng, khó đoán. Bà kể cho mẹ con Đan nghe về chàng trai đã tự tử vì bà, “Một anh chàng đẹp trai và yếu đuối, có tương lai rất hứa hẹn, không chịu nổi những cơn vò xé của một mối tình không được hồi đáp đã lao đầu xuống sông tự vẫn, con sông kia kìa, ngay sau bancông căn hộ chúng tôi ấy”.

Lúc chuyện xảy ra bà đã có chồng và một con, là chú Đan và cậu em họ vừa sinh được vài tháng. Chú Đan ngồi uống trà bên bàn nước, vê tai cười cười. Ông không giấu vẻ hài lòng. “Anh ấy có chết không ạ?” - Đan hỏi. Ông chú cướp lời vợ, nóng nảy thốt lên: “Chết chứ, sao không! Lao đầu từ trên cầu xuống kia mà, lại vào lúc nửa đêm về sáng”.

Lần thứ hai Đan đến, bà ở nhà một mình với cậu con trai đã lên bốn. Trong bữa cơm, bà lại kể Đan nghe chuyện này. Cũng với cái giọng như kể một câu chuyện lẩy ra từ phim ảnh hay tiểu thuyết. Khi ta chẳng còn tí cảm xúc nào với tấm huy chương tình cờ bay lên ngực nữa, thì tấm huy chương vẫn không thôi lấp lánh; chàng trai ấy chỉ thật sự được yên nghỉ khi nào bà đã chết, hoặc mất đi trí nhớ, Đan buồn bã nghĩ.

Bà thím vẫn đẹp, nhưng đã mất đi cái màu óng ả của món đồ sứ mới và thay vào đó lại là một vẻ gì trơ trẽn. Đồ nội thất và điện tử trong nhà đâu như vừa được thay mới cả, chúng long lanh hoàn hảo như trong một showroom. Nhìn ánh mắt hơi ngạc nhiên của Đan, bà nở nụ cười kín đáo. Vừa chỉ bảo người giúp việc đang lúi húi trong bếp, bà vừa tiếp chuyện Đan. Giọng bà vẫn đẹp thế, mảnh và trong, khi hát chắc là cao vút và bay như khói.

“Đem ngâm nước muối loãng đi. Để năm phút. Lấy kéo cắt ra làm bốn. Như mọi lần ấy. Đầu tiên cắt ngang người. Hai chân xả dọc làm đôi. Thân trên xả dọc làm đôi, dọc theo xương sống ấy. Nhớ không? Cắt nhát nào nhát ấy cho dứt khoát, kẻo xương cứ lăm nhăm ăn vào hóc chết đấy”. Tiếng “dạ”, “dạ” lí nhí từ dưới bếp vọng lên.

Bà nói về người giúp việc lơ ngơ như bò đội nón của mình, giọng không ra than vãn hay chê bai, mà chỉ là nói cho có chuyện. Đan ngoan ngoãn ngồi nghe, hỏi gì đáp nấy, trong tâm trạng chờ bao giờ thì bà lại kể câu chuyện chàng thanh niên năm xưa lao xuống sông tự vẫn vì một tình yêu bị vờn nhử rồi sau đấy không được đoái hoài.

Tiếng thét của bà thím và tiếng khóc nghẹn ngào của đứa trẻ lay Đan tỉnh khỏi cơn lờ đờ lún vào êm ái do hơi máy lạnh rù rù và cơn đói mang lại. Thằng bé chạy vụt ra, nép vào chân Đan, vòng đôi tay mảnh khảnh ôm choàng lấy thắt lưng cô. Trong chiếc khăn lụa lớn màu hoa cà quàng ngang cổ bay phấp phới sau lưng và những món tóc loăn xoăn rủ xuống gương mặt mềm mại ràn rụa nước mắt, trông thằng bé như một chú gà con nhẹ bỗng liêu xiêu chạy bóng diều hâu.

Hai năm không gặp, nó đã lên sáu, người thanh mảnh với ánh nhìn rụt rè, tinh khiết, đôi môi tô son đỏ màu nóng ran như lên cơn sốt. Đan vòng tay ôm lấy thằng bé, áp ngực mình vào tấm lưng cộm xương sống của nó. Qua chiếc áo ba lỗ màu vàng tươi, Đan nhìn rõ trên vai trái của cậu bé ba nốt ruồi son hợp thành ba đỉnh của một hình tam giác cân. Đan chết sững, mắt mờ đi, mọi hình ảnh chao rung như nhìn qua một màn sương phập phồng.

Đây là hiện thân người anh vắn số của Đan, là hình ảnh về anh Đan vẫn gặp trong những giấc mơ nhắm mắt lẫn giấc mơ mở mắt. Anh Đan chết đuối khi lên bảy, cô lên năm, và tuổi của hai anh em mãi mãi dừng ở đó. Tìm được chiếc chổi lông gà, bà thím giằng lấy thằng bé. Đánh đập, la thét, cấm đoán, sỉ nhục, với tất cả nỗi uất ức và đau khổ, như con gà mẹ mổ chí chết vào đứa con bé dại chỉ vì nó vướng phải hơi người. Người mẹ ngọt ngào xinh đẹp của nó giờ trông chẳng khác gì một chiếc động cơ gầm rú để chồm lên khỏi bãi lầy, nhưng càng gầm rú lên ga lại càng lún lầy sâu hơn.

Thằng bé không la khóc nữa, nó cuộn tròn như một búp len lăn lộn dưới sàn nhà, rối bời hoảng loạn. Đan thấy những nhát roi kia quất thẳng vào cô, những mắng nhiếc kia cắm vào trái tim cô. Lời lẽ, chúng rào rạo văng ra từ một cái chai thủy tinh vừa bị đập nát, không mảnh nào không sắc cạnh lởm chởm. Đưa hai tay đỡ lấy cây roi, giữ chặt lấy không cho nó vung lên nữa, nước mắt Đan dâng lên không kềm giữ nổi: “Thím ơi! Thím cho cháu xin! Em nó mỏng manh quá!”.

Dằn dỗi vứt cây chổi lông gà xuống nền nhà, trước khi quay người bỏ ra bancông đứng thở, bà thím thét bảo người giúp việc: “Lê! Mày ở nhà mà thấy nó giở mấy cái trò bệnh hoạn loạn giống thế này ra, mày đánh nó cho tao. Tao cho phép. Nghe chưa?!”.

Vỗ về tấm thân mềm ấm, bé nhỏ của cậu em họ, Đan miết ngón tay trỏ lên ba cái nốt ruồi son trên vai trái của cậu. Ngọc Anh, có phải anh đấy không? Có phải anh đã đầu thai vào đây, vào nhà của chú thím không? Lòng Đan đau rát như bị gai cào. Cô ước cứ để cậu thiếp ngủ trong lòng mình như thế, cả hai cùng tan đi, không để lại chút dấu vết gì, như những đốm lân tinh gặp gió...

Bước ra bancông chào bà thím, Đan thấy trên vẻ mặt bà vẻ tã tượi của một bông hoa hết bị phơi nắng cho héo lại được vẩy nước cho tươi. Hỏi bà bao giờ thì ông chú về, bà thờ ơ: “Chú cô đi với đám bạn chơi tennis của ông ấy, đánh xong bao giờ chả nhậu, mà nhậu vào thì ai biết còn đưa nhau đi tận đâu đâu. Tôi mà là cô thì tôi chả chờ đâu”.

Cố nuốt cảm giác tủi nhục dâng lên ngang ngực, Đan đưa tay đặt lên vai người đàn bà là mẹ cậu em họ của cô: “Thím vô nhà nghỉ đi ạ, đứng đây gió lắm”. Bà nhìn bâng quơ lên những đám mây trắng muốt khô xác đi trên nền trời xanh ngắt, nói: “Thật phát điên lên mất. Không biết mai có dịu đi chút nào không?”.

Ghé ngang bếp để nói với chị giúp việc rằng xin chị hãy bảo vệ thằng bé, hãy an ủi yêu thương, Đan ngạc nhiên thấy chị ta đứng nhìn trân trối vào rổ ếch. Khuôn mặt lấm tấm rỗ hoa trông lương thiện và bạc nhược của chị ta tái xanh đi, rúm ró, hai tay lẩy bẩy xoắn vào vạt áo. Trông như người sắp chết, hoặc sắp khóc. “Sao vậy?” - Đan hỏi. Nhìn chăm chắm vào vạt áo mình, chị ta run giọng: “Chị thấy cặp chân con ếch giống cặp đùi em bé quá. Mỗi lần cầm lên, nó lại run run giật giật. Chị sợ...”. Nước mắt chị ta trào ra, nhìn Đan cầu cứu: “Khi chưa cắt đầu cắt tay, nó chắp tay nó vái. Nó vái chị... Em...”.

Đan thấy lại ánh nhìn tan nát của người thanh niên trong lòng bàn tay trái của mình, buồn bã và hun hút như mặt trời chết đắm trong đáy nước. Và thấy lại hình xăm rễ cây bỗng chốc biến thành con rít xanh đen ngọ nguậy trên mu bàn tay của chàng trai đạp xích lô. Trước khi đạp xích lô, trước cả khi nghiện, anh ta làm gì?

Bước ra khỏi khuôn viên khu chung cư, mặt trời quá năm giờ chiều đã thôi gầm rú. Thay vào đó là một mặt trời chảy ra lênh láng khắp chân trời, mỗi lúc một lan rộng, nhuộm đỏ những quầng mây, như thể cái vầng dương chang chói kia bị một bàn tay vô hình lành nghề, với con dao mổ cũng vô hình như thế đang âm thầm tỉ mẩn mở động mạch, rồi cứ thế để chảy máu cho đến chết (*)...

Chưa bao giờ, chưa bao giờ Đan ngao ngán buổi hoàng hôn đến thế. Cô ước gì lúc này có một đĩa cơm tấm sườn bì, và ước gì có ai đó nói cho cô biết tại sao mọi sự lại như vậy, như thế này.

(*): Câu “…mở động mạch, rồi cứ thế để chảy máu cho đến chết” lấy ý của nhà văn Eduardo Galeano khi viết về chiến tranh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận