TTCT - Một thế kỷ sau khi Vincent Van Gogh qua đời, hậu thế vẫn băn khoăn đâu là bức tranh cuối cùng của ông, ông đã đi đâu, làm gì vào cái ngày định mệnh 27-7-1890. Những bí ẩn đó cuối cùng đã được giải mật một cách tình cờ qua một tấm bưu thiếp cũ. Bức Wheat Field with Crows (Đồng lúa mì với những con quạ) của Van Gogh. Ảnh: Wikimedia CommonsNgày 20-5-1890, sau khi rời trại tâm thần Saint Paul ở Saint-Rémy, Vincent Van Gogh chuyển đến xã Auvers-sur-Oise, ngoại ô Paris, theo sắp xếp của em trai Theo Van Gogh, vừa để tránh xa phố thị ồn ào căng thẳng, vừa để tiện lui tới nhà bác sĩ Paul-Ferdinand Gachet, theo dõi bệnh tình. Hơn hai tháng sống ở đó, họa sĩ đã vẽ tới 77 bức tranh, mà ngày nay trở thành những bức Van Gogh đắt giá nhất. Nhưng vào ngày 27-7, ông đã trở về quán trọ với vết thương đẫm máu, rồi mất vào ngày 29-7, sau đúng 70 ngày ở Auvers.Bức tranh cuối cùngVan Gogh (1853 - 1890) chỉ ghi tháng năm trên tranh, nên khi giới nghiên cứu đồng ý rộng rãi rằng họa sĩ đã kết liễu đời mình bằng cách bắn vào bụng, việc xác định đâu là bức tranh cuối cùng của ông phải căn cứ thêm vào một dấu hiệu: sự hỗn loạn. Đó là điều mà người đời tin rằng sẽ trỗi dậy trong một người muốn tự tử và là điều Van Gogh cũng thể hiện trong những bức thư cuối cùng gửi em trai. Và vì tác phẩm cuối cùng của danh họa có lúc từng được cho là bức Wheat Field with Crows (Đồng lúa mì với những con quạ) vẽ một cánh đồng rực rỡ nhưng bầu trời phía trên lại vần vũ mây và hằn những vệt đen đầy ám ảnh của một đàn quạ.Năm 2012, nhà nghiên cứu mỹ thuật Louis van Tilborgh và là nhà nghiên cứu cây thân gỗ Bert Maes đã đưa ra những bằng chứng cho thấy bức vẽ cuối cùng của Van Gogh không phải là phong cảnh một cánh đồng. Cứ liệu của họ có những dòng trích từ một bài báo mà Andries Bonger, em rể của Theo Van Gogh viết năm 1893 về cái chết của họa sĩ.Bài viết có đoạn: “Buổi sáng trước khi chết, anh ấy đã vẽ phong cảnh rừng cây, đầy nắng và sự sống”. Bức vẽ đó, theo Van Tilborgh và Bert Maes là Tree Roots (Những cái rễ cây), một trong 23 bức được thực hiện trong tháng 7-1890 trên khổ canvas vuông đúp đặc trưng mà Van Gogh đã dùng cho loạt tranh cuối cùng. Bức Tree Roots, Vincent van Gogh, tháng 7-1890, kích thước 50x100cm, chất liệu sơn dầu trên canvas. (Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam, Hà Lan)Tree Roots chất chứa sự hỗn loạn nhiều hơn hẳn Wheat Field with Crows. “Bức tranh này mới nhìn có vẻ là một đám lộn xộn của những màu sáng và những hình thù trừu tượng lạ kỳ. Phải đến sau đó bạn mới nhận ra nó thể hiện một triền dốc với những thân cây và rễ cây. Đó là những cây trồng lấy gỗ, mọc ở một mỏ đá vôi. Những mỏ đá như vậy có thể được tìm thấy quanh Auvers (Pháp). Tác phẩm chưa được vẽ xong. Điều đó giải thích vì sao bề mặt tranh chưa được hoàn thiện. Nó có lẽ là bức cuối cùng của Van Gogh...” - Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam, Hà Lan, nơi đang trưng bày bức Tree Roots, đã giới thiệu về tác phẩm này như vậy trên website của họ. Người ta đã xác định được những loại cây trong bức tranh. Đó là những cây du núi. Người ta cũng đã xác định được chất đất có màu vàng hơi hồng. Đó là đất pha đá phấn, phong hóa từ những gì còn lại của một mỏ đá vôi bỏ hoang. Người ta còn xác định được cả địa thế chỗ những cái cây mọc lên. Đó là một triền dốc… Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi suốt một thế kỷ qua, rằng Van Gogh đã vẽ cảnh rừng cây này ở đâu trong xã Auvers, hay đó chỉ là hình ảnh ông tưởng tượng ra từ những chất liệu địa phương?Tấm bưu thiếp cũSinh ra và lớn lên ở Auvers, Paul Gachet Jr., con trai bác sĩ Paul-Ferdinand Gachet, trong quyển Les 70 jours de Van Gogh à Auvers (70 ngày của Van Gogh ở Auvers), 1959, không đánh giá cao bức Tree Roots và đã viết: “Tấm canvas này không phải là một bức phong cảnh: Nó là một bức vẽ thử nghiệm mà hoàn toàn không có một đặc trưng địa phương nào. Không thể đặt nó vào bất cứ rừng cây nào trong vùng đồng quê quanh Auvers”.Rồi thì: “Thứ gọi là bụi cây này thật sự không thể hiểu được: Hết thảy nó chỉ là một cái cớ để vẽ ra một đống - xét cả về màu sắc và đường nét - rễ cây, gốc cây, thân cây, và cỏ lá”... Paul Gachet Jr. hẳn sẽ hối hận, nếu ông được xem thứ mà nhà nghiên cứu Wouter Van der Veen, giám đốc khoa học của Viện Van Gogh ở Auvers, may mắn được xem vào mùa xuân 2020.Đó là tấm bưu thiếp đen trắng có hình ảnh một người đàn ông đang dắt xe đạp đi qua một đoạn đường với một bên là sườn dốc um tùm cây cối và xa xa là những căn nhà mái dốc. Chú thích trên bưu thiếp cho thấy cảnh được chụp vào khoảng năm 1900 - 1910 là một đoạn đường Daubigny ở Auvers. Tiến sĩ Van der Veen tình cờ thấy hình ảnh này khi xem xấp bưu thiếp cũ mượn từ một nhà sưu tập người Pháp. Và những thân cây vươn thẳng, những bộ rễ trồi ra bên sườn dốc trên tấm bưu thiếp khiến ông chú ý, vì có nét quen quen, giống như đã từng thấy ở đâu đó trước đây. Thế rồi Van der Veen mở ảnh chụp tấm Tree Roots trên máy tính ra so thử, sững người nhận ra sự tương đồng kỳ lạ giữa những cái cây trên tấm ảnh và trên bức tranh. Không thể đến Auvers được vì việc đi lại bị hạn chế ở Pháp do lệnh phong tỏa trong dịch COVID-19, Van der Veen khi đó đang ở Strasbourg đã gọi cho chủ tịch của Viện Van Gogh, ông Dominique - Charles Janssens, người đang ở Auvers vào thời điểm đó, để nhờ ông tìm đến chỗ sườn đồi nọ.“45-50% là những cái cây vẫn còn ở đó” - Janssens nói trước với Van der Veen như vậy, vì người ta từng đốn một số cây trên cung đường đó, nhưng sau đó ông xác nhận rằng linh cảm của nhà nghiên cứu là chính xác. Bưu thiếp in ảnh chụp đường Daubigny ở xã Auvers, Pháp, khoảng năm 1900 - 1910. (©arthénon)Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 5-2020, Van der Veen đến ngay chỗ những rễ cây vặn xoắn. Ông cũng mời thêm nhà nghiên cứu Bert Maes cùng các chuyên gia của Bảo tàng Van Gogh đến Auvers khảo sát. Và những gì xảy ra tiếp theo đã góp phần mang đến một trong những phát hiện quan trọng nhất không chỉ là về tác phẩm cuối cùng của Van Gogh mà còn là về những gì ông đã làm vào ngày 27-7 định mệnh.Những tia nắng chiều“Mọi yếu tố trong bức tranh đầy bí ẩn kia đều có thể được lý giải khi xem tấm bưu thiếp và vị trí thực tế: hình dáng sườn đồi, những cái rễ, sự tương ứng giữa chúng, kết cấu đất đai và sự hiện hữu của mặt dốc đá vôi”, sau này Van der Veen đã viết trong công bố nghiên cứu của mình như vậy. Phát hiện của ông đã giúp khẳng định Tree Roots thực sự là một bức phong cảnh được Van Gogh vẽ để miêu tả sự vật xung quanh đúng như thói quen sáng tác của ông, chứ không phải là một bức họa vẽ những hình ảnh tưởng tượng từ một tâm hồn đầy hỗn loạn như một số giả thuyết bấy lâu từng đặt ra.“Ánh nắng mà Van Gogh vẽ cho thấy những nét cọ cuối cùng được thực hiện vào cuối buổi chiều, điều đó cung cấp thêm thông tin về diễn biến của cái ngày định mệnh kết thúc bằng việc tự tử ấy” - Van der Veen giải thích.Vậy là, sau bao lần đi ra đường Daubigny và hướng vào trung tâm xã để vẽ bức The Church at Auvers (Nhà thờ ở Auvers) vào tháng 6 hay hướng ra ngoài xã để vẽ 10 bức cánh đồng trong tháng 7, cuối cùng vào ngày 27-7-1890 họa sĩ đã đứng vẽ ngay trên con đường này, ở nơi chỉ cách quán Auberge Ravoux mà ông trọ khoảng 150m, đến tận cuối chiều. “Bức tranh cho thấy sự vật lộn của sự sống và sự vật lộn với cái chết. Đó là điều ông đã để lại. Đó là một lời trăng trối bằng màu sắc” - Van der Veen diễn giải. Bản đồ họa so sánh sự tương đồng giữa bức Tree Roots và tấm bưu thiếp. (©arthénon)Vào năm 2011, hai nhà lịch sử nghệ thuật Steven Naifeh và Gregory White Smith từng đưa ra phân tích gây tranh cãi trong quyển Van Gogh: The Life (Van Gogh: Cuộc đời), cho rằng họa sĩ không tự tử, mà vào buổi chiều định mệnh ông đã đi uống rượu, rồi tranh cãi với hai thiếu niên và bị bắn. Nhưng với phát hiện mới đây, giả thiết trên có vẻ bị lung lay, vì nếu Van Gogh đã vẽ đến tận chiều tối, ông không có đủ thời gian để đi uống rượu, trước khi trở về quán trọ vào buổi tối. Dù vậy, vẫn còn lại một thắc mắc, rằng một người rất kỷ luật trong việc hoàn thành tác phẩm như Van Gogh sao lại quyết định tự tử khi chưa vẽ xong bức Tree Roots?Trong khi cái chết của danh họa vẫn sẽ còn là đề tài bất tận cho giới nghiên cứu, phát hiện của tiến sĩ Van der Veen hẳn đã làm công chúng yêu Van Gogh toại nguyện, như cách mà Bảo tàng Van Gogh đã bình luận: “Từ hôm nay, những ai tìm đến Auvers để đi theo những dấu chân của Van Gogh sẽ có thêm một trải nghiệm di chuyển trong hành trình của mình: Họ có thể đứng chính xác ngay nơi mà cọ vẽ của Van Gogh đã lần cuối cùng chạm vào tấm canvas”.Ở nơi đó, bảo tàng cùng địa phương đã đặt một bảng kỷ niệm có dòng trích từ thư Van Gogh gửi em trai ngày 10-7-1890, ghi rằng: “Đời anh cũng đã bị xói mòn tận rễ”. ■Hãy vào link này https://goo.gl/maps/ffHRRgYTuvZD1L4f9, bạn sẽ ngay lập tức “đến” được nơi có những cái rễ cây đã từng được Van Gogh vẽ vào bức Tree Root. Kéo màn hình sang trái, bạn có thể xuôi theo đường Daubigny về phía bắc để đến những cánh đồng mà họa sĩ từng vẽ trong bức Wheat Field with Crows. Nếu sang phải, bạn sẽ được dẫn vào trung tâm Auvers, đến nhà thờ nơi Van Gogh vẽ bức The Church at Auvers.Tiến sĩ Wouter Van der Veen bên rễ cây cổ thụ từng được Van Gogh vẽ trong bức Tree Roots. (AP) Tags: Danh họaVan GoghTranh van goghBức tranh cuối cùng của van gogh
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Mạnh dạn giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ trẻ, xóa tư tưởng 'sống lâu lên lão làng' TIẾN LONG 15/10/2024 Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải mạnh dạn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, xóa tư tưởng 'sống lâu lên lão làng'.
Nổ tuyến đường liên Triều: Hàn Quốc lên án mạnh mẽ, Bình Nhưỡng tiếp tục dọa Seoul sẽ trả giá đắt TRẦN PHƯƠNG 15/10/2024 Hàn Quốc chỉ trích việc Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều đã vi phạm thỏa thuận giữa hai bên. Còn Bình Nhưỡng tiếp tục dọa Seoul sẽ trả giá đắt.
Hai tiếng đối thoại của giám đốc Công an Phú Thọ được livestream trên mạng xã hội CHÍ TUỆ 15/10/2024 Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ - đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Buổi đối thoại được phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Uống 'nước' để chữa bệnh, nhiều người rơi vào tình trạng nguy kịch, cận kề cửa tử TTXVN 15/10/2024 Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống loại nước được truyền bá có khả năng chữa bệnh.