Đi từ những liệu pháp đơn giản

TS LÊ THANH HẢI 16/01/2014 03:01 GMT+7

TTCT - Thiếu vắng cơ chế giải tỏa cộng đồng thì chỉ cần vài năm là dễ dàng biến bất kỳ một khu phố văn hóa nào thành một ổ tội phạm nguy hiểm. Trong vô số những công cụ ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, những cơ chế cộng đồng đã bị lãng quên?

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP tại hội nghị trực tuyến ngày 3-1-2014.- Đồ họa: M.N.

Khi vận dụng các nghiên cứu khoa học xã hội vào mục tiêu giảm thiểu mức độ tội phạm ở các đô thị, người ta nhận thấy các giá trị văn hóa trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng dân cư liên quan rõ ràng đến khả năng cấu thành và phát triển tội phạm.

Đó là do ảnh hưởng của môi trường sống vào cảm xúc ứng xử của mỗi cá nhân, mà một trong những ứng dụng nổi tiếng được biết đến ở Anh là phác đồ điều trị CBT (Cognitive Behavioral Therapy) cho những người vì chứng trầm cảm mà trở nên mất khả năng điều khiển bản thân.

Ví dụ đơn giản như buổi sáng đi ra đường ta đạp trúng một cái vỏ chuối xém té, hay lỡ bị chiếc xe đạp đi ngang vũng nước bắn lên làm dơ hết quần áo, tùy theo cảm xúc cá nhân vào thời điểm đó mà có thể có các kiểu/mức độ ứng xử khác nhau.

Người đang lạc quan yêu đời có thể chỉ coi đây là một chuyện hài trớ trêu đầu ngày. Người đang buồn chán vì gặp nhiều điều xui xẻo sẽ phiền muộn cho thân phận mình “họa vô đơn chí”. Người đang bực mình chuyện gì đó trong nhà sẽ chửi đổng kẻ ăn chuối vứt vỏ ra đường, hay vì muốn trút giận mà có thể nhặt đá ném người đi xe đạp để rồi mang tội hành hung.

Một người biết kiểm soát bản thân sẽ dành chút thời gian suy nghĩ về tất cả khả năng phản ứng và hậu quả của mỗi hành động kéo theo sau đó để chọn phương án tối ưu cho mình... Dù là phản ứng loại gì thì luôn có hai điều tác động vào suy nghĩ của mỗi người: thứ nhất là tập quán ứng xử của cộng đồng dân cư và thứ hai là nhận thức được tích lũy qua quá trình sống.

Đô thị non yếu

Một trong những câu hỏi ngơ ngác thường được đặt ra gần đây là vì sao các vụ “xử nhau” thường từ một cơn cớ hết sức nhỏ nhặt như va quẹt trên đường, một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu”, một câu nói không vừa tai...? Vì sao tâm lý khi “đụng chuyện” mà không có hành động gì có thể bị coi là hèn nhát, bị coi thường, không đánh lại thì dễ trở thành đối tượng thường xuyên bị hiếp đáp trong cuộc sống hằng ngày... lại lan rộng, bắt sâu đến thế?

Hễ hàng xóm ném vỏ chuối ra đường làm mình té thì mình phải ném đá vô nhà cho bể tủ kiếng, rồi người bị bể kiếng phải vác dao sang hăm chém và người bị đòi chém có thể vác súng tự chế ra thị uy, bên kia lại kéo băng đảng về truy sát... cứ thế bạo lực ngày càng leo thang tạo ra xung đột xã hội.

Cơ chế truyền thống của người Việt thường có những cá nhân là người có uy tín trong làng, trong khu phố đứng ra hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn vẫn còn ở mức độ có thể dừng lại được. Nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như Việt Nam hiện nay, cứ mỗi tháng hầu như lại có thêm một khu đô thị mới xuất hiện, thì cấu trúc cộng đồng không kịp đủ thời gian để kiến tạo ra những nhân vật như vậy.

Các khu mới cơi nới để dân nhập cư và công nhân lao động vào tá túc thường xuyên có lượng dân cư vượt quá khả năng giao tiếp của cảnh sát khu vực hay cán bộ, đoàn thể địa phương, cho nên rất dễ là điểm nóng hình thành và phát triển tội phạm, từ trộm cắp, nghiện hút cho đến cướp giật, như quanh các khu công nghiệp ở Bình Dương.

Các khu nhà giàu kín cổng cao tường không giao tiếp với nhau cũng dễ tạo nên môi trường tương tự, hay ít nhất là hàng xóm không thể tiếp ứng như vụ trả thù do mâu thuẫn văn phòng ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Làng xã nông thôn truyền thống sau khi được bêtông hóa với những ngôi nhà cao nằm sát nhau quanh co sau những con đường làng nhỏ xíu ngày xưa nay được tráng tạm ximăng cho xe máy đi cũng sẽ tạo ra cảm giác ngột ngạt.

Sự thiếu vắng mối quan hệ hòa giải do thay đổi mật độ dân cư và thói quen giao tiếp cũng dễ làm chất chứa, dồn nén những căng thẳng của xã hội, để rồi khi có cơ hội thì bộc phát, bùng nổ như có thể thấy qua những vụ giết người trộm chó dã man ở Nghệ An.

Tìm kiếm cơ chế giải tỏa

Thiếu vắng cơ chế giải tỏa cộng đồng thì chỉ cần vài năm là dễ dàng biến bất kỳ khu phố văn hóa nào thành một ổ tội phạm nguy hiểm, khi các cấp chính quyền và nhất là chính mỗi người dân trong khu vực bỏ bê không thèm quan tâm đến cuộc sống hằng ngày xung quanh mình nữa.

Người ta quên hẳn đi rằng nhiều lúc chỉ cần một chương trình/hoạt động rất nhỏ là đủ để kích thích người dân quan tâm đến cộng đồng, như là lập hội giúp nhau trồng hoa và cây trái trên bancông, hay dự án viết sử địa phương, những cuộc thi nho nhỏ hay chương trình văn nghệ trong khu phố. Bận rộn với các hoạt động tích cực sẽ giảm thiểu thời gian mà người ta dùng để nghĩ chuyện tiêu cực.

Ở nước Anh có một cơ chế cộng đồng giúp hạn chế tội phạm, đó là tăng cường các mối quan hệ giữa dân cư với nhau. Các tổ chức dân sự khuyến khích người dân gặp nhau thông qua các hoạt động văn hóa như hội làng, các hoạt động giáo dục như câu lạc bộ dành cho các bà mẹ trẻ trao đổi kinh nghiệm nuôi con ở trạm y tế phường, nhóm các ông bố thích cho con đi bơi ở trung tâm thể thao xã, hội những người già tương trợ lẫn nhau, bên cạnh các nhóm tôn giáo, hội đoàn chính trị và mạng lưới an ninh trật tự xã hội.

Giới chuyên gia tin rằng nếu một tên trộm trẻ từng gặp một cụ già trong một hoạt động cộng đồng nào đó thì buổi tối sẽ khó đủ dũng khí để chui vào nhà cụ ăn trộm, nếu các bà vợ quen nhau ở trường mẫu giáo thì các ông bố sẽ khó mà thù hận đánh nhau... Các hoạt động lành mạnh còn là một lời cảnh báo cho những kẻ làm điều xấu rằng đó là hành vi bị lên án và không được xã hội chấp nhận.

Khi một vụ bạo động cướp bóc xảy ra trong đêm ở London, dân khu nhà tôi ở đã kéo nhau ra con phố chính để cùng quét dọn, tương trợ các chủ cửa hàng, cảnh cáo những kẻ cướp từ nơi khác đến hòng hôi của.

Toàn London có 5.000 người tham gia lực lượng cảnh sát miễn phí, giống như các hiệp sĩ bắt cướp ở Bình Dương, nhưng được trao đầy đủ quyền hoạt động như cảnh sát và được miễn hoàn toàn tiền vé giao thông công cộng, giúp ngăn chặn tội phạm và nhanh chóng bắt nóng nếu bắt gặp trên đường đi làm.

Điều thứ hai tác động vào suy nghĩ của con người trong quá trình cấu thành hành vi tội phạm là nhận thức của bản thân về cuộc sống, trình độ và tư duy xã hội. Một đứa trẻ từ bé đã được dạy dỗ tử tế, được đọc các tác phẩm văn học mang đậm đạo lý sống thì khi lớn lên chắc chắn sẽ suy nghĩ và cân nhắc trước khi làm điều xấu, tạo ra một rào cản tự nhiên của ý thức để ngăn chặn hành vi tội ác.

Điều này được rất nhiều cộng đồng dân cư ở các nước trên thế giới chú ý, thông qua việc phát triển thư viện cộng đồng, tặng hoặc bán sách thanh lý với giá rẻ cho trẻ em ở các khu nhà nghèo, mở thư viện đồ chơi đi kèm khu vui chơi cho trẻ em từ khi các em bắt đầu lẫm chẫm tập đi.

Trẻ em quen nhau từ sớm, giao tiếp trong môi trường lành mạnh, vừa có bố mẹ giám sát, vừa được các giảng viên thiện nguyện đến hướng dẫn, nhà nghèo vẫn có điều kiện chơi đùa với các món đồ chơi đắt tiền để phát triển trí khôn, các dụng cụ ngoài trời như cầu tuột hay thang dây để phát triển thể lực.

Lớn lên một chút, các em có điều kiện sử dụng máy vi tính miễn phí ở thư viện, tham gia các chương trình thi đọc sách, tập văn nghệ, hướng nghiệp... để tạo ra một thế hệ công dân mới lành mạnh cho khu phố.

Việc đưa tri thức vào cộng đồng giúp ích rất lớn cho hoạt động ngăn chặn tội phạm, từ việc xóa đói giảm nghèo cho đến nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức xã hội của công dân. Các khu dân cư có thể kết hợp với trường đại học trên địa bàn mình để đặt hàng các dự án nghiên cứu xã hội học như một đề tài cho sinh viên viết luận án tốt nghiệp.

Giảng viên đại học trong các ngành kinh tế và pháp lý có thể tận dụng chương trình thực tập để đưa sinh viên thâm nhập cộng đồng và đem kiến thức cọ xát với thực tế. Nói cho cùng thì nhiệm vụ của trường đại học chính là để phát triển cộng đồng và nâng cao mặt bằng tri thức chung. Những vấn đề ghi nhận được từ thực tế cũng sẽ là thách thức khoa học để nâng cao kiến thức hàn lâm, đóng góp ngược vào hệ thống tri thức thế giới về phòng chống tội phạm.

Trước một bối cảnh xã hội mà “tệ nạn ma túy và tội phạm như vậy là quá nhiều, phải nói là cấp bách và đáng lo ngại” (*), cần đến sự tham gia của “cả hệ thống chính trị” như trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến khi triển khai kế hoạch phòng chống tội phạm cho năm 2014, ta thấy rõ hơn rằng xã hội Việt Nam cần một liệu pháp tổng thể để trị liệu tâm lý cộng đồng.

Trong đó, ghi nhận và tận dụng hết những cơ chế xã hội đang có và giải pháp từ các nhóm trí thức địa phương sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều ngân sách cho một chương trình ngăn ngừa, phòng chống tội phạm ở quy mô toàn quốc.

(*): Phát biểu của Bí thư Trung ương Đoàn Dương Văn An.

___________________

Cần tòa án riêng cho tội phạm vị thành niên

Thống kê của ngành công an và cơ quan tố tụng năm qua đều cho thấy tội phạm đang có xu hướng “trẻ hóa”, trong đó tỉ lệ người chưa thành niên phạm pháp gia tăng. Nhưng để bản án không chỉ là sự trừng trị của pháp luật mà còn là bài học để đời, là cơ hội để người chưa thành niên phạm tội chuộc tội, phụ thuộc rất nhiều vào sự đánh giá, phán quyết của bản án đối với hành vi phạm tội của họ.

Nhiều người dân tham gia bắt cướp để góp phần giữ an ninh (ảnh chụp trên đường phố Q.10, TP.HCM)

Từng có hơn 20 năm xét xử án hình sự, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, chia sẻ: “Nhiều đứa trẻ, theo cha mẹ, người thân của chúng thì bình thường rất hiền lành. Nhưng khi tụ tập bạn bè, bị rủ rê tham gia các vụ cướp tài sản, khi nạn nhân chống cự quyết liệt thì những đứa trẻ đó bỗng chốc mất hết sự hiền lành, nhút nhát thường ngày mà ra tay một cách dã man.

Theo tôi, có cái khoảnh khắc đáng sợ ấy chính là khi đứa trẻ không kiềm chế được phần “con” bản năng. Nhưng ở độ tuổi đó, sự bồng bột, thiếu kiềm chế không phải chuyện cá biệt. Nếu kết luận đứa trẻ đó có bản chất côn đồ hung hãn, không xử tử hình sẽ có khả năng tiếp tục gây tội ác là một nhận định thiếu cơ sở”.

Nguyên tắc cơ bản trong xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đó là giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh. Nếu trừng trị người chưa thành niên bằng bản án tử hình mà không cân nhắc các điều kiện phát triển tâm sinh lý, động cơ nguyên nhân phạm tội của họ là không đúng với nguyên tắc của Bộ luật hình sự.

Theo thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, ông cũng như nhiều thẩm phán khác có tâm trạng áp lực khi ngồi xét xử, bởi bản án không chỉ đúng pháp luật, “có lý” mà còn phải “có tình”. Bản án không chỉ là sự trừng trị của pháp luật, của Nhà nước mà còn là bài học để đời cho những người đã “trót nhúng chàm”, nhất là người chưa thành niên.

Cần lập Tòa án cho người chưa thành niên

Bộ luật tố tụng hình sự có cả một chương (chương XXXII) về thủ tục tố tụng đối với người phạm tội chưa thành niên. Nhiều quy định được đặt ra nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của trẻ em, phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên như: hạn chế tối thiểu việc bắt tạm giam người chưa thành niên, việc lấy cung người chưa thành niên phải có luật sư tham gia, có khu giam giữ riêng dành cho người chưa thành niên, phải có hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn tham gia hội đồng xét xử, phiên tòa xét xử phải có cha mẹ người chưa thành niên tham dự...

Dù luật quy định rất nhiều việc bắt buộc phải thực hiện trong điều tra, truy tố người chưa thành niên nhưng thực tế vẫn có nhiều quy định chưa được tuân thủ hoặc chỉ được áp dụng hình thức. Theo ý kiến của một số luật sư thường xuyên tham gia bào chữa cho bị cáo chưa thành niên, hiện nay việc quá tải trong giam giữ can phạm đã khiến nhiều nhà tạm giữ quận huyện tại TP.HCM không thể bố trí nơi giam giữ riêng dành cho người chưa thành niên.

Việc để những đứa trẻ lần đầu lỡ phạm tội bị giam giữ chung với các can phạm có nhiều tiền án tiền sự, phạm tội mang tính chất nguy hiểm có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng với nguy cơ bị ảnh hưởng xấu, bị dẫn dắt, lôi kéo và khó phục thiện.

Nhiều năm qua, để tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhiều vụ án của trẻ chưa thành niên cũng bị đưa ra xét xử lưu động, để lại ấn tượng khủng khiếp trong cuộc đời của họ khi bị đưa ra xét xử trước bà con họ hàng, chòm xóm láng giềng. Bản án vô hình ấy quả nặng nề, khó giúp ích cho sự phục thiện.

Tinh thần cải cách tư pháp theo nghị quyết số 08 và 49 của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra vấn đề lập tòa án dành cho người chưa thành niên. Bên cạnh đó, người tiến hành tố tụng để điều tra, truy tố, xét xử người chưa thành niên cần phải là những người am hiểu tâm lý, được đào tạo về kỹ năng tố tụng riêng, khi xét xử có thể cho phép bị cáo chưa thành niên được ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư...

Theo nhiều chuyên gia, cần xây dựng môi trường tố tụng thân thiện dành cho người chưa thành niên bằng việc thành lập tòa án dành cho người chưa thành niên với mô hình tổ chức thích hợp, đi kèm việc sửa đổi, bổ sung các quy định tố tụng từ điều tra, truy tố đến xét xử theo hướng phù hợp với nhóm này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận