TTCT - Những chỉ dấu cụ thể về sự ủng hộ của Chính phủ đối với việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, đã được thể hiện qua hàng loạt văn bản quan trọng liên tiếp được ban hành gần đây.

Nhưng hiện thực hóa một hướng đi cho điện gió cũng chính là giải những bài toán rất cụ thể về công nghệ, giá điện và cả cách nghĩ, cách làm của người trong cuộc.

LTS: Là người trực tiếp gửi kiến nghị lên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất cách tính trợ giá mới, ông Trần Khang Thụy chia sẻ với TTCT về cách làm này.

Phóng to
Hàng chục dự án điện gió đã được cấp phép đang chờ cơ hội tốt để triển khai. Trong ảnh: Nhà máy điện gió quy mô lớn đầu tiên ở Bình Thuận - Ảnh: T.T.D.

Trong quy hoạch điện VI, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tới năm 2020 với dự báo của Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia thì vào năm 2020 hoàn toàn không có sự tham gia của các loại năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt...

Đột phá từ chính sách

Còn trong chiến lược đến năm 2015 phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hòa lưới điện quốc gia, điện gió được quy hoạch chỉ có 30MW. Trong quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng VN giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng phấn đấu tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng mới và NLTT (chủ yếu là thủy điện dưới 30MW) lên khoảng 5% và 11% tổng năng lượng thương mại sơ cấp lần lượt vào các năm 2020 và 2050. Do vậy, cũng có thể coi Quy hoạch điện VII là một bước đột phá, dù chưa đủ và chưa tương xứng với tài nguyên thiên phú của nước ta về nắng, gió…

Nếu NLTT không có hoặc có ít trong quy hoạch cơ cấu nguồn điện thì chưa chắc các nhà máy NLTT sẽ được nằm trong quy hoạch phát triển lưới điện và được đấu nối với mạng lưới điện quốc gia (truyền tải phải đồng bộ với tiến độ vận hành các nhà máy điện để đạt được hiệu quả đầu tư chung của toàn hệ thống). Mặt khác, điều này cũng ảnh hưởng đến nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cũng sẽ bị chậm lại.

Đột phá còn đến từ hai văn bản rất quan trọng khác của Chính phủ vừa được ban hành về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN, thể hiện nhiều điểm tiến bộ về quản lý đầu tư xây dựng công trình điện gió tại VN.

Phóng to

Khung cửa hẹp?

Nhưng với mức giá mua điện gió hiện nay là 7,8 xu Mỹ/kWh thì cửa vẫn chưa mở hết với các dự án điện gió. “Theo tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho phương án cơ sở của dự án điện gió với một số thông số cơ bản, nếu sử dụng công nghệ từ các nước Mỹ và châu Âu, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn IEC (Hội đồng kỹ thuật điện quốc tế) về điện gió thì suất đầu tư của dự án điện gió là 2.250 USD/kW, giá điện bình quân quy dẫn là khoảng 10,68 xu Mỹ/kWh. Còn nếu sử dụng công nghệ đến từ Trung Quốc thì suất đầu tư sẽ là 1.700 USD/kW, giá bán điện cũng là 8,6 xu Mỹ/kWh.

Do đó, nếu chỉ trông chờ vào giá bán điện thuần túy, khó có nhà đầu tư nào can đảm bỏ tiền ra để tham gia cuộc chơi tốn kém của năng lượng sạch mà nhìn thấy trước là lỗ” (*).

Tại sao cánh cửa chỉ mở hé để một số nhà đầu tư nếu sử dụng thiết bị, công nghệ với giá thấp, kể cả việc sắp xếp về tín dụng mới có thể vào được? Chưa kể đến việc tuôcbin điện gió có khả năng gây nhiễu ảnh hưởng tới quá trình thu phát sóng vô tuyến, viễn thông và các hệ thống rađa - vốn rất có thể bị lợi dụng cho các mục đích bất lợi khác như quấy nhiễu hoặc cản trở công tác quản lý không lưu, an ninh quốc phòng... Bởi đây chính là điều khiến Mỹ và châu Âu có những quy định về các chỉ tiêu chất lượng rất khắt khe đối với lĩnh vực này.

Và cho đến nay, chưa có một tổ máy phát điện gió hoàn chỉnh nào từ các nhà sản xuất theo công nghệ “sao chép” (giá rẻ) thâm nhập được vào các nước này.

Trong một cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan đầu tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương sớm lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét, quyết định chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn NLTT ở VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lưu ý cơ quan soạn thảo xây dựng các cơ chế cụ thể… để tạo thuận lợi tối đa, phát triển hiệu quả lĩnh vực này mà trong nhiều năm qua chưa thực hiện được.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do tính kinh tế của nguồn năng lượng này chưa thật sự hấp dẫn (?), ngoài việc các cơ chế chính sách, việc tổ chức thực hiện, cơ sở dữ liệu, trình độ áp dụng công nghệ liên quan cũng chưa đầy đủ.

Như vậy, thị trường NLTT VN trong thời gian qua và cho đến nay, kể cả trong tương lai gần vẫn chưa chắc chắn có thể phát triển được.

Không lấy tiền ngân sách

* Điện năng sản xuất của 1.000 MW điện gió x 1.000 kW x 365 ngày x 24 giờ x 90% (ước hao hụt khoảng 10%) x 25% (công suất khả thi của điện gió trong điều kiện trung bình của VN) = 1,971 tỉ kWh, tính tròn 2 tỉ kWh, tương đương với cách tính của Quy hoạch điện VII, khoảng 2 tỉ kWh.

* Với mức hỗ trợ giá 1 xu Mỹ, tính tròn là 200 đồng/kWh x 2 tỉ kWh, tổng số tiền phải chi để hỗ trợ giá là 400 tỉ đồng, chia đều cho khoảng 20 triệu khách hàng trả tiền điện trực tiếp (đến năm 2020) thì số tiền mỗi hộ tính bình quân sẽ trả thêm khoảng 20.000 đồng một năm hay 1.666 đồng một tháng.

* Nếu với mức hỗ trợ là 4 xu Mỹ, tính tròn là 800 đồng/kWh, giá mua điện của EVN là 10,8 xu Mỹ/kWh đã bảo đảm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư với thiết bị, công nghệ cao, thì tổng số tiền phải chi để hỗ trợ giá là 1.600 tỉ đồng, chia đều cho khoảng 20 triệu khách hàng, số tiền mỗi khách hàng tính bình quân sẽ trả thêm vào thời điểm năm 2020 khoảng 80.000 đồng một năm hay 6.666 đồng một tháng.

Vấn đề bế tắc ở đây có lẽ không phải là mức hỗ trợ giá mua điện mà là cơ chế trợ giá: nguồn thu để hỗ trợ giá từ ngân sách hay từ khách hàng sử dụng điện. Theo các văn bản đã được ban hành thì mức hỗ trợ thông qua hay không thông qua Quỹ bảo vệ môi trường VN (dự án điện gió nối lưới hay không nối lưới) đều từ ngân sách nhà nước. Nếu việc sắp ban hành cơ chế cho các loại năng lượng mới khác cũng sẽ tính toán như cơ chế điện gió, rất cần cân nhắc và xem xét lại để tìm một giải pháp phù hợp với nền kinh tế VN và cách làm của các nước đã thành công hay đang phát triển tốt ngành NLTT.

FIT (feed-in-tariff) là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn NLTT, giá bán điện được tính toán để nhà đầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, có lãi vừa phải và giá này được giữ cố định trong 20 năm.

Điện gió sẽ bổ sung và góp phần giảm giá điện bán ngay (spot rate), điều quan trọng là chênh lệch giữa giá FIT và giá bán điện bình quân thì các công ty điện lực sẽ phân bổ đều vào hóa đơn điện của khách hàng. Do mức giá FIT sẽ giảm dần (mặc dù với mỗi dự án đã đi vào hoạt động sẽ không đổi trong 20 năm), sau một thời gian tính được, mức giá FIT sẽ bằng giá điện bình quân bình thường và sau đó thấp hơn, vì giá điện nhiệt điện chiếm tỉ trọng lớn sẽ tăng theo giá nhiên liệu (dầu, khí, than) ngày càng cao và nguồn thì cạn kiệt dần.

Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, Pháp, Bỉ… và hầu hết các nước phát triển NLTT đều đang áp dụng FIT. Các nước như Thái Lan có thêm 4.300MW NLTT nhờ biểu giá FIT. Chính phủ Malaysia tháng 4 vừa qua đã thông qua hệ thống giá hỗ trợ FIT mới và các mục tiêu về NLTT cho các công nghệ khác nhau…

Để giá bán điện gió bảo đảm thu hồi được chi phí đầu tư, sản xuất và có mức lợi nhuận hợp lý, Quy hoạch điện VII tính toán rằng: Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 xu Mỹ/kWh), chưa bao gồm thuế VAT. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho EVN đối với toàn bộ lượng điện mua từ các nhà máy điện gió 207 đồng/kWh (tương đương 1 xu Mỹ/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường VN (từ ngân sách), do đó EVN chỉ phải trả 6,8 xu Mỹ/kWh.

Vấn đề ở đây là Nhà nước vẫn nên hỗ trợ điện gió thông qua Quỹ bảo vệ môi trường VN, nhưng thay vì dựa vào ngân sách, Nhà nước sẽ thu trực tiếp từ khách hàng sử dụng điện, qua hóa đơn của các công ty điện lực. Với cách tiếp cận này, chắc chắn VN sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII là đến năm 2020, tổng công suất điện gió lắp đặt 1.000 MW, hoàn toàn bằng vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiền hỗ trợ giá từ khách hàng mua điện trực tiếp trả thêm. Số tiền mỗi hộ phải chi thêm hằng tháng vào năm 2020, theo các nhà chuyên môn tính toán, chỉ từ 1.600-6.600 đồng.

Mức chi thêm hằng tháng này, đến thời điểm năm 2020 không quá lớn đối với các khách hàng mua điện trực tiếp, nguy cơ cúp điện giảm nhờ được sử dụng thêm ít nhất 1.000 MW điện gió. Ngoài ra, nếu cơ chế hỗ trợ giá điện gió như kiến nghị được áp dụng cho cả các dạng NLTT khác như điện mặt trời, điện sinh khối… không nhất thiết và không nên dựa vào ngân sách nhà nước thì hoàn toàn có thể tin rằng đến năm 2020, VN không chỉ có 1.000 MW điện gió mà có thể tăng gấp nhiều lần, kể cả điện mặt trời, điện sinh khối. Vì như thế các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ an tâm hơn nhờ có được chủ trương ổn định lâu dài để đầu tư vào lĩnh vực này.

Khác với đầu tư cho nhiệt điện, vốn đầu tư nhà máy NLTT rất lớn, song chỉ tập trung cho giai đoạn xây dựng, chi phí vận hành, bảo trì… sau đó không đáng kể, nhất là không phải mua hay nhập khẩu nhiên liệu…

Theo thống kê chính thức của Bộ Công thương, đến cuối năm 2010 có tất cả 42 dự án điện gió đang triển khai tại 11 tỉnh, thành phố duyên hải VN. Tổng công suất đăng ký là 3.906MW. Chỉ mới có một dự án hoàn thành giai đoạn một công suất 30MW ở Bình Thuận do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo VN làm chủ đầu tư. Phần lớn các dự án còn ở dạng dự án đầu tư, chỉ một số ít đang tiến hành ở mức thiết kế và đang xây dựng.

Theo Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, từ cuối năm ngoái đến nay đã có thêm trên 10 dự án điện gió khác được cấp phép, nâng số dự án lên khoảng 50.

Một phần ba chủ dự án là của nhà đầu tư nước ngoài, đến từ nhiều nơi trên thế giới như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Argentina, Canada, Thụy Sĩ, Trung Quốc… Nơi đón nhận nhiều dự án điện gió nhất hiện nay là Bình Thuận và Ninh Thuận.

Ông HOÀNG TIẾN DŨNG (viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương):

Không nhập thiết bị đã qua sử dụng

Xin ông cho biết tiêu chí lựa chọn công nghệ điện gió của VN thế nào?

- Trong lĩnh vực năng lượng mới, cụ thể là điện gió, về mặt công nghệ chúng ta đã có những quy định cụ thể. Ví dụ như thiết bị phải là thiết bị mới, không sử dụng thiết bị đã qua sử dụng, công suất phải phù hợp với hệ thống điện trong nước, đặc biệt là các dự án máy nhỏ, công suất thấp thì chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thường kém, nên Bộ Công thương không đồng ý cấp phép cho những dự án như vậy triển khai. Còn những nhà máy có chỉ tiêu phát thải môi trường kém, vượt quá tiêu chuẩn của VN, cũng đã có quy chuẩn và cũng không được triển khai. Về mức độ tiên tiến công nghệ, nếu không đạt được mức độ tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực hiện nay sẽ không được phê duyệt triển khai.

Có hai khuynh hướng lựa chọn công nghệ. Nếu chọn châu Âu thì đắt tiền. Còn của Trung Quốc thì rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo. Theo ông, VN nên chọn con đường nào để định hướng cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này?

- Nhìn chung với mỗi dự án, khi lựa chọn nhà đầu tư thường phải đấu thầu. Trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không hẳn chỉ có giá rẻ là thắng thầu, mà phải có sự cân bằng giữa giá rẻ và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt. Thực tế cũng cho thấy thiết bị có giá rẻ thì các thông số kỹ thuật thường không tốt bằng những thiết bị có công nghệ tiên tiến, nhưng giá thành thường đắt.

Tôi cho rằng các nhà đầu tư cần đánh giá một cách tổng thể giữa chi phí đầu tư với hiệu suất của thiết bị và hiệu quả của dự án để lựa chọn công nghệ phù hợp. Còn ở VN, giá nhân công của chúng ta vẫn còn ở mức lý tưởng, chi phí bảo dưỡng vẫn còn khá thấp, nên nếu lựa chọn một thiết bị không quá đắt và công nghệ đi sau các nước tiên tiến khoảng 5-10 năm thì có thể chấp nhận được.

(*) Đầu tư các dự án điện gió: Chưa thành “làn sóng”, báo Đầu Tư, ngày 24-6-2011.

__________

”VN có thừa tiềm năng phát triển để đáp ứng nhu cầu điện trong nước, thậm chí nghĩ đến khả năng xuất khẩu” - tiến sĩ TRẦN VĂN BÌNH, tổng giám đốc Công ty DVT Dr. Van Tran Consulting Co. Ltd, chuyên gia tư vấn cho nhiều dự án năng lượng tái tạo ở VN, nhận định.

Phóng to
Chi phí đầu tư cho các dự án điện gió khá tốn kém nên rất cần cơ chế phù hợp để ngành công nghiệp này phát triển. Trong ảnh: Tuôcbin nặng 60 tấn chuẩn bị đưa vào vị trí lắp đặt ở Bình Thuận - Ảnh: T.T.D.

* Khả năng và nhu cầu phát triển năng lượng gió và mặt trời ở VN đều đã được khẳng định, nhưng trở ngại nào khiến chúng ta chưa làm được?

- Điều đáng mừng là đã có quyết định 37/TTCP về trợ giá trong việc mua điện từ nguồn năng lượng gió mà Thủ tướng Chính phủ ký (có hiệu lực từ ngày 20-8-2011). Nhưng cũng còn nhiều ý kiến xung quanh giá mua điện từ nguồn năng lượng này. Cần có chính sách rõ ràng hơn trong việc mua điện từ nguồn năng lượng gió để đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Mặt khác, VN vẫn còn thiếu các dịch vụ và khả năng tài chính để có thể vay vốn từ ngân hàng hoặc từ tổ chức tài chính cho việc phát triển điện gió và điện mặt trời.

Ngoài ra, chương trình quy hoạch và chính sách của chính quyền địa phương và trung ương nên thật minh bạch, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Và nhìn chung, chúng ta vẫn thiếu kiến thức và năng lực kỹ thuật để thực hiện một công trình điện gió hoàn chỉnh, cũng như các kỹ thuật cơ bản và dịch vụ bảo quản, bảo trì, điều hành và quản lý… sau lắp đặt.

Theo số liệu đã được nhiều tổ chức nghiên cứu, trong đó có Ngân hàng Thế giới công bố, tiềm năng gió của VN rất lớn, lớn hơn 200 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất điện dự báo của Tập đoàn Điện lực VN vào năm 2020. Đây mới chỉ là tiềm năng lý thuyết, tiềm năng khai thác được và tiềm năng kinh tế kỹ thuật sẽ có khác biệt. Nhưng có thể khẳng định rằng đây sẽ là một nguồn năng lượng đáng kể, bổ sung cho nguồn điện quốc gia, thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

* Ông nói ”trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là thế nào?

- Tôi biết đang có vài chục dự án trong và ngoài nước xin đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời nhưng hầu hết vẫn chỉ ở dạng dự án. Một tỉnh còn đang trong thế không biết phải trả lời nhà đầu tư thế nào vì đã cấp phép xây dựng những trang trại điện gió nhưng cũng tại khu vực đó lại có lệnh của một bộ nói là để khảo sát, khai thác titan.

Tôi cho rằng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng ngành NLTT là điện gió và điện mặt trời thì chính quyền địa phương phải có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Khoáng sản để lại thì còn đó, không nhất thiết cứ phải móc lên để bán ngay. Nhu cầu năng lượng cho sự phát triển của nền kinh tế là rất cấp thiết nên rất cần ưu tiên cho năng lượng. Không nên một mặt khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các cột điện gió, một mặt vẫn cứ đào bới khảo sát titan.

* Giới chuyên môn ủng hộ mạnh phát triển NLTT, vì sao?

- Thất thoát năng lượng ở VN hiện nay rất lớn. Thủy điện hiện cung cấp khoảng 30-40% công suất điện cho cả nước, nhưng chỉ tập trung vào mùa mưa có nước, thiếu hụt vào mùa khô. Rất cần lưu ý ở đây là hậu quả rừng bị phá hủy, môi trường sinh sống bị ảnh hưởng vì việc xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện kể cả loại nhỏ và vừa.

Hơn 513.000 MW là tiềm năng NLTT ta có thể khai thác tại VN, dù đây mới là tiềm năng lý thuyết nhưng nguồn bổ sung này vô cùng quan trọng, cần tính tới. Nếu biết tập trung tổ chức, có kế hoạch tổng thể, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển để trước mắt đáp ứng nhu cầu điện trong nước và xa hơn, nghĩ đến khả năng sẽ xuất khẩu điện từ nguồn NLTT. Điện mặt trời có thể giá còn cao, nhưng điện gió thì nên làm ngay.

Và một khi có nhiều nhà đầu tư vào điện gió, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một ngành công nghiệp cho lĩnh vực này. Hiện chúng ta chỉ mới làm công đoạn lắp ráp. Chân tháp đã sản xuất được ở VN, cánh quạt cũng sẽ làm được. Xét về khía cạnh kinh tế, một nhà máy sống được nếu một năm sản xuất 300-400 cột tháp.

__________

Trao đổi với TTCT, ông TÔ QUỐC TRỤ, giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng (Hiệp hội Năng lượng), cho rằng cần có hành động cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió.

Phóng to
Ông Tô Quốc Trụ - Ảnh: Cầm Văn Kình

Ông Tô Quốc Trụ cho rằng: Trong Quy hoạch điện VII mới được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu về NLTT rất rõ ràng: ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện, tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% (năm 2010) lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6% (năm 2030). Tuy nhiên, một số mục tiêu về NLTT như Quy hoạch điện VII là thấp, với tiềm năng hiện nay chúng ta có thể làm nhiều hơn.

* NLTT gồm nhiều lĩnh vực nhưng ta mới có chính sách hỗ trợ về giá cho điện gió, thế là chưa đủ?

- NLTT trong lĩnh vực sản xuất điện khá rộng, gồm điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, sinh khí, địa nhiệt… Chúng ta đã có doanh nghiệp đầu tư phát triển điện gió quy mô. Do đầu tư lớn, giá điện gió khá cao. Với đầu tư cao, giá điện bán ra phải cao thì đồng vốn của nhà đầu tư mới đủ hiệu quả để làm. Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo VN tự nhập thiết bị và sản xuất điện gió, giá bán được đưa ra là 12 xu Mỹ/kWh mới đảm bảo cho doanh nghiệp, tức phải lên tới khoảng 2.400 đồng/kWh.

Chúng tôi tổ chức thẩm định, tính toán rất kỹ, thì mức giá có thể chấp nhận để phát triển điện gió cũng phải ở mức trên 11 xu Mỹ/kWh. Giá bán điện của VN hiện vẫn ở mức khoảng 5 xu Mỹ/kWh nên rất khó cho các nhà máy điện gió.

Rất may là Chính phủ vừa yêu cầu EVN phải mua điện từ các nhà sản xuất điện gió cộng với Nhà nước hỗ trợ nữa. Điều này động viên lớn cho các nhà máy điện gió vì có doanh nghiệp vẫn đang phải bán điện gió cho EVN với mức thấp, thậm chí chỉ ghi côngtơ, chưa được thanh toán tiền. Tuy nhiên, mức trên vẫn khiến doanh nghiệp lỗ, chưa thực khuyến khích phát triển mạnh. Và cũng mới chỉ có điện gió được tạo cơ chế giá như thế.

Điện mặt trời suất đầu tư còn lớn hơn, đắt hơn, có thể lên tới 7-8 triệu USD/MW, công nghệ Trung Quốc cũng phải 2-3 triệu USD/MW, nhưng ta vẫn chưa có cơ chế đặc thù như điện gió. Tôi nghĩ trước sau Nhà nước cũng phải ban hành cơ chế mới có thể huy động phát triển NLTT mạnh được.

Chúng ta rất giàu tiềm năng về cả điện mặt trời, điện gió, sinh khối… Tuy nhiên, trước mắt điện gió có thể phát triển mạnh. Chúng ta mới công bố tổng tiềm năng sản lượng điện gió, nhưng chúng ta chưa có khảo sát cụ thể, đưa ra bản đồ để kêu gọi đầu tư. Hiện các nhà đầu tư muốn đầu tư điện gió phải tự đi khảo sát, tìm địa điểm. Nếu chúng ta có khảo sát, đánh giá toàn diện sẽ tốt hơn nhiều.

* Vẫn có xu hướng muốn làm nhà máy nhiệt điện vì rẻ và dễ về giá hơn nên nếu Quy hoạch điện VII không có điều chỉnh thì khả năng phát triển mạnh NLTT là khó?

- Thế giới đang phát triển rất mạnh NLTT, nên tôi nghĩ phát triển NLTT sẽ là xu hướng chung mà VN phải theo. Tôi tin VN sẽ tiến theo hướng như vậy và nên như vậy. Có điều mục tiêu NLTT trong Quy hoạch điện VII còn thấp quá. Tất nhiên, Quy hoạch điện VII được xem là bớt “lãng mạn” và có tính thực tế cao hơn sau khi đã rút kinh nghiệm từ Quy hoạch điện VI nên có thể một số mục tiêu đưa ra có khiêm tốn. Nhưng trong Quy hoạch điện VII, một số nhà máy nhiệt điện được đẩy lùi lại. Nghĩa là chúng ta đã bắt đầu phải quan tâm nhiều hơn đến các nguồn điện khác ngoài việc sử dụng năng lượng hóa thạch ô nhiễm.

Các chính sách hỗ trợ được đưa ra với nhiều quyết tâm như vừa qua chứng tỏ Chính phủ đã quan tâm đến điện gió, NLTT nói chung. Vì vậy, sau 1-2 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, nếu thấy nguồn lực khả thi, chúng ta nên xem xét để có thể điều chỉnh mục tiêu phát triển NLTT, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời để tập trung nguồn lực, có hành động mạnh mẽ hơn.

Trong Quy hoạch điện VII, tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay tăng lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỉ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Phóng to

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, VN là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hơn 39% tổng diện tích VN được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Hơn 8% diện tích được xếp vào loại có tiềm năng gió rất tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận