TTCT - Một trong những điều ít được để ý, dẫn đến không tận dụng được ưu đãi trong các hiệp định tự do thương mại là quy tắc xuất xứ. Điểm khá mới trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là doanh nghiệp được tự khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa. Bà Bùi Kim Thùy. Ảnh: N.A. Trao đổi với TTCT, bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, nói một trong những phần quan trọng nhất, được thể hiện bằng kết quả hữu hình ngay khi một hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, chính là thương mại hàng hóa, thể hiện bằng việc phần lớn các dòng thuế có thuế suất về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. CPTPP cũng vậy. Để tận dụng hiệu quả khi thuế còn 0%, doanh nghiệp (DN) cần lưu ý điều gì, thưa bà? - Các kết quả đàm phán mang lại lợi ích trước hết cho DN, người dân về thương mại hàng hóa, khi thuế bằng 0. Nhưng để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng từ FTA, hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó. Không có quy tắc xuất xứ, việc đàm phán thuế quan không còn nhiều ý nghĩa. Chỉ khi đáp ứng các quy định về xuất xứ, các quy tắc cụ thể mặt hàng (ROO, PSR), hàng hóa mới được cấp một giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP và Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA), còn có điều khoản về tự chứng nhận xuất xứ cho phép DN chủ động khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa - thay vì đến các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O. C/O ưu đãi và tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi chính là hộ chiếu của hàng hóa xuất nhập khẩu, là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan hải quan bên thành viên nhập khẩu xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan FTA. Đây là động lực cốt lõi kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, sản xuất hàng hóa tại Việt Nam. Nhưng để đáp ứng quy tắc xuất xứ không phải là điều đơn giản? - Quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một hiệp định/thỏa thuận thương mại tự do nào. Các quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) chi tiết cho từng mã HS trong từng ngành hàng về cơ bản là phức tạp và không dễ áp dụng, nếu nhà sản xuất, xuất khẩu không có kiến thức về mã HS, về xuất xứ hàng hóa và không được hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng, chính xác quy tắc phù hợp cho sản phẩm của mình. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi thì nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA (trong đó có CPTPP). Thực tế, số lượng DN Việt Nam có kiến thức chuyên sâu về FTA và nắm vững quy tắc xuất xứ chưa nhiều. Chỉ khi nâng cao nhận thức của DN về FTA, đặc biệt về quy tắc xuất xứ thì tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mới được cải thiện, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến sâu trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tạo nên sự tăng trưởng xuất khẩu bền vững cho nền kinh tế đất nước. Thống kê cho thấy tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay chưa cao, trừ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chile có tỉ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung các FTA. Không đáp ứng quy tắc xuất xứ FTA tức là hàng hóa phải chịu thuế MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0-5%. Vì sao DN chưa tận dụng được nhiều? - Một trong những lý do là DN chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi/tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan lý tưởng mà các FTA mang lại. Quy định trong các FTA Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần “dễ chịu” hơn so với quy định trong CPTPP. Với các FTA đã thực hiện, tỉ lệ tận dụng còn chưa cao thì với các FTA mới, trong đó có CPTPP với những điều khoản phức tạp và chặt chẽ hơn, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho DN, nếu DN không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về FTA để điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và các quy định khác thì sẽ khó tận dụng ưu đãi FTA và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu của mình. Vậy, những lưu ý cơ bản về quy tắc xuất xứ với các ngành xuất khẩu Việt Nam là gì? - Xét về mức độ “khó” thì quy tắc xuất xứ áp dụng đối với ngành dệt may trong CPTPP là khó nhất, khi so sánh với các hiệp định khác mà Việt Nam đã thực hiện. Một số FTA chỉ yêu cầu công đoạn cắt, may, khâu thành sản phẩm diễn ra tại Việt Nam thì hàng hóa đã được coi là có xuất xứ (ATIGA, AKFTA, VCFTA, VKFTA…), một số FTA quy định “từ vải trở đi”, còn CPTPP yêu cầu hàng hóa phải “được sản xuất từ sợi trở đi”. Bên cạnh một số điều khoản linh hoạt cho ngành như “De Minimis” (cho phép linh hoạt 10% hoặc trị giá hoặc trọng lượng, tùy theo mã HS); “Danh mục nguồn cung thiếu hụt” cho phép một số nguyên liệu có thể nhập khẩu từ bên ngoài CPTPP; “Danh mục một số sản phẩm không phải áp dụng quy tắc từ sợi trở đi” như đồ trẻ em, đồ lót… Nhìn chung, quy tắc “từ sợi trở đi” vẫn là một quy tắc khó vì điểm nghẽn của ngành chính là “sản xuất vải” - như đã được chia sẻ nhiều bởi các chuyên gia trong ngành dệt may. Đối với ngành nhựa, quy định “không dưới 50% trọng lượng polymer được sử dụng để sản xuất ra thành phẩm phải có xuất xứ từ các nước thành viên CPTPP” áp dụng với một số mã HS cũng được đánh giá là khó hơn so với các FTA khác khi nhiều nhà sản xuất nhựa của Việt Nam cho biết họ phải nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường không phải thành viên CPTPP và Việt Nam cũng chưa sản xuất đủ nguồn cung nguyên liệu này. Yêu cầu quy tắc xuất xứ cao như vậy gây khó khăn cho DN ra sao? - CPTPP không khó đối với tất cả, bên cạnh đó có một số ngành, một số nhóm hàng có quy định linh hoạt, ngang bằng với nhiều FTA Việt Nam đã thực hiện, như máy móc, linh kiện điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời, hóa chất, vật liệu xây dựng, giấy... Ngành điều sẽ có lợi thế trong CPTPP khi quy định không hạn chế điều nguyên liệu được nhập khẩu từ bất kỳ đâu. Hằng năm Việt Nam nhập khẩu trung bình 50-60% nguyên liệu điều thô về chế biến xuất khẩu. CPTPP không yêu cầu nguyên liệu phải có xuất xứ trong phạm vi hiệp định và do vậy, ngành điều sẽ “dễ chịu hơn” trong CPTPP, khi so sánh với một số ngành khác yêu cầu nguyên liệu chính phải có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ trong phạm vi CPTPP. Các hiệp định FTA, trong đó có CPTPP, được ví như đường cao tốc nối Việt Nam với khu vực và thế giới, giúp nền kinh tế nói chung - khi chạy trên con đường cao tốc đó - vận hành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chất lượng hội nhập của từng ngành như thế nào khi đi trên đường cao tốc đó lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng máy móc, động cơ, nhiên liệu/chất đốt được sử dụng và đặc biệt là phụ thuộc vào yếu tố con người. Xin cảm ơn bà. ■ Tags: Hiệp định CPTPPQuy tắc xuất xứ
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.