Điều trị bệnh mạch vành: Đặt stent hay bắc cầu?

THS.BS NGÔ BẢO KHOA 13/07/2016 02:07 GMT+7

TTCT - Bệnh mạch vành là một trong những bệnh thường gặp, không ít người gặp bối rối khi phải quyết định nên đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành ở Bệnh viện Đại học Y dược-BS Ngô Bảo Khoa cung cấp
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành ở Bệnh viện Đại học Y dược-BS Ngô Bảo Khoa cung cấp


Điều trị bệnh mạch vành có thể là nội khoa, can thiệp động mạch vành qua da (nong bằng bóng, đặt stent) hay phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Mỗi phương pháp điều trị bệnh có một vai trò nhất định và sẽ là phương pháp điều trị tốt nhất xét trong từng trường hợp cụ thể.

Các tình huống

Phương pháp nội khoa sẽ dùng các loại thuốc kết hợp với việc áp dụng lối sống phù hợp để điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, điều trị phòng ngừa đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết trường hợp hẹp mạch vành nhẹ, bệnh nhân đã được can thiệp mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Tuy nhiên, điều trị nội khoa không giải quyết được nguyên nhân là hẹp trong lòng động mạch vành.

Phương pháp can thiệp động mạch vành bao gồm thủ thuật nong lòng động mạch vành và đặt stent trong lòng động mạch vành.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa ống thông từ đường động mạch, thường là động mạch đùi, đến động mạch vành cần can thiệp; tiếp theo, qua ống thông bác sĩ sẽ nong rộng lòng động mạch vành bằng bóng hoặc đưa stent vào đặt trong lòng động mạch vành để duy trì lực ép lên thành mạch máu, giúp lòng động mạch vành thông thoáng.

Có hai loại stent là stent thường được làm bằng hợp kim hoặc thép không gỉ và stent phủ thuốc có chứa thuốc giúp chống lại sự tăng sinh quá mức của tế bào cơ trơn thành mạch máu.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phẫu thuật lớn, dùng các mạch máu khác của chính người bệnh để làm cầu nối qua chỗ hẹp của động mạch vành.

Để dễ hình dung, hãy xem động mạch vành là con đường đang bị kẹt xe hoặc hoàn toàn tắc đường, khi đó cầu nối như là cây cầu vượt được xây nên để giúp xe vượt qua chỗ tắc đường. Các mạch máu thường được sử dụng để làm cầu nối là động mạch ngực trong (động mạch nằm trong ngực), động mạch quay (động mạch ở cẳng tay), tĩnh mạch hiển (tĩnh mạch ở chân).

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành thường được áp dụng cho những trường hợp nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp, tổn thương phức tạp, kéo dài... cho những trường hợp mà phương pháp can thiệp động mạch vành không thể giải quyết được tổn thương.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành kinh điển được tiến hành bằng cách chẻ dọc xương ức để tiếp cận tim, thiết lập hệ thống máy tim phổi nhân tạo, cho ngưng tim, rồi bác sĩ phẫu thuật nối các mạch máu để “bắc cầu” dòng máu qua chỗ hẹp của động mạch vành.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành tim đập (OPCAB) được tiến hành tương tự phẫu thuật bắc cầu mạch vành kinh điển nhưng không sử dụng máy tim phổi nhân tạo, không cho ngưng tim, có sử dụng bộ dụng cụ cố định tim giúp thao tác ở những vùng khó khăn.

Phương pháp OPCAB giúp tránh được một số biến chứng và tai biến có thể xảy ra ở tim, phổi, thận, não, rối loạn đông máu do tác dụng của việc sử dụng máy tim phổi nhân tạo và ngưng tim, giúp rút ngắn thời gian hồi phục của người bệnh. Không phải tất cả trường hợp đều bắc cầu mạch vành mà chỉ một số trường hợp có điều kiện phù hợp mới có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật bắc cầu mạch vành tim đập.

Khi nào phẫu thuật bắc cầu mạch vành?

Không như phương pháp nội khoa, đặt stent động mạch vành và phẫu thuật bắc cầu mạch vành là hai phương pháp điều trị bệnh mạch vành hiệu quả và có xâm lấn vào cơ thể. Nếu phải can thiệp ngoại khoa, nên chọn phương pháp nào, đặt stent động mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu mạch vành?

Can thiệp động mạch vành thường dùng cho các trường hợp đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim mà ít hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, cho các trường hợp đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim cấp... xảy ra do hẹp một hoặc hai nhánh mạch vành với tổn thương không quá phức tạp.

Với nhóm bệnh nhân hẹp mạch vành ít nhánh, ít phức tạp, ít nguy cơ này, nhiều nghiên cứu đã cho thấy không có sự khác biệt về kết quả giữa phương pháp đặt stent động mạch vành và phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Đặt stent động mạch vành có vẻ được người bệnh ưa chuộng hơn do đây là phương pháp ít xâm lấn, giúp tránh được một cuộc mổ. Hiện nay việc sử dụng các loại stent phủ thuốc đã giúp giảm tỉ lệ tái hẹp sau đặt stent.

Với phương pháp phẫu thuật bắc cầu mạch vành, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, có kết quả lâu dài tốt. Ưu thế của phẫu thuật so với các phương pháp khác đặc biệt nằm ở nhóm bệnh nhân nặng, có thương tổn mạch vành phức tạp.

Với những trường hợp nặng như hẹp ba nhánh mạch vành, hẹp thân chung mạch vành, suy giảm chức năng tim... thì phẫu thuật bắc cầu mạch vành (chứ không phải đặt stent động mạch vành) mới là phương pháp điều trị hiệu quả và kết quả lâu dài tốt nhất.

Hiện nay với sự phát triển của ngành phẫu thuật tim cùng những áp dụng mới trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành như sử dụng hai động mạch ngực trong làm cầu nối, sử dụng động mạch làm tất cả các cầu nối, kỹ thuật OPCAB (không sử dụng máy tim phổi nhân tạo)..., phẫu thuật bắc cầu mạch vành còn đạt được kết quả tốt hơn nữa.

Nhiều nghiên cứu cũng làm sáng tỏ những ưu việt của phẫu thuật bắc cầu mạch vành so với can thiệp mạch vành trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn như trong nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology ngày 29-9-2015.

Nghiên cứu so sánh giữa phẫu thuật bắc cầu mạch vành sử dụng động mạch làm cầu nối với đặt stent có phủ thuốc, cho thấy sau năm năm, 95,6% bệnh nhân được phẫu thuật còn sống so với 86,3% bệnh nhân đặt stent; sau chín năm tỉ lệ còn sống của nhóm phẫu thuật là 89,9% và của nhóm đặt stent có phủ thuốc là 82,8%.

Một ví dụ khác là nghiên cứu vào năm 2005 đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine. Nghiên cứu kết luận khi bệnh nhân bị thương tổn từ hai động mạch vành trở lên, phẫu thuật sẽ cho kết quả lâu dài tốt hơn đặt stent.

Với những bệnh nhân bị thương tổn cả ba nhánh mạch vành, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân đặt stent cao hơn 56% so với phẫu thuật tính ở thời điểm ba năm sau khi được phẫu thuật hoặc can thiệp. Nghiên cứu cũng cho biết sau ba năm, khoảng 1/3 bệnh nhân đã đặt stent cần được phẫu thuật bắc cầu mạch vành hoặc đặt thêm stent.

Như vậy, người bệnh mạch vành nên tìm hiểu cũng như cần được bác sĩ tư vấn để biết mọi phương pháp điều trị có thể áp dụng và đâu là phương pháp an toàn, hiệu quả, thích hợp nhất.

Thông thường ở các trung tâm tim mạch, những trường hợp bệnh mạch vành sẽ được đưa ra hội chẩn trước hội đồng gồm những bác sĩ của các chuyên khoa nội tim mạch, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim nhằm lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân, dựa theo hướng dẫn trong tài liệu của các hiệp hội tim mạch như Hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association), Hội Tim mạch châu Âu (European Society of Cardiology).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận