Điều trị lao, đừng nản vì tác dụng phụ

BS NGUYỄN THÀNH TÂM 05/05/2014 22:05 GMT+7

TTCT - Điều trị bệnh lao là một quá trình kỳ công cho cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Thuốc điều trị bệnh này thường gây nhiều tác dụng phụ, nhưng đừng bao giờ ngưng uống thuốc giữa chừng vì sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm cho việc điều trị càng khó khăn.

Phóng to
Tư vấn kỹ trước điều trị về tác dụng phụ là một yếu tố chính giúp chương trình điều trị lao thành công - Ảnh: Lê Thanh Hà

Thời gian điều trị lao từ sáu tháng đến một năm, thậm chí lâu hơn nếu vi trùng lao thuộc loại kháng thuốc. Từ trước đến nay, thuốc điều trị lao chỉ có vài loại ít ỏi nên nếu vi trùng lao kháng các thuốc này thì coi như việc điều trị gặp khó khăn vô cùng mà tiên lượng lại kém.

Chính vì thế một trong những nguyên tắc sống còn của điều trị là bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc giữa chừng vì điều này tạo điều kiện cho vi trùng lao hình thành khả năng kháng thuốc. Nhiều bệnh nhân từng mắc phải sai lầm này.

Thuốc lao được phát miễn phí hằng tháng tại tổ chống lao địa phương và đây cũng là đơn vị có trách nhiệm quản lý và theo dõi bệnh nhân lao. Thầy thuốc chỉ có năm loại thuốc sau đây để “xoay xở” là Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E) và Streptomycine (S). Trong trường hợp kháng thuốc thì các loại thuốc không điển hình mới được cầu cứu đến.

Phản ứng dễ thấy

Tác dụng phụ là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bỏ điều trị lao, do đó tư vấn kỹ trước điều trị về tác dụng phụ là một yếu tố chính giúp chương trình điều trị thành công. Có thể nói bệnh nhân nào cũng gặp tác dụng phụ nhưng hầu hết đều nhẹ hoặc có thể giải quyết được bằng thuốc điều trị triệu chứng. Cần khai báo rõ với bác sĩ những bệnh sẵn có, có thể bị nặng lên bởi thuốc trị lao như bệnh thận, bệnh gan, mắt, tai, gút hay tiền căn dị ứng.

Dị ứng là tác dụng phụ hay gặp và thường xuất hiện sớm, sau lần đầu hoặc trong 1-2 tuần đầu uống thuốc. Bệnh nhân thường ngứa ngáy toàn thân, nổi mẩn đỏ, dát sẩn, mề đay ở da, khu trú hay toàn thân. Những phản ứng nặng hơn cũng có thể xảy ra nhưng hiếm hơn.

Tác dụng phụ trên cơ quan tiêu hóa bao gồm cồn cào bao tử, ăn không ngon, không tiêu, không cảm giác đói, đau thượng vị, ợ hơi, buồn nôn hay nôn. Những tác dụng phụ này có thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có thể kéo dài vài tháng, thậm chí có bệnh nhân bị kéo dài suốt quá trình điều trị. Dị ứng và vấn đề về tiêu hóa dễ được bệnh nhân phát hiện và khai báo, nhưng thường là những phản ứng nhẹ và dễ xử lý.

Những triệu chứng toàn thân hay gặp như buồn ngủ hoặc mất ngủ, mệt mỏi, da sạm đen. Da sạm đen thường xuất hiện vào tháng thứ 4-5 và hồi phục hoàn toàn sau khi ngưng thuốc 1-2 tháng.

Coi chừng những “sát thủ thầm lặng”

Tác dụng phụ trên gan và thận là những tác dụng phụ nguy hiểm nhưng lại âm thầm tiến triển một thời gian trước khi bệnh nhân và bác sĩ nhận biết. R, H, Z là ba thuốc trị lao chính đều thải qua gan và đều gây viêm gan. Bệnh nhân thường chỉ nhận ra có vấn đề về gan khi có biểu hiện vàng da, vàng mắt. Nhưng khi đã vàng da hay vàng mắt thì tế bào gan đã bị phá hủy nhiều rồi.

Thường bệnh nhân uống thuốc trị lao thì nước tiểu sẽ có màu đỏ (màu của thuốc lao). Khi có viêm gan, nước tiểu sẽ vàng sậm, do vậy khi thấy nước tiểu đang màu đỏ mà chuyển sang màu da cam, kèm theo những triệu chứng của viêm gan như chán ăn, mệt mỏi mới xuất hiện gần đây thì cần báo thầy thuốc ngay. Bệnh nhân được tiêm S cần chú ý lượng nước tiểu, nếu thấy tiểu ít rõ rệt dù vẫn uống đủ nước thì báo ngay.

Mắt và tai cũng có thể bị ảnh hưởng do E gây giảm thị lực và tình trạng mù màu, không phân biệt được màu xanh và màu đỏ, còn S gây độc trên thần kinh tiền đình ốc tai, gây chóng mặt, ù tai, điếc. Trước và trong điều trị, bệnh nhân phải được khám mắt định kỳ để phát hiện sớm biến chứng ở mắt, nếu có thì phải ngưng E ngay lập tức.

Thần kinh, xương khớp là tác dụng phụ thường xảy ra muộn, sau vài tháng điều trị. Bệnh nhân thường có cảm giác tê mỏi, kiến bò đầu ngón tay, chân do thiếu vitamin B1. Bệnh nhân cần báo bác sĩ khi thấy các triệu chứng này để được bổ sung vitamin. Z làm tăng acid uric máu, thường gây đau nhức khớp gối và làm trầm trọng bệnh gút có sẵn.

Biết rõ những tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân có thể yên tâm tự theo dõi và gặp bác sĩ sớm để có hướng xử trí đúng, kịp thời với bất kỳ biến cố nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận