TTCT - Đà Nẵng đã định hình cho mình trở thành một thành phố ánh sáng. Với cây cầu thứ chín bắc qua sông Hàn - cầu Rồng - được thắp sáng gần đây, lựa chọn riêng này đang được đền đáp. Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng - Minh PhúcNằm kẹp giữa hai thành phố du lịch quá nổi tiếng là Huế và Hội An, Đà Nẵng nhiều năm “cam chịu” chỉ là nơi dừng tạm của du khách trong các chuyến du lịch. Nhiều người đến đây than vãn rằng không có chỗ để tiêu tiền. Ngoài vài tiệm karaoke, vài vũ trường cỏn con, còn lại là hằng hà quán nhậu. Rõ ràng thành phố này đã không thể níu chân du khách.Nhờ những cây cầuHai năm trước, Minh Tuyết - một khách du lịch trẻ từ Hà Nội - đã khăng khăng đòi đặt cho bằng được phòng khách sạn ở sát chân cầu sông Hàn dù giá khá cao chỉ để thỏa lòng được thấy cầu sông Hàn xoay. Đêm xuống, cô và nhóm bạn đã phải thức chờ đến 2g sáng để chứng kiến các nhân viên vận hành cầu sông Hàn mở khóa cho thân cầu xoay ngang. Mọi chuyện đã thay đổi khá nhanh sau đó, khi Đà Nẵng lần lượt thắp sáng các cây cầu và mở ra nhiều điểm đến về đêm. Ý tưởng xây dựng một cây cầu nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh bây giờ) chạy thẳng ra biển Đông để rồi từ đó nhập vào con đường “5 sao” (đường Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay) đi thẳng về đô thị cổ Hội An đã được lãnh đạo Đà Nẵng bàn từ hơn 10 năm trước. Bởi làm được tuyến đường này mới có cơ hội đánh thức vùng đất Sơn Trà (phía đông TP Đà Nẵng). Nhưng khi bắt tay vào làm thì gặp ngay một luồng dư luận phản đối, cho rằng nếu làm cầu tại vị trí đó (cầu Rồng bây giờ) sẽ vô tình “nhét” Bảo tàng Điêu khắc Chăm - một bảo tàng nổi tiếng thế giới - xuống gầm cầu. Vậy là một cuộc thi thiết kế cầu bắc qua sông Hàn đã được khởi xướng ngay sau đó để tìm ra phương án đặt cây cầu trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm một cách ưng ý nhất.Chính quyền Đà Nẵng đã tổ chức một cuộc thi quốc tế (tháng 11-2005), nhận được 17 đồ án do các công ty tư vấn trong và ngoài nước giới thiệu. Đồ án của Công ty The Louis Berger Group (Mỹ) đưa ra được phương án đáp ứng yêu cầu: xây dựng nút giao thông cùng mức giữa đường dẫn lên cầu với đường Bạch Đằng chạy dọc bờ tây sông Hàn nhưng vẫn đảm bảo tĩnh không thông thuyền trong khi độ dốc của cầu không quá lớn. Khách bộ hành có lối đi riêng qua hầm. Như vậy sẽ không có gầm cầu chạy phía trên Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Cây cầu sẽ mang hình tượng rồng bay, khởi nguồn cho cái tên bây giờ “cầu Rồng”. Diện mạo sống thay đổiTháng 3-2013, Đà Nẵng chính thức khánh thành cầu Rồng. Một con rồng thời Lý bay bổng trên không trung đã tạo ra một điểm nhấn đặc biệt ngay giữa lòng đô thị từ ấy. Và khi những chùm ánh sáng lộng lẫy chính thức được bật lên trên thân cầu Rồng cũng là khi mọi thứ về đêm ở Đà Nẵng bắt đầu thay đổi hẳn. Phố xá nơi đây thức khuya hơn với những dòng người tấp nập. Bà Đặng Thị Có, 65 tuổi, nhà sát đầu cầu Rồng ở phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), dựng hẳn một quán nước dưới chân cầu để đón du khách đến nhìn cầu Rồng phun lửa. Công việc đơn sơ này nuôi sống cả gia đình bà gồm bảy người. Bà Nguyễn Thị Bốn cũng bỏ nghề trồng cây cảnh để mở một quán nước ở đầu cây cầu dây văng Trần Thị Lý gần nửa năm nay. “Gần đây khách đến nhiều, Tây ta lúc nào cũng đông đúc. Một đêm bán nước đủ gạo mắm cho cả nhà hôm sau...” - bà Bốn cười khoe. Không gian đêm của thành phố thay đổi rất nhanh theo sau. Một nhịp sống đô thị đêm thức dậy không chỉ với du khách mà còn với nhiều người dân Đà Nẵng đủ mọi lứa tuổi. Gần những đôi trai gái tự tình bên ghế đá ngắm dòng sông, chụp ảnh trên chiếc cầu rực sáng là những ông bà cụ tóc trắng phơ dìu nhau khiêu vũ ở vườn tượng bên sông. Nghề chụp ảnh dạo sống dậy với hàng trăm người thợ ảnh, dọc cây cầu Rồng, cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, sôi động mà không hề có cảnh giành giật khách, chèo kéo hay “chặt chém”. Những người Đà Nẵng nay có thêm một niềm vui chờ đợi mỗi tối cuối tuần: cảnh rồng phun lửa, phun nước. Đứng ngay đầu cầu Rồng, ông Phạm Văn Tâm, du khách TP.HCM, đánh giá: “Rất lạ và háo hức, các con tôi muốn xem bằng được con rồng này phun lửa. Thành phố đang trở nên lạ hơn...”. Đà Nẵng sẽ xã hội hóa, hỗ trợ tối đa việc trang hoàng ánh sáng cho thành phố. Các tòa nhà cao tầng, các trục đường phố chính, những hàng cây xanh sẽ có sự thống nhất chung của thành phố về ánh sáng. Tiền điện thành phố sẽ chịu” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết. Nhạc nước và ánh sáng sẽ là điểm nhấn của thành phố. Theo đó, khu vực công viên văn hóa giải trí đông nam đài tưởng niệm của thành phố (quận Hải Châu) sẽ là khu vực nhạc nước tầm cỡ quốc tế. Công viên Đại Dương (quận Sơn Trà) tận dụng vịnh Đà Nẵng cũng sẽ là nơi biểu diễn nhạc nước và ánh sáng. Ngoài điểm nhấn chính là mặt nước sông Hàn, hồ nước ở công viên 29-3 cũng sẽ chơi nhạc nước và phủ bằng ánh sáng. “Ngoài pháo hoa, dự kiến một lễ hội khác là lễ hội ánh sáng cũng đang được chúng tôi tính đến...” - ông Tuấn nói. Các cao điểm như Sơn Trà - đèo Hải Vân - núi Ngũ Hành Sơn cũng đang được nhắm tới để trở thành những cao điểm hỗ trợ ánh sáng rất tốt. Tags: Đà NẵngCầu RồngĐô thị ánh sángNhịp sống đô thị đêm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.