Doanh nghiệp Việt và cơ hội huy động vốn ngoại

NAM MINH 21/12/2022 09:57 GMT+7

TTCT - Nhiều tập đoàn lớn như VinFast, Masan, VNG… đang ấp ủ kế hoạch huy động hàng tỉ USD vốn quốc tế thông qua cổ phần và vay nợ.

Doanh nghiệp Việt và cơ hội huy động vốn ngoại - Ảnh 1.

Ảnh: TD Ameritrade

Mới đây, Hãng xe VinFast đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng. Hãng này dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq với mã VFS.

Trước đó hai tuần, VinFast cũng là hãng xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á xuất khẩu lô 999 chiếc xe đầu tiên đến thị trường Mỹ. Họ còn có kế hoạch tham vọng xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỉ USD ở North Carolina để cạnh tranh ngay tại thị trường Mỹ.

Để phục vụ cho mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, đầu năm nay VinFast đã đăng ký chuyển trụ sở chính từ Việt Nam sang Singapore. 

Sự kiện đợt IPO này cũng cho thấy vai trò của Singapore trong khu vực với tư cách trung tâm tài chính và danh tiếng mạnh mẽ về quản trị, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, khả năng tiếp cận nguồn vốn.

Chiến lược "Go Global"

Sẽ rất khó về mặt pháp lý để một công ty có trụ sở chính tại Việt Nam niêm yết tại Mỹ, khi pháp luật trong nước chưa mở cửa mấy cho hình thức này: một số lĩnh vực còn chịu giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn thế, việc lựa chọn Singapore là nơi đặt trụ sở chính là cần thiết để VinFast gây dựng niềm tin cho giới đầu tư, đặc biệt ở khía cạnh minh bạch tài chính theo thông lệ quốc tế khi chuẩn mực kế toán Singapore tương thích cao độ với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Thành bại trong cuộc IPO và niêm yết trên thị trường Mỹ sẽ chứng minh tiềm lực và tham vọng dài hạn của VinFast, đồng thời cũng coi như bước đi lớn đầu tiên của giới doanh nghiệp quốc nội khi tham gia những sân chơi thật sự có tính toàn cầu.

Cũng đã xuất hiện nhiều hoài nghi về khả năng IPO và niêm yết thành công của VinFast ở Mỹ. Tính đến tháng 9-2022, công ty đang gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 4,6 tỉ USD. Tổng vay ngắn hạn và dài hạn gần 8,8 tỉ USD, trong khi tổng tài sản chỉ là 4,4 tỉ USD. 

Theo các chuyên gia tài chính, sức ép với VinFast đang rất lớn, nên kế hoạch lên sàn vào thời điểm này là yêu cầu cấp thiết để giảm đòn bẩy tài chính, đồng thời bổ sung hàng tỉ USD cho các kế hoạch tăng trưởng cả trong nước lẫn nước ngoài.

Khu vực Đông Nam Á từng chứng kiến không ít các doanh nghiệp thua lỗ nhưng vẫn niêm yết thành công tại Mỹ, như trường hợp của ứng dụng gọi xe công nghệ Grab. 

Đầu năm nay, Grab đã hợp nhất kinh doanh với Altimeter Growth Corp - một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đang niêm yết trên sàn Nasdaq. Trong sự kiện đó, Grab đồng thời huy động được 4,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư thế giới.

Thực tế thì điều kiện niêm yết trên sàn Nasdag khá đa dạng, phù hợp với nhu cầu niêm yết khác nhau của doanh nghiệp, với ba sàn con là Nasdaq Global Select Market, Nasdaq Global Market và Nasdaq Capital Market.

Trong khi Nasdaq Global Select Market có tiêu chuẩn niêm yết nghiêm ngặt nhất, các sàn còn lại "dễ thở" hơn, thậm chí cho cả các công ty đang lỗ ròng. 

Ví dụ, sàn Nasdaq Global Market chỉ quy định công ty niêm yết có thu nhập từ hoạt động liên tục trước thuế thu nhập (income from continuing operations before income taxes) trong năm tài chính gần nhất là 1 triệu USD.

Tất nhiên, con đường phía trước của VinFast vẫn còn gập ghềnh. Hãng Bloomberg đánh giá khoản lỗ quá lớn hiện là rào cản tiếp cận giới đầu tư Hoa Kỳ. 

VinFast đặt mục tiêu sản xuất và bán khoảng 1 triệu ô tô điện trong 5-6 năm, nhưng đến nay hãng mới bán được số xe không đáng kể.

Trong bản cáo bạch, hãng có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu lên tới 1,1 triệu xe mỗi năm vào năm 2026, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục lỗ trong thời gian tới khi mở rộng quy mô sản xuất, mạng lưới tiếp thị, bán hàng và dịch vụ bên ngoài Việt Nam.

Để có một sự so sánh, cổ phiếu của Công ty Rivian Automotive Inc. (Mỹ) - nhà sản xuất xe bán tải chạy điện - hiện giao dịch với giá khoảng 28 USD, đã giảm khoảng 64% so với giá chào bán lần đầu ra công chúng và có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 26 tỉ USD. 

Cổ phiếu Tesla, nổi tiếng hơn nhiều, hiện giao dịch ở mức khoảng 180 USD, tức công ty được định giá vào khoảng 570 tỉ USD.

Vốn ngoại có là chiếc phao cứu sinh?

Đối diện thực tế lãi suất cao và nguồn tín dụng khô hạn, các doanh nghiệp trong nước đã xoay xở nhiều, mà cơ hội huy động vốn từ nước ngoài là một hướng đi được cân nhắc.

Theo ghi nhận của Hãng FiinRatings, năm nay vẫn có nhiều doanh nghiệp huy động vốn vay quốc tế thành công. 

Riêng 10 giao dịch được công bố gần đây đã có tổng giá trị hơn 1,9 tỉ USD, gồm Tập đoàn Masan (vay 600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), chứng khoán VnDirect (75 triệu USD), F88 (60 triệu USD), VinFast (135 triệu USD), Novaland (40 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD) và Be Group (100 triệu USD).

Ở hoạt động niêm yết, ngoài VinFast, một hãng công nghệ trong nước khác là VNG cũng có kế hoạch niêm yết trên thị trường Mỹ vào thời gian tới.

Có thể thấy sức hấp dẫn thị trường vốn Hoa Kỳ là không cần bàn cãi. Việc niêm yết thành công sẽ chứng tỏ tham vọng toàn cầu của các tập đoàn, khẳng định vị thế thương hiệu và mong muốn được bắt tay với những nhà đầu tư hùng mạnh và khắt khe bậc nhất thế giới.

Hơn thế nữa, dù quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm cả cổ phiếu lẫn trái phiếu) phát triển vượt bậc thời gian qua, nhưng so với thị trường thế giới vẫn còn khiêm tốn. 

Trong trường hợp VinFast, rõ ràng khả năng họ huy động được khoản tiền tỉ USD từ thị trường trong nước thời điểm này hầu như là vô vọng, chưa kể hệ thống luật pháp thường xuyên thay đổi (ví dụ như trái phiếu hay tín dụng gần đây) gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí vốn bằng đồng USD vẫn rẻ hơn so với chi phí vốn tiền đồng. Ví dụ, khoản vay vừa rồi của Masan có kỳ hạn 5 năm, bằng USD, lãi suất khoảng 6,7% mỗi năm. Dự báo của Vndirect cho thấy áp lực lên lãi suất và tỉ giá sẽ giảm đáng kể trong nửa sau năm 2023. 

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam được cải thiện cùng với lập trường mềm mỏng hơn với lãi suất USD của FED được hy vọng sẽ kết thúc đà tăng giá của USD, có thể là từ giữa năm 2023. 

Nếu tỉ giá được bảo đảm ổn định thì việc đi vay bằng USD dễ hiểu là có lợi hơn đi vay tiền đồng, do mức chênh lệch lãi suất.

Nhìn chung, nhờ kinh tế tăng trưởng khởi sắc, doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế nếu hồ sơ đủ tốt, dự án hay tài sản đủ hấp dẫn. 

Dù vậy, số doanh nghiệp thực sự làm được như vậy hiện vẫn còn khiêm tốn, chỉ tập trung ở số ít các doanh nghiệp có quy mô lớn và thương hiệu nổi tiếng.

Những rào cản kỹ thuật cũng không nhỏ, như báo cáo tài chính chưa được trình bày theo chuẩn mực kế toán quốc tế IRFS hay chuẩn mực kế toán Mỹ GAAP; hay chi phí thuê đơn vị tư vấn vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Để huy động vốn hiệu quả, một số doanh nghiệp có thể còn phải thay đổi cấu trúc và bộ máy hoạt động theo yêu cầu của giới đầu tư và đơn vị tư vấn. Một số trường hợp còn phải cam kết thực thi các điều khoản khắt khe về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền mỗi năm.

Dù sao, các sự kiện như VinFast chính thức niêm yết tại Mỹ sẽ là cú hích mở màn, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội ngoài biên giới bởi đó là nguồn lực khổng lồ chưa được khai phá.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận