Độc lập hay ly khai, sứ mệnh hay ảo mộng?

HẢI MINH 07/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT- Những phong trào đòi độc lập ở Catalonia (Tây Ban Nha) và của người Kurd tại Iraq nêu ra những câu hỏi nền tảng về trật tự của quan hệ quốc tế hiện đại, vai trò của quốc gia - nhà nước, và quyền tự quyết của các dân tộc tới đâu?

Người Kurd ăn mừng cuộc tuyển cử trên đường phố Erbil, Iraq.-Ảnh: The New York Times
Người Kurd ăn mừng cuộc tuyển cử trên đường phố Erbil, Iraq.-Ảnh: The New York Times

 

Trong nhiều thập niên, câu hỏi khi nào một phong trào độc lập tiến tới việc hình thành một quốc gia được điều chỉnh bởi một bộ các quy tắc bất thành văn.

Nhưng các quy tắc đó - vì chưa được chính thức hóa - vẫn còn nhiều điểm xung đột. Vào lúc các phong trào đòi độc lập của người Catalonia ở Tây Ban Nha và người Kurd ở Iraq đang lên tới cao trào, những xung đột đó ngày càng trở nên rõ ràng.

Khi những nguyên lý nền tảng xung đột

Quy tắc đầu tiên của việc đòi độc lập có lẽ là phải dựng lên một sứ mệnh, một cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền trước tiên, rồi thứ hai là quyền tự quyết dân tộc.

Hãy tưởng tượng thay cho những cuộc xuống đường, trưng cầu ý dân và cả bạo động, là một phiên tòa công bằng xét xử để phán quyết “quyền độc lập”.

Luật sư của “nguyên cáo” (hay “bị cáo”) đòi chia tách sẽ lập luận những giá trị đó: dân chủ, nhân quyền, quyền tự quyết, là đứng trên các nguyên tắc pháp luật thành văn của đường biên giới, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Quy tắc thứ hai: Cần tranh thủ sự ủng hộ của những cường quốc lớn để thúc ép, hỗ trợ tài chính, hay thậm chí là dọa nạt chính quyền quốc gia mà phong trào đòi độc lập đang muốn tách ra.

Nếu sự chia tách không được nhất trí thì giải quyết vấn đề một cách hòa bình là không thể. Lý tưởng nhất thì phong trào đòi độc lập diễn ra ở một quốc gia mà người cai trị không có bạn bè và không được bầu ra chính danh.

Tuy nhiên, luật sư bên phía quốc gia đòi toàn vẹn lãnh thổ sẽ không chỉ viện dẫn các nguyên tắc quốc tế. Ông ta còn có thể lập luận rằng cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập đã không tính gì đến ảnh hưởng của nó tới toàn bộ phần còn lại của quốc gia, vốn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả đó.

Trên lý thuyết là vậy. Nhưng thực tế, giống như ở một phiên tòa ít nhiều bị xếp đặt, phán quyết “nói chung phụ thuộc nhiều hơn vào những gì các cường quốc muốn” - The New York Times dẫn lời Bridget L. Coggins, khoa học gia chính trị chuyên về các vụ ly khai và đòi độc lập.

Trong bối cảnh đó, theo phân tích của Coggins, cả người Catalonia và người Kurd đều nhận được ít sự ủng hộ quốc tế và đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ.

Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trên đường phố ở Catalonia. Ảnh EPA

 

Hệ thống quốc tế hiện đại, một phần quan trọng, dựa trên hai nguyên tắc nền tảng xung đột nhau: Đường biên giới là thiêng liêng và quyền dân tộc tự quyết.

Các đường biên giới cố định có vai trò cốt tử trong lịch sử nhân loại: chấm dứt những cuộc chiến liên miên, định rõ hành động nào là xâm lược, và ngăn ngừa ly khai bạo lực.

Trong khi đó, nguyên lý dân tộc tự quyết là để bảo vệ nhân quyền, chống lại các thể chế toàn trị và những kẻ chiếm đóng.

Khi một nhóm thiểu số ở một quốc gia muốn ly khai hòa bình, hai nguyên lý này xung đột với nhau. Điều đó tạo ra một khoảng trống cả về pháp lý trên giấy tờ lẫn lập luận đạo đức khi một chủng tộc đòi độc lập.

“Theo cách hiểu chung hiện nay, luật pháp quốc tế không hề quy định về quyền ly khai - Chris Borgen, giáo sư luật học người Mỹ, nói với NYT - Chia tách không phải là quyền, nhưng cũng không hẳn là bất hợp pháp”.

Trên thực tế, các cường quốc dùng sức mạnh áp đặt của họ để điền vào khoảng trống này, quyết định xem sự chia tách có diễn ra hay không, theo từng trường hợp cụ thể.

Nam Sudan chẳng hạn, độc lập nhờ cuộc trưng cầu ý dân dựa trên một thỏa thuận hòa bình được quốc tế bảo trợ kết thúc cuộc nội chiến kéo dài.

Điều đó đồng nghĩa họ đã xây dựng được tính chính danh tương đối và chính quyền Sudan trên thực tế đã chấp nhận việc chia tách.

Tây Ban Nha chưa bao giờ đồng ý cho phong trào độc lập Catalonia, và Iraq cũng thế với người Kurd, những dấu hiệu cho thấy bạo lực có thể bùng phát nếu những kẻ đi tìm độc lập vẫn cố tình làm trái lại ý muốn của chính quyền trung ương.

Một ví dụ khác về sự chia tách là Kosovo tuyên bố độc lập từ Serbia với sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhưng bị phản đối dữ dội bởi Serbia và Nga.

Tình thế cuối cùng là ngày nay, dù được thừa nhận bởi 100 quốc gia, Kosovo vẫn chưa được chấp thuận là một thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Ví dụ cuối cùng là Đông Timor, quốc gia đã tách ra khỏi Indonesia một cách yên ả hơn vào năm 2002 sau cuộc đòi độc lập kéo dài hàng thập niên, với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Như vậy, tùy trường hợp cụ thể, các cường quốc và quốc gia liên quan sẽ giải quyết những đòi hỏi độc lập, và không ai giống ai.

Phân bổ người Kurd ở bốn quốc gia Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.-Ảnh: BBC
Phân bổ người Kurd ở bốn quốc gia Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.-Ảnh: BBC

 

Câu chuyện của người Kurd

Nếu như vấn đề Catalonia khá rõ ràng: độc lập hay không, bởi đây là một cộng đồng hoàn toàn lọt thỏm trong một đất nước Tây Ban Nha hòa bình, thuộc Liên minh châu Âu, và đã đủ giàu có, thì câu chuyện của người Kurd phức tạp hơn rất nhiều.

Đầu tiên là yếu tố địa chính trị: tộc người Kurd sống rải rác ở bốn quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran, nên có một nhà nước Kurd độc lập ở Iraq - mắt xích yếu nhất của dây chuyền hiện này (tiếp theo có thể là Syria) - sẽ là mối đe dọa khó chấp nhận với hai cường quốc khu vực Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những nhà lãnh đạo người Kurd ý thức rõ ràng về thứ chính trị thực dụng đó. Với họ, cuộc trưng cầu dân ý vào thứ hai tuần trước (25-9), với 93% cử tri bỏ phiếu đồng ý chia tách, chỉ là “bước đầu tiên trong một quá trình thương lượng kéo dài với Baghdad”, theo lời Morgan L. Kaplan, nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về phong trào độc lập của người Kurd. Ý tưởng là kêu gọi sự ủng hộ quốc tế, nhất là từ Mỹ, cho nền độc lập của họ.

Phản ứng là ngay lập tức. Baghdad đe dọa đóng không phận Kurd và có hành động vũ trang. Thổ Nhĩ Kỳ thì nói sẽ đóng cửa biên giới và áp đặt lệnh cấm vận thương mại. Masoud Barzani, tổng thống trên thực tế của vùng Kurd - Iraq, giờ đối mặt với áp lực cực lớn.

Iran đe dọa sử dụng các lực lượng của họ ở Iraq, mà họ có ảnh hưởng rất mạnh, để chiếm lại Kirkuk, thành phố tối quan trọng với nền kinh tế đầy chật vật gần như dựa cả vào dầu mỏ của người Kurd.

Thiếu một cơ chế triển khai thực tế, nhiều nhà phân tích nhận định cuộc trưng cầu ý dân không gì hơn là một sự kiện mang tính biểu tượng.

Cho tới giờ, trừ Nga và Israel, tất cả các quốc gia trong khu vực và hầu hết các đồng minh quốc tế lớn của người Kurd phản đối cuộc trưng cầu do lo ngại nó sẽ khiến tình hình khu vực thêm bất ổn.

Mỹ và Anh, trước đó đã phản đối mạnh mẽ việc tổ chức cuộc bỏ phiếu, nói những gì đã diễn ra là “vô cùng đáng thất vọng”, dù cả hai nước bày tỏ mong muốn đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Erbil (thủ phủ khu tự trị của người Kurd tại Iraq) và Baghdad.

Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ tư trong khu vực, nhưng họ chưa bao giờ có một nhà nước riêng. Việc phân chia vùng Trung Đông sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ đã khiến một phần lớn dân số người Kurd chuyển vào vùng lãnh thổ giờ thuộc Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cùng một cuộc di cư lớn ra nước ngoài.

Những động thái đòi độc lập đã diễn ra ở mức độ khác nhau tại cả bốn quốc gia trên, và đều bị trấn áp mạnh tay. Riêng ở Iraq có khoảng 6 triệu người Kurd - chiếm 20% dân số, trong khi tính cả bốn nước, con số đó lên đến 30 triệu, là nhóm sắc tộc lớn thứ tư trong vùng, chỉ sau người Ả Rập, người Ba Tư và người Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ đã là một đồng minh lâu năm và thân cận của người Kurd kể từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi Saddam Hussein đưa quân vào Kuwait.

Những người Kurd (và người Hồi giáo Shi’ite ở miền nam Iraq) nổi dậy chống lại Baghdad. Sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai và việc Saddam bị lật đổ năm 2003, người Kurd bắt đầu cuộc tái thiết của riêng họ, với sự hỗ trợ lớn từ Mỹ.

Dẫu vậy, Washington đã không thừa nhận cuộc trưng cầu ý dân vừa rồi. “Mỹ không công nhận cuộc trưng cầu ý dân đơn phương của chính quyền vùng Kurd - tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 29-9 nói - Cuộc bỏ phiếu và kết quả của nó thiếu tính chính danh và chúng tôi tiếp tục ủng hộ một Iraq thống nhất, liên bang, dân chủ và thịnh vượng. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về những hậu quả tiêu cực của bước đi đơn phương này”.

Israel là nước duy nhất ủng hộ người Kurd độc lập. Họ duy trì mối quan hệ an ninh và kinh tế lâu dài với những vùng người Kurd và rất muốn có một đồng minh ngoài khối Ả Rập ở Trung Đông.

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ người Kurd cũng nhiều chia rẽ. Nhà lãnh đạo của họ Barzani, 71 tuổi, thực ra đã phải chấm dứt nhiệm kỳ hai năm về trước và cho tới tuần rồi, nghị viện của người Kurd đã không họp trong hai năm liền sau khi chủ tịch nghị viện, thuộc đảng đối lập, bị cấm tham dự.

Chủ nghĩa dân tộc rõ ràng đóng vai trò định đoạt trong phong trào độc lập của người Kurd, nhưng về lâu dài, điều đó sẽ là chưa đủ cho một nhà nước hòa hợp và phồn vinh. Một lần nữa, nguyên tắc định đoạt sẽ là các cường quốc muốn gì.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận