Độc quyền nay đã khác

NGUYỄN VŨ 11/10/2023 07:21 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ đang tập trung sức lực để khóa tay các ông lớn công nghệ, không cho họ một mình một chợ thống lĩnh nhiều thị trường, bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh khác.


Lina Khan và Jeff Bezoz. Ảnh: Market Watch/Getty Images

Lina Khan và Jeff Bezoz. Ảnh: Market Watch/Getty Images

Chỉ tính riêng năm 2023 đã có các vụ Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) kiện Microsoft, Bộ Tư pháp Mỹ và 38 tiểu bang kiện Google,mới nhất là vụ FTC và 17 tiểu bang kiện Amazon với cáo buộc hãng thương mại điện tử khổng lồ này bóp nghẹt cạnh tranh, vi phạm luật chống độc quyền.

Linda Khan đối đầu Jeff Bezos

Nói là FTC kiện Amazon nhưng thật ra đây là cuộc đối đầu giữa hai nhân vật đầy cá tính: Linda Khan, chủ tịch mới 34 tuổi của FTC và tỉ phú Jeff Bezos, người hiện sở hữu cổ phần Amazon nhiều nhất. 

Với Khan, cuộc đối đầu này đã nổ ra từ sáu năm trước khi cô là sinh viên trường luật Đại học Yale. Lúc đó cô viết một bài báo dài 95 trang đăng trên tạp chí của trường, mang tựa đề "Nghịch lý chống độc quyền của Amazon" gây xôn xao dư luận. Nay được Tổng thống Biden đề cử và Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm chủ tịch FTC, Linda Khan biến những gì cô viết thành lập luận chống lại Amazon trước tòa.

Con đường trở thành tỉ phú của Jeff Bezos xoay quanh ý tưởng làm thế nào để một sàn thương mại điện tử như Amazon thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng, làm họ hài lòng mở hầu bao mua sắm. 

Trên nền tảng đó, Amazon nhắm đến đích bán được thật nhiều hàng với giá ngày càng rẻ, giao hàng ngày càng nhanh. Kết quả là cứ 100 đô la người Mỹ mua qua mạng thì đến 40 đô la là tiêu trên Amazon; Jeff Bezos giàu nhất nhì thế giới, với tổng tài sản trị giá 150 tỉ đô la.

Ngược lại, lập luận của Linda Khan lúc viết bài báo và ở thời điểm hiện tại cho rằng người tiêu dùng hài lòng chưa phải là tiêu chí để nói Amazon không vi phạm luật chống độc quyền. Giá rẻ trên Amazon đã che lấp cái chết của hàng trăm ngàn cửa hàng bán lẻ không chịu nổi sự cạnh tranh của Amazon nên phải phá sản. Giá rẻ cho người tiêu dùng cũng là gánh nặng hàng trăm ngàn nhà bán lẻ khác phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi đưa hàng lên Amazon để bán.

Nói cách khác, đây là cuộc đối đầu giữa hai quan điểm về độc quyền. Một bên cho rằng không hề có chuyện độc quyền đối với Amazon vì không hề có chuyện Amazon lạm dụng vị thế thống lĩnh của mình để tăng giá đối với người mua. 

Trên thực tế, Amazon được để yên trong nhiều năm qua vì người tiêu dùng trên nền tảng này đang hưởng lợi, mua hàng giá ngày càng rẻ, giao hàng ngày càng nhanh. Bên kia cho rằng cần áp dụng chống độc quyền với Amazon bằng không nơi này sẽ kiểm soát hết mọi ngóc ngách của ngành bán lẻ trực tuyến, không còn chỗ cho đối thủ cạnh tranh.

Cán cân thật ra vẫn chưa nghiêng hẳn về FTC. Minh họa: Ivy Liu

Cán cân thật ra vẫn chưa nghiêng hẳn về FTC. Minh họa: Ivy Liu

Vũ khí của hai bên

Jeff Bezos năm nay 59 tuổi, đã hết trực tiếp điều hành Amazon từ hai năm nay sau khi giao nhiệm vụ tổng giám đốc cho Andy Jassy. Nhưng ông vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị và là người nắm nhiều cổ phần nhất trong cơ cấu sở hữu Amazon.

FTC kiện Amazon sử dụng nhiều chiến thuật bất công và trái phép để duy trì quyền lực, chính là nói về các cách tân Jeff Bezos từng đưa ra cho Amazon 20 năm trước và vẫn đang áp dụng. Chính đơn kiện của FTC nhắc đích danh Bezos nhiều lần.

Amazon không phải là cửa hàng trực tuyến đầu tiên, thậm chí nó cũng không phải là cửa hàng bán sách online đầu tiên. Thế nhưng chính cách điều hành của Bezos, người không có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ đã biến Amazon, ra đời vào năm 1994, thành một gã khổng lồ có 1,5 triệu nhân viên, 300 triệu khách hàng và được thị trường định giá 1.300 tỉ đô la.

Một kỹ sư từng làm cho Amazon miêu tả Bezos là người kiểm soát từng chi tiết, quản lý chặt chẽ nhân viên. Amazon từng khét tiếng là công ty dán biển cảnh báo thời gian ngay trong buồng vệ sinh, là nơi nhân viên có thể phải đi lại cả 20 cây số trong một ca làm việc. 

Amazon từng bị dư luận lên án vì đối xử tệ hại với nhân viên; thậm chí đã có người chết tại nhà kho vì làm việc quá sức. Người ta từng phát hiện một phần ba nhân viên Amazon tại Arizona phải sống nhờ tem phiếu thực phẩm của chính phủ.

Với các nhà bán lẻ sống nhờ "chợ" Amazon, họ phải chịu tỉ lệ hoa hồng cao, nhiều loại phí và nhiều quy định bất hợp lý. Từng có nhiều câu chuyện Amazon ép các nhà bán lẻ này không được bán rẻ hơn hàng của chính Amazon, ai cố tình giảm giá sẽ bị Amazon trừng phạt bằng nhiều cách. 

Một trong những cách đó làm bỏ nút "Buy Now" (Mua ngay) hay nút "Add to Cart" (Thêm vào giỏ hàng) nếu phần mềm của Amazon phát hiện giá chào thấp hơn giá của Amazon đưa ra. Bỏ hai nút này có khi làm doanh số giảm đến 75%. Cách trừng phạt này cũng áp dụng cho nhà bán lẻ có hàng bán trên Amazon và thêm các nền tảng khác nên họ luôn phải duy trì giá bán ở nơi khác cao hơn khi bán trên Amazon.

Do quá khứ "va chạm" với Amazon ngay từ thời còn làm sinh viên, khi Linda Khan được bổ nhiệm làm chủ tịch FTC, Amazon và Facebook đã nộp khiếu nại lên FTC, yêu cầu Linda Khan phải tự rút khỏi các vụ việc liên quan đến họ do quá khứ từng bày tỏ quan điểm chống họ rất rõ ràng nên khó lòng giữ sự khách quan. Yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Linda Khan là người gốc Pakistan, sinh ra tại London đến 11 tuổi mới chuyển sang sinh sống ở Mỹ. Cô có năng khiếu của một người viết báo. Lúc học đại học tại Williams College, cô làm cho tờ báo của trường. Mối quan tâm của cô là tìm hiểu về quyền lực, nhất là khi quyền lực tự giấu mình để chiếm thêm quyền lực mới.

Nước Mỹ có mối quan tâm đặc biệt đến chống độc quyền, từ lâu đã dùng luật để hạn chế các doanh nghiệp quá lớn, có quá nhiều quyền lực có thể gây hại cho nền kinh tế. Cách đây 25 năm vụ Bộ Tư pháp Mỹ và 19 tiểu bang kiện Microsoft ra tòa dẫn tới phán quyết của tòa án: Microsoft đã vi phạm luật chống độc quyền thông qua các hành vi "săn mồi" và "phản cạnh tranh". Chính phán quyết này đã mở đường cho sự lớn mạnh của hàng loạt công ty công nghệ ngày nay, kể cả Google và Amazon.

Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp Microsoft, giới quản lý trong Chính phủ Mỹ cho rằng thước đo xác quyết một doanh nghiệp có độc quyền hay không nằm ở cái giá người tiêu dùng phải trả - nếu họ trả giá thấp, nếu họ hài lòng về sản phẩm nhận được, chừng đó chưa có tình trạng độc quyền. 

Quan điểm này dẫn tới sự lớn mạnh của một mô hình kinh doanh mới: người tiêu dùng không cần phải trả gì hết. Facebook, Google lớn nhanh như thổi nhờ mô hình này và đến nay 6 trong 8 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ là các công ty công nghệ, theo đuổi mô hình người tiêu dùng không phải bỏ tiền túi ra nhưng chính họ là sản phẩm.

Chỉ đến khi bài báo của Linda Khan ra đời và khi cô được trao nhiệm vụ chống độc quyền ở FTC, quan điểm về độc quyền ở Mỹ mới có sự thay đổi.

Kết quả sau cùng của vụ FTC kiện Amazon sẽ như thế nào thì chưa ai biết. Hiện nay dư luận về Linda Khan là không thuận lợi vì nhiều tờ báo ở Mỹ cho rằng cô có quan điểm cứng nhắc, không chịu thừa nhận độc quyền có thể có lợi. 

Thậm chí có người ví von cô sẵn sàng để người bệnh chết khi ngăn cản vụ sáp nhập hai công ty dược để chống độc quyền. Amazon lại chịu bỏ tiền ra "vận động hành lang" để chống lại quan điểm của Linda Khan.

Cuộc đối đầu giữa hai nhân vật hay thật ra giữa hai luồng quan điểm về độc quyền và chống độc quyền sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới.

Hồi giữa năm, FTC cũng thất bại trong việc kiện Microsoft hòng ngăn công ty này chi 69 tỉ đô la Mỹ mua lại hãng làm game Activision Blizzard. Tòa xử Microsoft thắng, có quyền tiến hành vụ sáp nhập. Activision Blizzard là nhà sản xuất các dòng game đình đám như Call of Duty. FTC, dưới triều Khan, lo ngại sau khi thâu tóm hãng này Microsoft sẽ gỡ Call of Duty khỏi các nền tảng đối thủ (chẳng hạn Sony Playstation) hoặc cung cấp trải nghiệm kém chất lượng cho người chơi không dùng hệ máy Xbox của Microsoft.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận