TTCT - Một lần, con trai hỏi tôi: Mẹ ơi, mẹ thích khủng long màu gì?- Màu xanh lá cây.- Nhưng con thấy màu da cam đẹp hơn.- Mẹ lại thấy màu xanh lá cây đẹp hơn.- Đẹp... cái đầu nhà ngươi! Phóng to Tại buổi sinh hoạt thử nghiệm chiều 23-5 của CLB Đọc sách cùng con, Hà Nội - Ảnh: Nga Linh Phóng to Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Ảnh: Đ.T.H. Quá bất ngờ về ngôn ngữ của con, tôi hỏi lại xem con học câu nói đó ở đâu. Cháu mở cuốn sách bố mới mua cho, chỉ vào dòng chữ đó. Hỏi lại thì bố cháu nói thấy đây là truyện tranh cho trẻ, có nhà xuất bản hẳn hoi nên mua thôi, có kịp đọc đâu mà biết trong đó họ cho nhân vật nói năng với nhau thế nào! Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã kể câu chuyện như một trong những lý do khiến chị quyết định thành lập một CLB đọc sách cho trẻ. “Đọc sách cùng con” - tên CLB sách đầu tiên dành cho bố mẹ và con sắp ra mắt vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 tới. Nhỏ nhắn nhưng rất quy củ, trước mắt CLB “lưu động” ở bốn địa điểm đặt tủ sách khác nhau với các hoạt động thường kỳ diễn ra trên địa bàn Hà Nội. Từ sau 1-6, các gia đình thành viên có thể đến mượn sách về nhà và bắt đầu một chương trình “đồng hành cùng con” trên chặng đường đến với thế giới nhiều màu sắc mà những trang sách đang sẵn sàng mở ra cho bé. Ở đây, cha mẹ vừa là nhà điều hành, vừa là thành viên, những người chịu hi sinh chút thời gian để có được niềm vui chia sẻ cùng con. “Phí tham gia” chính là hai cuốn sách truyện thiếu nhi được CLB thông qua nội dung. Hoạt động với nhiều chủ đề, sử dụng mọi hình thức nhằm kích thích tình yêu đọc sách cho trẻ: giới thiệu sách hay, đưa nhiều trò chơi giao lưu vào các buổi đọc sách, dã ngoại, trò chuyện với các chuyên gia... Đọc sách cùng con, có “diệu vợi” quá không? “Dào, mua sách cho chúng là được rồi. Thời buổi này thời gian đâu mà ngồi đọc sách chằm chặp với con cơ chứ!”, trong buổi sinh hoạt thử nghiệm chiều 23-5, trước ngày khai trương tủ sách, không ít người phản ứng với cái tên CLB Đọc sách cùng con. Nhiều bậc cha mẹ thổ lộ họ bận đến độ đi mua sách cho con cũng đã là một việc phải cố gắng lắm rồi. Thế nhưng, chủ nhiệm CLB Nguyễn Thụy Anh lại có suy nghĩ khác: “Đừng hiểu đọc cùng nghĩa là kè kè ngồi bên nhau với từng cuốn sách”. Cả tháng bạn đi sớm về muộn, không thể cùng con trong các hoạt động học tập, sinh hoạt, nhưng hẳn bạn dành được một phút đọc lá thư gửi đến hòm thư điện tử của mình từ CLB, để biết được tháng này có cuốn sách gì mới, thật sự hay, thật sự cần cho bé con của bạn, phù hợp với lứa tuổi, lại tránh được những lời thoại nhảm nhí kiểu “Đồ điên!” và còn nhiều đồ nọ đồ kia mà tiếc thay không phải là hiếm trên thị trường sách bây giờ. Vài ba tháng một lần, bạn cho phép mình đưa cả nhà đến sinh hoạt theo chủ đề với CLB, giao lưu với các thành viên, tham gia các trò chơi liên quan đến sách, tích cực hưởng ứng cuộc thi dành cho bố mẹ... hay chỉ đơn giản là để con lao vào hoạt động cùng các bạn, còn mình thì ngồi mơ màng nhìn chúng, nhớ lại những cuốn sách ấu thơ, “những cuốn sách suốt đời đi vẫn nhớ/ như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu” (thơ Bằng Việt), để đoán xem giữa mình và bé con của mình có điều gì chung không... Chung tay với chị Thụy Anh buổi đầu sáng lập là một nhóm bạn, ngành nghề khác nhau, sở thích về sách cũng khác nhau nhưng gặp nhau ở một điểm: họ đều là những phụ huynh cổ xúy cho tinh thần đọc của con trẻ, rộng ra là của giới trẻ người Việt, một “văn hóa đọc” mà không ít người cho rằng đang dần mai một. Chị nói: “Có vẻ hơi cực đoan khi có người bảo rằng thời bây giờ trẻ con chẳng thích đọc nữa. Trẻ con vẫn thích đọc, chỉ có điều những cuốn sách chúng đọc sẽ định hướng trở lại cho chúng về một “văn hóa đọc” mà chúng ta vẫn nói đến. Hiện giờ vào hiệu sách mà xem, trẻ con có thể bị chìm nghỉm trong thế giới sách khổng lồ, trong đó có những điều hay điều tốt, nhưng cũng chẳng thiếu những câu chuyện chỉ để mua tiếng cười nhạt. Vì thế mới cần đến người lớn giúp bé con có được những cuốn sách thật sự cần cho chúng”. Theo nhóm sáng lập, CLB chia hoạt động theo nhóm tuổi: (1,5-3,5), (4-6) và (7-12) vì không phải mọi cuốn sách với tông màu sặc sỡ đều phù hợp với trẻ. Trẻ ở mỗi độ tuổi sẽ thích hợp với một loại sách khác nhau. Khi trẻ chỉ mới 1,5-3,5 tuổi, cuốn sách chỉ cần đôi ba màu cơ bản, vừa bảo vệ thị lực cho bé, vừa giúp bé tập trung hơn vào cốt truyện. Ngoài ra, CLB còn rất chú trọng đến những buổi học tập về kỹ năng sống cùng trẻ cho riêng bố mẹ hay tương tác với trẻ trong việc đọc định kỳ (tâm điểm là một cuốn sách nhất định). Các nhà giáo, nhà sư phạm, nhà văn tham gia hội đồng cố vấn sẽ là “trọng tài” cân bằng mọi thắc mắc của phụ huynh và con trẻ. Phóng to Cho trẻ đọc sách từ sớm, ấn tượng để lại là suốt đời - Ảnh: H.P. Công việc ấy bắt đầu từ tình yêu... Một ý tưởng đôi khi bắt đầu từ rất lâu, có thể mơ hồ nhưng day dứt và lớn dần qua năm tháng. Đối với chị Thụy Anh, người mẹ từng 17 năm xa nhà (sinh con và nuôi con ở nước Nga), không có ông bà, cô bác bên cạnh, đôi khi chị rơi vào trạng thái mệt mỏi, cô đơn khó kiểm soát. Ý thức được việc giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt cho con, bố mẹ sinh con ở nước ngoài chắc chắn phải “vật lộn” với việc tạo cho con một môi trường ngôn ngữ Việt ở xứ người. Họ phải nhờ đến những cuốn sách! Tuy nhiên tạo cho con thói quen đọc sách, tình yêu với sách là chuyện không thể ngày một ngày hai mà thành. Chị cho tôi xem những cuốn sách đầu đời của cu Dế, con trai chị, khi mới tròn 1 tuổi - những cuốn sách đặc biệt được làm từ đôi tay và tình yêu của mẹ. 5-7 tờ bìa cứng gập đôi, dán gáy và những hình vẽ vụng về nhưng sinh động, nơi nhân vật chính là Dế hoặc những đồ vật Dế yêu thích. Ví dụ, bé rất yêu một đồ vật trong nhà là cái máy giặt. Bé hay đến nhìn và... vuốt ve máy giặt. Chị bèn lấy trong tờ quảng cáo hình chiếc máy giặt và ghi: “Quần áo Dế bẩn - Đến lúc phải thay - Dế nhờ máy giặt - Nhớ nhé, giặt ngay!”. Cứ mỗi lần giở đến trang này là bé sung sướng như gặp người quen vậy. Và một trong những từ đầu tiên bé nói được rõ nhất là: “Nhớ nhé!”... “CLB Đọc sách cùng con sẽ tìm cách tập hợp các ông bố bà mẹ yêu con và hỗ trợ nhau trong việc này. Bạn đọc được cuốn này thì tôi đọc được cuốn kia. Bạn thấy cuốn này hay, tôi thấy cuốn kia được. Vậy là cùng một thời gian, chúng ta đã có những hai cuốn sách nên đọc cho bé con hoặc nên cho bé con đọc!” - chủ nhiệm CLB giải thích. Nhóm chuyên gia của CLB sẽ là những người đưa ra ý kiến xác đáng về một cuốn sách nào đó mà CLB muốn giới thiệu cho trẻ (được chia theo nhóm tuổi). Ngoài ra, các phụ huynh tham gia CLB cũng viết bài giới thiệu những cuốn sách tâm đắc và muốn chia sẻ cùng các thành viên khác. Các thành viên CLB, cộng tác viên và những người quan tâm đến văn hóa đọc trong gia đình và nhà trường sẽ chung tay xây dựng tủ sách với tiêu chí: sạch - hay - đẹp, cố gắng cùng nhau tìm và thu thập lại những cuốn sách cũ, quý hiếm, cùng giữ gìn chúng, sao cho càng nhiều trẻ được tiếp cận với những viên ngọc của nền văn học Việt Nam và thế giới càng tốt. Chị Thụy Anh cho biết thành viên được mượn sách về nhà cho trẻ đọc, đồng thời tham gia các hoạt động thường kỳ của CLB, chủ đề không chỉ về sách. Mọi hoạt động của CLB hiện đang cập nhật tại: http://www.facebook.com/docsachcungcon, website CLB http://www.docsachcungcon.com sẽ chính thức ra mắt vào Ngày quốc tế thiếu nhi. Kết thúc buổi đọc sách thử nghiệm trước ngày khai trương CLB, mọi phụ huynh đến dự đều nhận được mẩu giấy nhỏ: “Bạn hãy viết tên cuốn sách con bạn thích đọc nhất. Con bạn hiện đang đọc cuốn sách gì?”. Nhăn mày, nhíu trán, những vị phụ huynh đang cố gắng xích gần con, cho con thêm chút thời gian của mình, để hiểu con hơn, bằng những cuốn sách. Một nhóm các cố vấn cùng cộng tác viên của CLB đang hình thành, trong đó có nhà giáo Phạm Toàn, nhà giáo Vũ Thế Khôi, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà văn Phong Điệp, nhà phê bình văn học trẻ Nhã Thuyên, nhà thơ Nguyễn Hoàng Vân Anh. CLB cũng đã tìm thấy sự liên kết với nhiều gương mặt, tổ chức độc lập hoạt động cho trẻ khác. Anh Nguyễn Quang Thạch, người đã thành công trong việc đưa sách về các làng quê, lập tủ sách dòng họ, chia sẻ: “Con trẻ của chúng ta đang đối mặt với hai vấn đề: chơi game và đọc truyện tranh. Game và truyện tranh bạo lực khá nhiều, nếu CLB Đọc sách cùng con ra đời sẽ định hướng cách đọc cho trẻ. Bố mẹ, ông bà... đều tham gia làm “bộ lọc sách” cho trẻ thì trẻ sẽ được hưởng lợi rất nhiều”.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Xem các nghệ nhân thay áo mới cho điện Thái Hòa NHẬT LINH 24/11/2024 Điện Thái Hòa trong khu vực Hoàng cung Huế, nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong 143 năm, đang được đội ngũ những người thợ thủ công lành nghề bậc nhất Việt Nam ngày đêm tu bổ.
Giám đốc Đại học Huế: Chúng tôi không có quyền thẩm định luận án tiến sĩ đạo văn NHẬT LINH 24/11/2024 Liên quan đến vụ việc luận án tiến sĩ của một trưởng phòng nghiên cứu khoa học được xác định đạo văn ở Huế, giám đốc Đại học Huế đã lên tiếng về vụ việc này.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).