Đọc sách cùng ta trong quá khứ

TRÚC ANH 11/01/2025 05:30 GMT+7

TTCT - Năm mới đọc sách cũ - những quyển chính ta đã từng đọc và từng yêu, chứ không phải cũ người mới ta. Một gợi ý nếu năm nay bạn chưa biết đọc gì.

Đọc sách cùng ta trong quá khứ - Ảnh 1.

Người đọc sách nào cũng khổ tâm với câu "sách nhiều mà thì giờ chẳng có bao nhiêu", ai lại muốn dành thời gian vốn đã ít ỏi đó để đọc lại những quyển sách đọc rồi? Ngay cả khi có thời gian, ta có sẵn sàng quay lại, đọc cùng một quyển sách với bản thân mình trong quá khứ, để rồi đánh mất ấn tượng đẹp bấy lâu?

Cân nhắc thiệt hơn

Có người ví những quyển sách từng khiến mình say mê như người trong mộng trong quá khứ, một người trong mộng thời vụng dại. Mấy chục năm sau tìm gặp người xưa, khéo dễ thất vọng vì nàng thơ không còn thơ nữa. Còn với những "quyển sách thay đổi cuộc đời tôi", nếu đọc lại và không còn thấy ấn tượng sâu sắc hay ý nghĩa lớn lao như xưa, có khi chết trong lòng nhiều chút.

"Đọc lại một cuốn sách yêu thích sau một thời gian dài luôn là một rủi ro lớn. Nếu nó không còn gây ấn tượng ở lần đọc thứ hai, bạn sẽ cảm thấy như mất đi một người thân yêu, một người bạn" - Margaret Renkl, cây bút của tờ The New York Times, nhận định.

Nhưng có vẻ đây là chuyện nhìn ly nước vơi hay đầy một nửa. Sao không nghĩ đọc lại để có những cái nhìn mới, vỡ lẽ mới, hay niềm vui so sánh hai cái tôi người đọc - ta của khi đó và hiện tại - và hai bối cảnh khi một quyển sách được đọc? 

"Một phần của niềm vui khi đọc lại một cuốn sách cũ thân thuộc là cơ hội để nhớ lại bản thân mình khi lần đầu đọc nó và tự đánh giá bản thân bằng cách soi mình qua cuốn sách ấy một lần nữa" - Renkl viết.

Có nhiều lý do để tìm về những quyển sách từng yêu. Angela Baggetta, 48 tuổi, đã đọc rất nhiều sách và làm việc với không ít tác giả trong suốt 25 năm làm nghề truyền thông sách. Trước ngưỡng tuổi 50, Baggetta bỗng sợ viễn cảnh "không bao giờ có thể trải nghiệm lại những niềm vui văn chương như từng có trong quá khứ". 

"Nếu ngày mai tôi bị xe tông mà chưa kịp đọc lại Trăm năm cô đơn, cuốn sách tôi luôn gọi là yêu thích nhất, thì sao?" - bà viết trên mạng LitHub.

Tất nhiên, Baggetta cũng đối diện một loạt băn khoăn về chuyện đọc lại sách. Không đọc có phải là cách để giữ mãi những cảm nhận về nó như ban đầu? Nhưng nếu đọc lại và… không còn thích nữa thì sao? 

Và không chỉ Trăm năm cô đơn, còn những cuốn sách khác mà bà vẫn nhớ với nhiều cảm xúc đẹp, nếu đọc lại chúng, liệu bà có cảm thấy như vậy nữa không? Baggetta tự đi tìm đáp án, bằng một dự án kéo dài suốt năm 2024 vừa qua: "đọc lại tất cả những cuốn sách mà tôi có thể nhớ là đã đặc biệt yêu thích trong quãng đời trước đây".

Một hành trình tham khảo

Để chọn sách, Baggetta đặt ra một số quy tắc: không đọc lại cuốn nào đã đọc lần đầu trong vòng 10 năm trở lại; không chọn văn học thiếu nhi; chỉ tập trung vào những tác phẩm ấn tượng khắc sâu hơn.

Baggetta đọc lại Trăm năm cô đơn vào mùa xuân, đúng lúc chiến dịch quảng bá cho Hẹn nhau tháng tám (Until August) - cuốn tiểu thuyết cuối cùng, chưa từng được công bố của Gabriel García Márquez bắt đầu; khi bà đọc The Woman Warrior ("Cuốn tiểu thuyết đầu tiên chúng tôi thảo luận trong lớp Phụ nữ và văn học năm thứ hai đại học"), The New York Times đăng bài phỏng vấn với tác giả Maxine Hong Kingston ("Giờ đã 83 tuổi, bà nói về cuộc đời, sự nghiệp và ý nghĩa của chính cuốn sách mà tôi đang cầm trên tay").

Nhưng không phải sự trùng hợp nào cũng tích cực. Tháng 7-2024, Baggetta chỉ còn 30 trang cuối cùng của Điềm lành (Terry Pratchett và Neil Gaiman), những cáo buộc mới nhất về lạm dụng tình dục nhắm vào Gaiman xuất hiện. 

"Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là khi tôi và người chồng hiện tại của mình mới bắt đầu hẹn hò, nên nó giữ một vị trí đặc biệt trong tim tôi. Nhưng tôi đã đọc nốt 30 trang đó nhanh chóng đến đáng ngạc nhiên" - bà tiếc nuối.

Đọc sách cùng ta trong quá khứ - Ảnh 2.

Ảnh: Unsplash

Việc đọc lại đưa Baggetta vào các chuyến đi đan cài quá khứ - hiện tại, đổi thay nơi chốn. Bà đọc Possession (A.S. Byatt) ở bãi biển vào một mùa hè khi ngoài hai mươi tuổi; giờ phải tranh thủ những khoảng thời gian trong tháng 5, nhưng cảm giác yêu thích vẫn nguyên. 

"Tôi biết mình sẽ thích cuốn hồi ký Me của Katharine Hepburn, vì tôi từng ám ảnh với bà và các bộ phim của bà khi còn tuổi teen. Nhưng tôi không nhận ra rằng phiên bản trưởng thành hơn của mình lại đánh giá cao sự từng trải và những bài học cuộc đời mà bà đúc kết ở tuổi 84 đến như vậy" - Baggetta chia sẻ.

Còn nhiều chuyến về quá khứ như thế nữa, và như bất kỳ hành trình nào, dự án này cũng có vài lần thất bại ("Hai kinh thành của Charles Dickens quá chậm, dù tôi thường rất thích các tác phẩm của ông"). Nhưng sau chót, đó là một thể nghiệm thành công.

"Tôi đã trưởng thành - với tư cách một người đọc, một con người, và một người yêu sách. Có hơn một "tôi" ngồi lật từng trang sách mỗi khi tôi bắt đầu một cuốn mới - hoặc cũ - và việc mang theo tất cả những phiên bản tôi của quá khứ vào mỗi câu chuyện là một cảm giác vô cùng mạnh mẽ" - bà kết luận.

Đọc để thấy mình đã khác

Keith Goldsmith, cựu biên tập viên và giám đốc marketing của Knopf Publishing Group, chưa bao giờ đọc lại một cuốn sách yêu thích. Sách mới thì bao la và hấp dẫn, làm gì có thì giờ. 

Vậy mà tới tuổi gần 70, bà thấy "chân trời thời gian rộng mở", và trong một dịp nhìn kệ sách, bâng quơ tự hỏi: nếu đọc lại The Alexandria Quartet (1962), bộ 4 tiểu thuyết về âm mưu và ái tình lấy bối cảnh Ai Cập của tiểu thuyết gia người Anh Lawrence Durrell, sau lần đọc dầu tiên cách đây gần nửa thế kỷ bà sẽ thấy thế nào? 

Bà sẽ tìm thấy niềm vui như đã từng, hay vỡ mộng về chính bản thân vì đã từng đánh giá văn chương sai lầm và non nớt? Chỉ có đọc lại mới có câu trả lời.

Kết quả, như Goldsmith kể trên The Washington Post, có những cảm xúc gợi lại ở bà đúng như ngày trước, có những khác biệt trong quan điểm ("Thế giới đế quốc Anh của thập niên 1930 và 1940 giờ đây hiện lên trong mắt tôi rõ ràng là mang tính thực dân và phương Đông luận - những ý niệm mà tôi gần như không mảy may suy nghĩ khi đọc lần đầu") và cảm thụ văn học ("Lối văn hoa mỹ của cuốn sách khiến tôi hơi mệt mỏi trong lần đọc lại này, một điều mà trước đây tôi từng yêu thích và chấp nhận không chút phán xét").

Nhưng cuối cùng, Goldsmith đánh giá trải nghiệm đọc lại mang tới "một cảm giác kỳ lạ, siêu thực, không gây hoang mang mà trái lại còn giúp mọi thứ sáng tỏ hơn". "Như hai hạt lượng tử rối, dù cách nhau hàng năm ánh sáng, tôi vẫn kết nối một cách cơ bản với phiên bản trước kia của chính mình (…) Tôi hiểu rõ hơn những gì mình đã đạt được, nhưng cũng nhận thức sâu sắc những gì mình đã đánh mất" - bà viết.

Đọc sách cùng ta trong quá khứ - Ảnh 3.

Một gợi ý những quyển sách đáng đọc lại từ trang Booklist Queen.

Vạn vật đổi dời - chúng ta, thế giới xung quanh, và cả giá trị cùng ấn tượng mà cuốn sách mang lại. Đọc lại sách đã đọc rồi giúp ta thấy rõ hơn những khác biệt theo thời gian đó. Phiên bản trẻ trung, tưởng đã ngủ quên từ lâu của ta biết đâu sẽ sống dậy cùng những trang sách cũ. Có thể câu chuyện không còn làm ta rung động, nhưng tự điều đó cũng nói lên nhiều điều - ta đã từng thế nào, và đã thay đổi, trưởng thành ra sao.

Một quyển sách đáng đọc cũng là quyển đáng đọc lại, câu nói được cho là của nhà báo, nhà văn người Anh George Holbrook Jackson (1874 - 1948). Quyển nào đọc lại thấy không hay cũng không hẳn là buồn, và quyển nào vẫn vẹn nguyên cảm xúc thậm chí thấy hay hơn lúc xưa thì xứng đáng vui mừng. 

Như Baggetta khi đọc Trăm năm cô đơn lần 2, vẫn yêu thích nó và tuyên bố sẽ đọc lại một lần nữa "48 năm sau, khi tôi thực hiện dự án đọc lại lần hai". (cùng với 7 quyển khác). Không phải ngẫu nhiên mà người ta có mỹ từ "kiệt tác vượt thời gian".

Đọc lại sách cùng con

"Một trong những điều ngọt ngào nhất của việc làm cha mẹ là được chia sẻ những cuốn sách thời thơ ấu quý giá với con cái. Khi đọc cho chúng nghe, tôi nhớ về cô-bé-tôi ngày ấy, đôi khi trào dâng những cảm xúc quá lớn không thể diễn đạt thành lời, phải đóng cửa phòng lại để đọc đoạn kết của Charlotte và Wilbur thêm một lần nữa. Những giọt nước mắt và những dòng chữ hòa quyện, tạo nên một sự an ủi mà giờ đây tôi hiểu theo cách mình không thể ở tuổi lên tám. Nỗi buồn được xoa dịu đôi chút khi ngôn từ khớp với cảm xúc, và nước mắt, dù thế nào, vẫn mang lại sự nhẹ nhõm".

(Margaret Renkl viết trên The New York Times)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận