"Đội đặc nhiệm" giải quyết điểm nóng

PHƯƠNG NGUYÊN 17/06/2012 09:06 GMT+7

TTCT - Chỗ nào có điểm nóng về khiếu kiện tập thể, đông người là “đội đặc nhiệm” đến nắm tình hình, giải quyết ngay tại cơ sở. Người dân đã đặt cho đoàn giải quyết khiếu nại đối với những hộ bị ảnh hưởng khi thu hồi đất làm dự án cái tên như vậy vì từ khi đoàn được thành lập, tại Hậu Giang không có trường hợp nào phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.

Phóng to
Bờ kè hai bên kênh xáng Xà No trở thành bộ mặt đẹp của tỉnh Hậu Giang nhờ sự hiệp lực của người dân có đất bị giải tỏa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ông Nguyễn Hoàng Em ở huyện Phụng Hiệp bị thu hồi đất cùng một lúc cho ba dự án. Tính khí nóng nảy nên mỗi lần các bộ chuyên môn đến làm việc thì ông chửi thề, ngồi gác chân vắt vẻo trên ghế không cho kiểm kê vật kiến trúc, hoa màu để làm cơ sở bồi thường. Ban quản lý dự án, các đoàn thể địa phương rất ngại khi nhiều lần phải lập tổ công tác thuyết phục ông giao đất, nhưng phát sinh mới cứ liên tục xảy ra vì lâu lâu ông lại đưa ra yêu sách mới. Khi kiểm kê xong, ông không chịu nhận tiền, đòi thêm nền tái định cư cho con trai, yêu cầu được ở lại ngay trên phần đất làm công viên...

Hòa giải ngay từ cơ sở

"Ông Cam Quang Vinh, chánh thanh tra tỉnh Hậu Giang, cho biết trong năm 2011 cả tỉnh có 1.239 đơn khiếu nại, tố cáo mà phần lớn tập trung ở các khu, cụm công nghiệp và các dự án trọng điểm liên quan đến thu hồi đất. Người dân khiếu nại về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư (trên 80%), với nguyên nhân phát sinh chủ yếu là do chính sách, pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, một phần do cán bộ kiểm kê, kiểm định chưa chính xác, chưa thể hiện đầy đủ tính công khai, dân chủ theo quy trình bồi thường thiệt hại, thiếu nền tái định cư... nên người dân phải khiếu nại."

Yêu cầu không được giải quyết nên ông không giao đất. Bức xúc trước việc sắp bị cưỡng chế, có lần ông đã chạy ra đường chặn đầu xe của chủ tịch tỉnh để nêu kiến nghị giải quyết phần đất bị thu hồi. Quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà, vật kiến trúc đã được huyện ban hành, thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh, chỉ chờ tới ngày thực hiện. Nhưng khi “đội đặc nhiệm” chỉ ra những điều bất hợp lý, đồng thời ghi nhận những yêu cầu chính đáng thì ông Em đã tự nguyện dỡ nhà, giao đất cho đơn vị thi công.

Một trường hợp khác thuộc diện khó thuyết phục là ông Đinh Văn Nghiệp, ngụ xã Đông Phú, huyện Châu Thành, trong việc thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp Sông Hậu. Ông Nghiệp liên tục không chấp hành các quyết định giao đất, khiếu nại khắp nơi, thậm chí tố cáo cán bộ liên quan việc thu hồi đất của ông. Trao đổi lại chuyện đã qua, ông Nghiệp nói mình chưa chấp hành vì cán bộ có trách nhiệm làm không đúng quy định gây thiệt hại quyền lợi chính đáng của người dân, ra quyết định thu hồi miếng đất 6.000m2 do ông đứng tên mà ghi tên người khác, kiểm kê vật kiến trúc sai kết cấu làm ông thiệt trên 65 triệu đồng, ra quyết định cưỡng chế không đúng trình tự... Vậy mà các khiếu nại đều bị bác nên ông phải dùng quyền trợ giúp sau cùng: tố cáo cán bộ làm sai, thiếu trách nhiệm.

“Đoàn công tác giải quyết khiếu nại của tỉnh nắm tình hình, đối thoại trực tiếp với tôi và hàng chục hộ dân đang khiếu nại. Sau khi nghe trình bày, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo huyện Châu Thành phải thu hồi quyết định cưỡng chế, chỉnh sửa các thủ tục cho đúng quy trình, xem xét lại nguyện vọng chính đáng của dân. Thế là chúng tôi chấp hành việc giao mặt bằng” - ông Nghiệp kể và kèm theo nhận xét “đoàn công tác của tỉnh đối thoại thẳng thắn với người dân khiến chúng tôi rất hài lòng”.

Khi thu hồi đất của dân làm tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, nhiều hộ dân thuận chủ trương nhưng chưa hài lòng về cách đền bồi đất, kiểm đếm hoa màu, vật kiến trúc... nên chuyện khiếu nại, tố cáo liên tục xảy ra. Ông Nguyễn Văn Trưng ngụ ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A vác đơn khiếu nại kéo dài hơn ba năm, cho đến ngày 7-5-2012 mới được “đội đặc nhiệm” giải quyết dứt điểm tại cơ sở. Ông Trưng cho biết: “Tôi bị thu hồi trên 1.000m2 đất, chính quyền địa phương thuyết phục tôi giao mặt bằng trước để thi công, còn việc khiếu nại sẽ giải quyết sau nên tôi đồng ý. Nào ngờ sau này khi tôi khiếu nại việc kiểm đếm tràm thì được trả lời không còn hiện trạng nên không giải quyết. Nhà tôi đóng móng bằng cừ tràm, nhưng ban bồi thường của huyện lại tính là nhà bêtông có mức giá bồi thường ít hơn. Gia đình tôi khiếu nại liên tục nhưng huyện không giải quyết, thậm chí trả lại đơn mà không có quyết định ngừng thụ lý”.

Sau đối thoại trực tiếp với chủ tịch UBND tỉnh, những khiếu nại đã được giải quyết. Ông Trưng rất hài lòng: “Phải chi chính quyền địa phương giải quyết nhanh gọn như đoàn của tỉnh thì đâu xảy ra khiếu nại kéo dài. Mấy chục hộ dân đối thoại hôm đó đều được giải quyết ổn thỏa nên rút lại đơn khiếu nại hết”.

Phóng to
Ông Nguyễn Văn Trưng đứng ngay tại miếng đất của mình bị thu hồi làm tuyến quốc lộ 61B. Sau khi được đối thoại trực tiếp với “đội đặc nhiệm”, ông đã tự nguyện rút đơn khiếu nại - Ảnh: Phương Nguyên

Lợi cho dân, được việc nước

Tuyến bờ kè hai bên kênh xáng Xà No dài trên 17km có gần 2.000 hộ bị thu hồi đất hoặc buộc tháo dỡ nhà trả mặt bằng thi công mà chẳng xảy ra vụ cưỡng chế nào. Nhờ có đất sạch mà đơn vị thi công đã thực hiện dự án đúng tiến độ, bờ kè này được đánh giá dài nhất, đẹp nhất của miền Tây. Anh Lê Phước Nhàn, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vị Thanh, cho biết: “Có những trường hợp người dân chiếm đất công, nhưng khi bị yêu cầu trả mặt bằng thì dân không thực hiện, không chấp nhận hỗ trợ di dời mà buộc phải đền bồi đất. Chúng tôi phải lặn lội lên TP.HCM để trích lục bản đồ kênh xáng Xà No được chính quyền Pháp lập từ năm 1902 về đối chiếu. Đến lúc đó người dân mới chịu giao đất”.

Theo ông Nguyễn Liên Khoa - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vì là tỉnh mới thành lập nên địa phương cần rất nhiều quỹ đất để xây dựng trụ sở hành chính, công trình công cộng, các khu công nghiệp, dự án lớn. Nếu không giải quyết tốt bài toán tái định cư, đền bồi thỏa đáng thì chẳng thể thu hồi được đất, trái lại còn xuất hiện điểm nóng khiếu kiện, gây mất ổn định. Tỉnh nghèo, không có tiền nên khi nhà đầu tư nào đó đến thực hiện dự án thì tỉnh yêu cầu họ ứng vốn đền bồi, xây dựng khu tái định cư, sau đó tỉnh trừ cấn lại vào tiền thuê đất.

Về việc quyết định thành lập “đội đặc nhiệm” giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến giải tỏa, đền bồi, thu hồi đất khi thực hiện dự án, ông Khoa giải thích: “Thay vì để người dân lặn lội đường xa lên huyện, tỉnh thì đoàn công tác này đến tận nơi người dân bị thu hồi đất để đối thoại trực tiếp. Mọi việc phải được giải quyết ngay tại cơ sở nên đã hạn chế phát sinh khiếu nại và giải quyết nhanh chóng yêu cầu chính đáng của người dân”.

Đoàn công tác này do chánh thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn, nhiều ban ngành khác làm thành viên. Các thành viên được tỉnh chọn lọc kỹ, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, các kiến thức cơ bản về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thậm chí đưa người đi tập huấn nghiệp vụ riêng để nâng cao hiệu quả giải quyết đúng pháp luật. Ngoài ra, chủ tịch UBND tỉnh còn quyết định thành lập thêm một “đội đặc nhiệm” chuyên làm công tác vận động quần chúng ở các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND thường xuyên tham gia trực tiếp đối thoại, giải quyết thẳng cho người dân ở cơ sở.

Ông Trần Công Chánh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tâm sự: “Những chuyện nào trong tầm giải quyết là tôi “xử” liền tại cuộc đối thoại, không đợi phải họp bàn tới bàn lui. Cái nào giải quyết có lợi thêm cho dân, đúng chủ trương, pháp luật, được việc nước thì tôi nghiên cứu vận dụng. Trong quá trình thực hiện có điều gì đó chưa đúng nhưng vì dân mà bị kiểm điểm, đuổi việc tôi cũng cam lòng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận