Đổi mới tổ chức tòa án: sao chỉ đổi cái tên?

TTCT - Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đề xuất chuyển TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, TAND tỉnh thành TAND phúc thẩm nhằm bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử.

Theo đề cương dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức tòa án nhân dân (TAND) thì TAND cấp huyện được đổi tên thành TAND sơ thẩm, TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, hành chính và phá sản theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh để xét xử các lĩnh vực đặc thù.

Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập tòa án chuyên biệt khác theo đề nghị của chánh án TAND tối cao. Đề cương dự thảo bám sát nhiệm vụ do nghị quyết số 27 ngày 09-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra là "Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

TAND TP.HCM, tên gọi và thẩm quyền tòa án luôn gắn liền với cấp hành chính.  Ảnh: NGUYÊN KHANG

TAND TP.HCM, tên gọi và thẩm quyền tòa án luôn gắn liền với cấp hành chính. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Đổi mới tòa án: bình mới rượu cũ

Theo đó, chức năng - nhiệm vụ của TAND sơ thẩm giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm chuyên biệt. TAND phúc thẩm sẽ xét xử sơ thẩm một số trường hợp, phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND sơ thẩm thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Các TAND sơ thẩm chuyên biệt gồm TAND sơ thẩm sở hữu trí tuệ, hành chính, phá sản được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, thành phố tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc. Bổ sung Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản, Tòa hành chính trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao.

So với hiện hành, mô hình tổ chức TAND mới này ít nhiều bảo đảm tính độc lập trong việc xét xử đối với một số loại án, các thẩm phán bớt "run tay" khi xét xử các vụ án hành chính - mà người bị kiện luôn là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền như UBND cấp huyện và cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh.

Hiện nay, thẩm phán TAND cấp huyện vẫn xét xử quyết định kỷ luật buộc thôi việc do chủ tịch UBND cấp huyện ban hành, danh sách cử tri do UBND cấp huyện lập, hay như thẩm phán của TAND cấp tỉnh xử các vụ án hành chính mà người bị kiện là UBND cấp tỉnh và chủ tịch UBND cấp tỉnh...

Tòa hành chính chuyên biệt để xử các vụ án hành chính, giúp cho thẩm phán thoát ra khỏi sự quản lý về đơn vị hành chính như đánh giá phân loại thi đua công chức, phân loại đảng viên hằng năm hay xem xét cơ cấu quy hoạch cán bộ, công chức... Bên cạnh đó, việc thành lập các TAND sơ thẩm, phúc thẩm cũng thể hiện sự phân quyền rõ hơn giữa các tòa án, chất lượng xét xử sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu thì hệ thống TAND theo dự thảo vẫn chưa thoát khỏi cách thức tổ chức tòa án theo đơn vị hành chính. Dự thảo chỉ đổi tên TAND cấp huyện thành tòa sơ thẩm, TAND cấp tỉnh thành tòa phúc thẩm, huyện nào cũng có TAND sơ thẩm, tỉnh nào cũng có TAND phúc thẩm.

Nhiều huyện mỗi năm chỉ có vài chục vụ án nhưng vẫn phải tổ chức một bộ máy tòa án đủ ban bệ, xây dựng trụ sở làm việc và chịu chi phí vận hành tốn kém. Việc này mới chỉ là "thay tên, đổi họ", tòa án sơ thẩm và phúc thẩm xét cho cùng cũng chỉ là tên gọi khác của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh, chưa thoát ly khỏi đơn vị hành chính lãnh thổ; tính độc lập trong việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân chưa chắc đạt được.

Hơn nữa, thẩm quyền của các tòa án sơ thẩm, phúc thẩm tuy gần như giữ nguyên như hiện tại, tòa phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án, tòa cấp cao vẫn xét xử phúc thẩm, chưa phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm...

Hệ thống TAND theo dự thảo sẽ đi ngược lại mục tiêu tinh giản bộ máy, đội ngũ công chức trong ngành tòa án. Cả nước hiện có 702 tòa án cấp huyện, 63 tòa án cấp tỉnh, 3 tòa án nhân dân cấp cao và 1 tòa án nhân dân tối cao. Với cách tổ chức mới, số lượng tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm không giảm mà còn tăng lên do lập thêm các tòa chuyên biệt.

Tổ chức tòa án theo khu vực

TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: NGUYÊN KHANG

TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: NGUYÊN KHANG

Để tòa án thực sự độc lập, cần một cách tổ chức mới triệt để phá vỡ những lối mòn hiện nay. Trước hết, hệ thống TAND cần được tổ chức lại, độc lập và tách bạch với hệ thống hành chính.

Cũng là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm nhưng tòa sơ thẩm được phân bổ theo khu vực chứ không theo cấp hành chính. "Khu vực" ở đây được xác định là sự giới hạn phạm vi lãnh thổ xét xử của tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm. "Khu vực" được mở rộng bao gồm nhiều đơn vị hành chính cùng cấp có vị trí địa lý gần nhau, có đặc điểm tương đồng về việc quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ tại TP.HCM có thể tổ chức bốn tòa án sơ thẩm khu vực, mỗi tòa sơ thẩm khu vực này sẽ xét xử các vụ án xảy ra trên địa bàn của vài quận huyện có vị trí địa lý gần nhau hoặc sự tương đồng việc quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.

Tương tự, TP.HCM và các tỉnh lân cận có thể có chung một tòa phúc thẩm để xét xử phúc thẩm đối các bản án, quyết định của TAND sơ thẩm trong địa bàn. Mô hình này góp phần tinh giản đáng kể số lượng TAND so với hiện nay, giảm số lượng công chức tòa án; đầu tư, bồi dưỡng chuyên môn cho những người làm công tác xét xử.

Thẩm phán, hội thẩm nhân dân sẽ bảo đảm tính độc lập khi xét xử khi không còn bị trói buộc bởi các cấp chính quyền, khắc phục được tình trạng nơi làm không hết việc, nơi không có việc làm.

Các tòa sơ thẩm chuyên trách được thành lập trong các tòa sơ thẩm khu vực, tòa phúc thẩm chuyên trách trực thuộc tòa phúc thẩm khu vực. Cách tổ chức này sẽ giúp các thẩm phán, hội thẩm nhân dân nâng cao trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng xét xử các loại án khác nhau.

Việc tổ chức mô hình tòa án theo khu vực kết hợp thẩm quyền xét xử như đề xuất trên chỉ có một điểm lo là người khởi kiện phải đi xa hơn. Các tòa án áp dụng mô hình tòa án điện tử sẽ hạn chế được nhược điểm này. 

Thay vì trực tiếp đến tòa án, người dân có thể nộp đơn khởi kiện, cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án, nhận tống đạt các văn bản tố tụng... trực tuyến qua email, bưu điện. Như vậy, người dân có thể ngồi nhà thực hiện tất cả các thủ tục và chỉ đến tòa rất ít lần.

Ngoài ra, khi mô hình tòa án điện tử được xây dựng hoàn thiện, các cá nhân, cơ quan và tổ chức có thể sử dụng các dịch vụ tra cứu các bản án, hỗ trợ phân tích và dự đoán kết quả tố tụng, tham gia các phiên tòa trực tuyến.

Việc đổi mới tổ chức bộ máy của TAND là yêu cầu cấp bách. Việc nghiên cứu tổ chức bộ máy TAND theo khu vực kết hợp theo thẩm quyền xét xử cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng, nghiêm túc và thấu đáo để có thể thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp về vị trí, vai trò, chức năng của tòa án là "cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".■

Hệ thống tòa án ở Pháp

Để bảo đảm tính độc lập trong công tác xét xử, ở một số nước, tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử và có phạm vi xét xử trên diện rộng.

Ví dụ, Pháp có mô hình lưỡng hệ tài phán. Theo đó, tòa án được tổ chức thành hai hệ thống: tòa án tư pháp và tòa án hành chính. Hai hệ thống tòa án này được tổ chức một cách độc lập từ trung ương đến địa phương. Hệ thống tòa hành chính được tổ chức thành tòa hành chính có thẩm quyền chung (tòa hành chính sơ thẩm, tòa hành chính phúc thẩm và tham chính viện) và các tòa hành chính chuyên biệt như: tòa kiểm toán, tòa kỷ luật ngân sách và tài chính… Phạm vi xét xử của một số tòa hành chính sơ thẩm và phúc thẩm là khá rộng, không giới hạn trong một đơn vị hành chính mà ở nhiều tỉnh thành. Tương tự, đối với hệ thống tòa tư pháp, các tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm và tòa án chuyên biệt trong một số lĩnh vực được thiết lập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận