​Đời thực ở chốn nào?

NGUYỄN VŨ 28/07/2015 03:07 GMT+7

Một trong ít bộ phim gây ám ảnh với người xem trong thời gian dài, ít nhất là đối với người viết bài này, là phim Matrix.

Tranh: Lê Thiết Cương

Kể cụ thể nội dung phim, có người có thể coi là chuyện nhảm nhí: Thế giới chúng ta đang sống đây là thế giới ảo, mọi người thật sự đang sống đời thực vật, làm những cục pin sinh học cho lũ người máy tạo ra thế giới ảo để dễ kiểm soát loài người!

Phim khó hiểu vì người bình thường khó lòng hình dung thế giới ảo gì mà tràn ngập sức sống quanh họ, đầy yêu thương, hận thù, đầy bi kịch và hùng tráng, có lúc tủn mủn, có lúc nhàm chán. Máy móc nào mà đủ khả năng giả lập một thế giới đầy màu sắc như thế?

Có thật thế không, hay những người làm phim đã có một khám phá ngược? Thế giới họ cứ khăng khăng là ảo, thế giới mà nhân vật Neo nhảy vào tung hoành ngang dọc như một huyền thoại võ lâm mới chính là thế giới thật: đơn điệu, nhàm chán, buồn tẻ. Vậy mà ngày càng có nhiều người muốn thoát khỏi cái thế giới thật đầy buồn tẻ đó để đi vào một thế giới khác, ở đó họ cũng tung hoành ngang dọc không kém gì Neo lúc đấu với Smith, đặc vụ của lũ người máy, nhưng lại không cần máy móc hay nút cắm như Neo chi cho phức tạp. Họ chỉ cần chúi mắt vào một màn hình cảm ứng nào đó và thoát tục.

Có phải chúng ta đều thừa nhận sức hút của máy móc nằm ở chỗ chúng tạo cho chúng ta những quyền năng mà trong thế giới bình thường đa số chúng ta không hề có?

Ta có thể nhờ máy móc mà nói chuyện với người bạn ở cách xa hàng ngàn cây số, đồng thời vào coi video trực tiếp một trận đá bóng ở cách nửa vòng trái đất, rồi ngay sau đó chạy về họp nhóm bạn cũ đã cả chục năm không gặp trên một căn phòng ảo nào đó.

Ta nhảy vào quan sát một cuộc tranh luận nảy lửa về đề tài gì đó đã bị mọi người quên mất căn nguyên, thỉnh thoảng chêm vài câu góp chuyện. Ta chui sâu vào cuộc đời một ngôi sao nào đó rồi thoát ra, bay vọt theo dõi hành trình chuyến thám hiểm một ngôi sao xa tít tắp. Ở phương diện này, anh chàng mặc áo choàng đen Keanu Reeves đâu hơn gì ta.

Nhưng anh chàng này chỉ dừng ở các khả năng siêu phàm mang tính vật lý như bay vọt lên không trung, học lái máy bay trong chốc lát nhờ tải về não phần mềm chứa kỹ năng lái máy bay, tránh đạn như ảo thuật gia, dùng tay chặn đường đi của viên đạn như một cao nhân trong võ lâm. Tất cả chỉ mang tính vật chất - hoàn toàn vô nghĩa với khả năng siêu phàm của chúng ta trong thế giới máy móc tạo ra.

Bình thường đa số mọi người giữ thái độ im lặng, khép kín, nhưng trên thế giới ảo mới toanh nọ, họ sẵn sàng tranh cãi với một nhân vật quan trọng, sẵn sàng phán xét, sẵn sàng bày tỏ thái độ. Trong cái thế giới buồn tẻ đang sống, họ hầu như không có cơ may nào tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng của thế giới.

Nhưng trong cái thế giới mọi người đang cùng nhau tạo ra, không biết nên gọi là ảo hay thật, họ được tạo ra cảm giác đang trò chuyện, kết nối, tâm sự, giãi bày với bất kỳ nhân vật nào, dù là tổng thống một nước lớn hay ca sĩ có loạt album bán cả triệu bản. Họ như có một sức mạnh siêu nhân khi cầm trong tay cái micro, cứ nghĩ mọi lời họ nói ra đang lan tỏa đến hàng triệu người khác, đang mang một sức nặng mà vai chính phim Matrix từng thiếu.

Trong Matrix, một nhân vật đã được “giải phóng” lại mong quên đi cái thế giới thật, nơi anh ta phải ăn những bữa ăn tệ hại, ở trong môi trường tệ hại để được sống trong cái thế giới ảo đầy quyến rũ. Nhưng cái thế giới máy móc chúng ta đang tạo ra có gì khác? Ta cũng đang dùng nó để quên đi bao sự bất lực, bao nỗi muộn phiền trong thế giới thật. Cái ảo tưởng về sức mạnh nó mang lại thật lớn, không ai muốn từ bỏ nó để “bừng tỉnh” cả.

Nhưng Neo trong Matrix cứ múa may quay cuồng mà không có nàng Carrie-Anne Moss đứng bên chứng kiến thì khả năng siêu phàm của anh có còn ý nghĩa gì nữa không? Cuộc nói chuyện với người bạn cách đó cả ngàn cây số chỉ có ý nghĩa khi nó giúp chúng ta gần hơn với người bạn, ít ra là trong tâm tưởng. Nếu ta sực tỉnh mà biết rằng mình đang cầm cái micro nói vào không trung, ở giữa hoang vu, nơi hàng triệu người khác cũng đang cầm micro gào khản tiếng mà không ai nghe như chúng ta thì không cần ai bảo ai, thế giới đó sẽ sụp đổ ngay dưới chân ta.

Cái khác của hai thế giới, dù đó là thế giới theo cách nhìn của đạo diễn phim Matrix hay thế giới nửa ảo nửa thật của nhiều người hiện nay, là sự tương tác kết nối với người khác. Trong thế giới tạm coi là buồn tẻ của chúng ta hiện nay, mọi mối dây tương tác phải dày công xây dựng và duy trì - cái còn đọng lại là tình người ứng xử với người. Loài người phải mất cả ngàn năm để tạo ra những quy tắc cho quá trình xây dựng này.

Trong thế giới do máy móc tạo ra, mối tương tác đó “sớm nở tối tàn”, cái không thật nằm ở đấy. Vậy nên đừng bận tâm về nó quá nhiều, đừng ảo tưởng về sức mạnh nó trao cho chúng ta. Bỏ ra hơn hai giờ coi phim Matrix rồi, ta sẽ gật gù, thỉnh thoảng nghĩ về nó để bâng khuâng về ý nghĩa cuộc đời một chút cho thi vị, bởi rốt cuộc vẫn cần quay về thế giới bị ràng buộc bởi những quy luật vật lý để còn sống thực với đời ta.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận