Donbass và những vấn đề hậu độc lập

TƯỜNG ANH 27/02/2022 02:00 GMT+7

TTCT - “Vở kịch địa chính trị chưa có tiền lệ được phát trực tiếp” là bình luận của nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov về cuộc họp Hội đồng an ninh (HĐAN) mở rộng của Nga tối 21-2 bàn về việc công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở đông Ukraine, Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR).

Trong cuộc họp được phát trực tuyến, Matxcơva đã công khai tất cả quan điểm liên quan đến vấn đề Donbass của tất cả những nhân vật chủ chốt trên chính trường Nga: từ tổng thống tới chủ tịch Đuma và Hội đồng liên bang, từ các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, đến các nhân vật đứng đầu chính phủ, an ninh.

Tất cả các nhân vật được ông Vladimir Putin hỏi đều ủng hộ việc công nhận hai thực thể trên. Lập luận chính của họ: Suốt gần 8 năm từ khi ký thỏa thuận Minsk đầu tiên (2014) đến nay, càng ngày Kiev càng xa rời nghĩa vụ thực thi thỏa thuận, trong khi Mỹ và phương Tây lại tiếp tay cho chính sách này thay vì gây áp lực buộc Kiev thực hiện.

Những người thân Nga ở Donetsk vẫy cờ ăn mừng sau quyết định của ông Putin. Ảnh: Reuters

 

Nghĩa vụ đạo đức của Nga là phải cứu người dân Donbass, bởi những nỗ lực suốt thời gian qua của Matxcơva kêu gọi Kiev thực thi thỏa thuận Minsk “đã hoàn toàn vô ích. 

Các tổng thống và đại biểu Rada [Quốc hội Ukraine] thay đổi, nhưng bản chất, tính cách hiếu chiến, chủ nghĩa dân tộc của chính chế độ cầm quyền ở Kiev không thay đổi” - như phát biểu tối muộn 21-2 của ông Putin.

Đồng thuận tới đâu?

Nhà báo Nga A. Kots của tờ Sự thật Komsomol có mặt tại trung tâm Donetsk vào thời khắc đó (gần 12 giờ đêm 21-2) tường thuật: 

“... Tôi nghe tuyên bố về công nhận độc lập đúng 15 phút trước giờ giới nghiêm ở trung tâm thành phố - trên Quảng trường Lenin. Tại đây, các loa phát thanh ban ngày dùng để thông báo lịch di tản, đã phát bài phát biểu của Tổng thống Nga". 

"Những người qua đường hiếm hoi dừng lại nghe một lúc, sau đó tải chương trình phát sóng trực tuyến về điện thoại và vội vã về nhà để nghe cùng gia đình... Có một nhóm lái xe đến công viên phía sau tượng đài Lenin. Khoảng 20 người. Họ kéo cờ Nga, khui sâm panh và trước những lời cuối cùng của Vladimir Putin, họ đồng thanh hét lớn “Hoan hô!”.

Meduza.io, cổng thông tin đối lập bằng tiếng Nga trụ sở ở Latvia, đã đặt câu hỏi người Nga “đồng thuận tới đâu” với quyết định của Tổng thống Putin cho Denis Volkov, giám đốc Trung tâm Thăm dò dư luận xã hội Levada (Nga). 

Ông Volkov đáp những cuộc thăm dò thường xuyên những năm qua, và gần đây nhất là vào cuối năm 2021 của Levada, cho thấy: 

“Người Nga có những cách tiếp cận như sau về cuộc xung đột: Mỹ đáng trách. Thậm chí không phải Ukraine, mà là Mỹ và phương Tây. Họ gây áp lực lên Ukraine, nước đang chống lại các cộng hòa này, nên Nga cần can thiệp bởi vì ở đó là người dân nói tiếng Nga, mang hộ chiếu Nga... Đây là tình huống khi người của chúng ta bị tấn công, nên tất nhiên, họ cần được bảo vệ”.

“Trong 7 năm qua, chúng tôi thường xuyên hỏi những người được thăm dò họ nhìn nhận thế nào về số phận của các nước cộng hòa này. Hơn 1/4 nói điều cần thiết là các nước cộng hòa này phải độc lập; 1/4 nữa cho rằng họ nên được hợp nhất vào Nga". 

"Nhưng cũng khoảng chừng đó người nói rằng họ nên vẫn là một phần của Ukraine. Phần còn lại thấy khó trả lời. Tức là không có quan điểm chung. Nhưng khi chúng tôi hỏi: nếu các nước cộng hòa này xin được đưa vào Nga thì có nên sáp nhập họ không, khoảng 70% trả lời là có”.

Những câu hỏi hậu độc lập

Câu hỏi thứ nhất là vấn đề lãnh thổ.

Ngay sau quyết định công nhận độc lập DNR và LNR, một trong những câu hỏi đầu tiên người Nga quan tâm là Nga sẽ công nhận DNR và LNR trong các biên giới nào, bởi về địa lý hành chính, các tỉnh Donetsk và Lugansk còn bao gồm cả phần lãnh thổ mà Kiev đang kiểm soát.

Andrey Klimov, phó chủ tịch Ủy ban Thượng viện về các vấn đề quốc tế, cho biết trên kênh truyền hình Rossiya 24: “Tất nhiên, chúng tôi đang nói về những lãnh thổ nằm trong ranh giới DNR và LNR được thiết lập hiện nay. Mọi thứ khác đều nằm ngoài phạm vi của các hành động pháp lý”. 

Tổng thống Nga Putin trả lời báo giới ngày 22-2 cũng nói: 

“Nga công nhận DNR và LNR, có nghĩa công nhận hiến pháp của các cộng hòa này, và hiến pháp đã chỉ rõ biên giới trong khuôn khổ các tỉnh khi chúng còn trong thành phần của Ukraine. Chúng tôi hy vọng những vấn đề gây tranh cãi sẽ được giải quyết tại các cuộc đàm phán của Lugansk và Donetsk với Kiev”.

Điều này có nghĩa, nhiều biểu tượng đấu tranh chống Kiev khác sẽ nằm ngoài biên giới “mới”: cảng Mariupol, khu công nghiệp Kramatorsk, biểu tượng của cuộc kháng chiến Slavyansk, một trong những mỏ than lớn nhất Krasnoarmeysk, và các nút giao thông đường sắt Severodonetsk và Lisichansk...

Câu hỏi thứ hai là Nga có đưa quân vào DNR và LNR?

Trong các Hiệp ước hữu nghị mà Tổng thống Putin ký với các lãnh đạo hai cộng hòa, có điều khoản Nga sẽ hỗ trợ, kể cả về quân sự, nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, như ông Putin trả lời báo giới, điều đó “không có nghĩa Nga sẽ đưa quân ngay vào đây”.

Tiếp theo là vấn đề Ukraine có xem xét lại sở hữu vũ khí hạt nhân, như phát biểu mới đây của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky. Trong phát biểu trước toàn dân tối 21-2, đề tài này đã được tổng thống Nga đề cập. 

Vốn có năng lực hạt nhân từ thời Liên Xô, nên tốc độ lĩnh hội những công nghệ cần thiết của Ukraine sẽ nhanh hơn nhiều so với những quốc gia phải bắt đầu từ con số không. 

Hiện Ukraine chỉ thiếu một hệ thống làm giàu uranium, một vấn đề không có gì nan giải. Cũng như thế là khả năng phát triển tên lửa chiến thuật. Với tầm bắn 300 - 500km, các tên lửa này sẽ là mối đe dọa với Nga.

Một câu hỏi khác là Nga chỉ công nhận độc lập DNR và LNR như đối với Abkhazia và Nam Ossetia, hay sau khi công nhận, Nga sẽ sáp nhập các lãnh thổ này, như trường hợp Crimea? 

Nếu khả năng thứ hai xảy ra, các nhà phân tích tiên đoán những xung đột gay gắt hơn với phương Tây sẽ là không tránh khỏi.■

Nga đợi trừng phạt

Đưa ra quyết định chấn động, người Nga chấp nhận những đòn trừng phạt mới. Cựu tổng thống Nga, hiện là phó chủ tịch HĐAN Dmitry Medvedev hôm 22-2 đã nói, với sự công nhận DNR và LNR, Nga chờ đợi trừng phạt, điều Nga “vốn từng chịu đựng và đã lâu không còn sợ nữa. 

Chúng tôi có thần kinh thép, hơn nữa kinh nghiệm cho thấy: sớm muộn gì các đối thủ của chúng tôi cũng tự mình quay lại và kêu gọi trở về bàn đàm phán. Đó là điều tất yếu khi tính đến vai trò của Nga trong quan hệ quốc tế. Và lịch sử sẽ khẳng định sự đúng đắn của chúng tôi”.

Ông Volkov phân tích thêm về thái độ của dân Nga trước cấm vận: “Theo thời gian, người Nga đã quen với chúng. Thêm vào đó, nhiều người được hỏi nói dù Nga có làm gì đi nữa thì các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ bị áp đặt, bởi vì phương Tây... muốn làm suy yếu và sỉ nhục Nga”. 

Dĩ nhiên, năng lực kinh tế Nga trước bước đi này vẫn là mối quan tâm lớn. 

Trả lời báo giới Nga, Vladimir Klimanov, giám đốc Trung tâm chính sách khu vực của Viện Nghiên cứu kinh tế Nga, cho biết sau việc công nhận độc lập của DNR và LNR, rõ ràng, các khoản chi ngân sách mới sẽ phát sinh. 

Ông nhắc quyết định của Matxcơva đã “trả cho tất cả những người tị nạn từ các nước cộng hòa 10.000 rúp mỗi người, và ngân sách của DNR và LNR rõ ràng từ lâu đã phụ thuộc vào trợ cấp của Nga”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận