Đông Á và Đông Nam Á: Số hổ nuôi gấp đôi hổ tự nhiên

HỒNG VÂN 20/08/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Hổ nuôi nhốt phải sống trong khuôn viên chật chội, để du khách đến chiêm ngưỡng nhưng cũng có nơi chúng được nuôi trong bí mật để đợi người mua trả giá. Từ đây, da, lông, xương, răng và cả bộ phận sinh dục của chúa sơn lâm được tận thu làm thức ăn, đồ trang sức hay làm thuốc.

Một nhà sư cho hổ uống nước ở chùa Wat Pa Luangta Maha Bua, Kanchanaburi, Thái Lan năm 2015. Ảnh: Bangkok Post

 

Nuôi nhốt hổ như gia súc, gia cầm

Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), có khoảng 7.000 - 8.000 con hổ sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Đông Á và Đông Nam Á, chủ yếu ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Số lượng này hơn gấp đôi số hổ hoang dã ngoài tự nhiên - gần 4.000 con. Riêng tại Trung Quốc, có khoảng 5.000 - 6.000 con hổ bị nuôi nhốt. 

Ngoài ra, có nhiều cơ sở nuôi nhốt hổ ở Nam Phi. Có khoảng 5.000 - 10.000 con hổ sống trong môi trường nuôi nhốt như trong sân rộng, vườn thú hoặc vườn thú tư nhân và ở các quốc gia khác. Tại các trang trại hổ, loài mãnh thú này được xem như vật nuôi. Khi còn sống, những con hổ thu hút khách du lịch đến ngắm, thậm chí chụp ảnh tự sướng.

Đặc biệt, những con hổ đột biến, màu lông trắng, luôn hấp dẫn du khách. Để đẩy nhanh tốc độ sinh sản, hổ con bị tách khỏi mẹ khi còn rất bé để con cái động dục sớm hơn. Các khu nuôi nhốt hổ công khai được quảng bá là sở thú hoặc khu bảo tồn. 

Tình trạng khai thác và buôn bán trái phép xương, da và các bộ phận khác của hổ đang diễn ra phổ biến. Xương hổ được chế biến thành cao hổ cốt hoặc đem ngâm rượu trong khi da và răng được dùng trong trang trí và đồ trang sức.

Cao hổ, rượu hổ được cho là giúp người dùng mạnh khỏe, năng lực chăn gối dẻo dai. Một số cơ sở nuôi hổ được cấp giấy phép của cơ quan chức năng và mở cửa cho công chúng tham quan. Chúng bị đánh thuốc mê để an toàn hơn khi tiếp xúc với khách du lịch... 

Tại Trung Quốc, công viên hổ Siberia Cáp Nhĩ Tân là một trong những nơi nuôi hổ lớn nhất cả nước với khoảng 1.000 con hổ trong khuôn viên rộng khoảng 1 triệu m2. Nơi này thường xuyên đón du khách đến tham quan. Tại Thái Lan, chùa Wat Pha Luang Ta Bua được gọi là "chùa Hổ" vì các nhà sư ở đây nuôi cả trăm con hổ lớn bé. 

Năm 2016, dưới áp lực từ các nhà bảo tồn, chính quyền Thái Lan đã tịch thu 137 cá thể hổ nuôi nhốt ở nơi đây để tìm cho chúng một mái nhà nhân đạo hơn.

Lịch sử các trung tâm nuôi nhốt hổ có ở Trung Quốc từ giữa những năm 1980, trong nỗ lực làm giảm nạn săn bắt hổ ngoài tự nhiên. Đến khoảng năm 1990, sau quy định cấm mua bán xương hổ ở Trung Quốc, các trại nuôi hổ chuyển đổi thành các công viên tự nhiên có nuôi hổ dành cho khách thập phương.

 Rất nhiều nhà bảo tồn cho rằng những trang trại hổ tương tự như trại heo, trại gà, với mục đích nuôi hổ làm hàng hóa, đã gây ra mối đe dọa cho 3.900 con hổ hoang dã còn lại trong tự nhiên, vốn có nguy cơ bị giết bởi những kẻ săn trộm.

Sự tồn tại của các cơ sở nuôi hổ công khai hợp pháp cũng như bất hợp pháp có thể khiến hổ bị săn trộm, bắt sống để cung cấp cho các khu nuôi nhốt. Việc khai thác hổ nuôi có nguy cơ xóa mờ sự kỳ thị liên quan đến việc sử dụng các bộ phận như da, nanh... hổ, làm suy thoái mục tiêu bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao này.

Hành động mua bán hổ và các bộ phận của chúng trên thị trường quốc tế đã bị cấm từ năm 1987, sau khi các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bỏ phiếu thông qua. Năm 2007, các bên của Công ước CITES thông qua quy định hổ không được nuôi để buôn bán. 

Dù vậy, các trang trại hổ ở một số nước vẫn mọc ra, như trường hợp nuôi nhốt hổ dưới hầm tối trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vừa bị cơ quan chức năng phanh phui trong vào rạng sáng 4-8-2021. Thực tế, nhiều trang trại hổ bất hợp pháp nuôi hổ như gia súc bằng cách xây hầm để lẩn tránh sự chú ý của pháp luật. 

17 con hổ ở Nghệ An đã sống thời gian dài trong điều kiện chuồng trại tăm tối, không được hưởng những quyền sống cơ bản của động vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, xương khớp, tim mạch và ức chế thần kinh.

Du khách tạo dáng chụp ảnh với hổ ở Vương quốc Hổ ở Chiang Mai, Thái Lan. -Ảnh: Adam Dean/ New York Times

 

Hổ nuôi khó thả về tự nhiên

17 con hổ, tang vật của vụ án, đã được gây mê và chuyển đến khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) để chăm sóc, nhưng đã có đến 8 cá thể hổ không bao giờ tỉnh lại. 

Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW), một tổ chức phi lợi nhuận uy tín trong lĩnh vực bảo tồn, nhận định: 8 cá thể hổ bị chết rất đáng tiếc, nhưng không nên để sự việc này ảnh hưởng cuộc chiến chống lại việc mua bán động vật hoang dã rất khó khăn lâu nay tại Việt Nam. 

Với những cá thể đã chết, mong muốn của người dân là chúng được mai táng lành lặn, vẹn nguyên cơ thể sau khi đã sống một cuộc đời bị đối xử tàn tệ. Với 9 cá thể còn lại, hiện rất yếu, cần tìm cơ sở chăm sóc, đảm bảo phúc lợi cho chúng đến cuối đời vì chúng không thể tái thả ra tự nhiên.

Theo SVW, 17 cá thể hổ ở Nghệ An có thể không có hoặc mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên. Do đó, cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không. 

Trong tự nhiên, hổ là một trong những loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Để tồn tại, chúng rất cần có các kỹ năng chạy, săn, rình mồi và bảo vệ lãnh thổ. Mỗi con hổ ở Nghệ An nặng từ 250 - 300kg, bằng chứng cho thấy chúng bị thừa cân. Việc tái thả những cá thể hổ này ngoài tự nhiên, nếu còn sống, sẽ tăng nguy cơ hổ tấn công, gây nguy hiểm cho con người. 

Do không thể tự kiếm ăn, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người trong môi trường nuôi nhốt, hổ sau khi được tái thả có xu hướng tới gần khu dân cư tìm thức ăn là vật nuôi, thậm chí là con người. Hổ được tái thả có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên và các loài động vật khác. Gene lặn suy thoái trong các cá thể hổ sinh ra do giao phối cận huyết có thể tác động và gây nên những biến đổi không mong muốn đối với nguồn gene tự nhiên.

Việc chuyển những con hổ còn sống đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt, có cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp và nhân văn nhất trong thời điểm hiện tại. 

Bên cạnh đó, hoạt động mở cửa cho khách tham quan có thể mang lại nguồn tài chính hỗ trợ việc chăm sóc động vật cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Theo SVW, thực tế không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các cá thể này. Đa số các đơn vị vườn thú và Safari lớn ở Việt Nam đã nhận đủ số lượng hổ trong giới hạn cho phép. Chi phí thức ăn, chăm sóc và đảm bảo môi trường sống phù hợp cho hổ rất cao. 

Đây là gánh nặng lớn với công tác chuyển giao và tiếp nhận các cá thể hổ bị tịch thu. Các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã được quản lý bởi cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cũng không ngoại lệ do đa số các trung tâm diện tích chuồng trại có hạn.

Debbie Banks, trưởng nhóm vận động về tội phạm liên quan đến hổ và động vật hoang dã của tổ chức phi lợi nhuận Environmental Investigation Agency ở London (Anh), cho biết không có cơ sở nuôi nhốt hổ nào từng tái thả hổ trở lại tự nhiên. 

Họ cũng không thể làm được vì các vấn đề về giao phối cận huyết, hổ quen với sự hiện diện của con người và thiếu kỹ năng sinh tồn. Việc nuôi nhốt hổ không góp phần vào việc bảo tồn.

Theo SVW, việc cứu hộ các loài động vật hoang dã cũng là vấn đề không dễ dàng, cần rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực có kinh nghiệm và tinh thần. Các tổ chức bảo tồn, trung tâm cứu hộ cần được san sẻ cũng như giảm áp lực tài chính giúp cho các con vật được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn.

 Cũng trong tháng 8-2021, có 7 cá thể hổ con được lực lượng chức năng tịch thu trong một vụ vận chuyển trái phép vào ngày 1-8 tại Nghệ An đã được chuyển đến chăm sóc tại trung tâm cứu hộ của SVW. 

Các cá thể này khoảng 1 - 1,5 tháng tuổi, uống sữa 6 lần/ngày. Đều đặn sau 4 tiếng, các nhân viên chăm sóc và bác sĩ thú y của SVW lại cho hổ con uống 100ml sữa. Trung bình một ngày, 7 em bé hổ này uống hết 1kg sữa bột, tốn gần 1,2 triệu đồng. 

Phạt đến 15 năm tù

Theo điều 244 Bộ luật hình sự, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm: Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tùy theo hành vi vi phạm, số lượng cá thể bị vi phạm... có thể bị phạt đến 15 năm tù, phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến 15 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận