TTCT - Trong ký ức tập thể của Liên Xô, tầm quan trọng của Thế chiến II hơn hẳn các nơi khác... Xe tăng Matilda của Anh được chuyển giao cho Liên Xô theo chương trình Lend-Lease. Ảnh: rferl.orgNgày 9-5 hằng năm là lễ kỷ niệm chiến thắng Quốc xã Đức. Cũng như ngày kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandy (6-6-1944), đây là dịp các lãnh đạo Mỹ, Nga, Anh, Pháp gặp nhau, cùng các cựu chiến binh Thế chiến II. Tại Matxcơva ngày 9-5 là ngày diễu binh truyền thống, vì khối Trục trong thế chiến đã gây thiệt hại nhiều nhất cho Liên Xô. Nước này mất khoảng 10 triệu lính và 5-10 triệu thường dân. Để so sánh, Hoa Kỳ mất 407.000 lính và 1.200 thường dân, Anh mất 383.000 lính và 67.000 thường dân, Pháp mất 210.000 lính và 390.000 thường dân vì bị chiếm đóng. Vì vậy, trong ký ức tập thể của Liên Xô, tầm quan trọng của Thế chiến II lớn hơn hẳn các nơi khác.Năm nay, 77 năm sau 1945, số cựu chiến binh còn sống sót chẳng bao nhiêu vì họ ngót nghét đã trăm tuổi cả. Với lại 2022 có một thay đổi lớn. Anh, Pháp, Mỹ và NATO nay chẳng những từng có một kẻ thù cũ mà đang có thêm một kẻ thù mới, là Nga. Đúng ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật và chương trình cho nước ngoài thuê-mướn vũ khí (Lend-Lease Act). Nước được hưởng luật mới là Ukraine, trợ giúp quân sự ở tầm 33 tỉ USD để chống lại kẻ thù mới của họ và Tây phương là Nga.Với Ukraine, đây là số tiền lớn, bằng 1/4 tổng sản lượng cả nước (2020 là 121 tỉ USD). Trong số 33 tỉ này, 20 tỉ là quân viện. So với quỹ quốc phòng của Ukraine (2021 là 5,9 tỉ) thì đây là con số khổng lồ. Riêng phần này đã tăng quỹ quốc phòng Ukraine lên hơn gấp ba. Ngay cả so với quỹ quốc phòng của Nga (2021 là 65,9 tỉ), đó cũng là một con số lớn.Nhưng 33 tỉ này là dự tính đường dài. Giai đoạn 2014-2022 Ukraine thật ra đã nhận được 6,4 tỉ USD quân viện của Mỹ, và từ ngày 9-3 đến nay nhận thêm 13,6 tỉ nữa. Như ông Biden phát biểu, tương quan giữa chiến xa Nga tại Ukraine và vũ khí chống chiến xa do Hoa Kỳ trang bị là 1:10, tức Nga gửi một chiến xa thì Mỹ gửi 10 vũ khí chống chiến xa. Tên gọi của chương trình viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ, Lend-Lease Act, mang nhiều ý nghĩa, đầu tiên là gợi lại nỗ lực chống phát xít 80 năm về trước.Trong thập niên 1930 và thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách viện trợ và can thiệp quân sự của Mỹ bị đạo luật trung lập (Neutrality Act) chi phối hoàn toàn. Luật này cấm Hoa kỳ bán chịu (trả góp) vũ khí hay cho nước ngoài đang lâm chiến vay tiền. Đạo luật cho thuê và mướn mới (Lend-Lease) năm 1941 dưới chính quyền Tổng thống Franklin Roosevelt cho phép hành pháp Mỹ thoát khỏi cái ách trên và vô tư giúp đồng minh tại châu Âu cũng như trên thế giới. Giai đoạn 1941-1945, chương trình này tiêu hết 50 tỉ USD, tương đương 730 tỉ USD ngày nay. Con số này là 17% của quỹ quốc phòng Mỹ trong 4 năm thế chiến!Đa số viện trợ, 31,4 tỉ, là cho Anh. Đứng thứ nhì là Liên Xô, nước nhận 11,3 tỉ của Hoa Kỳ để đánh Đức Quốc xã. Trên nguyên tắc, vì gọi là “thuê - mướn” để lách luật trung lập, nên vũ khí quân trang còn lại phải trao trả hay bồi hoàn. Thực tế, Anh được trừ 6,8 tỉ USD vào tiền họ cho Mỹ thuê căn cứ. Số vũ khí phải hoàn được bán rẻ với giá 1 tỉ, kèm lãi 2%, và năm 2006 Anh mới trả hết nợ. Phần Liên Xô, Mỹ đòi hoàn lại 1,3 tỉ nhưng Liên Xô chỉ nhận trả 170 triệu USD. Và mọi chuyện chỉ được dàn xếp sau khi Liên Xô tan rã.Qua luật thuê - mướn này, Mỹ còn giúp các đồng minh khác trong Thế chiến II, như Pháp được 3,2 tỉ USD, Trung Hoa dân quốc 1,6 tỉ (để chống Nhật)... Đạo luật cho tổng thống Mỹ lúc đó toàn quyền sử dụng quỹ và ứng phó tùy nghi lập tức trước mọi tình huống và hoàn cảnh chiến tranh. Luật này còn được ca tụng bởi tuyên truyền và mang hơi hướm tình bạn, đoàn kết, chính nghĩa và chiến thắng. Đó chính là thông điệp mà chính quyền Biden muốn gửi gắm dư luận quốc tế khi đặt cho quân viện Ukraine cái tên lịch sử cũ.Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, hành pháp Mỹ bị giới hạn quân viện cho nước ngoài bởi một số đạo luật nữa, như luật viện trợ nước ngoài (Foreign Assistance Act, 1961), vì đó là đặc quyền của lập pháp trong chế độ tam quyền phân lập. Các luật này rất chi li và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quốc hội.Trong trường hợp khẩn cấp, tổng thống cũng chỉ có thể sử dụng số tiền cho đến 100 triệu USD. Nếu tính bằng tên lửa chống tăng hay đầu đạn đại pháo thì 100 triệu USD đì đoàng có tí là hết. Với Ukraine hồi tháng 4, số 100 triệu này được nâng lên thành 3 tỉ, rồi thêm 5 tỉ ứng trước trong chương trình luật thuê - mướn vừa được lưỡng viện nhanh chóng thông qua: Đạo luật thông qua ở Thượng viện ngày 6-4, Hạ viện ngày 29-4, và được tổng thống ký ban hành ngày 8-5, nhanh cấp kỳ với một khoản chi lớn cỡ đó.Trước khi luật được ban hành, 13,6 tỉ USD đã vui vẻ vượt biên sang Ukraine. Để so sánh, đạo luật bảo hiểm sức khỏe cho người Mỹ nổi tiếng với tên gọi Obamacare không được khẩn trương như thế. Nó mất hai năm bàn cãi 2008-2010 và chỉ được thông qua sít sao, đi vào áp dụng từ 2013 và đã nhiều lần bị đe dọa thu hồi hoặc giới hạn. Do đó có câu thành ngữ Mỹ là: “Ném bom và choảng nhau đi trước, nhập viện và uống thuốc đi sau”.■ Tags: UkraineNgaVũ khíLend-leaseThuê vay
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ngày của phở 12-12: Cả trăm người ăn phở nóng ấm giữa mùa đông vùng cao HỒNG QUANG 12/12/2024 Hàng trăm người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), sáng nay ngồi kín sân trường liên cấp số 1 để thưởng thức những tô phở ấm nóng.
Buôn bán thức ăn đường phố 'bẩn' sẽ bị phạt tới 6 triệu đồng PHẠM TUẤN 12/12/2024 Các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông Trump nói giám đốc FBI từ chức là 'ngày tuyệt vời với nước Mỹ' KHÁNH QUỲNH 12/12/2024 Ông Trump đã bày tỏ thái độ vui mừng trước quyết định từ chức của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 11-12.