​Đray Nur con thác của mình

ĐỖ PHẤN 23/01/2015 20:01 GMT+7

Thật may mắn khi đứng dưới chân con thác Đray Nur cồn cào mà tĩnh lặng cuối mùa mưa. Nước vừa đủ tung bờm trắng xóa trên những tảng đá xếp nếp như ngàn vạn cuốn sách khổng lồ. Mưa vừa đủ suốt cả mùa làm cho núi rừng, cây cỏ biếc xanh in bóng xuống dòng sông Serepok huyền thoại.

 

Dòng sông Serepok đỏng đảnh chảy ngược từ Đắk Nông ra đến Đắk Lắk chia đôi thành hai con thác Đray Nur và Đray Sap (Thác Cái và Thác Đực). Cô hướng dẫn viên người Kinh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Buôn Ma Thuột này dĩ nhiên cũng chỉ biết mô tả nó như bài học ở trường kèm theo một nụ cười tươi tắn đầy tự hào. Thế là quá đủ với du khách.

Đứng dưới chân ngọn thác, tự nhiên người ta thấy mình quá bé nhỏ. Chẳng có lời nào chen nổi vào hùng tráng âm hưởng núi rừng.

Thật ngạc nhiên là khá nhiều khách du lịch Hà Nội còn chưa bao giờ đặt chân đến con thác nổi tiếng chỉ cách Hà Nội chừng hơn 300 cây số. Thác Bản Giốc thuộc tỉnh Cao Bằng.

Ngạc nhiên hơn nữa, thác Bản Giốc giờ này vẫn chỉ là một con thác hoang sơ trong rừng sâu, ngoài cái khách sạn vừa được Saigontourist đầu tư xây dựng, chưa có bất kỳ đầu tư du lịch gì đáng kể ở đây. Một quán ăn tư nhân có cách phục vụ vượt xa tưởng tượng của du khách về độ cẩu thả. Đại khái luộc cho con gà, chặt to xếp đại lên chiếc đĩa mẻ. Hỏi xin lá chanh, lườm. Xin ớt tươi, lườm. May mà còn con thác khổng lồ tuyệt mỹ xua tan đi cái bực mình không đáng có.

Nét hồn nhiên của trẻ em Tây nguyên - Tiến Thành

Thác Đray Nur không lớn bằng thác Bản Giốc nhưng hệ thống dịch vụ ở nơi này tương đối hoàn chỉnh, đẹp đẽ. Hơn 50 bậc thang từ trên khu vườn rộng lớn dẫn xuống tận chân thác được xây bằng ximăng rắc sỏi nhỏ chống trơn. Người già thảnh thơi thả bước không hề lo sợ.

Lũ trẻ nghịch ngợm tha hồ nghiêng ngả giơ hai ngón tay chụp ảnh “tự sướng” rất an toàn. Dưới chân thác là bãi đá “thạch thư” huyền bí như những tấm phản khổng lồ xếp lớp. Những cây dây leo thả chùm rễ dài hàng chục mét xuống mặt nước trong xanh. Vài cây cổ thụ có bộ rễ bám vào vách đá như trăm ngàn mạch máu của núi.

Thanh bình - Tiến Thành

Trên bãi đất bằng phẳng người ta mắc vài chiếc ghế đu thả dây từ trên cành cao xuống gần mặt đất. Chỉ tiếc rằng bãi tắm bây giờ đã bị rào kín lại bởi thác nước tạo thành những vực xoáy khá mất an toàn.

Có vài truyền thuyết ở con thác Đray Nur đều kể về những mối tình bất thành hoặc chia ly và đều đi đến kết luận rằng trai gái yêu nhau nếu như được tắm chung trên dòng thác này thì tòa xử ly hôn sẽ hết việc để làm. Hay chính vì thế mà người ta bây giờ cũng không nỡ sắm thêm vài bộ áo phao cho du khách đôi lứa thuê để tắm?

Bên những chiếc chuông gió đặc trưng - Thanh Tuấn

Với người già đi du lịch nơi này thì chuyện hợp tan tan hợp hầu như đã rõ cả rồi. Không ai nghĩ đến chuyện tắm táp làm gì nữa. Đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ trước con thác dốc xuống từ trời tung bụi trắng xóa là cảm thấy chẳng còn hạnh phúc nào bằng.

Hạnh phúc được nhân lên gấp bội còn bởi Đray Nur là con thác của mình. Hoàn toàn thuộc về mình. Nó nằm ngay bên cạnh thành phố Buôn Ma Thuột sầm uất, có thể đến bất cứ lúc nào chỉ bằng một cuốc xe ngắn.

Đray Nur cuối mùa mưa, khu vườn vắng lặng với những lối đi lát đá phiến lớn. Những vạt hoa dại mọc lên từ vệ cỏ trổ bông ngũ sắc. Những lùm dương xỉ xanh um dưới chân những tảng đá lớn trong vườn. Vòm lá trong veo lọc nắng lốm đốm trên mái chuồng chim bồ câu.

Du khách xúm xít bên những quầy bán đồ lưu niệm. Những món đồ gỗ quý tạo tác mộc mạc đậm chất Tây nguyên. Những chiếc chuông gió làm bằng ống trúc phát ra âm thanh trầm đục khoan nhặt của đàn t’rưng. Những con voi gỗ bóng lọng với cặp ngà trắng muốt. Khách hồ hởi xách ra những túi lớn đựng đồ mua được. Thật lạ. Những món đồ ấy bày bán đầy ở Hà Nội mà chẳng bao giờ có ai ngó ngàng.

 

Cùng vui với điệu nhạc Tây nguyên bên ché rượu cần

Vị đắng Tây nguyên

Đến Tây nguyên, thưởng thức món ăn ở đây du khách sẽ phát hiện vị đắng rất đặc trưng. Có lẽ do cuộc sống gắn với sông nước và đại ngàn lộng gió quanh năm đã làm nên sự khác biệt này.

Người Ê Đê dùng trái cà đắng mọc tự nhiên trong rừng, thân và lá có gai, trái nhỏ có vị đắng đậm. Trước đây đồng bào bản địa thường kho cà đắng với cá khô hoặc thịt gà nuôi dưới sàn nhà hay thả trong rẫy. Ngày nay thường gặp trong quán ăn, nhà hàng món ếch (hoặc lươn) um cà đắng. Vị ngọt thơm của thịt ếch, thịt lươn như có cả vị sông nước quê nhà, vị đắng của cà, cay cay của ớt mang cả nắng gió núi rừng cho thực khách tận hưởng.

Một món ăn mang đậm phong vị Tây nguyên khác là rau rừng. Đây là loại cây rừng được người Ê Đê dùng như một loại rau. Có hai loại, một loại lá có màu đỏ tía, cuống và thân màu tím, một loại thân và lá có màu xanh, thường luộc chấm mắm để giữ vị đắng có chút ngọt thanh và hương vị núi rừng của loại rau này.

Lẩu cá lóc là một món quà khác của Đắk Lắk được du khách ưa chuộng. Ngoài cá lóc, măng rừng, khổ qua rừng xắt lát mỏng nấu với lẩu hoặc ăn sống. Đây là loài cây rừng giống với khổ qua (mướp đắng) người Kinh vẫn dùng nhưng trái nhỏ hơn, vị đắng đậm hơn. Khi ăn lẩu cá lóc, trong rổ rau còn có vài đọt mây. Đó là phần ngọn của sợi mây trong rừng, bóc bỏ lớp ngoài để lấy lõi non bên trong. Chỉ để ai thích thì ăn kèm vì rất đắng.

Lê Quang Thọ

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận