Dư chấn Snowden

DUY VĂN 05/09/2013 06:09 GMT+7

TTCT - “Internet kết thúc rồi!” - Pamela Jones đã buồn bã thốt lên như thế khi quyết định đóng cửa trang tin pháp luật Groklaw.net của mình. Và đó chỉ là một trong “những cái chết bất ngờ” - hệ quả của vụ cựu nhân viên NSA Edward Snowden lộ mật thông tin về chương trình nghe lén PRISM của Chính phủ Mỹ.

Rắc rối Snowden
Vì sao Mỹ Latin “dám” nhận Snowden?

Phóng to
Gwendolen Morgan, luật sư của Miranda, phát biểu trước báo giới bên ngoài tòa tối cao Anh hôm 22-8 - Ảnh: RT

Ngày 8-8, Công ty dịch vụ thư điện tử mã hóa Lavabit LLC mà Edward Snowden từng sử dụng đã bất ngờ đóng cửa. Nguyên nhân, theo ông chủ Lavabit Ladar Levison, “vì công ty không muốn cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng và những nội dung trao đổi của họ”, theo yêu cầu của nhà đương cục Mỹ.

Levison nói đã nhận được một trát tòa của liên bang nhưng bị cấm tiết lộ chi tiết, mặc dù các chuyên gia cho rằng đây là yêu cầu ông hợp tác với chính quyền Mỹ trong cuộc điều tra Edward Snowden.

“Tiếng hét” của Levison

Đây là trường hợp đầu tiên một công ty chọn đóng cửa thay vì “hợp tác” với chính quyền. “Tôi buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn: trở thành người thông đồng với những tội ác chống lại công dân Mỹ, hoặc đóng cửa Lavabit và bằng cách đó gạch bỏ 10 năm miệt mài lao động” - Levison tuyên bố trong một trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia Today (RT) Mỹ. Được biết, có khoảng 350.000 người đang sử dụng dịch vụ của Lavabit.

Nửa tháng sau khi quyết định đóng cửa, Levison cho biết đang có kế hoạch đấu tranh để tạo ra một tiền lệ cho việc các nhà cung ứng dịch vụ Internet có quyền từ chối trao thông tin khách hàng cho chính quyền. Nguyên văn phát biểu của Levison: “...Tôi sẽ tiếp tục đứng trên bục của mình và hét to đến mức nào có thể cho đến khi được lắng nghe. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho một tiền lệ mạnh mẽ, qua hệ thống tòa án và tôi sẽ tiếp tục vận động hành lang để quốc hội thay đổi những đạo luật (liên quan)”.

Levison cũng cho biết đang tìm hiểu khả năng chuyển công ty ra nước ngoài, mặc dù không biết bước đi này có bảo đảm an toàn cho các khách hàng của mình khỏi bị Mỹ do thám hay không.

Ladar Levison cho rằng hầu hết những nhà dịch vụ Internet Mỹ đều phải cho chính quyền tiếp cận thông tin của người sử dụng, là bởi “họ không thể từ chối. Thậm chí họ không thể nói cho ai chuyện đó. Vì vậy, nếu bạn phó thác dữ liệu cá nhân mình cho công ty nào đó thì hãy hiểu là nếu (trước đây) chính quyền đã không hỏi thăm và yêu cầu họ cung cấp thông tin thì có thể điều đó sẽ xảy ra trong tương lai”.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Lavabit, Jon Callas, người sáng lập dịch vụ email bảo mật chuyên phục vụ khách hàng cách thức mã hóa các thư điện tử - Silent Circle, cũng tuyên bố “đóng cửa là giải pháp tốt nhất”.

Phil Zimmermann, người lập ra hệ thống mã hóa của Silent Circle, cho biết: Silent Circle đã thiết kế một hệ thống mà người sử dụng không chia sẻ các chìa khóa mật mã cho máy chủ, nên nếu nhà cầm quyền yêu cầu Silent Circle cung cấp thông tin khách hàng trao đổi thì họ không thể nào đáp ứng!

Hai tuần sau sự ra đi của Lavabit và Silent Circle, đến lượt Groklaw.net, một website tin tức luật pháp từng đoạt nhiều giải thưởng nhờ đưa tin về những khía cạnh kỹ thuật của tòa án suốt một thập niên qua, cũng bỏ cuộc.

Trong bài viết chia tay người sử dụng trên Groklaw.net, người sáng lập trang web Pamela Jones cho biết đã hành động như vậy sau khi thăm dò ông chủ Lavabit, “người nói với chúng tôi là ông ấy đã ngừng sử dụng email và bảo nếu chúng tôi biết điều ông ấy biết, có lẽ chúng tôi cũng sẽ không dùng (email) nữa” mà theo Jones, “không có cách nào duy trì Groklaw mà không xài email. Vấn đề hóc búa là ở đó”.

Quyết định đóng cửa Groklaw, Pamela Jones nói: “Thời buổi này thực tế một chút cũng tốt”.

Phóng to
Nhà báo Mỹ Greenwald (trái) và bạn trai David Miranda tại sân bay Rio de Janeiro - Ảnh: Reuters

Cuộc so kè Miranda

“Sự thật đơn giản là cho dù động cơ có tốt đến đâu trong việc thu thập và sàng lọc tất cả mọi thứ chúng ta nói cho nhau, và cho dù chúng ta “trong sạch” đến đâu từ quan điểm của những người sàng lọc thì tôi cũng không biết làm việc như thế nào trong không khí đó... Không có lá chắn nào cho việc bị bóc trần”.

Pamela Jones

Nhưng việc các trang thư điện tử hoặc tin tức lần lượt rủ nhau rời khỏi cuộc chơi chỉ là một hệ quả nhỏ của “vụ Snowden”. Một hậu quả lớn hơn đang được nhắc tới những ngày này là vấn đề tự do báo chí, qua việc bạn trai của nhà báo Guardian Glenn Greenwald, công dân Brazil 28 tuổi David Miranda, bị cảnh sát Anh tạm giữ và thẩm vấn suốt chín giờ tại sân bay Heathrow và tịch thu tất cả thiết bị điện tử hôm chủ nhật 18-8 (Guardian là tờ báo Anh, cùng với tờ Washington Post ở Mỹ, đưa thông tin về vụ Snowden.

Glenn Greenwald là luật sư, nhà bình luận chính trị Mỹ, viết cho Guardian từ tháng 8-2012. Glenn Greenwald là người làm việc với cựu nhân viên NSA Edward Snowden, xử lý những thông tin Snowden chuyển cho để đăng một loạt bài viết trên Guardian tiết lộ chương trình nghe lén PRISM của Washington và cách thức chia sẻ thông tin này giữa Mỹ với Anh, Đức...).

Trở về nước hôm 19-8, Miranda đã cáo buộc chính quyền Anh “lạm dụng quyền lực”. Luật sư của Miranda yêu cầu xác định việc tịch thu các thiết bị điện tử của Miranda là hợp pháp và đòi những dữ liệu bị tịch thu phải được bảo vệ theo phán quyết của tòa. Cảnh sát London sau đó thông báo các dữ liệu họ tịch thu bao gồm những thông tin “nhạy cảm cao” mà việc lộ mật có thể “làm nhiều mạng người bị đe dọa”.

Như để đáp lại vụ bắt giữ và tịch thu thiết bị điện tử này, ngày 19-8 tổng biên tập tờ Guardian Alan Rusbridger đã công bố trên website tờ báo cách hành xử của London với Guardian.

Alan Rusbridger kể sau loạt bài của Guardian, một quan chức cao cấp mà Alan Rusbridger giấu tên đã nói với ông: “Các ông đã nhận được cái mình cần. Giờ hãy trả chúng lại cho chúng tôi”. Alan từ chối. Những ngày sau đó, hai quan chức của Trung tâm Thông tin của Chính phủ Anh (GCHQ - tương tự NSA của Mỹ) đã tới tòa soạn phá hủy ổ cứng của hai máy tính lưu thông tin Snowden cung cấp.

Trong một trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Spiegel, tổng biên tập Alan Rusbridger cho biết ban đầu, sau khi tờ báo đăng tải loạt bài về Snowden, Guardian và các quan chức Chính phủ Anh đã có “cuộc nói chuyện chân thành”, nhưng bất ngờ về sau London lại thay đổi thái độ và quyết định dùng đến pháp luật, điều mà Rusbridger cho rằng có thể do sự chia rẽ trong chính quyền Anh.

Rusbridger cho biết ông cũng lường trước điều này nên đã “có thỏa thuận với phía Mỹ”, và có thể ông sẽ không tiếp tục đăng tải thông tin từ London mà sẽ đưa tin từ ngoài nước Anh. Và đúng vậy. Ngày 23-8, Guardian thông báo do sức ép từ phía London, họ đã chuyển một phần dữ liệu mật mà Snowden trao sang cho tờ New York Times, bởi báo giới Mỹ được tu chính án 1 Hiến pháp Hoa Kỳ lần thứ nhất bảo vệ, bảo đảm quyền tự do ngôn luận.

Cách hành xử của London đang đặt vấn đề về tự do báo chí trên toàn thế giới nói chung và trong hệ thống luật pháp Anh nói riêng. Ngày 21-8, Hội đồng châu Âu (EC) trụ sở tại Strasbourg cũng đã chỉ trích London về cách hành xử với tờ Guardian. Trong một thư ngỏ gửi Bộ trưởng nội vụ Anh Theresa May, tổng thư ký EC Thorbjoern Jagland viết: “Những biện pháp này, nếu xác minh là đúng như vậy, có thể có hậu quả khủng khiếp đối với quyền tự do ý kiến của nhà báo... được Công ước châu Âu về nhân quyền bảo đảm”.

Daniel Holtgen, giám đốc thông tin của EC, trả lời trên kênh RT Mỹ hôm 22-8 đã nhấn mạnh cụm từ “hậu quả khủng khiếp” được EC dùng để nói về cách hành xử của nhà cầm quyền Anh, trong khi thuật ngữ này trước đây thường được sử dụng cho những nước có “thành tích” nhân quyền kém cỏi và “hiếm khi chúng tôi dùng từ này ở một nước châu Âu”. Thế nhưng lần này EC đã làm một ngoại lệ, bởi vì “điều cơ bản là chúng ta phải có cùng chuẩn mực”.

Ông đặt câu hỏi: nếu bạn của nhà báo Glenn bị thẩm vấn ở Matxcơva, hay nếu một tờ báo Nga phải hủy ổ cứng của nó thì báo chí phương Tây sẽ nói gì về nước Nga?

Cũng trong ngày 22-8, tòa tối cao Anh phán quyết nhà cầm quyền Anh được quyền rà soát các thiết bị điện tử của Miranda trong vòng một tuần, tới ngày 30-8. Nếu quả thật những thông tin này “nguy hiểm” như cảnh sát Anh nói thì họ sẽ xem xét liệu Miranda có phạm tội mang những thông tin mật, tiếp tay với khủng bố hay không.

Rõ ràng, việc Miranda bị thẩm vấn trong sân bay Heathrow và việc hủy ổ cứng trong tầng hầm báo Guardian cho thấy nhà đương cục Anh thật sự nghiêm túc về cuộc chiến tranh thông tin vừa bắt đầu.

Trong khi đó, dư chấn của vụ Snowden có vẻ ngày càng khó kiểm soát. Chẳng hạn, ngày 23-8 tờ The Independent tiết lộ mật vụ Anh đã lập một trạm giám sát bí mật ở Trung Đông - một phần trong dự án theo dõi trị giá 1,5 tỉ USD, có mật danh “Tempora” của chính quyền Anh - để chặn bắt những thông tin trao đổi của cư dân khu vực này trên Internet và điện thoại. Thông tin sau đó được chuyển về trụ sở GCHQ ở Cheltenham, cơ quan này về sau sẽ được chia sẻ với NSA (Mỹ).

Tuy những thông tin đăng trên The Independent không dẫn nguồn, nhưng trong bối cảnh hiện nay, độc giả dễ lầm tưởng đây là những thông tin nằm trong những hồ sơ Snowden cung cấp cho Guardian và Washington Post. Nên ngay trong ngày, Guardian nói rõ thông tin mà Independent đăng tải “không phải là từ nguồn Snowden”.

Guardian dẫn lời Snowden khẳng định cựu nhân viên NSA này “không hề nói chuyện cũng như làm việc với Independent”. Nhà báo Glenn Greenwald lập luận có thể chính London đã chủ ý tuồn thông tin này để tạo dư luận rằng những điều Guardian và Washington Post tiết lộ là nguy hiểm, rằng các tờ báo này đã rò rỉ thông tin cho những tờ báo khác!

Có vẻ cuộc chiến tự do thông tin nay có nguy cơ đan xen với một cuộc chiến khác: cuộc chiến truyền thông.

___________

Nguồn:
http://rt.com/usa/silent-circle-shutdown-lavabit-300/
http://www.independent.co.uk/news/uk/politics/exclusive-uks-secret-mideast-internet-surveillance-base-is-revealed-in-edward-snowden-leaks-8781082.html
http://www.spiegel.de/international/world/the-cozy-relationship-between-britain-and-its-intelligence-apparatus-a-917689.html
http://www.theguardian.com/commentisfree/2013/aug/23/uk-government-independent-military-base

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận