TTCT - Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỉ người, đồng thời là nước có lượng du học sinh hùng hậu nhất toàn cầu. Dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đầu năm nay đã làm đảo lộn cuộc sống du học cũng như kế hoạch du học của nhiều học sinh sinh viên nước này. Du học sinh vị thành niên Trung Quốc được đón về nước. Ảnh: 163.com Theo số liệu năm 2018, Trung Quốc có 660.000 du học sinh, tăng 8,8% so với năm 2017, dự báo năm 2019 con số này là khoảng 700.000 người. Theo tạp chí Nam Phong Song, hiện Trung Quốc có hơn 120.000 du học sinh ở Anh, 200.000 du học sinh ở Úc, 400.000 du học sinh ở Mỹ. Căng mình học online Giữa tháng 3 khi Mỹ đóng cửa trường học, Hồ Duyệt, sinh viên năm 1 Đại học California, nhắn tin cho mẹ: “Giờ không phải vấn đề ở Mỹ có an toàn hay không, mà là đa số sinh viên đều về nhà, sân trường vắng lặng như một thành phố ma”. Trường khuyến nghị sinh viên không nên về ký túc xá và nên về nhà, nhưng học sinh quốc tế biết đi đâu bây giờ? Chính vì vậy hàng trăm ngàn du học sinh người Trung Quốc đã về nước tránh dịch bằng mọi giá, với giá vé cao ngất ngưởng. Về nước đồng nghĩa với việc phải học online. Tuy nhiên, khác với việc học online của học sinh trong nước, du học sinh người Trung Quốc khá vất vả vì phải học online theo giờ các nước Âu - Mỹ. Lâm, du học sinh năm 3 Đại học Melbourne (Úc), than thở vì ở trong nước mà phải sống theo giờ Úc. Khi chọn môn hồi tháng 2, Lâm toàn chọn các môn học vào 8 giờ sáng để khỏi ngủ nướng. Giờ thì Lâm phải lọ mọ dậy lúc 4 giờ sáng để học, đến trưa lại phải dự các lớp buổi chiều. Không chỉ lệch múi giờ, sinh viên Trung Quốc về nước cũng gặp vấn đề về đường truyền Internet. Có hôm giáo sư giảng bài một nửa thì “mất tích”, giáo sư khác thì yêu cầu sinh viên tắt micro, tắt camera để tránh quá tải. Căng thẳng nhất là thi online mà Internet không ổn định. Đó là chưa kể chương trình học online nặng hơn nhiều so với học trên lớp. Lisa chia sẻ trên tờ Tân Kinh Báo, nhiều môn học 80 phút giờ rút lại còn 30 - 60 phút. Nội dung học không thay đổi nhưng không được trao đổi kịp thời với giáo viên về những vấn đề không hiểu, nên em cần thêm nhiều thời gian để tra cứu. Bảo lưu hoặc từ bỏ du học Một số du học sinh không thích ứng với việc học online đã có kế hoạch bảo lưu nửa năm. Từ, sinh viên năm 2 Đại học Melbourne, sau khi về nước thì Úc đóng cửa biên giới, nên tạm thời không quay lại trường. Từ cho biết không có hứng thú học online ở nhà, đường truyền lại yếu, nên quyết định không học online, chuẩn bị đến hè và học kỳ sau học bù. Một số du học sinh khác thì quyết định không đi du học nữa như Harry, du học sinh ở Ý đang theo học tại Học viện Istituto Marangoni. Mặc dù biết tin Ý quyết định mở cửa trở lại từ ngày 4-5, nhưng Harry đang có ý định sẽ học tiếp năm cuối tại cơ sở đào tạo ở Thượng Hải. Sau khi về nước từ tháng 4, hằng ngày Harry phải thức khuya để học online. Dù học như vậy rất bất tiện nhưng Harry cho rằng quay lại trường lúc này vẫn chưa yên tâm. Nhã Lệ (Bắc Kinh), sinh viên năm 2 Đại học Syracuse (New York, Mỹ), đã về nước khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ nghiêm trọng, cho biết sẽ tham gia kỳ thi đại học trong nước. Theo Đài phát thanh - truyền hình Lang Phường (Hồ Bắc), Trường Tinh Hoa chuyên luyện thi đại học ở Bắc Kinh gần đây nhận được nhiều cuộc gọi từ những phụ huynh có con đang lưu học nhờ tư vấn về việc cho con về nước học đại học. Tuy nhiên do đã hết thời gian đăng ký kỳ thi đại học năm nay, nên các lưu học sinh phải ôn thi lại kiến thức để sang năm thi. Triệu Hùng Khải, hiệu trưởng Trường Tinh Hoa, cho biết hằng năm trường đều nhận được điện thoại tư vấn về nước luyện thi tham gia kỳ thi đại học của lưu học sinh. Như em Tôn, sinh viên năm 1 ở Anh, sau khi nhập học do không thể hòa nhập cuộc sống cũng như không thích ứng với chương trình học, đã phải nghỉ học về nước thi đại học. Sau 8 tháng ôn thi, Tôn đã thi đậu vào Trường đại học Nông nghiệp. Du học sinh Trung Quốc trong buổi lễ tốt nghiệp ở Đại học Columbia Mỹ năm 2016. -Ảnh: Getty Images Kế hoạch du học thay đổi Dịch bệnh khiến việc tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ bị hủy, trường đại học thì hoãn ngày khai trường, chuyển sang hình thức học online, con đường du học của nhiều người trở nên cam go hơn. Giang Tuấn Vinh đang học lớp 11 chuẩn bị xin du học khóa mùa thu ở Mỹ. Em chuẩn bị thi SAT vào 3 đợt, tháng 3, tháng 6 và tháng 10. Nhưng kỳ thi chứng chỉ SAT vào tháng 6 bị hoãn, Trung Quốc bổ sung kỳ thi tháng 9 nhưng chưa có ngày thi chính thức. Dù một số trường ở Mỹ đã thông báo không bắt buộc phải có chứng chỉ SAT/ACT, Giang Tuấn Vinh vẫn chuyển sang ôn thi ACT, điều đó có nghĩa em phải chuẩn bị lại từ đầu. Điền Minh Ngọc cũng vừa nhận được thông báo nhập học Đại học Quốc gia Singapore, mỗi ngày em đều cầu nguyện để không phải học online, bởi “du học mà không được trải nghiệm trong môi trường quốc tế, giao lưu trau dồi tiếng Anh thì tiếc lắm”. Annie đã nhận được thông báo nhập học thạc sĩ ở Hà Lan vào tháng 9, nhưng giờ có hai lựa chọn: ở nhà học online, hoặc bảo lưu đến năm sau. Vì muốn trải nghiệm cuộc sống du học ở Hà Lan, Annie đã quyết định bảo lưu 1 năm. Hồng Lộ, sinh viên năm cuối Đại học Bắc Kinh, đã xin được cơ hội thực tập tại Liên đoàn thể thao Đại học Quốc tế (FISU) ở Thụy Sĩ, nhưng giáo viên bên FISU nhắn “hãy đợi thông báo”. Hồng Lộ từng cảm thấy rất tiếc khi không được đi Thụy Sĩ thực tập, nhưng sau khi nghe tin người bạn tốn 60.000 tệ (210 triệu đồng) để mua vé máy bay về nước tránh dịch, cô lại cảm thấy mình may mắn. Năm sau sẽ khó khăn Năm 2019, khi Mỹ siết chặt chính sách visa cho du học sinh Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một số học sinh đã không thể nhập học đúng hạn vì quy trình xét duyệt quá dài. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết trong quý 1 năm 2019, số người du học Mỹ đã giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Mỹ thì năm học 2018 - 2019, du học sinh Trung Quốc tăng 1,7%, mức tăng thấp nhất trong vòng mười mấy năm qua. Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ dự báo số sinh viên nhập học đại học Mỹ ở 6 tháng cuối năm sẽ giảm 15%, trong đó sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 25%. Hội đồng Anh cũng dự báo chỉ có 1/4 du học sinh Trung Quốc tiếp tục có kế hoạch du học Anh vào năm 2021. Ô Quyên, giám đốc Công ty đào tạo du học Hoa Anh Thành Đô, chia sẻ trên tờ Thành Đô Thương Báo, dịch bệnh khiến nhiều phụ huynh thay đổi quan niệm du học, nhưng do áp lực cạnh tranh việc làm, chỉ tiêu tuyển sinh các trường nổi tiếng, những người từ bỏ kế hoạch du học thực tế không nhiều. Theo điều tra của Hiệp hội ngành dịch vụ tư vấn du học Bắc Kinh, có đến 90% học sinh không chấp nhận chương trình học trên lớp chuyển thành học online. Ý định du học của bộ phận học sinh đã thay đổi, theo hiệp hội này thì nhu cầu du học giảm khoảng 30%. Tuy đa số học sinh vẫn đang chờ đợi, xem xét tình hình, hiệp hội này tin rằng nhu cầu du học sẽ hồi phục khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát. Tân Kinh Báo dẫn lời hiệp hội này nhận định cạnh tranh tuyển sinh du học khóa mùa thu năm 2021 sẽ rất cao, vì nhiều học sinh đã hoãn thời gian nhập học sang năm sau, những người này sẽ chiếm dụng chỉ tiêu tuyển sinh của năm học tiếp, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm tương đối ổn định. Vì vậy tình hình du học năm 2021 của học sinh sinh viên Trung Quốc sẽ còn thêm rất nhiều khó khăn.■ Du học sinh vị thành niên Trong hơn 40 vạn du học sinh Trung Quốc ở Mỹ, có nhiều người còn vị thành niên. Tân Kinh Báo dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu giáo dục, tài chính, khoa học Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) cho biết số học sinh tiểu học, trung học du học Mỹ từ 1.000 người năm 2006 đã vọt lên 33.000 người năm 2016, và con số này đang không ngừng tăng. Tháng 3, khi Anh đóng cửa trường học, nhà trọ không muốn tiếp nhận lưu học sinh vị thành niên, khiến nhiều du học sinh vị thành niên Trung Quốc bị kẹt lại. Hàng trăm phụ huynh ký tên cầu cứu chính quyền Trung Quốc đón con em họ về nước, chi phí do phụ huynh chi trả cho mỗi học sinh từ 40.000 - 70.000 tệ. Đầu tháng 4 đã có 2 chuyến bay chở những học sinh vị thành niên ở Anh về nước, có một em nhỏ nhất mới 5 tuổi. Đầu tháng 5, một chuyến bay khác từ New York đã chở những du học sinh vị thành niên Trung Quốc về nước. Mặc dù có người giám hộ, nhưng phụ huynh du học sinh vị thành niên đều lo lắng cho con. Đầu tháng 3, cô Lưu, người có con du học Mỹ, đã gia nhập 10 nhóm WeChat, từ nhóm phụ huynh trong nước, nhóm đồng hương đến nhóm thuê chuyên cơ... Cô sợ con gặp khó khăn khi ở đất khách quê người, mặt khác do thiếu thông tin chính xác, những thông tin trên mạng càng khiến cô ăn ngủ không yên nên quyết tâm đưa con về nhà bằng mọi giá. Tags: Trung QuốcDu học sinh1Du học Mỹ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.