Du lịch ẩn cư - một hướng mới được ưa chuộng

LÊ MINH NGUYỄN (BỈ) 28/05/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Đi tìm nơi ẩn nấp sự đời là một phân khúc rất nhỏ của du lịch luxury hiện đại - tạm gọi là du lịch ẩn cư (isolation holidays), đang ngày càng phát triển và ưa chuộng.

Khu bảo tồn Manyara Tree Lodge, Nam Phi. Nguồn: AndBeyond

 

Hơn bốn thập niên trước, Santa Caterina là “nơi ẩn náu” của cặp tài tử lừng danh Elizabeth Taylor - Richard Burton để tránh né sự săn lùng của báo chí. 

Brad Pitt - Angelina Jolie thuở còn mặn nồng, muốn thoát khỏi đám đông hiếu kỳ cũng “trốn” đến Santa Caterina để tìm sự riêng tư, yên bình. 

Đến “nấp” ở Santa Caterina, có thể kể thêm những tên tuổi như Churchill, Caruso, Pavarotti… Ngay cả gia đình tổng thống Clinton thời đương chức cũng tìm đến đó. 

Santa Caterina là khách sạn nổi tiếng bậc nhất ở Ý, có từ thế kỷ 19, nhưng không nổi tiếng vì xa hoa lộng lẫy như những nơi lưu trú sang trọng ở Rome, Florence hay Venice…

 Santa Caterina nằm trên mỏm đá chênh vênh lặng lẽ, khuất nẻo của vùng biển Almafi. Chính do sự biệt lập mà Santa Caterina thích hợp làm chỗ “ẩn nấp” của những hào quang muốn rời xa thế sự, đi tìm khoảnh khắc yên tĩnh cho tâm hồn.

Đội ngũ nhân viên ở đây hơn 100 năm qua vẫn duy trì phong cách và dịch vụ đặc trưng của khách sạn: trầm lặng, kín tiếng và “vô hình”.

Có nghĩa gì khi thời gian trôi thật chậm…

Hơn bao giờ hết, lợi ích phục hồi tâm hồn của du lịch ẩn dật và chậm rãi là vô giá. Là môn đồ nhiệt thành của những chuyến đi rùa bò, đến những nơi u tịch, một trong những câu hỏi mà tôi thường nhận được nhất là: "Có thấy chán và lạc lõng khi lên núi cao, vào sa mạc, hay ở một mình trên một hòn đảo… lâu như vậy không?". Câu trả lời của tôi luôn luôn là: "Không bao giờ!".

Du khách đi tìm sự bình yên thông thường để ngắt các kết nối, nhưng một số khác lên đường để được kết nối lại. Dạng thứ nhất nghĩ rằng ngắt kết nối là chỉ cần tắt điện thoại di động, dẹp bỏ Internet để được ở một mình trong vài hôm. 

Dạng thứ hai đi xa hơn, tuyệt đối hơn và quyết liệt hơn trong chọn lựa. Họ hiểu rằng chỉ bằng cách hoàn toàn đắm mình trong những địa điểm tự nhiên hoang sơ cuối cùng còn sót lại của hành tinh thì có thể thực sự “kết nối” lại - theo đúng ý nghĩa của sự nối kết sâu sắc với bản thân mình với thế giới. Đối tượng thứ hai chính là du lịch ẩn cư mà ngành du lịch luxury hiện đại muốn khai thác.

Trạng thái phân tâm “kỹ thuật số” liên tục làm chúng ta ngày càng lấn sâu hơn vào sự cô lập, xa rời các kết nối nhân bản thật sự giữa người với người, với thế giới tự nhiên. 

Nhất là với dân cư ở các thành phố lớn, sự cô lập - chỉ cần nhắm mắt lại và tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng mà không bị nhắc nhở liên tục về cuộc sống bận rộn hằng ngày - là một điều xa xỉ.

Trong thế giới hiện đại, sự tĩnh lặng đắt như vàng; và không gian riêng, biệt lập có giá không thấp. Đi để tìm kiếm âm thanh của tự nhiên, hay còn gọi là “giao hưởng sinh học” (biophony), để trốn âm thanh nhân tạo từ hoạt động của con người (anthropophony), trở thành nhu cầu tối cần thiết với du khách luxury hiện đại - những người thực sự, thực sự muốn đi xa.

Với những du khách đã mòn gót du hành khắp thế giới - “been there done that”, mãn nhãn với mọi danh lam thắng cảnh, thời gian trôi chậm hay nhanh, nơi chốn tiếng tăm lộng lẫy… không ý nghĩa với họ. 

Vấn đề là vươn tới một sự chuyển đổi nội tâm từ bên trong, đôi khi hiệu quả đạt được tốt nhất với càng ít phiền nhiễu, càng ít xao lãng từ thế giới bên ngoài càng tốt. Họ cần ẩn cư đúng nghĩa.

Những điểm đến tuyệt đối biệt lập ở Bhutan. Nguồn: Six Senses Thimphu

 

Luxury mà như không luxury

Một khách sạn sang trọng nằm trong một khu phố nổi tiếng, sầm uất chẳng còn thú vị chút nào đối với du khách muốn tìm dăm ba ngày ẩn cư. 

Hoặc một safari lodge cao cấp đắt tiền, nhưng nếu lọt thỏm ngay giữa khu bảo tồn công cộng Kruger ở Nam Phi, nơi có những con đường chi chít và chen chúc toàn là khách du lịch, khách hạng sang hiện đại cũng chỉ muốn tránh xa.

Khách hàng hạng sang thực thụ không chọn luxury dựa trên diện tích mét vuông của một phòng Suite rộng rãi, các khu phức hợp nhà hàng - khách sạn - shopping tiện lợi đến tận răng hay những bữa buffet tràn trề thừa mứa…

Họ muốn trải nghiệm, muốn những dịch vụ được cá nhân hóa tối đa và muốn khám phá những địa điểm du lịch trước khi chúng trở nên xô bồ, luộm thuộm bởi đám đông.

Những hành trình đắt nhất của luxury tourism ngày nay, và không phải khách nào cũng có thể bỏ tiền ra mua mà phải qua màn chọn lọc, là các chuyến du hành đến những vùng heo hút còn sót lại trên địa cầu: từ hoang mạc Tây Phi đến một hòn đảo đơn độc của Đan Mạch, sa mạc Salta ở Tây Bắc Argentina…

Luxury không tiện nghi, không người phục vụ…, luxury ở đây là hành trình tìm lại chính mình trong thiên nhiên nguyên bản. Và đặc điểm nổi bật lớn nhất của những hành trình này là tránh xa những ồn ào của nhân gian, cô độc với chính mình trong sự ẩn cư tuyệt đối.

Nhiều địa điểm du lịch mang tính biểu tượng trên thế giới đang bị tàn phá hàng loạt một cách tàn khốc. Từ Bậc thang Tây Ban Nha - Spanish Steps đến đài phun nước Trevi nổi tiếng ở Rome (Ý), hay những con đường lát đá cuội của Amsterdam, quần thể Angkor Wat tại Campuchia… hết thảy đang lâm vào tình trạng tắc nghẽn và quá tải do du lịch quá mức (trước dịch COVID-19).

Một thực tiễn khác: Những bãi biển khuất nẻo và làng chài xinh đẹp ở Ý và Tây Ban Nha vào các thập niên 1980 đã biến mất cùng với sự phát triển lan tràn của du lịch đại trà. Ngày nay, rất nhiều địa điểm lừng danh ngày xưa: Sardinia (Ý), Ibiza, Tenerife, Canaria (Tây Ban Nha)… đang dần dần biến khỏi bản đồ du hành của khách luxury hiện đại. 

Vậy thì điểm chung giữa Santa Caterina ở Ý, hay cực đoan hơn, khách sạn Remota ở Patagonia - Chile, trang viên Pädaste trên đảo Muhu - Estonia hay Fogo Island Inn ở Newfoundland - Canada là gì? Tất cả đều là sự biệt lập, đều tránh xa khỏi đám đông, tránh xa sự hiếu kỳ .

Bữa trưa picnic ở sa mạc Sossusvlei, Namibia. Nguồn: AndBeyond

 

Xin vui lòng yên lặng…

Hành trình cuối cùng của tôi trước đại dịch COVID-19 là sa mạc Namib, thuộc Namibia, Tây Nam châu Phi. Khu bảo tồn sa mạc tư nhân Sossusvlei Desert Lodge rộng hơn 12.000 hecta sâu trong Namib là “sa mạc sống” (living desert) lâu đời nhất trên thế giới. 

Nằm giữa một đại dương của cồn cát, các mỏm đá khắc khổ và đồng bằng đầy sỏi, sự yên bình tuyệt đối và ánh sáng trong trẻo đến lạ thường ở đây đã khiến Namib là một trong những cảnh quan hấp dẫn nhất ở lục địa đen.

Lần đấy, một cơn bão ập đến ở Namibia (ở sa mạc khô hạn thứ hai trên thế giới), chuyến bay của tôi về châu Âu bị đình trệ và thời gian lưu lại đấy bị kéo dài ngoài kế hoạch. "Bạn có thể làm gì trong sa mạc trong 12 ngày?". 

Không có gì cả! Có lẽ đó là chuyến đi làm tôi thấm được tận tâm hồn chữ “vô vi”. Đơn giản là tìm kiếm sự thanh thản và đơn độc.

Sự yên lặng đã truyền cảm hứng cho một chiến lược nghiên cứu mang tên “Silence, please” (“Xin vui lòng yên lặng”), được thực hiện tại Đại học Đông Phần Lan.

Trong hơn một thập niên, các học giả tại UEF (University of Eastern Finland) đã nghiên cứu cách để biến sự im lặng trở thành tài sản du lịch tại các khu vực dân cư thưa thớt.

Sự quá tải về lựa chọn có lẽ là một trong những nguyên nhân chính gây ra lo lắng trong cuộc sống hằng ngày. Ô nhiễm tiếng ồn cũng vậy. Đó là lý do tại sao một phần quan trọng của trải nghiệm thư giãn phải trong một ngoại vi biệt lập, với âm thanh duy nhất là sự tĩnh lặng.

Theo Mia Kyricos, chủ một công ty tư vấn chuyên về các thương hiệu chăm sóc sức khỏe, khách sạn, du lịch và phong cách sống ở Mỹ, tĩnh lặng thực sự là vàng ngày nay. Kyricos cho biết: Trước đây, sự sang trọng được định nghĩa bởi áo choàng tắm bằng bông cao cấp, số lượng sợi dệt của khăn trải giường mềm mại hay bồn tắm bằng vàng…

Nhưng trong thế giới bão hòa tiếng ồn ngày nay, im lặng, cô tịch trong một không gian tách biệt mới là định nghĩa thực sự của sự sang trọng.

Du lịch ẩn cư Việt Nam: Cầm vàng lội qua sông

20 năm trước đây, Việt Nam còn là nơi có tất cả các điều kiện hoàn hảo cho ngành du lịch cao cấp thứ thiệt: con người, địa thế, thiên nhiên… Bao nhiêu nơi chốn tuyệt đẹp trải từ rừng núi xuống biển. 

Thật lý tưởng biết bao cho các xu thế mới của luxury tourism ngày nay: “isolation holidays”, “hedonistic hideouts” hay “secluded hideaways” (chốn ẩn náu hẻo lánh) để chữa lành, để hàn gắn những chấn thương tinh thần và stress…, đặc biệt sau đại dịch.

Tôi vẫn thường ngẩn ngơ nhớ về bến phà vắng lặng cũ kỹ trong mưa phùn dẫn sang vịnh Hạ Long hiện lên giữa sương mù; một Sa Pa tuyệt diệu yên ắng như ảnh của Võ An Ninh; một Bình Định với những Kỳ Co, Eo Gió khuất nẻo mà lộng lẫy; hay Phú Quốc yên bình ban sơ ngày ấy, làng chài lọt thỏm giữa rừng dừa vi vút và bữa cơm trưa được mời thiệt tình, làm khách lỡ độ đường rưng rưng cảm động…

Thời gian trôi qua, du lịch Việt Nam đã giết mất con ngỗng vàng của luxury tourism hiện đại, để rồi phải vất vả nhập khẩu khái niệm giả mà cứ tưởng mình là “luxury”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận