TTCT - Mỗi bức ảnh đều có thể trở thành sứ giả đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu. Lễ hội Tràng An.-Ảnh: Nguyễn Phụng Chí Bức ảnh chụp voọc chà vá bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) của tác giả Võ Đáng được giới thiệu trên Frans de Waal - một trang fanpage chuyên về thế giới động vật có sự kết nối của những người yêu động vật trên khắp thế giới - lập tức nhận được nhiều lời trầm trồ, khen ngợi. Cô gái người Mỹ Pamela Bullock - Pichler đã thốt lên: “Đó là lý do tôi muốn đến Việt Nam”. Đây là một ví dụ nhỏ, chỉ một bức ảnh đã đủ sức mời gọi du khách đến khám phá đất nước Việt Nam. Du lịch qua những hình ảnh Là nhiếp ảnh gia, chuyên thiết kế tour du lịch kết hợp chụp ảnh (photo trip) hơn 5 năm qua, Nguyễn Vũ Phước chưa bao giờ cảm thấy “thiếu thốn” những đề tài cho những khách hàng châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel... của mình. Anh chia sẻ: “Những khách du lịch chụp ảnh khi đến Việt Nam thường thích chụp người sắc tộc thiểu số ở Tây Bắc, hình ảnh những đồng muối ở miền Trung, hay phong cảnh đồng bằng sông Cửu Long... Có những người đến một lần thấy thích, năm sau quay lại chụp nữa!”. Phải một lần theo những chuyến photo trip như vậy mới cảm nhận được sức hút từ hình ảnh Việt Nam đối với các nhiếp ảnh gia nước ngoài. Đến Hà Nội, họ ra vịnh Hạ Long chụp phong cảnh, rồi ngược lên Tây Bắc chụp những màu sắc hoa văn thổ cẩm của người sắc tộc thiểu số Tây Bắc. Khi vào miền Trung, điều khiến du khách thích thú là màu tím của chiếc áo dài Huế, chiếc nón lá của thiếu nữ Huế thấp thoáng bên những đền đài, lăng tẩm. Đến đồng bằng sông Cửu Long là sắc vàng của những chiếc áo cà sa trong những ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Quăng chài trên sông Hương (Huế), đồng muối Phan Rang, đẩy sịp, đan lưới ở Bạc Liêu, đồng lúa ở Long An... Đó là những nét đặc trưng về màu sắc, văn hóa giữa các vùng miền Việt Nam, mà chỗ nào cũng mới, cũng lạ, không để cho các tay máy rơi vào cảm giác đơn điệu, họ phải thốt lên: “Đất nước bạn ở đâu cũng là hình ảnh!”. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Phước nhận xét: “Điều này rất có lợi, bởi vì trong số các khách du lịch đó có nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Những bức ảnh của họ khi đến các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế sẽ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam nhiều hơn. Tôi nghĩ điều đó chỉ có lợi cho du lịch Việt Nam”. Hải Thạch - tác phẩm giải ba cuộc thi Tận hưởng bản sắc việt lần 1 năm 2014.-Ảnh: Đỗ Hữu Tiến Khi nhiếp ảnh là sứ giả văn hóa Quả thật từ những năm trước 1975, nhiếp ảnh Việt Nam đã gây sự chú ý với các đồng nghiệp quốc tế, nhiều nhất là hình ảnh đồi cát Mũi Né. Gần đây, bức ảnh chụp lưới của tác giả Phạm Tỵ đoạt giải thưởng của tạp chí National Geographic đã thu hút nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế đến Việt Nam chụp lưới. Rồi hình ảnh đồng muối Phan Rang, kéo sịp ở Bạc Liêu... của các tác giả Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế cũng “lôi kéo” các tay máy quốc tế đến Việt Nam rất nhiều. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm nhận xét: “Ngày nay, khi du lịch ngày càng phát triển thì nhiếp ảnh phục vụ việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế rất nhiều. Chỉ cần ở nhà đưa một bức ảnh lên mạng, trong tích tắc bạn bè ở bốn bể năm châu đều biết. Cho nên tôi nghĩ ngày nay nhiếp ảnh hỗ trợ du lịch hơn bao giờ hết”. Ông nói thêm về những lợi thế của con người, thiên nhiên Việt Nam: “Tôi từng đưa các nhiếp ảnh gia nước ngoài đi chụp ảnh Việt Nam, họ thích lắm. Đêm hoa đăng mừng xuân trên kênh Tàu Hủ (Bến Nghé, TP.HCM). Các nghệ sĩ đờn ca tài tử trên những chiếc xuồng kết hoa đăng nhẹ lướt trên mặt nước lung linh trong đêm xuân Sài Gòn. -Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận Đầu tiên là con người Việt Nam thân thiện, dễ gần gũi, dễ chụp ảnh. Cứ đi châu Âu hay nơi khác thử xem, khi bạn muốn chụp ảnh ai phải xin phép họ có đồng ý hay không. Chính sự gần gũi của con người Việt Nam khiến các nhiếp ảnh gia rất mê chụp ảnh đời thường. Hơn nữa là thời tiết, khí hậu Việt Nam rất lý tưởng cho việc chụp ảnh!”. Giờ đây, khi phong trào người chơi nhiếp ảnh trở nên nhộn nhịp, phổ biến, hình ảnh những màu sắc văn hóa, lễ hội, con người... của mọi miền đất nước có thể được giới thiệu ở bất cứ nơi đâu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Sơn cũng có chút hoài niệm “ôn cố tri tân”. Ông kể: “Việc chụp phong cảnh Việt Nam của chúng tôi ngày đó không được thuận tiện như bây giờ. Tôi nhớ chuyến ra Bắc xuyên Việt đầu tiên của tôi là năm 1986, bắt đầu đón gió mở cửa. Chúng tôi mỗi người đóng góp 5 chỉ vàng, thuê một chuyến xe Hải Âu ra Bắc. Thời đó không có khách sạn, phải ngủ nhờ hội trường, trường học... Đi ăn cũng không có nhà hàng tiện lợi như bây giờ, chỉ có hàng quán bên đường. Cả nhóm gọi là “lăn lóc bò toài” cho chuyến xuyên Việt chụp ảnh đầu tiên. Tôi mang theo hai máy ảnh, nhưng khi về đến Huế hết tiền phải bán đi một cái. Những năm sau này mới chụp ảnh bán lịch gỡ vốn, chứ hồi đó đi chỉ vì đam mê nhiếp ảnh, chứ không nghĩ đến chuyện “thu hồi vốn” gì cả!”. Bùi Minh Sơn cho rằng đến những năm 1990, khi những nhiếp ảnh gia bán ảnh cho những người làm lịch để thay thế các hình ảnh minh tinh Hong Kong thì việc quảng bá hình ảnh phong cảnh Việt Nam bắt đầu từ đó. Ông nhận xét: “Tôi nghĩ hình ảnh phong cảnh Việt Nam được quảng bá qua các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế cũng có, nhưng nguồn ảnh phong cảnh trên những tờ lịch xuất bản trước đây cũng đóng góp một phần đáng kể. Giờ đây, khi nhiếp ảnh không còn gói gọn ở các CLB, hội nhóm... mang tính đoàn hội mà bùng nổ với các nhiếp ảnh gia trẻ, máu lửa với nghề. Cộng với sự phát triển của truyền thông, Facebook đã giúp những hình ảnh phong cảnh, đất nước, con người... Việt Nam được quảng bá mạnh mẽ hơn bao giờ hết!”.■ Chợ vùng cao Hà Giang - tác giả: Lê Hữu Dũng. Sau thành công của cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 1 năm 2014, hai đơn vị đồng tổ chức là báo Tuổi Trẻ và Saigontourist đã quyết định tổ chức cuộc thi lần 2 - năm 2017, bắt đầu từ ngày 15-8-2017 đến hết 31-3-2018. Bên cạnh nội dung thi viết và ảnh, cuộc thi lần 2 còn thêm nội dung video clip. Chủ đề chung là chia sẻ những ấn tượng, trải nghiệm về phong cảnh, tuyến - điểm du lịch, văn hóa, lễ hội, ẩm thực, sự thân thiện, mến khách của con người Việt Nam. Với sự đồng hành của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, khách sạn Rex, khách sạn Grand, tổng giải thưởng cho ba nội dung thi viết, ảnh và video clip của “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2-2017 lên đến gần 700 triệu đồng (mời xem chi tiết điều lệ các cuộc thi trên trang web http://bansacviet.tuoitre.vn). Mời bạn đọc gửi bài viết dự thi về gopydulich@tuoitre.com.vn. Trong bài phát biểu khởi động cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2-2017, ông Trần Hùng Việt - tổng giám đốc Saigontourist, đồng trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết: “Sau cuộc thi lần thứ nhất, từ hàng nghìn bức ảnh bạn đọc tham gia, chúng tôi đã chọn lọc ra những bức ảnh đẹp nhất về Việt Nam in thành cuốn sách ảnh Tận hưởng bản sắc Việt, trở thành món quà của lãnh đạo TP.HCM khi tiếp các đoàn khách quốc tế. Sách cũng xuất hiện trong các chuyến đi xúc tiến du lịch của TP.HCM. Năm nay, ban tổ chức kỳ vọng những phong cảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam sẽ được lưu giữ đẹp đẽ nhất, sinh động nhất qua những video clip tham gia cuộc thi, góp sức quảng bá cho du lịch Việt Nam”. Ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ, đồng trưởng ban tổ chức cuộc thi - kỳ vọng: “Báo Tuổi Trẻ muốn góp một chút công sức vào việc làm đẹp thêm cho khu vườn du lịch Việt Nam và kết quả là sự ra đời của cuộc thi viết, thi ảnh “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 1; nay tiếp tục với cuộc thi lần 2 phong phú hơn, thêm nội dung mới là cuộc thi clip. Nếu ở cuộc thi lần 1 chúng tôi nhận được hơn 7.000 tác phẩm ảnh và gần 600 bài viết, hi vọng lần này sẽ có nhiều hơn nữa, đặc biệt là ở cuộc thi clip lần đầu tổ chức. Chúng tôi hi vọng bạn đọc Tuổi Trẻ ở mọi miền đất nước cùng tham gia cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2, với tinh thần cùng nhau khám phá ngôi nhà Việt Nam”. Tags: Hình ảnh Việt NamBản sắc ViệtTận hưởng bản sắc việt
Ông Lý Hiển Long từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.