Đừng bao giờ cho là còn sớm

HOÀNG HƯƠNG 18/10/2016 05:10 GMT+7

TTCT - “Việc học sinh bị xâm hại tình dục thường xảy ra ở độ tuổi mầm non, tiểu học và THCS. Khi các em đã đến tuổi học THPT thì chúng ta không phải làm công tác “phòng tránh” nữa mà “giải quyết hậu quả” - cô Bùi Thị Kiều, giáo viên tâm lý Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), nhận xét.

Minh họa: Phạm Giao
Minh họa: Phạm Giao


 Theo cô Kiều, những em bị xâm hại tình dục từ nhỏ, khi lớn lên thường sống khép kín, ít nói, thu mình lại trong lớp học, không chơi với ai. Các em cũng không dễ dàng chia sẻ với giáo viên tâm lý về nỗi niềm thầm kín của mình.

Chỉ khi nào giáo viên phát hiện em X, em Y có vấn đề về tâm lý và mời các em ra nói chuyện riêng, sau nhiều lần như thế học sinh mới thổ lộ hết với giáo viên.

Giá như biết sớm hơn!

“Đối với học sinh cấp THCS, ngoài việc dạy kiến thức văn hóa, nhà trường đã đưa nội dung giáo dục giới tính và rèn luyện kỹ năng sống lên hàng đầu trong số những chương trình ngoại khóa cho học sinh. Một số quan niệm rất sai lầm rằng học sinh mới học THCS còn nhỏ lắm, hãy để các em giữ được sự hồn nhiên vốn có, chỉ lo học chứ không phải bận tâm đến những vấn đề phức tạp khác.

Trên thực tế, nhiều em đã đến tuổi dậy thì, có những rung động với bạn khác phái… Do vậy, trường chúng tôi không chỉ giáo dục học sinh về giới tính mà còn tuyên truyền cho phụ huynh để họ có định hướng, phương pháp đúng đắn giáo dục con cái mình, hướng dẫn phụ huynh giải quyết vấn đề có liên quan đến giới tính của con”.

Bà Trần Thị Thu Ngân (hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong)

Có lẽ cũng vì lý do trên mà có câu chuyện xảy ra tại một trường THPT thuộc một quận trung tâm TP.HCM như thế này: “Học sinh nữ bị xâm hại tình dục từ lúc em mới học lớp 3, thủ phạm lại chính là anh trai của em, khi ấy học lớp 5.

Sự việc kéo dài nhiều năm liền mà cha mẹ em không biết. Em thường xuyên bị anh trai sờ mó vùng kín, ôm ấp... Khi em vào học lớp 10 ở trường chúng tôi, thấy biểu hiện tâm lý của em khác với các bạn, chúng tôi chủ động tiếp cận em và phát hiện ra sự thật”.

Giáo viên tâm lý của trường trên kể: “Nhà trường mời phụ huynh đến làm việc, mẹ của em cũng đã la mắng người anh trai nhưng về phần em, không dễ dàng đưa em trở lại như người bình thường. Em mất niềm tin vào cuộc sống, không tin vào đàn ông. Chúng tôi cứ ước: giá như sự việc được phát hiện sớm hơn...”.

Tương tự, chị H., nhà ở Q.Tân Phú, kể: “Con gái mình mới học lớp 2, bé ngây thơ, hồn nhiên và cũng ít quan tâm đến vấn đề giới tính nên mình nghĩ cứ từ từ rồi dạy cháu.

Ai ngờ, cách đây vài hôm, về nhà bé nói với mẹ: “Tất cả các bạn gái lớp con đều ghét bạn L.. Vì bạn rất là kỳ cục, toàn đi sờ chim bạn gái thôi”. Tôi hoảng hồn, hỏi bạn L. là bạn trai hay bạn gái, bé trả lời: “Thì bạn trai mới đi sờ chim bạn gái chứ”.

Tôi hỏi: “Thế con có bị lần nào chưa?” - “Con bị nhiều lần rồi, mỗi lần bị như vậy là con khó chịu lắm”. Tôi tá hỏa, ngay hôm sau đưa con đi học, kêu con chỉ cho mẹ xem mặt bạn L. là bạn nào. Khi bé chỉ, tôi có kêu L. lại, định hỏi và khuyên vài câu nhưng thằng bé chạy biến đi. Tôi phải gặp cô giáo...”.

Tuy vậy, tình trạng xâm hại tình dục không chỉ diễn ra đối với trẻ nữ, mà ngay cả trẻ nam cũng mắc phải. “Bé nhà mình phổng phao, cao lớn. Mình cảnh giác cao độ, ngay từ khi con trai mới 3 tuổi, đi học mẫu giáo là mình đã dặn dò, giải thích với con thế nào là bộ phận riêng tư, không cho người lạ sờ vào...” - chị H., một phụ huynh, kể.

Vậy mà khi bé lên 8, đi học tiếng Anh ở một trung tâm, chẳng ai ngờ được tình cảnh con chị gặp phải. “Lớp của con có một chị lớn hơn 4 tuổi, ngồi cạnh. Cứ mỗi lần chị mượn đồ dùng học tập của con mà con không cho, hoặc tức con chuyện gì là chị bóp chim con”.

Tôi hỏi: “Sao con không méc cô (cô trợ giảng)?”. Con tôi buồn bã: “Méc sao được mẹ? Kỳ lắm! Với lại có méc thì chị cũng sẽ cãi ngay” - chị H. kể.

Các em phát triển sớm hơn chúng ta tưởng

Chuyện xâm hại tình dục trẻ em chúng tôi thu thập được từ các trường tiểu học, THCS không hề ít. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã ý thức được tình trạng này nên đưa ra những quy định khắt khe trong việc đưa đón con đi học.

Ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), phụ huynh không được đi lên lớp học của con, đề phòng tình trạng kẻ xấu tiếp xúc, dụ dỗ học sinh. Giờ tan học, cô bảo mẫu có nhiệm vụ dẫn học sinh xuống sảnh và trao tận tay phụ huynh. Học sinh được giáo dục không tiếp xúc người lạ, mọi chuyện phải báo ngay với giáo viên chủ nhiệm hoặc bảo mẫu...

Ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), trường thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện về giới tính cho học sinh khối 4, khối 5 để các em có những hiểu biết cơ bản về thân thể cũng như cách vệ sinh, giữ gìn thân thể, không cho người lạ sờ mó vào thân thể mình.

“Các chuyên đề nhà trường đều tổ chức cho nam sinh riêng và nữ sinh riêng để các em không ngại trình bày những tâm tư, thắc mắc, nghi ngại của mình về giới tính” - cô Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Anh Tài - giáo viên môn sinh Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM): “Chương trình môn sinh lớp 8 có một chương nói về hệ sinh sản. Chúng tôi dạy học sinh về cơ quan sinh dục nam - nữ, quá trình mang thai, biện pháp phòng tránh thai, các bệnh lây qua đường tình dục...

Sau khi dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản nêu trên, chúng tôi tổ chức chuyên đề có liên quan đến giáo dục giới tính, nam sinh ngồi phòng riêng và nội dung chuyên đề cũng khác với phòng chuyên đề của nữ sinh. Các em thắc mắc, băn khoăn nhiều lắm, mỗi chuyên đề diễn ra 3-4 giờ, nhưng nhiều bữa cũng không “tải” hết những thắc mắc của học sinh”.

Vì vậy, Trường THCS Lý Phong mở phòng tư vấn tâm lý cho học sinh. “Mới đầu, trường cử một giám thị lớn tuổi, tâm lý phụ trách phòng này nhưng học sinh tỏ ra ngại ngần, không dám nói chuyện với thầy. Sau đó, nhà trường đã mời chuyên gia tâm lý của khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm đến trực ở phòng tư vấn tâm lý sau giờ học của học sinh.

Từ năm 2013 đến nay, tính trung bình mỗi năm phòng tư vấn tâm lý tiếp đón và tư vấn cho 400 ca. Phần lớn các em thắc mắc về sự khác nhau giữa giới tính nam - nữ, khúc mắc trong tình bạn - tình yêu, còn lại chỉ một số ít ca là gặp khó khăn trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô” - bà Trần Thị Thu Ngân, hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, thông tin.

Ngoài ra trường còn mời một số chuyên gia tư vấn tâm lý nổi tiếng đến nói chuyện với học sinh về cách phòng chống xâm hại tình dục, về tình yêu tuổi học trò.

Bà Ngân kể: “Học sinh rất quan tâm đến lĩnh vực này, có lần TS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hướng dẫn học sinh là: “Đừng nghe lời bạn nam đi chơi riêng với bạn, đến những chỗ vắng vẻ, không cho bạn nam sờ vào chỗ kín, không đi vào những đoạn đường vắng một mình... ”. Các em rất chăm chú lắng nghe. Điều đó cho thấy các em rất cần có những hướng dẫn như vậy”. ■

Cần một quy tắc ứng xử cho nhà giáo

Trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây đăng tải nhiều trường hợp: hiệu trưởng trường tiểu học sàm sỡ nữ sinh ở Bạc Liêu; thầy giáo giở trò đồi bại với học sinh nữ ở Lào Cai; thầy giáo “luồn tay qua nách” nữ sinh để chỉ bài ở An Giang; thầy giáo sàm sỡ hàng loạt học sinh lớp 3 ở Nghệ An...

Nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Nhà trường có quy tắc ứng xử nào cho mối quan hệ thầy - trò để tránh những va chạm, những hậu quả đáng tiếc không?”, đa số hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT ở TP.HCM đều lắc đầu.

Bà Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thái Bình, cho biết: “Khi giáo viên đứng trên bục giảng tức là các thầy cô đã ý thức rất rõ về những hành vi, cách cư xử sao cho xứng với nhà giáo.

Nhà trường không có những quy định, quy tắc cụ thể nhưng thỉnh thoảng cũng có nhắc nhở để thầy và trò không xảy ra những va chạm dễ dẫn đến hiểu lầm hoặc có những hình ảnh không hay. Nếu giáo viên cố ý để có những hành vi xâm hại học trò thì không xứng đáng đứng trên bục giảng nữa”.

Về vấn đề này, ThS Nguyễn Minh, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Trong điều lệ trường tiểu học, trường trung học do Bộ GD-ĐT ban hành có nói đến những điều giáo viên không được làm là: giáo viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh... Từ quy định chung này mà người thầy giáo có cách ứng xử, hành vi phù hợp với quy chuẩn đạo đức của nghề nghiệp mình”.

“Giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em không chỉ thực hiện đối với trẻ em nữ mà còn cả với trẻ em nam. Bởi trên thực tế, không ít bé trai đã bị xâm hại tình dục mà đối tượng xâm hại nhiều khi lại là chính người thân trong gia đình do vô tình hay từ thói quen cưng nựng, gây tổn thương và ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Một số phụ huynh còn cho rằng phải đợi con đến tuổi dậy thì mới cần giáo dục về giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục. Trong khi đó, thời điểm trẻ bắt đầu nhận biết rõ được các bộ phận trên cơ thể mình (khoảng 2-3 tuổi) là người lớn có thể dạy con biết cách vệ sinh và ý thức bảo vệ những bộ phận nhạy cảm trên thân thể mình; tránh những đụng chạm, sờ mó gây khó chịu khi con chưa cho phép”.

ThS tâm lý Lê Ngọc Bảo Trâm

(khoa tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận