Đừng chỉ nghe những gì Trung Quốc nói

THANH TUẤN (TỪ SINGAPORE) 10/06/2013 00:06 GMT+7

TTCT - Những ai từng theo dõi Đối thoại Shangri-La đều biết phần hấp dẫn nhất của hội nghị là phần tương tác hỏi đáp sau mỗi bài phát biểu.

Sáng 2-6-2013, ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đại diện của Trung Quốc cũng có một tương tác đáng nhớ như vậy.

Phóng to
Tướng Thích Kiến Quốc ở Shangri-La - Ảnh: Thanh Tuấn

Tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (PLA), là đại diện cao nhất của Bắc Kinh tại đối thoại lần này. Trong bài phát biểu dài hơn 20 phút của mình, ông nhắc nhiều đến chuyện Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường “phát triển hòa bình”, rằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc tìm kiếm sự hợp tác và phát triển cùng có lợi chứ không phải phát triển chỉ cho riêng mình.

Ông Thích thậm chí còn nói cam kết nghiêm túc đó xuất phát từ triết lý và văn hóa của Trung Quốc. Hòa bình, theo lời ông, là “bản năng và gen của người Trung Quốc” và “kẻ mạnh ăn thịt kẻ mạnh không phải là cách thức của con người”.

Nói và làm khác nhau

Các điểm nóng, theo ông Thích, nên được giải quyết bằng đối thoại, tham vấn và đàm phán hòa bình. “Hợp tác phát triển có nghĩa chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau và lấy đó làm điều kiện tiên quyết quan trọng. Học cách tôn trọng và hiểu nhau, tránh có những hành động ích kỷ chống lại người khác” - ông nói.

Theo ông Thích, sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc là cơ hội lớn chứ không phải thách thức hay mối đe dọa đối với các nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc tìm kiếm cơ hội phát triển và các bên cùng có lợi chứ không phải chỉ phát triển cho riêng mình. Trung Quốc là động lực phát triển chứ không phải là nguồn cản trở phát triển. Trung Quốc không theo đuổi “bá quyền” mà chỉ theo đuổi phát triển cởi mở.

Sự thay đổi đột ngột của một Trung Quốc cứng rắn và hung hăng ngoài biển và các vùng tranh chấp sang một hình ảnh mềm mại, nhún nhường trên diễn đàn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington DC, ngay sau đó chất vấn ông Thích tại sao “có sự nghi ngờ ngày càng tăng” về cam kết hòa bình của Bắc Kinh khi tàu bán quân sự Trung Quốc liên tục gia tăng sức ép ở biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

“Nếu Trung Quốc rất tôn trọng luật quốc tế, tại sao Trung Quốc lại phản đối đề nghị giải quyết tranh chấp với Philippines ở tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc về luật biển?” - bà Glaser hỏi. Nhưng câu hỏi này đã không nhận được câu trả lời thích đáng từ ông Thích.

Theo bà Glaser, những gì Trung Quốc nói hoàn toàn ngược với những gì thực tế đang diễn ra. Chất vấn của bà Glaser chỉ là một trong gần 20 ý kiến chất vấn dành cho ông Thích, người nhận được nhiều chất vấn nhất tại Shangri-La (trong hai vòng hỏi đáp, ở vòng đầu có tới 6/7 câu hỏi chất vấn ông).

“Tôi không ngờ căng thẳng vậy, sáu câu liên tiếp dành cho tôi” - ông Thích trần tình trước khi trả lời. Và ông không cần phải chờ lâu vì đến vòng hỏi đáp thứ hai, ông tiếp tục nhận đến... 10 câu hỏi. Các câu hỏi đều xoay quanh chuyện ý đồ thực tế của Trung Quốc, vấn đề biển Đông, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chuyện quân Trung Quốc đột nhiên được đưa tới biên giới Ấn Độ, hay chuyện tờ Nhân Dân Nhật Báo gần đây đòi cả chủ quyền đảo Ryukyu của Nhật...

“Tôi nghĩ tướng Thích có chuẩn bị kỹ, nhưng đây chỉ là những tuyên bố rất chung chung. Những câu trả lời của ông ta không có gì mới và không cho chúng ta biết gì thêm về chính sách thật sự của Trung Quốc. Có gần 20 câu hỏi dành cho ông ta. Rất nhiều câu hỏi trong số đó cho một quan chức quốc phòng cao cấp như ông ta nói rõ, giải thích về chính sách của Trung Quốc. Tôi không nghĩ ông ta tận dụng được cơ hội này” - bà Glaser nói với TTCT sau phiên toàn thể.


Mập mờ trong chính sách

Bà Glaser cho rằng Trung Quốc có quá nhiều mập mờ trong chính sách của mình ở biển Đông và biển Hoa Đông: “Rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa cam kết của Trung Quốc về phát triển, vươn lên hòa bình, giải quyết mâu thuẫn qua đối thoại và những hành động thực tế của họ trên các vùng biển xung quanh. Đó là những mâu thuẫn mà ông ta không trả lời được”.

William Choong của Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS) thì cho rằng những gì ông Thích nói đều “ngọt ngào và nhẹ nhàng”, nhưng “thiếu căn cứ thực tế”. Ngay với ASEAN, một đề xuất hay nhắc đến gần đây là chuyện đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử chung ở biển Đông (COC) mà Bắc Kinh muốn ASEAN phải ép một thành viên của mình.

Ở cuộc họp của SOM (Hội nghị quan chức cấp cao) với ASEAN hồi tháng 4, Trung Quốc ngỏ ý sẵn sàng tham gia đàm phán sơ bộ về COC với điều kiện ASEAN phải vận động Philippines từ bỏ vụ kiện ra tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc về luật biển. Trung Quốc thậm chí, như lời giáo sư Carl Thayer tại ĐH New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, “vụng về đề xuất gặp tất cả các thành viên ASEAN trừ Philippines”.

Điều này đương nhiên bị bác bỏ ngay lập tức. Bắc Kinh sau đó đề xuất Philippines bỏ yêu cầu của mình thì đàm phán tranh chấp lãnh thổ sẽ có bước tiến.

Ông Thích đã nói rất hay ở Shangri-La rằng “một nước nên tránh mở rộng chỉ nhăm nhăm lợi ích cho chính mình, và không nên chỉ đòi hỏi nước khác cởi mở và minh bạch trong khi đơn phương lập rào cản đối với các nước khác”. Trong phần trả lời, ông nhấn mạnh: “Đừng chỉ nghe những gì chính quyền Trung Quốc nói, hãy nhìn những gì Trung Quốc làm”.

Ông Thích nói không sai. Đừng chỉ nghe những gì Trung Quốc nói.

Phóng to
Ông Christian Le Miere - Ảnh: Thanh Tuấn
Chuyên gia Christian Le Miere:

“Mỹ muốn trấn an nhiều hơn”

Những diễn biến ở Đối thoại Shangri-La vừa qua và trong khu vực gần đây đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Dưới góc nhìn của mình, ông Christian Le Miere, chuyên gia cao cấp về hải quân và an ninh biển của Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS), đã trả lời phỏng vấn của TTCT.

* Theo ông, đâu là thay đổi đáng chú ý ở đối thoại lần này?

- Nhìn chung, giọng điệu mang tính hòa giải cao, kêu gọi nhượng bộ, trong khi năm ngoái thì có phần cứng rắn hơn, đối đầu hơn. Ví dụ năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi nêu nội dung “tái cân bằng” về châu Á là gì đã nhấn mạnh khía cạnh quân sự của chiến lược.

Năm nay, ông Chuck Hagel nhấn mạnh trên góc độ ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Tuyên bố của ông nhấn mạnh trên khía cạnh liên minh chứ không chỉ là sự xuất hiện của Mỹ ở khu vực.

Đó là thông điệp rất cân bằng mà Mỹ cố gắng truyền tải: chúng tôi ở đây không phải để gây hấn với Trung Quốc, trong khi cũng trấn an được các đồng minh của mình. Rất khó để cùng lúc truyền tải cả hai thông điệp như vậy, nhưng tôi nghĩ Mỹ nhấn mạnh vào khía cạnh trấn an nhiều hơn. Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cũng tránh nói trực diện về các vấn đề tranh chấp trong các tuyên bố, một phần là do năm ngoái tình hình rất căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông.

* Thông điệp của ông Hagel nhấn mạnh vào góc độ ngoại giao có phải do ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm hay là để trấn an Trung Quốc nhiều hơn?

- Tôi nghĩ cả hai, nhưng có lẽ họ muốn trấn an Trung Quốc nhiều hơn. Chiến lược chuyển trục hay được mô tả như là sự chuyển hướng đột ngột trong suy nghĩ của Washington. Thực tế không phải vậy. Nước Mỹ đã chuyển trục về châu Á hơn 10 năm nay rồi. Căn cứ ở Guam liên tục được củng cố và thêm quân hơn một thập kỷ nay.

Các thay đổi có lẽ diễn ra nhiều dưới thời các cựu tư lệnh Thái Bình Dương hơn là dưới thời đô đốc Samuel Locklear. Cách người Mỹ mô tả đây như là sự thay đổi đột ngột khiến Trung Quốc lo lắng và coi đó là chính sách kiềm chế. Tôi nghĩ người Mỹ đánh giá thấp chuyện Trung Quốc hoang tưởng thế nào về chuyện kiềm chế này.

* Liệu thông điệp của ông Hagel có trấn an được Trung Quốc khi một nước là cường quốc đang lên, một nước là cường quốc cũ, lịch sử nói xu thế của họ sẽ luôn là đụng độ?

- Tôi nghĩ Trung Quốc đánh giá nhiều trên góc độ sự hiện diện thực tế của Mỹ hơn là dựa vào những tuyên bố. Gần đây Mỹ có triển khai thêm bốn tàu ngầm hạt nhân tới căn cứ quân sự Guam. Rồi 2.500 lính thủy đánh bộ ở Darwin (Úc), hơn 400 lính thủy đánh bộ mới ở Guam, tiếp tục có mặt ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Liên tục luân phiên tàu tới Philippines và thậm chí là sẽ có thêm nhiều chuyến tàu viếng thăm Việt Nam trong tương lai.

Tôi nghĩ những điều đó khiến Trung Quốc lo ngại nhiều hơn là cái thông điệp trấn an kia.

* Xin cảm ơn ông.

T.TUẤN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận