Dùng hàng nội: vài rào cản tâm lý khó vượt

VƯƠNG TRÍ NHÀN 01/02/2004 02:01 GMT+7

TTCN - Nhiều lần đi mua thuốc cho người thân trong gia đình, tôi bắt gặp trong tôi một sự yếu lòng kỳ cục: trước cùng một tên thuốc, mặc dù đã tự nhủ hàng nội dạo này cũng tốt lắm, giá lại thường hạ, song rốt cuộc trừ phi không đủ tiền thì thôi chứ nếu có đủ tiền thế nào tôi cũng mua thuốc ngoại.

Phóng to
TTCN - Nhiều lần đi mua thuốc cho người thân trong gia đình, tôi bắt gặp trong tôi một sự yếu lòng kỳ cục: trước cùng một tên thuốc, mặc dù đã tự nhủ hàng nội dạo này cũng tốt lắm, giá lại thường hạ, song rốt cuộc trừ phi không đủ tiền thì thôi chứ nếu có đủ tiền thế nào tôi cũng mua thuốc ngoại.

Hỏi sang bè bạn và người quen tôi thấy họ đều nói là cũng có tâm lý giống mình và hiện tượng lặp lại không phải trong chuyện mua thuốc mà còn trong nhiều chuyện khác. Đến khi được đọc bài viết của một bạn người Anh khuyên người Việt nên dùng hàng do VN sản xuất - một trong những bài viết, theo tôi, là đáng nhớ nhất của báo Tuổi Trẻ trong năm 2003 - thì càng giật mình.

Lời khuyên quá đúng đi và phải nói thật là chúng ta không khỏi cảm thấy xấu hổ khi được nghe những lời khuyên như vậy. Thế nhưng tại sao nhiều người đã biết đó là một việc cần mà không thực hiện nổi? Thiếu làm chủ bản thân? Tùy tiện trong cư xử hằng ngày? … Cái đó có; tuy nhiên sau đó còn gì nữa?

Phóng to
Điều dễ nhận thấy là trong chuyện sính dùng hàng ngoại, có sự có mặt của tâm lý ham hưởng thụ. Từ những năm chiến tranh vất vả bước ra, chúng ta cảm thấy mình khổ quá, thiệt thòi quá. Lóa mắt trước sự phát triển của thế giới, thấy của người ta cái gì cũng đẹp cũng tốt, trong thâm tâm mỗi người không khỏi len lỏi cái ý nghĩ chắc chẳng bao giờ chúng ta làm nổi và giá được dùng một lần thì có chết cũng đáng. Ta muốn cho ta, cho những người thân của ta được hưởng những sung sướng nhất của người thời nay đến nỗi quên hẳn đi cái hoàn cảnh chúng ta đang sống. Nhưng thử nhìn kỹ vào hành động hằng ngày của bản thân mình và những người quanh mình, tôi cho rằng ở đây còn có vấn đề tâm lý sâu xa hơn.

Phóng to
Nay đang là lúc toàn xã hội người nào cũng lăn xả vào công việc. Niềm kinh hãi của nhiều người ở tuổi sáu mươi như tôi mỗi sáng trở dậy là đi lại như thế nào bây giờ. Đường phố đông nghịt. Khuôn mặt nào cũng cháy lên niềm khát vọng. Sự mải miết lây truyền từ người nọ sang người kia, và trong thâm tâm ta chỉ sợ chậm chân một bước thì sẽ bị thiệt. Song kết quả ra sao? Tốc độ giao thông trên các thành phố ở ta chắc chắn là loại chậm nhất trên thế giới.

Một tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trong hoạt động sản xuất làm ăn. Cửa hàng mở thêm, công ty khai trương ngày một nhiều thêm nhưng hàng làm ra chỉ toàn những thứ hàng tầm tầm, hay nói theo mốt bây giờ là second hand, giá cao song chất lượng kém, phần nhiều không thể xuất khẩu đã đành mà người trong nước hình như cũng bất đắc dĩ mới phải dùng.

Tối 29-1 (mông 8 Tết Giáp Thân), chương trình Lễ hội đường phố tôn vinh thương hiệu Việt diễn ra tại sân khấu trước Nhà hát TP.HCM, với sự tham dự của đoàn 40 xe hoa của 40 doanh nghiệp “Hàng VN chất lượng cao” cùng hàng ngàn thanh niên trong trang phục lễ hội.

Đêm lễ hội hoành tráng này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp đầu năm mới không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn là dịp người tiêu dùng gửi niềm tin đến các nhà sản xuất trong năm Giáp Thân 2004.

Đến như trong giáo dục mặc dù mỗi kỳ thi đại học là một mùa náo loạn mà việc học hành cũng chẳng ra sao, sinh viên ra trường ngô nghê chả cơ quan nào muốn nhận và người có tiền bây giờ ai cũng chỉ chăm chăm cho con đi học nước ngoài. Hình như cái nghiệp của người mình là chỉ làm được như vậy (!). Sự thiếu lòng tin kéo dài triền miên trong nhiều năm ròng cho nên mới có tình trạng bất công vô lý như tôi vừa nói ở đầu, tức là biết rằng thuốc nội rẻ hơn và đôi khi có thể tốt hơn mà vẫn ngại dùng.

Không phải ngày hôm nay mà theo chỗ tôi đọc được, cả lối làm hàng chợ lẫn thói quen chê đồ nội hóa vốn có ở người VN từ lâu. Đầu thế kỷ 20, Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh từng đã nhiều lần chế giễu thói quen kén đồ ngoại của dân mình. Còn Thạch Lam, trong Hà Nội băm sáu phố phường thì không quên kể một chuyện nhỏ: một chú khách (Hoa kiều) bán mằn thắn ở Hà Nội rất đông khách vì hàng chú làm nói như ngôn ngữ hiện nay “rất chi là chuẩn”…

Rồi ông so sánh: “Cái chí của người VN ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách, còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến. Cho nên bát mằn thắn của người mình thì có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt.

Mằn thắn thì làm rất to bột, nặn xuề xòa để trông càng to hơn nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé vì được một tí thịt chỗ bạc nhạc mua

Phóng to
rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ. Nước cũng rất nhiều nữa, dềnh lên như ao sau trận mưa nhưng nhạt ví như nước bèo. Tất cả chỉ bán có năm xu. Tưởng đắt hàng là phải. Thế mà không. Khó mà lấy nhiều hoa mắt người ta được”.

Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền, đừng lừa dối người mua, của ngon thì người ta ăn đắt rẻ không kỳ quản. Đó là kết luận mà Thạch Lam rút ra từ câu chuyện “cái gì cũng làm dối làm dá cho xong chuyện”. Riêng tôi muốn đề nghị kết hợp với việc chỉ ra cái thói quen sính hàng ngoại nói trên, chúng ta cùng ngược lên để xét đến các khía cạnh tâm lý vốn kết tầng ổn định ở dân mình. Trở lại với ông cha là đúng, nhưng giữ nguyên những thói xấu của ông cha thì lại là điều không nên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận