Dùng “máy chém” trảm “giấy phép con”

CẦM VĂN KÌNH 04/07/2016 20:07 GMT+7

TTCT - Những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vô lý và ban hành trái pháp luật, được xem là “giấy phép con”, phải xóa bỏ nhằm tiếp sức giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. 50 nghị định sắp được ban hành để con đường kinh doanh được hanh thông, nhưng rất tiếc vẫn chưa “đụng” đến “vấn đề lớn”.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) - cho rằng có thể tính đến khả năng yêu cầu các bộ tự rà soát, bãi bỏ 30% ĐKKD. Tuần qua Văn phòng Chính phủ tổ chức họp bàn về 50 “siêu nghị định” quy định về ĐKKD.

Nhưng đó chưa phải là toàn bộ các ĐKKD đang có. Đây là các ĐKKD đáng ra sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7 theo Luật đầu tư 2014 do ban hành trái thẩm quyền (ở dạng thông tư của bộ, trong khi theo quy định phải là nghị định do Chính phủ ban hành).

Tại sao việc soạn thảo nghị định về ĐKKD - vốn rất quan trọng với doanh nghiệp - lại được soạn thảo cấp tập, vội vàng như thế. Hầu như không có nghị định nào xin ý kiến người dân, doanh nghiệp như trước đây?

- Đúng là 50 nghị định này rất quan trọng vì quy định sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp trong hàng loạt ngành nghề. Đáng ra, các nghị định trên phải được soạn thảo, xin ý kiến nhân dân từ lâu.

Tuy nhiên, có một thực tế là ngay từ Luật doanh nghiệp 2005 đã có quy định: chỉ cấp Chính phủ mới được ban hành ĐKKD, tức là ĐKKD phải ở nghị định trở lên, các thông tư trong thẩm quyền các bộ ban hành không được áp đặt ĐKKD hạn chế quyền kinh doanh.

Nhưng các bộ vẫn cứ ra thông tư ban hành ĐKKD, thậm chí còn nhiều hơn trước. Có lẽ vì thế, đáng ra phải soạn thảo nghị định để thực thi Luật đầu tư 2014 ngay nhưng có sự chần chừ, nghe ngóng.

Chỉ đến khi Thủ tướng kết luận, ra thông báo số 66-TB khẳng định không có chuyện lùi thời gian, các bộ mới cấp tập soạn thảo nghị định để đảm bảo quản lý nhà nước từ ngày 1-7. Quy trình được rút gọn, không còn đủ thời gian xin ý kiến nhân dân.

Như thế khi ban hành, nhiều người sẽ “ngã ngửa” vì bất ngờ?

- Đã có người rất bất ngờ rồi. Như nghị định về kinh doanh hàng không, Bộ Giao thông vận tải soạn thảo, trong đó có những quy định các hãng hàng không phải được duyệt kế hoạch kinh doanh trong năm năm tới.

Một hãng hàng không lớn đã kêu rất bất ngờ khi biết đến nghị định này qua... báo chí. Hàng loạt câu hỏi được doanh nghiệp nêu ra: căn cứ đâu để bộ phê duyệt? Phê duyệt thì có chịu trách nhiệm không? Nếu chỉnh sửa, phê duyệt thì bộ có đảm bảo kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp không?

Tại sao lại đi duyệt cả kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân? Đành rằng việc phát triển hàng không phải có lộ trình, kế hoạch và liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng hoàn toàn có thể có hình thức quản lý khác. Nếu bắt xin phê duyệt kế hoạch, doanh nghiệp phải đi xin, căn cứ phê duyệt rất chung chung... Rất khó cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn thẩm tra 50 nghị định này, ở những bước cuối cùng khi được thông qua, dù thời gian rất gấp nhưng theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, VCCI đã cố gắng soạn báo cáo rà soát dày 225 trang, phân tích, đề xuất đơn giản hóa và bãi bỏ nhiều quy định trong các dự thảo nghị định các bộ trình lên.

ông Đậu Anh Tuấn -Nguyễn Khánh
ông Đậu Anh Tuấn -Nguyễn Khánh

 3 lo ngại lớn

Qua rà soát, theo ông, chất lượng của các dự thảo nghị định thế nào? Liệu có chuyện các bộ cứ đơn giản copy các ĐKKD từ thông tư đưa lên dự thảo nghị định. Cắt khó lắm vì liên quan đến quyền của vụ nọ, cục kia?

- Cũng có cảm giác nhiều nghị định được các bộ chỉ đơn thuần copy lại các ĐKKD đã quy định trong thông tư, đưa lên thành nghị định, trình Chính phủ thông qua. Nếu thế rất nguy hiểm, không phù hợp tinh thần cải cách mà Chính phủ đề ra. Đánh giá các ĐKKD mà các bộ trình lên, tôi thấy có ba lo ngại lớn.

Thứ nhất, có thể thấy hệ thống ĐKKD hiện tại nặng về tiền kiểm, đặt ra yêu cầu để được gia nhập thị trường rất khó khăn, ngặt nghèo, buộc doanh nghiệp phải xin, phải đáp ứng. Một số quy định rất hình thức, như quy định về vốn tối thiểu, về kinh nghiệm và bằng cấp người đứng đầu, diện tích văn phòng, yêu cầu về kho bãi...

Thậm chí có ĐKKD quy định doanh nghiệp dù đang xin cấp phép để được hoạt động nhưng đã phải ký hợp đồng dài hạn với hàng chục lao động. Nó mâu thuẫn, gây tốn kém và rủi ro cho doanh nghiệp. Nhiều quy định rất chung chung, ví dụ yêu cầu phải “đúng theo quy định pháp luật” trong khi chẳng nêu rõ đó là quy định nào.

Rất nhiều quy định ĐKKD khác mang tính quy chuẩn như diện tích nhà xưởng, vị trí phù hợp quy hoạch... đáng ra nên đặt ra quy định về tiêu chuẩn, nhưng nhiều bộ lại đưa nó vào điều kiện để xin, phải xác nhận ban đầu rồi mới cấp phép...

Thứ hai, loại ĐKKD giảm cơ hội gia nhập thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới và bao bọc cho các doanh nghiệp cũ. Ví dụ như trong ngành công thương, ĐKKD trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng, nhập khẩu ôtô, xuất khẩu gạo...

Thứ ba là loại ĐKKD mập mờ, không minh bạch, định tính. Nhiều quy định chung chung như có thiết bị phù hợp với quy mô hoạt động. Đưa ra điều kiện đó khi thực hiện sẽ rất khó khăn, vì tỉnh này bảo thế này mới phù hợp, tỉnh khác bảo thế kia mới phù hợp. Hay, những điều khoản như phải tuân thủ “các yêu cầu khác”, “các hành vi bị nghiêm cấm khác...”.

Đây là điều khoản “quét” để khi cần xử lý anh nào, người ta sẽ tìm các quy định nào đó gần gần để xử lý, doanh nghiệp không lường trước được. Chúng tôi đã đề nghị bãi bỏ các ĐKKD như vậy.

Mới làm “cái nhỏ”, chưa đụng đến “cái lớn”

Đã có hơn hai ngày tranh luận, nhiều kiến nghị của VCCI được tiếp thu, ông có hài lòng?

- Chưa! Bản thân các ĐKKD trong 50 nghị định sắp ban hành dù đã tốt hơn so với dự thảo trước, nhưng phải nói thật: chưa thể vui mừng.

Tôi đánh giá rất cao vai trò của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp - với vai trò “gác cổng” trong thời gian rất ngắn, đã thẩm định, rà soát và đề nghị bãi bỏ, đơn giản, minh bạch hóa quy trình nhiều ĐKKD. Thời gian để các cơ quan nhà nước xem xét cấp phép hầu hết đã cắt lại chỉ còn 10 ngày, thay vì 45 ngày như dự thảo ban đầu đề xuất.

Trong cuộc họp, rất nhiều ĐKKD mà VCCI góp ý đã được tiếp thu. Thậm chí, riêng một nghị định của Bộ Tài chính có đến 9/10 kiến nghị của VCCI được tiếp thu.

Tuy nhiên, hiện tại nghị định chưa chính thức ban hành nên chúng tôi cũng chưa thể biết được các góp ý, đề xuất bãi bỏ các ĐKKD đến giai đoạn cuối cùng được tiếp thu đến đâu. Cũng còn nhiều vấn đề lớn khác mà trong thời gian hạn hẹp chưa thể đề cập tới hay thảo luận rốt ráo được.

Vấn đề lớn chưa được đề cập là gì? Theo ông, có nên có một cuộc tổng rà soát lại các ĐKKD?

- Đây là dịp nhìn lại các ĐKKD. Tôi nghĩ sau đợt này nhu cầu cải tiến ĐKKD lớn hơn bao giờ hết. Theo chúng tôi, tới đây cần xem xét sửa cả phụ lục số 4 của Luật đầu tư dù mới được ban hành, bởi nó nêu danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trước đây khi soạn thảo phụ lục này của Luật đầu tư có thể hơi vội vã, nhiều ngành nghề không nhất thiết cần là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng đã được đưa vào. Trên cơ sở đó, các bộ ngành buộc phải ban hành nghị định về ĐKKD. Nên cần sửa.

Vấn đề lớn nữa là trong nhiều lĩnh vực cần xem lại chức năng Nhà nước. Hiện nay nhiều nghị định quy định việc đào tạo, tập huấn, cấp giấy chứng nhận kiến thức... do các cơ quan nhà nước đứng ra, như đào tạo môi giới bất động sản hay chuyện đi xúc tiến thương mại.

Các bộ không nên ôm những chức năng như vậy, nên giao cho các trường, viện, hiệp hội hoặc doanh nghiệp thực hiện. Bộ chỉ nên giám sát. Tôi nghĩ cùng với quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp, các bộ, ngành cũng nên thoái sức khỏi các lĩnh vực họ không cần đầu tư người và nguồn lực vào đó.

Theo một nghiên cứu thì riêng trong các thông tư có trên 3.000 ĐKKD. Nếu tính cả trong các nghị định, pháp lệnh, luật thì có thể trên 6.000? Như thế có quá nhiều? Cần biện pháp mạnh nào trước thực trạng “giấy phép con”?

- Trước nay, “giấy phép con” cứ cắt giảm, sau đó lại mọc thêm, còn nhiều hơn. Chúng ta chỉ mới bàn đến các ĐKKD được “nâng cấp” từ thông tư lên nghị định, còn các ĐKKD có trong nghị định, pháp lệnh, luật... thì chưa bàn được.

Chúng ta mới quyết vấn đề nhỏ, cái lớn thì chưa có thời gian như thay đổi phương thức quản lý, trao quyền cho hiệp hội doanh nghiệp... Tới đây nên xem xét làm tiếp. Để cắt giảm ĐKKD tốt nhất nên có cơ quan độc lập đánh giá, tranh luận công khai, cái nào các bộ nói cần thiết thì phải chứng minh được, nếu không là bãi bỏ.

Đợt thảo luận vừa qua dù đã tiến bộ nhưng chưa mở rộng phạm vi công khai ra xã hội. Khi bàn đến những nghị định mang tính chuyên môn như kiểm toán, hàng không, hợp chuẩn... nếu để những doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành cùng thảo luận thì rõ hơn.

Có một phương pháp mà nhiều nước đã áp dụng và ngay cả VN cũng đã áp dụng, đó là phương pháp “máy chém”. Tức là, nhận thấy số thủ tục quá nhiều, Chính phủ đề ra con số cứng, yêu cầu cắt giảm 30% chẳng hạn, rồi các bộ căn cứ vào con số ấy tự cân nhắc bỏ bớt nhưng phải đảm bảo giảm được ít nhất 30%.

Trước đây, VN đã thực hiện phương pháp này khi Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính. Tôi cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này với ĐKKD. Điều này đúng với tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo là tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, kiên quyết xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận