Đừng ngộ nhận quyền được yêu thương

PHẠM PHÚC THỊNH 02/12/2016 23:12 GMT+7

Trên TTCT số 44, trong bài “Con cái chúng ta “bị xâm hại” tự nguyện” phân tích sự ngộ nhận của lứa tuổi teen về chuyện “yêu là cho đi”. Một ngộ nhận khác không kém nguy hiểm: “yêu là sở hữu”...

 

Trong những buổi trò chuyện với các bạn trẻ ở nhiều nơi, tôi nhận ra một điều là rất nhiều bạn tuy không nói ra một cách tường minh nhưng trong những chia sẻ của các bạn luôn ẩn chứa một thông điệp: Tôi có “quyền sở hữu” người yêu của tôi, chấp nhận yêu tôi nghĩa là cho tôi có “quyền sử dụng” người đó vô điều kiện.

Khi được hỏi: Bạn sẽ làm gì khi bị người yêu cho “nghỉ hưu”?, phần lớn cho rằng làm như thế là đã tước đi “quyền sở hữu”, “quyền sử dụng” và các bạn sẽ kiên quyết bảo vệ hai quyền đó bằng mọi giá, thậm chí có bạn còn tuyên bố thẳng “không yêu bạn ấy thì cũng chẳng thể yêu được ai khác”.

Nhiều bạn trẻ ngày nay - việc nói tiếng yêu quá dễ dãi - nên dường như đang có sự ngộ nhận những cái giống như tình yêu với tình yêu.

Nhiều bạn nghĩ rằng vì người yêu là một chủ thể thuộc quyền sở hữu của tôi nên tôi được phép bạo hành nếu người yêu không nghe tôi, nếu người yêu làm trái ý tôi, tôi có quyền sử dụng người yêu thế nào tùy thích, vì người đó phải làm như thế mới là thể hiện yêu tôi.

Để rồi đến một lúc nào đó tự nhiên trong các bạn hình thành quan niệm rằng có quyền sử dụng bạo lực để thể hiện bảo vệ “quyền sở hữu” và “quyền sử dụng” người tôi yêu, chấp nhận sự bạo lực đó với một lời tự an ủi rằng có yêu người ta mới làm như thế. Với cách suy nghĩ đó, những cách hành xử bạo lực trong tình yêu dần hình thành và dần được chấp nhận bởi kẻ bạo lực và người bị bạo lực “nhân danh tình yêu”.

Vì đánh giá quá cao bản thân nên đối với các bạn thất bại trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều là một sự sỉ nhục - đặc biệt là trong tình yêu - vì thế, tư tưởng “yêu không được thì diệt” được nhen nhóm trong lòng của mỗi bạn trẻ, như một cách phủ nhận sự thất bại của bản thân trước những sự cố của tình yêu, của cuộc đời.

Vậy, các bạn trẻ cần hiểu như thế nào về tình yêu để không có những chuyên đau lòng xảy ra khi yêu? Câu trả lời cực kỳ đơn giản: Tình yêu không bao giờ đi kèm với “quyền sử dụng” hoặc “quyền sở hữu”. Tình yêu chỉ có thể tồn tại trên một quyền duy nhất hết sức cơ bản là quyền được yêu thương.

Mọi hình thức bạo lực hoặc chấp nhận bạo lực nhân danh tình yêu đều là sự ngụy biện, đều là một điều gì đó giống như yêu nhưng không phải là tình yêu bởi vì khi sử dụng bạo lực người ta đã xóa đi quyền được yêu thương trên chính bản thân mình và trên người được cho rằng mình yêu.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần được giúp đỡ để tránh một sai lầm phổ biến thường hay gặp phải khi bị từ chối trong tình yêu, đó là sự cố tỏ bày tình yêu nồng cháy của mình bằng mọi cách.

Các bạn tỏ bày tình yêu bằng sự van xin, khóc lóc, đe dọa, thậm chí bằng cả những hành động thô bạo như gây hấn với tình địch, tìm cách khống chế ép buộc đối tác phải yêu mình, chiếm đoạt thể xác người mình yêu, hạ thấp hoặc tự hủy hoại bản thân mình để mong tìm được sự cảm thông tội nghiệp từ người kia và ngỡ rằng đó là tình yêu.

Các bạn không hiểu rằng tình yêu đích thực chỉ có, khi đó là sự trao tặng, không thể có được tình yêu từ sự đánh cắp van xin, trấn lột hay đe dọa.

Mọi thủ đoạn, hành động mang tính áp đặt trong tình yêu chỉ dẫn đến một kết quả hoàn toàn ngược lại với điều các bạn mong muốn, và đôi lúc làm cho các bạn vô tình vi phạm pháp luật và phải trả giá cho những toan tính của mình bằng những tháng năm dài sau song sắt nhà tù.

Tình yêu là một tình cảm tự nhiên ở mỗi con người, nhưng người ta cũng cần phải học yêu, học cách sử dụng quyền được yêu thương như học ăn, học nói, học đi... để không còn xảy ra những câu chuyện đau lòng về cách hành xử bạo lực nhân danh quyền sở hữu, quyền sử dụng trong tình yêu của mỗi người.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận