TTCT - Có những bộ suite, váy áo sang trọng, nhưng cũng có nhiều áo phông, quần cộc. Có người kè kè trên tay quyển tổng phổ to vật vã và có người mang theo bia, bánh kẹp. Ăn, uống, nằm, ngồi thoải mái trong giờ giải lao.-Ảnh: Thủy Phạm Có thể đứng, ngồi và thậm chí... nằm ngay trên sàn Royal Albert Hall, nhà hát hoàng gia có tuổi đời gần 140 năm, để thưởng thức màn trình diễn của những dàn nhạc và nghệ sĩ danh tiếng. Quang cảnh đi coi hòa nhạc như đi coi... đá banh thế này có lẽ chỉ có ở Proms, nước Anh. Cuộc săn vé rẻ Tháng 8-2004, lần đầu tiên tôi qua đất nước sương mù tìm hiểu về nghệ thuật đương đại theo giới thiệu của Hội đồng Anh. Giữa lúc đang thất vọng tràn trề vì vé các chương trình hòa nhạc, ballet ở Nhà hát ballet hoàng gia đã bán hết trước đó (vở ballet Hồ thiên nga của Đoàn múa Bolshoi chỉ còn vài vé sót, trên tổ chim tầng 6, tôi cố mua bằng được để rồi... nghe ballet vì vị trí ghế ngồi chỉ có thể nhìn lên trần nhà hát!) thì được nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh mách săn vé Proms. Với dân mê nhạc, nếu nhà hát O2 là thiên đường của các live show nhạc nhẹ của những ngôi sao “hot” hàng đầu thế giới thì Proms chính là thiên đường của các concert cổ điển và cổ điển đương đại. Proms, viết tắt của chữ Promenade Concerts - cuộc dạo chơi của các đêm hòa nhạc, diễn liên tục trong 8 tuần, từ tháng 7 tới đầu tháng 9 hằng năm, tại nhà hát gần 5.300 chỗ ngồi Royal Albert Hall ở trung tâm thủ đô London. Có khoảng 70 chương trình mỗi mùa, mỗi đêm một chủ đề, dàn nhạc, nhạc trưởng và các nghệ sĩ biểu diễn khác nhau đến từ nhiều vùng trong Vương quốc Anh và nhiều quốc gia trên thế giới, mà chỉ cần lướt qua dòng chương trình trên trang web chính thức của nhà hát thì các fan của dòng nhạc hàn lâm này khó có thể kìm được ham muốn (www.royalalberthall.com). Nhưng có lẽ Proms thú vị hơn cả với tôi, với những kẻ hoặc ví mỏng hoặc không có điều kiện mua vé sớm, mua vé theo mùa, là giá vé ở Proms rất rẻ nếu so với thị trường biểu diễn nói chung tại Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vé hạng nhất chỉ khoảng 47 bảng, tương đương 1,4 triệu đồng. Đặc biệt hơn, loại vé “siêu rẻ” chỉ mở bán trong ngày, có giá 6 bảng Anh, bằng đúng một nửa tiền phí chạy xe vào trung tâm London trong giờ cao điểm, đắt hơn tí đỉnh một ly cà phê. Tôi bắt đầu công cuộc săn vé Proms 6 bảng từ đầu giờ sáng. Đúng 9h, hệ thống bán vé online dành cho loại vé siêu rẻ này bắt đầu mở bán tới khi hết vé. Tuy nhiên, mỗi người chỉ được mua một vé trong một ngày. Hệ thống bán vé kiểm soát việc ấy bằng cách cấp cho mỗi người mua một tài khoản sử dụng trên một máy tính nhất định. Ngày giữa tuần thì còn đỡ, gặp phải ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy) và nhất là chương trình hấp dẫn, như bữa vừa tối thứ sáu lại vừa có dàn nhạc từ nhà hát opera cổ nhất châu Âu La Scala (Milan) sang trình diễn, tôi nhấn nút mua vé đúng 9h mà đã thấy mình xếp hàng thứ một ngàn năm trăm bao nhiêu! Hồi hộp chờ, may mắn cuối cùng vẫn mua được thì dự đoán số vé siêu rẻ mỗi chương trình cũng phải tiêu thụ tới 2.000, thậm chí hơn - tương đương số ghế của nhà hát Hòa Bình. Quang cảnh trong nhà hát như một sân bóng - một giấc mơ có thực đối với dòng nhạc hàn lâm.-Ảnh: Thủy Phạm Quần cộc, áo thun vào chốn phù hoa Loại vé siêu rẻ không có ghế, nhưng vị trí siêu tốt vì ngay trước sân khấu. Mua vé loại này có thể đứng, ngồi, nếu tiện thì có thể... nằm mà thưởng thức. Tôi đã ngạc nhiên rồi thích thú khi chứng kiến mấy cặp khán giả loại vé siêu rẻ già tới mức vừa vào trong nhà hát đã tìm cách ngồi bệt xuống sàn, và giờ giải lao thì rất khó khăn mới dìu nhau đứng dậy được. Có cặp bạn trẻ áo phông quần cộc, trên tay cầm quyển tổng phổ dày cộp, giờ giải lao tranh luận sôi nổi, chắc cả hai là sinh viên trường nhạc. Lại có người nằm dài trên sàn, ngón tay trên ngực cứ chạy nốt như đang biểu diễn cùng nghệ sĩ trên sân khấu. Giờ giải lao, mọi người thoải mái uống bia (trong nhà hát có khu vực bán bia tươi luôn), giở đồ ăn nhẹ mang theo ra ăn hay trò chuyện. Quang cảnh trong nhà hát mà giống như ngoài sân banh. Số khán giả cả ngồi lẫn đứng có khi phải lên tới 7.000-8.000 người, một con số không tin nổi với những đêm nhạc hàn lâm. Rồi cũng “nổ tung cầu trường” vào phút kết thúc những tiết mục xuất sắc: không chỉ vỗ tay, mọi người còn giậm chân theo nhịp xuống sàn như điệu nhảy cricket (!) khiến cả nhà hát hoàng gia Albert Hall rầm rầm vang động chả khác gì không khí của những đêm nhạc rock. Nó khác xa với không khí “quý tộc” của những đêm hòa nhạc mà tôi may mắn có dịp trải qua ở thính phòng Carnegie Hall (New York), hay nhà hát opera cổ nhất châu Âu La Scala (Milan) - nơi ngựa xe dập dìu, áo quần tha thướt trước giờ diễn, rồi trước khi vào khán phòng bạn sẽ qua phòng gửi đồ, gửi áo choàng, rồi điệu đàng và từ tốn ngồi xuống những chiếc ghế bọc nhung trong các lô ngồi sang trọng, rồi giơ những cái ống nhòm xinh xinh lên sao cho sành điệu... Ảnh: Thủy Phạm Gầy dựng khán giả Một cổ điển gần gũi cho tất cả, đó là Proms. Gọi Proms là lễ hội âm nhạc “dân chủ nhất thế giới”, nhạc trưởng người Czech Jiri Belohlavek có lẽ không thể chọn từ nào để bình phẩm chính xác hơn. Thật thú vị khi lễ hội âm nhạc dân chủ nhất thế giới ấy lại diễn ra ở đất nước bị xem là bảo thủ nhất thế giới. Cũng cần phải nhìn lại lịch sử 122 năm (từ năm 1895) để thấy từ sáng kiến của một số nhà soạn nhạc, Proms đã trở thành cây cầu đưa thế giới âm nhạc hàn lâm đến với công chúng phổ thông như thế nào; hay nói cách khác, người Anh đã nuôi dưỡng các giá trị âm nhạc nền tảng trong đại chúng ra sao. Từ khi nhận thấy sự sang trọng, cầu kỳ của các chương trình thính phòng cổ điển gần như chỉ còn dành cho giới quý tộc, thượng lưu, từ những năm cuối thế kỷ 19 một số nhà soạn nhạc Anh quốc, trong đó người có công lớn nhất là Henry Wood (Proms hay còn được gọi là Henry Wood Proms để ghi nhớ công lao của một trong những người theo đuổi gần cả cuộc đời cho chương trình này) với sự hỗ trợ của một vài nhà tài trợ đã xây dựng Proms nhằm thu hút đại chúng đến với nhạc cổ điển bằng các chương trình dễ nghe, giá vé rẻ cùng với không khí thưởng thức thoải mái, bình dân. “Trước tiên là phổ thông, rồi nâng cao dần tiêu chuẩn tới khi tạo nên một lớp công chúng cho âm nhạc cổ điển và hiện đại” (Popular at first, gradually raising the standard until I have created a public for classical and modern music) - câu nói của Henry Wood cũng được xem là slogan của Proms. Khán giả tới các đêm Proms có thể ăn uống, thậm chí hút thuốc trong giờ giải lao - chuyện có tưởng tượng cũng không ra trong các nhà hát hoàng gia trước đó. Âm nhạc hàn lâm không chỉ dành cho giới quý tộc, nó được phổ cập chả khác gì pop, rock. Proms đã làm điều đó - xây dựng khán giả cho dòng nhạc không tự dưng mà có khán giả này - suốt 122 năm qua, bởi vậy không có gì khó hiểu khi khán phòng Royal Albert Hall các đêm Proms luôn lấp đầy không chỉ hơn 5.000 ghế ngồi, mà còn hàng ngàn vé đứng. Từ năm 1927, BBC chính thức “thầu” lại Proms, biến nó thành sự kiện lớn nhất trong năm của tập đoàn truyền thông này. Các buổi diễn tại Royal Albert Hall từ đó cũng được phát sóng trên nhiều kênh phát thanh và phát hình của BBC. Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh cho biết kinh phí để tổ chức chuỗi chương trình trong 8 tuần/năm này vào khoảng 10 triệu bảng Anh (300 tỉ đồng), trong đó một nửa từ nguồn quỹ sản xuất chương trình của BBC, phần còn lại là tiền bán vé. Tinh thần đưa nhạc cổ điển, đưa âm nhạc hàn lâm gần gũi hơn nữa với đại chúng tiếp tục được BBC đẩy mạnh ở Proms những năm gần đây. Bên cạnh các nghệ sĩ biểu diễn cổ điển, Proms đưa thêm vào một số đại diện pop-rock, thậm chí cả nhạc dance - điều mà, cũng theo nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, đã gây không ít tranh cãi tại Anh, nơi có tiếng là bảo thủ, nhưng cũng chính là nơi ra đời của những khuynh hướng nghệ thuật tiên phong. “Chat với Mozart” (đặt lời hát cho các trích đoạn nhạc cổ điển), Hòa nhạc đường phố Luala (đưa hòa nhạc thính phòng ra khỏi nhà hát) hay màn “Tập làm nhạc trưởng” trong chương trình Hòa nhạc Toyota cũng mang tinh thần Proms ấy. Tiếc vì những nỗ lực như vậy quá cô đơn và bé nhỏ, một vài hạt cát nếu so với 122 năm Proms. Và nó hoàn toàn không nằm trong sự lựa chọn của các đài phát thanh, đài truyền hình. Bolero dĩ nhiên ăn khách hơn cổ điển nhiều.■ Tags: Hòa nhạc ở AnhRoyal Albert HallProms
Tháng 2-2025 Quốc hội sẽ sửa một số luật để tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, giữa tháng 2-2025 Trung ương họp và cuối tháng 2 sẽ họp Quốc hội bất thường để sửa một số luật liên quan tinh gọn bộ máy.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Độc đáo cà phê nước mắm nhĩ Nam Ô, khách thích mê vì vừa lạ, vừa ngon THANH THÙY 10/12/2024 Sự kết hợp độc đáo giữa nước mắm nhĩ Nam Ô cô đặc cùng cà phê rang xay đã mang đến hương vị mới lạ cho thức uống vốn quen thuộc của người Việt Nam.
Tin tức thế giới 10-12: Israel chiếm đất Syria, Ai Cập lên án; Mỹ lên tiếng 'có lợi ích' ở Syria BÌNH AN 10/12/2024 Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại Anh bị bác; Thái Lan bước đầu chặn được làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.